Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/10/2019

Cát Linh-Hà Đông , xe đạp Trung Quốc, lòng từ thiện giảm, ngại sinh con

Tổng hợp

Bộ Giao thông muốn kéo dài tuyến Cát Linh-Hà Đông, dân phản đối (VOA, 23/10/2019)

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội "đang được nghiên cứu kéo dài" thêm 20 kilomet, báo chí trong nước cho hay hôm 22/10, trích dẫn một báo cáo của chính phủ Việt Nam gửi tới Quốc hội.

catlinh1

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông trong thời gian vận hành thử ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Cafe.vn)

Báo cáo do Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể ký nói tuyến đường sắt đô thị hiện có chiều dài 14 km có thể sẽ được xây thêm để nối tới thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Dự án Cát Linh-Hà Đông được bộ phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu đô la Mỹ), sử dụng vốn vay viện trợ ODA của Trung Quốc.

Được dự kiến hoàn thành vào năm 2013, nhưng dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện - theo điều kiện ràng buộc của khoản vay - bị chậm tiến độ tới 6 năm và đội vốn hơn gấp đôi, lên thành 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu đô la).

Ở thời điểm cuối tháng 10/2019, dự án vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đánh giá an toàn và nghiệm thu để khai thác thương mại.

"…tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác", báo cáo cho hay, theo các bản tin trong nước.

Nhiều người dân Việt Nam đang phản đối ý tưởng kéo dài tuyến Cát Linh-Hà Đông bằng cách bày tỏ ý kiến qua Facebook cá nhân hoặc các diễn đàn mạng xã hội như Góc nhìn Báo chí-Công dân hay Diễn đàn Nhà báo và Chính sách.

Một số người đặt câu hỏi rằng dự án gốc dài 14 km phải mất 11 năm xây dựng mà vẫn chưa đưa vào sử dụng, vậy kéo dài 20 km nữa "bao giờ dự án mới xong?". Trong khi đó, một số người khác lo ngại về thực trạng "nợ chồng lên nợ" khi dự án hiện nay còn chưa trả nợ xong, Bộ Giao thông-Vận tại lại đề xuất ra ý tưởng về dự án mới.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng đây là một "chiêu trò" của một số quan chức nhằm "tham nhũng thêm", gây "gánh nặng" cho ngân sách, cho nhân dân.

Không ít người khẳng định dự án Cát Linh-Hà Đông - đang trong tình trạng chưa biết bao giờ mới có tàu chạy - là một "bảo tàng về sự thất bại, về sự bê bối" nói lên khả năng xây dựng của nhà thầu Trung Quốc lẫn về khả năng quản lý của nhà chức trách Việt Nam.

"Lũ khốn nạn", "hại nước", "hại dân" là những từ được nhiều người dùng để nói về nhà thầu và các quan chức liên quan đến dự án.

catlinh2

Một đoàn tàu trong ga thuộc tuyến Cát Linh-Hà Đông chưa đưa vào sử dụng

Facebooker Lê Dũng Vova có nhiều ảnh hưởng đưa ra lý giải với VOA về phản ứng của người dân :

"Người ta đã thấy sự bết bát trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Người dân quá chán ngán rồi. Dự án này làm cho người dân Việt Nam nhìn thấy cách làm của nhà thầu Trung Quốc nó quá bê bết. Và ngay cả việc quản lý của Bộ Giao thông-Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nó giống một bê bối không thể chấp nhận được. Người dân và báo chí đều coi dự án này giống như nỗi nhục trong ngành giao thông".

Ông Dũng, người có tổng cộng 21 năm kinh nghiệm làm nhà thầu xây dựng và từng là tư vấn quản lý cho hãng Delta, Mỹ, bình luận thêm rằng ý tưởng của Bộ Giao thông-Vận tải thật "điên rồ".

Nay là nhà báo độc lập điều hành một kênh truyền hình trên mạng xã hội được nhiều người theo dõi, ông Dũng đưa ra dự đoán rằng việc kéo dài tuyến hơn gấp đôi sẽ không phải là bước đi dễ dàng :

"Tôi nghĩ rằng ý tưởng của Bộ Giao thông-Vận tải ở thời điểm này mà trình ra quốc hội thì hơi khó thông qua tại vì những cái các ông đã làm ở dự án này đang làm cho quốc hội đau đầu. Những chứng tích về dự án Cát Linh-Hà Đông giống như một bảo tàng về sự bê bối trong quản lý. Cho nên là rất khó để qua mặt được quốc hội".

Với thực trạng dự án bị chậm tiến độ nhiều năm và đội vốn lên hơn gấp đôi nếu tính bằng tiền đồng Việt Nam, hoặc gấp rưỡi nếu tính bằng đô la Mỹ, trong thời gian tới, trung bình một năm Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay, theo thông tin do Bộ Tài chính Việt Nam công bố hồi đầu năm 2018.

Trong một bài viết trên trang cá nhân hồi cuối tháng 3/2019, Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu bày tỏ rằng ông và nhiều người Việt "đau xót và căm giận khôn tả" khi nói về đường sắt Cát Linh-Hà Đông, thậm chí càng phẫn nộ, rầu lòng khi so sánh với một tuyến metro nửa ngầm nửa trên ở Jakarta, Indonesia.

Theo tìm hiểu của VOA, tuyến metro mới vận hành ở thủ đô Indonesia có chiều dài gần 16 km, xây trong 5 năm rưỡi, từ tháng 10/2013 đến tháng 3/2019, với số vốn hơn 1,1 tỷ đô la vay từ Nhật.

Vị tiến sĩ có tổng cộng hơn 31.000 người theo dõi trên Facebook đưa ra thông điệp gửi đến Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể rằng "hãy tránh xa Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh "dính vào các nhà thầu Trung Quốc là sẽ thành phá hoại".

*****************

Xe đạp Trung Quốc "Made in Vietnam" xuất đi Mỹ (RFA, 22/10/2019)

Hơn 300 chiếc xe đạp Trung Quốc thực hiện công đoạn lắp ráp cuối cùng tại Việt Nam, gắn "Made in Vietnam" chuẩn bị xuất đi Mỹ đã bị bắt giữ tại Bình Dương. Báo trong nước đưa tin hôm nay, 22/10/2019.

vn1

Xe đạp Trung Quốc gắn xuất xứ Việt chuẩn bị xuất đi Mỹ bị bắt giữ tại Bình Dương - Photo : Báo Thanhnien

Theo đó, hôm 21/10, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan kiểm tra, phát hiện một lô hàng xe đạp xuất khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam tổng trị giá trên 26.000 USD của Công ty trách nhiệm hữu hạn xe đạp E. chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Cũng theo truyền thông trong nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn xe đạp E. là một doanh nghiệp của Trung Quốc, đã nhập toàn bộ sản phẩm linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam và chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp giản đơn cuối cùng của sản phẩm tại Việt Nam, sau đó tráo xuất xứ trước khi xuất khẩu.

Từ đầu năm nay, Bộ Công thương đã lo ngại xe đạp điện Trung Quốc gắn mác Việt xuất sang EU để né thuế. Bộ này đã trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.

VnEconomy trích khuyến nghị của Bộ Công thương rằng, "Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại tại một số thị trường nhập khẩu".

Hiện Trung Quốc là nước đang có chiến tranh thương mại với Mỹ. Hàng hóa Trung Quốc phải chịu thuế nặng từ Mỹ trong cuộc chiến này. Nhiều công ty Trung Quốc đã tìm cách đưa hàng vào Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế.

*******************

Báo cáo : Người Việt Nam ít hào phóng (RFA, 22/10/2019)

Người Việt Nam được cho là ít hào phóng hơn những người dân của các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á xét theo Chỉ số Từ thiện Toàn cầu, qua đánh giá của Quỹ Viện trợ Từ thiện (Charities Aid Foundation - CAF).

vn2

Các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang chờ nhận tiền từ thiện ở chùa Liên Trì, thành phố Hồ Chí Minh. Hình chụp ngày 09/04/15. AFP

CAF, một tổ chức từ thiện phi chính phủ có trụ sở ở Anh, vừa phổ biến trong tuần rồi một bảng xếp hạng về Chỉ số Từ thiện Toàn cầu, trong đó Việt Nam xếp thứ 84 trên 128 nền kinh tế với chỉ số tổng quan là 26%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Myanmar (xếp thứ 2), Indonesia (xếp thứ 10), Thailand (xếp thứ 21), Malaysia (xếp thứ 30), Philippines (xếp thứ 33) và Singapore (xếp thứ 46).

Việt Nam chỉ được xếp hạng trên một nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á là Campuchia.

CAF đã tiến hành khảo sát hơn 1,3 triệu người của 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới từ năm 2009 đến năm 2018.

Kết quả khảo sát của CAF cho thấy 42% người Việt Nam sẵn sàng giúp ngời lạ, trong khi chỉ có 23% quyên tiền cho từ thiện và 12% cho biết họ dành thời gian để giúp các tổ chức từ thiện.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố hồi năm ngoái, Việt Nam có 9 triệu người sống trong tình trạng rất nghèo khổ, chỉ kiếm được ít hơn 2 đô la Mỹ (USD)/ngày.

Còn theo báo cáo của Knight Frank năm 2019, Việt Nam hiện có 142 cá nhân cực kỳ giàu có với giá trị tài sản ròng hơn 30 triệu USD trong năm 2018.

****************

Vì sao người Việt Nam không muốn sinh thêm con ? (RFA, 21/10/2019)

25 năm kế hoạch hóa dân số

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII trong Hội nghị lần thứ 4, vào hôm 14/01/1993 đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Một trong những nguyên nhân chính mà chính sách này được ban hành là do vào thời điểm đó Việt Nam đứng đầu Châu Á về tỷ lệ nạo, phá thai ; đồng thời giải quyết vấn đề phân bổ dân số, nâng cao chất lượng dân số và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

vn3

Một khẩu hiệu kế hoạch hóa dân số ở Việt Nam. Courtesy : giadinhvanhoa.com.vn

Người Việt Nam rất coi trọng việc sinh con để duy trì nòi giống và luôn quan niệm con cháu là phúc đức Trời ban cho. Mặc dù từ ngàn xưa dân gian luôn cho rằng "trời sanh voi sanh cỏ", nhưng bởi do quan điểm "nhất nam viết hữu thập nữ viết vô", đã góp phần không nhỏ khiến cho Việt Nam có tỷ lệ nạo, phá thai cao nhất ở Châu Á cách đây từ hơn 2 thập niên qua.

Thế nhưng, kể từ khi Việt Nam ban hành chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình với khắp nơi nơi từ thành thị đến nông thôn ngập tràn các biển khẩu hiệu "Kiên trì thực hiện mục tiêu mỗi gia đình chỉ có từ một tới hai con", "Con gái hay con trai đều là niềm vui, hạnh phúc của mỗi gia đình", "Dù gái hay trai chỉ hai là đủ"…cùng nhiều chương trình tuyên truyền khác dần dà làm thay đổi quan điểm sinh nhiều con của người Việt Nam. Đặc biệt, giới công nhân viên chức, nếu sinh hơn hai con thì họ không được xét duyệt lao động tiên tiến mỗi cuối năm.

Theo số liệu Tổng cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình, thuộc Bộ Y tế ghi nhận, trong hơn 20 năm thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam hạn chế được hơn 27 triệu người và trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sinh nở chỉ sinh 2,1 con.

Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già dân số.

Bộ Y tế đã soạn thảo một Dự luật Dân số mới và cho biết các chuyên gia đề xuất nới lỏng chính sách sinh hai con trong Dự thảo luật này, theo đó các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con sẽ sinh, thời gian và khỏang cách giữa các lần sinh và Chính phủ quy định giảm sinh ở những tỉnh thành có mức sinh cao, ngược lại khuyến khích các vợ chồng sinh đủ 2 con ở vùng có mức sinh thấp.

Tâm lý ngại sinh con

Đài RFA ghi nhận trong nhịp sống chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp trong quá trình Việt Nam thực hiện đổi mới theo chủ trương "công nghiệp hóa-hiện đại hóa", dân chúng tại Việt Nam cũng bị thay đổi tâm lý ngại sinh con giống như một số quốc gia công nghiệp trên thế giới, gần nhất là các quốc gia ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Một Tiến sĩ trong ngành giáo dục, không muốn nêu tên, cư ngụ tại Sài Gòn nói với RFA rằng ở độ tuổi ngoài 40, có hai đứa con gái nhỏ là quá đủ cho gia đình ông, và quyết định không sinh thêm con của vợ chồng ông không phải là trường hợp cá biệt. Vị Tiến sĩ ẩn danh chia sẻ thêm :

"Hồi xưa, quan niệm của những người bà mà mình từng quen biết thì cho rằng đẻ cho hết trứng. Thậm chí nói như vậy đó. Còn bây giờ gần như không có khái niệm là người ta muốn đẻ nhiều. Có thể là do áp lực cuộc sống. Không biết nếu cuộc sống thoải mái thì người ta có muốn đẻ không nhưng mình đi mình gặp toàn những con người bận rộn với công việc thì người ta không muốn đẻ nhiều. Tất nhiên, cũng có nhiều người thích có con đồng thì vui nhưng mà không có thời gian ; nhất là người lớn tuổi nữa, cứ nghĩ bây giờ đẻ con ra mà mình già rồi còn con nhỏ xíu thì rất tội nghiệp cho con".

Bà An, một người mẹ U40 của hai cậu con trai nhỏ cũng ở Sài Gòn cho biết áp lực cuộc sống mà bà đang rất vất vả vừa đi làm vừa phải chăm con, trong khi việc thuê mướn người giúp việc vừa ý thay mình chăm sóc con cái không phải là điều dễ dàng. Bà An cho biết :

"Cực lắm ! Nuôi đứa con bây giờ đủ thứ chuyện hết. Đưa đón đi học, lớn lên một chút thì tôi suốt ngày ở ngoài đường thôi. Đưa đi, rước về. Ăn uống…Hồi xưa đâu có học thêm nhiều như bây giờ. Hè thì cứ học suốt. Phải tranh thủ từng chút một mới có thời gian cho con đi chơi. Không học thì con không chịu vì con sợ không bằng bạn bè".

vn4

Một phụ nữ chở hai con dưới trời mưa ở Huế. Hình chụp ngày 27/04/19. AFP

Đài RFA cũng tìm kiếm trao đổi với một số gia đình được hai bên nội, ngoại hỗ trợ trong việc phụ giúp nuôi con. Chúng tôi cũng được nghe bà Lê Thị Năm, một giáo viên về hưu ở Cần Thơ, hiện giúp hai con gái đưa rước hai đứa cháu ngoại đi học mỗi ngày nói rằng :

"Ông bà ngày xưa có con là sanh đẻ được bao nhiêu thì cứ đẻ, nhưng mà cái chuyện là nuôi nỗi hay không. Tại vì bây giờ một đứa đi học cũng tốn tiền nhiều lắm. Đúng ra là với khả năng kinh tế thì không nên sanh nhiều, mới nuôi con được trọn vẹn".

Cô giáo nghỉ hưu Lê Thị Năm còn nhấn mạnh tuy mình từng sinh nở và nuôi dạy 3 đứa con khôn lớn trong thời kỳ bao cấp khó khăn hơn cuộc sống hiện tại rất nhiều, tuy nhiên với cuộc sống tất bật như bây giờ và với nhiều áp lực như công việc, kinh tế, thời gian, và cả sự chịu đựng đau đớn, vất vả của người phụ nữ thì cô giáo Năm không khuyến khích con của mình sinh thêm đứa thứ hai, dù bà sẵn sàng giúp đỡ trông cháu. Cô giáo Năm tâm tình :

"Nói vậy chứ mình đâu có sống hoài để tiếp con cháu được đâu. Tới một ngày nào đó rồi không còn sức khỏe nữa hay chết rồi thì cũng đâu có phụ giúp nuôi được. Cho nên do mấy đứa con tụi nó liệu thôi".

Vẫn không muốn sinh thêm dù được hỗ trợ ?

Tổng cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình tiến hành một cuộc khảo sát, lấy ý kiến về mong muốn sinh con của người Việt Nam. Và trên trang điện tử của cơ quan này tính đến chiều ngày 24/09/19 cho thấy có 14.400 ý kiến với hơn 49% muốn có 2 con, gần 43% mong có 3 con trở lên, 5,09% muốn có 1 con và hơn 1,5% không muốn sinh con.

Vào hôm 27/9 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, ông Nguyễn Doãn Tú trong một cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online cho biết hiện Tổng cục Dân số Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích sinh con, chẳng hạn như phụ nữ ở khu vực sinh con thấp được tăng thời gian nghỉ khi sinh con hay có trợ cấp xã hội ; khu công nghiệp hay khu chế xuất quy mô ở một mức độ nào đó thì bắt buộc có nhà trẻ, trường học… Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 cũng có nhiều thay đổi và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/19, như khi vợ sinh con thì chồng được hưởng trợ cấp và nghỉ chế độ thai sản nhiều hơn trước đây.

Mặc dù vậy, tại những khu vực được ghi nhận là vùng có tỷ lệ sinh con thấp như thành phố Hồ Chí Minh, khu vực miền Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, qua tìm hiểu, chúng tôi được các gia đình, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh con không tỏ ra phấn khởi trước những chính sách khuyến khích sinh con của Nhà nước.

Bà An còn nhấn mạnh bản thân muốn sinh thêm con nếu có điều kiện, nhưng :

"Nếu được ở nhà thì tôi sẽ sanh nữa, vì tôi thích em bé, thích có con. Nhưng mà mình sợ xã hội bây giờ bị nhiều bệnh do thực phẩm, thức ăn không an toàn nên lo sợ không biết nuôi con có tốt không ? Vậy mà sợ, không dám sanh. Đủ thứ bệnh hết trơn. Sanh đứa con nhỏ mà hôm nay sốt, mai sốt là thấy lo rồi. Chứ còn như mình sống ở một xã hội sạch sẽ hơn, hiện đại hơn thì có thể cân nhắc việc sanh thêm con được dễ. Đằng này ở đây thì môi trường ô nhiễm cũng nhiều, thực phẩm cũng không an toàn, bệnh hoạn…Thôi, không dám sanh đâu. Sanh ra tội nghiệp nó".

Bí thư thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân hồi trung tuần tháng 9 đã tuyên bố rằng "Nếu người phụ nữa không sinh được hai con thì đất nước đó sẽ ngày càng chao đảo".

Báo giới Việt Nam vào trung tuần tháng 10 còn đồng loạt đăng tải cảnh báo của các nhà khoa học dự báo tốc độ già hóa dân số của Việt Nam sẽ tăng thuộc hàng nhanh nhất thế giới và Việt Nam chỉ mất khoảng 20-22 năm để chuyển từ "giai đoạn già hóa dân số" sang "giai đoạn dân số già".

Quay lại trang chủ
Read 581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)