Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/10/2019

Vay nợ mới trả nợ cũ : cái vòng luẩn quẩn biết bao giờ thoát ly

Tổng hợp

Chính phủ Việt Nam phải vay nợ mới để trả nợ cũ (BBC, 22/10/2019)

Trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội Việt Nam khóa XIV, chính phủ Việt Nam cho hay, dự báo đến cuối năm 2019 nợ công ở mức 56,1% GDP, giảm so với mức 58,4% GDP năm 2018.

Chính phủ cũng dự báo tỉ lệ nợ công năm 2020 còn giảm nữa, ở mức 54,3% GDP, theo truyền thông Việt Nam.

vay1

Nợ công được cho là thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam

Nợ công giảm, nhưng vay lại tăng lên. Chính phủ Việt Nam vừa tuyên bố dự kiến vay thêm gần 460 ngàn tỷ đồng vào năm 2020. Trong đó, một phần là vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương, một phần để trả nợ gốc, và một phần vay để nhận nợ Bảo hiểm xã hội.

Vì sao lại có chuyện tưởng như 'ngược đời' như vậy ?

Vay nợ mới để trả nợ cũ

Vấn đề là dù nợ công giảm trên báo cáo, nhưng khả năng trả nợ lại là một vấn đề khác đáng lưu tâm, theo Vietnamnet.

Áp lực trả nợ của chính phủ Việt Nam ngày càng lớn và tiền làm ra không đủ trả nợ, không đủ bù chi, khiến chính phủ phải vay nợ mới để trả nợ cũ.

Theo báo cáo, dự kiến Chính phủ có nghĩa vụ trả nợ khoảng 379 ngàn tỷ đồng vào năm 2020 và nghĩa vụ trả nợ của ngân sách đang ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn nước ngoài, rất chậm. Việc này làm ảnh hưởng đến tăng trưởng nguồn vốn vay, trong khi nhà nước vẫn phải chịu chi phí cho các khoản vay đã ký và chưa giải ngân.

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phát biểu hồi tháng 6/2019 rằng "một trong các vấn đề tác động đến sự an toàn nợ công của Việt Nam là việc các khoản vay sắp đến hạn trả".

Ví dụ, nhiều khoản vay trong nước cơ bản phải trả vào năm 2020 - 2021 ; một số khoản vay ODA phải trả nợ gốc vào năm 2020… làm gia tăng áp lực trả nợ vào thời gian tới.

Nhu cầu trả nợ gốc gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2017 là 144 ngàn tỷ đồng, 2018 là hơn 146 ngàn tỷ đồng, năm 2019 xấp xỉ 200 ngàn tỷ đồng và dự kiến năm 2020 là 379 ngàn tỷ đồng.

Điều đáng nói là, dù thu ngân sách hàng năm vẫn liên tục tăng cao, nhưng vẫn không bù nổi chi, theo Bộ Tài chính.

Năm 2019, thu ngân sách dự kiến thấp hơn chi ngân sách 222 ngàn tỷ đồng. Chính vì thế mà chính phủ Việt Nam dự kiến năm 2020 sẽ phải vay để bù đắp bội chi ngân sách và trả nợ gốc 2019 lên tới hơn 460 ngàn tỷ đồng.

Con số này năm 2018 mới là 363 ngàn tỷ đồng và năm 2017 là 340 ngàn tỷ đồng.

Rủi ro kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam nhận định rằng, việc chính phủ nước này tiếp cận với các số khoản vay mới theo điều kiện thị trường có lãi suất thả nổi làm tăng rủi ro cũng như chi phí vay.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khi thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước 2017 đã lưu ý rằng, tổng số nợ công năm 2017 vẫn tăng so với 2016 trên 200 ngàn tỷ đồng, quy mô nợ tiếp tục tăng qua các năm, theo tường thuật của Vietnamnet.

Trong khi đó, ngân sách trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu trả lời đài VOA rằng, vay nợ mới để trả nợ cũ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế quốc gia.

Ông Hiếu nói : "Dùng nợ cũ để trả nợ mới ở Việt Nam gọi là tái cơ cấu nợ. Nhưng nếu chúng ta sử dụng 'tái cơ cấu nợ' chỉ để trì hoãn việc trả nợ thì điều này rất nguy hiểm vì đến cuối cùng dư nợ cứ thế tăng mãi. Cái rủi ro, cái nguy hiểm của tái cơ cấu nợ là chúng ta có một cái ảo tưởng là mình có trả nợ, nhưng thực tế là nợ càng ngày càng lớn, và nó tạo ra rủi ro về tài chính cho quốc gia".

Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng đây là một vấn đề 'rất nguy hiểm,' và rằng để giải quyết tình trạng nợ công, Việt Nam cần cắt giảm chi thường xuyên và tinh giản bộ máy.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) thông báo về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện ở mức Ba3).

Cơ sở để Moody's đưa ra xem xét này là đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.

*******************

Chính phủ Việt Nam sẽ vay thêm gần 460.000 tỷ đồng trong năm 2020 (RFA, 22/10/2019)

Chính phủ Việt Nam mới đây cho biết sẽ phải vay khoảng 459.000 tỷ đồng trong năm 2020 để bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ tiền vay.

vay2

Hình minh họa. Một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội đang đếm đô la. HÌnh chụp hôm 26/11/2009 - AFP

Báo cáo về nợ công năm 2020 của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra ở Hà Nội cho thấy, Hà Nội sẽ dành 217.800 tỷ đồng tiền vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương ; khoảng 217 tỷ đồng để trả nợ gốc của ngân sách trung ương và 9.100 tỷ đồng để nhận nợ Bảo hiểm xã hội.

Theo dự báo, nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2020 sẽ chiếm khoảng 54,3% GDP, nợ chính phủ chiếm khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP là khoảng 45,5%.

Theo truyền thông trong nước, những tỷ lệ này vẫn nằm trong giới hạn an toàn, tuy nhiên, việc gia tăng vay nợ mới, trả nợ cũ và bù đắp chi tiêu đang tìm ẩn khá nhiều rủi ro.

Theo tính toán của chính phủ, tính đến cuối năm 2019, nợ công ở mức 56,1% GDP và nợ chính phủ ở mức 49,2% GDP.

Báo cáo của Chính phủ thừa nhận nợ công tiếp tục giảm so với các năm trước một phần là do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn nước ngoài rất chậm.

Chính phủ Việt Nam cũng cho biết các nhà tài trợ đang điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn sẽ tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đây. Trong 5 năm tới, các khoản vay ODA sẽ giảm dần, và tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư.

Quay lại trang chủ
Read 438 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)