Nguyễn Bắc Son bỏ túi gần 4 triệu đô la sau thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG (RFA, 23/10/2019)
Ông Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông bị cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu 900 ngàn đô la Mỹ trong thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.
Cựu Bộ trưởng Thông Tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son - Ảnh ghép minh họa
Báo tiền phong loan tin ngày 23/10, trích cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ghi nhận lời khai các bị can trong vụ án.
Cụ thể, sau khi tạo điều kiện để thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG thành công với mức giá cao hơn thực tế, khiến Nhà nước thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng, ông Nguyễn Bắc Son - Bộ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông lúc bấy giờ đã nhận được tiền biếu, tặng trị giá lên đến 3 triệu đô từ ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch AVG và 700.000 đô từ ông Lê Nam Trà - Chủ tịch MobiFone cùng với 200.000 đô từ ông Cao Duy Hải - Tổng Giám đốc MobiFone.
Ngoài ra, ông Trương Minh Tuấn - Bộ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông hiện nay cũng đã nhận từ ông Vũ 200.000 đô.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bắc Son nói chỉ nhận 200.000 đô từ ông Lê Nam Trà trong dịp Tết Âm lịch 2016 và 200 triệu đồng của ông Lê Duy Hải đợt lễ 30/4/2015.
Về phần 3 triệu đô ông Phạm Nhật Vũ đưa để ‘cảm ơn’, ông Son khai đã đưa con gái đi đầu tư và dặn không được gửi tiết kiệm nhưng con gái ông Son không thừa nhận cầm tiền của bố nên vụ việc sẽ được làm rõ tại phiên tòa vụ án.
Còn về phần ông Lê Nam Trà và ông Cao Duy Hải, cả 2 người đều đã nộp lại khoản tiền 2,5 triệu đô và 500.000 đô nhận từ Chủ tịch công ty AVG cho cơ quan điều tra.
Trong cáo trạng, năm 2015, công ty AVG do ông Phạm Nhật Vũ làm Chủ tịch đã tác động với 2 người đứng đầu MobiFone là ông Lê Nam Trà - Chủ tịch và ông Cao Duy Hải - Tổng Giám đốc để bán 95% cổ phần AVG với giá hơn 8.445 tỷ đồng, trong khi AVG lúc đó đang lỗ 300 tỉ, có khoản nợ cần trả hơn 1.300 tỷ và có giá trị ròng khoảng gần 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Vũ cũng liên lạc với ông Nguyễn Bắc Son - Bộ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông lúc bấy giờ và ông Trương Minh Tuấn - Thứ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông lúc đó nhờ can thiệp.
Cơ quan truy tố khẳng định 4 bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị truy tố thêm tội "Nhận hối lộ" theo điều 354, Bộ luật hình sự năm 2015. Riêng bị can Phạm Nhật Vũ bị truy tố tối "Đưa hối lộ" theo điều 364, Bộ luật Hình sự 2015.
********************
Nguyên thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam bị khởi tố (RFA, 23/10/2019)
Nguyên thứ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh quân chủng Hải quân Việt Nam, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến chính thức bị khởi tố vì liên quan trách nhiệm trong vụ án Đinh Ngọc Hệ, tức ‘Út Trọc’, Bùi Văn Nga và đồng phạm. Ông Nguyễn Văn Hiến bị qui tội ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ theo khoản 3, điều 360 Bộ Luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam.
Báo chí trong nước đưa tin ngày 23/10/2019.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Văn Hiền tham gia cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ ba tại cuộc họp tại Subang vào ngày 4/11/2015. AFP
Theo đó, quyết định khởi tố được cơ quan chức năng ban hành theo ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo 110 và Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương khi điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vào hồi đầu tháng 9, ông Nguyễn Văn Hiến, bị thủ tướng chính phủ Hà Nội ra quyết định xóa tư cách nguyên tư lệnh Quân chủng Hải Quân.
Quyết định do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ; theo đó hình thức kỷ luật được đưa ra vì ông Nguyễn Văn Hiến- nguyên thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, nguyên tư lệnh Quân Chủng Hải Quân đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong thời gian giữ chức vụ Tư lệnh Quân Chủng Hải Quân.
Vào ngày 21/6/2019, ông Hiến bị Bộ Chính trị cách các chức vụ : Ủy viên Đảng uỷ Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 2005-2010 ; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010 (gồm Phó bí thư Đảng uỷ, Ủy viên Ban thường vụ Đảng uỷ và Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010).
Theo quyết định của Bộ Chính Trị, đảng cộng sản Việt Nam thì trong thời gian giữ cương vị phó bí thư đảng ủy, Tư lệnh quân chủng Hải Quân, ông Nguyễn Văn Hiến phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban thường vụ đảng ủy trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng do Quân chủng Hải Quân quản lý, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Quân Chủng Hải Quân và trách nhiệm cá nhân về vi phạm, khuyết điểm ở hai nội dung chính.
Đó là thực hiện không đúng thẩm quyền, vi phạm các qui định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng. Thứ hai là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của đáng ủy Quân chủng Hải quân, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý, sử dụng các khu đất quốc phòng.
Trong cùng vụ việc còn có Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo và Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình. Hai sĩ quan cấp cao này bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo lần lượt trong tháng 5 và tháng 6 năm 2019.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam cũng đã có kết luận đô đốc Nguyễn Văn Hiến chịu trách nhiệm chính và phải bị kỷ luật về những vi phạm của Quân chủng Hải quân và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Vào tháng 11/2018, tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND quân sự trung ương tuyên bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc), cựu thượng tá quân đội, cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng tổng cộng 12 năm tù với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức.
Theo tòa, ông Hệ đã mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp giả chuyên ngành quản trị để đưa vào hồ sơ xét nâng lương, thăng quân hàm tới thượng tá.
Liên quan sai phạm của công ty Thái Sơn, hai đại tá Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng cũng bị kỷ luật.
****************
Vụ gian lận điểm thi : Xem xét kỷ luật vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang (RFA, 22/10/2019)
Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Sở Tài chính và là vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch tỉnh Hà Giang đang bị xem xét kỷ luật vì nhắn tin xin điểm cho cháu ở kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hồi năm 2018. Truyền thông trong nước loan tin hôm 22/10/2019.
Phiên tòa xử vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang ngày 18/10/2019. Courtesy of TP
Tin cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đang hoàn tất việc rà soát cán bộ liên quan vụ gian lận điểm thi lần 2 trong vụ gian lận điểm trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018, trong đó có bà Nguyễn Thị Nga.
Trước đó, trong phiên tòa ngày 18/10, Hội đồng xét xử công bố hàng loạt tin nhắn của bà Nga nhờ bị cáo Triệu Thị Chính - cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Giáo dục và đào tạo) để nhờ giúp đỡ cho cháu, là thí sinh tham dự kỳ thi. Trong các tin nhắn, bà Nga có gửi tên, số báo danh, tổ hợp môn thi…
Viện kiểm sát khẳng định những tin nhắn này được cung cấp bởi Tập đoàn bưu chính viễn thông và đã được Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an giám định, thể hiện rõ là ‘nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm’.
Cũng tin liên quan gian lận điểm thi kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018. Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố thêm 2 bị can để điều tra việc đưa, nhận hối lộ, đồng thời thi hành lệnh bắt tạm giam ông Trần Xuân Yến, nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo trong vụ gian lận thi cử tại Sơn La.
Theo Công an tỉnh Sơn La, ông Trần Xuân Yến đã thay đổi lời khai gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Lò Văn Huynh, nguyên trưởng phòng khảo thí và khởi tố bà Lò Thị Trường, thường trú tại Thành phố Sơn La đề điều tra về tội đưa hối lộ.
Năm 2018, Việt Nam áp dụng việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học làm tiêu chí để xét tuyển vào đại học thay vì tổ chức một kỳ thi vào đại học riêng như trước kia. Tuy nhiên, ngay trong kỳ thi năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện một loạt vụ gian lận điểm thi tại nhiều tỉnh trên cả nước. Những tỉnh có nhiều gian lận bị điều tra là Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn.