Chủ dự án "băm nát Sơn Trà" cho rằng mình được xây dựng miễn giấy phép (GDVN, 31/03/2017)
Chủ đầu tư viện dẫn Luật xây dựng năm 2014 cho rằng công trình trên núi Sơn Trà thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng và đã tổ chức thi công đúng quy định.
Ngày 30/3, ông Đinh Đức Cường – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa đã có văn bản : "giải trình quá trình triển khai thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)" gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên – môi trường cùng nhiều cơ quan khác.
Chủ đầu tư cho rằng việc xây dựng 40 móng biệt thự trên núi Sơn Trà là đúng Luật xây dựng. Ảnh : TT
Văn bản này được cho là "phản hồi" của phía chủ đầu tư đối với thông báo kết luận của Ban Thường vụ tại cuộc họp ngày 23/3 về việc : "yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thi công, xử lý, tháo dở các hạng mục công trình đã thi công nhưng không đảm bảo các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật".
Trong đó, Công ty nêu ra hàng loạt hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan đến việc tổ chức, đầu tư xây dựng trên núi Sơn Trà từ năm 2003 đến nay.
"Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án như theo cam kết với Ủy ban nhân dân thành phố hoàn thành trước 31/12/2017, do quy mô dự án lớn, có nhiều hạng mục khác nhau, Công ty cổ phần Biển Tiên Sa đang song song thực hiện công tác hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thi công hoàn thiện phần hạ tầng kỹ thuật còn lại theo hồ sơ cấp giấy phép xây dựng số 82/GPXD ngày 4/2/2009" công văn nêu.
Bên cạnh đó, địa hình của dự án quá phức tạp, có độ dốc lớn, nhiều mảng đá to, nhiều cây bụi nên Công ty phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo giấy phép xây dựng số 82/GPXD và tiến hành thi công một số công trình tạm như : đường phục vụ thi công, phát quang để đo vẽ hiện trạng tỷ lệ 1/200, công trình phụ trợ phục vụ cho công tác lấy số liệu khảo sát thiết kế.
Chủ đầu tư cho rằng, theo điểm c, khoản 2 điều 89 Luật xây dựng năm 2014, công tác san lấp mặt bằng, thi công xây dựng công trình đường tạm và hạ tầng kỹ thuật tạm phục vụ thi công công trình chính không phải xin phép xây dựng.
Tiếp đó, văn bản của ông Cường cũng viện dẫn khoản 3 điều 25 và khoản 5 điều 89 của Luật xây dựng thì trên cơ sở quy hoạch chi tiết xây dựng của Dự án được lập,
chủ đầu tư có thể lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với một, một số hoặc tất cả các công trình thuộc dự án khi phần hạ tầng kỹ thuật thuộc khu vực xây dựng công trình đã được triển khai theo quy hoạch xây dựng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt các hạng mục : nhà biệt thự có quy mô 2 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng dưới 500m2 nên theo quy định tại điểm e, khoản 2, điều 89 Luật Xây dựng, các công trình như trên thuộc diện miễn giấy phép xây dựng phần công trình.
Chủ đầu tư các trách trách nhiệm tổ chức thi công xây dựng đối với công trình miễn phép theo quy định, tuân thủ quy hoạch xây dựng chi tiết được phê duyệt.
Văn bản giải trình của Công ty cổ phần Biển Tiên Sa gửi Thủ tướng và cơ quan chức năng liên quan. Ảnh : TT
"Do vậy, việc thi công hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và một số công trình tạm như đường vào phục vụ thi công, phát quang để đo vẽ hiện trạng tỷ lệ 1/200,
một số công trình phụ trợ để phục vụ cho công tác khảo sát thiết kế… Công ty đang thực hiện theo giấy phép xây dựng số 82/GPXD ngày 04/02/2009 và các quy định của Luật xây dựng năm 2014" văn bản nêu.
Trên cơ sở này, phía Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Thành ủy Đà Nẵng và UBND Thành phố Đà Nẵng xem xét và cho ý kiến chỉ đạo để Công ty tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành.
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, những ngày qua, dư luận hết sức bức xúc trước việc một diện tích rừng rộng lớn ở Bán đảo Sơn Trà (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bị cày xới nham nhở.
Nhiều máy xúc, máy ủi hoạt động rầm rộ, để lộ ra những mảng đất đỏ trơ trọi. Một số trụ đèn đường, các khối bê – tông đã được dựng lên nơi đây. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện dự án này có nhiều sai phạm.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là dù chưa được cấp phép xây dựng và đánh giá tác động môi trường nhưng doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên xây dựng hơn 40 phần móng biệt thự và nhiều công trình khác.
Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng do việc xây dựng 40 móng biệt thự không phép.
Ngày 29/3, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã có thông báo kết luận một số nội dung quan trọng liên quan đến việc xây dựng công trình không phép, trái phép.
Riêng đối với dự án của Công ty cổ phần Biển Tiên Sa trên núi Sơn Trà, Thành ủy đề nghị Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương có liên quan yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thi công.
Thực hiện xử lý, tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng đã thi công nhưng không đảm bảo các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật.
Tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc chỉ đạo rà soát các thủ tục pháp lý liên quan đến việc triển khai dự án.
Đặc biệt lưu ý các yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh và cảnh quan môi trường sinh thái tại khu vực theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, nghiên cứu, rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 định hướng đến năm 2050 (theo Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 09/11/2016 của Thủ tướng chính phủ).
Báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Tấn Tài
**********************
Ham cái 'bánh vẽ' : Đại gia Hà thành ôm hận ở Đà Nẵng (VietnamNet, 31/03/2017)
Nhiều chủ đầu tư, đặc biệt là các đại gia Hà Nội, từng xem dự án đất nền tại Đà Nẵng là "con gà đẻ trứng vàng". Thế nhưng, giờ không ít người đang ôm hận vì trót ôm đất nền tại những dự án "bánh vẽ" của các "ông lớn".
"Chết tiền" vì dự án "bánh vẽ"
Hàng loạt dự án đất nền "bánh vẽ" tại khu vực cầu Thuận Phước bỏ hoang từ nhiều năm nay, trở thành những khu đô thị "ma" không người ở.
Ngay tại dự án Khu phức hợp đô thị thương mại dịch vụ, do Thành Đạt làm chủ đầu tư, là khu đất rộng mênh mông bỏ hoang.
Dự án của một "ông lớn" cũng nằm bên chân cầu Thuận Phước. Cách đây nhiều năm, dự án "bánh vẽ" này được đầu tư 1.600 tỷ đồng, quy mô 1.311 lô đất nền, 283 căn biệt thự cùng bốn khu nhà chung cư dành cho người thu nhập thấp và hoàn thành trong thời gian hai năm kể từ ngày khởi công.
Khu phức hợp đô thị thương mại dịch vụ do Thành Đạt làm chủ đầu tư bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Khởi công xong, chủ đầu tư công khai mở bán từ 400-500 triệu đồng/lô đất nền,... Rồi sau đó, dự án không triển khai, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm của người mua đất.
Ở Đà Nẵng hiện có rất nhiều dự án bị bỏ hoang như thế sau khi khởi công. Người mua đất nền quá ảo tưởng vào thị trường bất động sản nơi đây nên "mắc bẫy" giới đầu tư và lệ thuộc vào người mua đến từ Hà Nội.
Anh Lê Đức Linh - một người dân ở Duy Xuyên, Quảng Nam - kể, cách đây hơn 2 tháng, nhờ được đền bù đất của một dự án ở Khu đô thị Nam Hội An, anh có hơn 4 tỷ đồng. Có số tiền lớn trong tay, anh quyết định ra Đà Nẵng xuống tiền mua 2 lô đất tại một khu đô thị sinh thái ở Đà Nẵng với giá hơn 4 tỷ đồng.
Khi mua xong có người đến hỏi mua lại với giá 4,5 tỷ đồng, tưởng đất đang lên anh không bán. Nhưng cách đây 1 tuần thấy giá đất hạ, anh rao bán lại, nhưng người mua sau khi xem đất chỉ trả giá 3,5 tỷ đồng.
Trường hợp như anh Linh không hiếm. Đã có người chấp nhận bán lỗ để trả nợ ngân hàng. Chuyện lỗ xem như học phí phải trả cho bài học kinh doanh của mình.
Dự án The Summit được vẽ ra là khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng xây xong thô đã bất động, cỏ mọc nham nhở, tường gạch rêu phủ, hôi hám
Chết vì đầu cơ, thổi giá
Đầu năm 2017, phụ trách truyền thông một "ông lớn" đang đầu tư dự án tỷ đô tại Đà Nẵng, khẳng định, dự án của công ty đang triển khai có đến hơn 80% nhà đầu tư là người Hà Nội.
"Trước khi quyết định đầu tư tỷ đô vào dự án, ông chủ đã hướng đến đối tượng khách hàng chính là người Thủ đô vì mức độ "chịu chơi" của các đại gia Hà thành. Vì thế, mọi hoạt động liên quan đến dự án như giới thiệu, chào bán đều tổ chức tại Hà Nội, dù dự án này được triển khai tại Đà Nẵng", anh này nói.
Tháng 4/2016, tại buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, chia sẻ : 70-75% khách hàng của dự án The Point - Khu biệt thự sân golf thuộc Danang Beach Resort giai đoạn 2 - là người Hà Nội, 5% khách hàng là người nước ngoài, còn lại là khách hàng ở các tỉnh thành khác.
Ông Matthew Powell cho biết, kể từ lần mở bán các dự án đầu tiên vào năm 2009, người Hà Nội luôn là khách hàng chủ yếu của Savills.
Xu hướng người Hà Nội "đổ tiền" vào thị trường bất động sản Đà Nẵng khiến nhều chủ đầu tư và nhà phân phối tập trung "mũi nhọn" vào những khách đến từ Thủ đô.
Bằng chứng là hàng loạt các dự án được chủ đầu tư mang ra chào bán tại Hà Nội, rất ít dự án chào bán tại Sài Gòn hay Đà Nẵng - nơi dự án đang triển khai.
Đà Nẵng tràn lan những dự án bất động sản bỏ hoang, không một bóng người.
Tổng giám đốc một sàn giao dịch lớn tại Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên), cho hay, từ đầu năm 2016, tỉ lệ người Hà Nội quay lại các dự án bất động sản chiếm hơn 60% tổng số giao dịch của công ty và đang có xu hướng tăng dần trong những tháng đầu năm 2017.
Trong khi đó, năm 2015, tỷ lệ mua của người Hà Nội qua sàn giao dịch này là 50%, 2014 chỉ chiếm khoảng 30%. "Có thể do hiệu ứng pháo hoa và APEC nên từ đầu năm 2017, khách hàng đến từ Hà Nội ngày càng nhiều. Thậm chí, có những ngày chúng tôi chỉ tiếp khách đến từ Hà Nội".
Các chuyên gia bất động sản nhận định, với cơ cấu khách hàng như vậy, thị trường bất động sản Đà Nẵng rất có khả năng lại đổ vỡ.
Cách đây hơn 5 năm, CBRE từng thông tin 80% số người mua đất nền ở Đà Nẵng là đến từ Hà Nội hoặc khu vực phía Bắc. Khi đó, ông Marc Townsend - Giám đốc điều hành công ty, dự báo, ngay sau khi tăng trưởng nóng, thị trường nhà đất Đà Nẵng sẽ trở về với hiện trạng thực của nó, sau đó rơi vào khủng hoảng như trì trệ, vắng bóng nhà đầu tư, giá nhà đất tụt dốc không phanh,...
Do đó, nếu các nhà đầu tư vẫn mải mê với bất động sản Đà Nẵng mà không tỉnh táo, dễ rơi vào "ma trận" đầu cơ, thổi giá của giới đầu cơ thì khả năng "ôm hận" vì đất là điều có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Vũ Trung - Phước Nguyên
**********************
Chính phủ yêu cầu tỉnh Quảng Ninh dừng ngay việc thi công dự án FLC Hạ Long (GDVN, 30/03/2017)
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc dừng thi công dự án FLC Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Liên quan đến vụ việc báo chí phản ánh, ngày 27/2/2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án sân golf FLC Hạ Long tại khu vực đồi cột 3 đến cột 8, thành phố Hạ Long.
Ngày 7/3/2017, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường thuộc Tổng cục Môi trường đã đi khảo sát thực địa và đã phát hiện chủ đầu tư vẫn cho thi công dự án, ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản.
Công văn chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 8/3/2017, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường đã có Văn bản số 346/TĐ-VP gửi Tập đoàn FLC yêu cầu dừng thi công dự án.
Tuy nhiên, chủ đầu tư là Tập đoàn FLC vẫn tiến hành thi công gây lo ngại cho nhiều người dân thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thi công dự án FLC Hạ Long
Cụ thể, ngày 29/03/2017, Văn Phòng Chính Phủ đã ban hành văn bản số 3009/VPCP-KGVX về việc dừng thi công Dự án FLC Hạ Long tại Quảng Ninh gửi UBND tỉnh Quảng Ninh do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tùng ký.
Nội dung công văn nêu rõ : "... Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh dừng việc thi công Dự án FLC Hạ Long để thực hiện việc đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của pháp luật".
Trần Việt
**************************
Tổng biên tập báo Quảng Ninh lý giải chuyện "Không đăng chỉ đạo dừng thi công FLC" (Infonet, 31/03/2017)
Dòng chữ "Tổng biên tập chỉ đạo không đăng" trên tít tin "Yêu cầu dừng thi công dự án FLC Hạ Long"- là hệ thống quản lý nội bộ chờ duyệt để các phó tổng biên tập biết, nhưng do khâu kỹ thuật đang gặp trục trặc nên,phần mềm báo điện tử tự động đẩy lên.
Trên mạng xã hội đang lan truyền bức ảnh chụp lại màn hình giao diện báo Quảng Ninh với dòng chữ "Tổng biên tập chỉ đạo không đăng" trên tiêu đề bài viết "Yêu cầu dừng thi công dự án FLC Hạ Long".
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là "lỗi ông đánh máy" nhưng cũng có ý kiến hoài nghi cho rằng "Quảng Ninh đang chống lệnh Phó Thủ tướng".
Nhằm làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh Nguyễn Tiến Mạnh. Theo ông Mạnh hôm qua, Báo Quảng Ninh nhận được thông tin của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh dừng việc thi công dự án Halong bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long).
"Báo Quảng Ninh không phải là không đăng mà là tạm không đăng để làm rõ việc có đúng như báo Thanh Niên nêu không ?
Bởi phía báo Quảng Ninh muốn kiểm tra lại thông tin "túi bùn khổng lồ" do dự án này gây ra như báo chí phản ánh. Vì mọi vấn đề về ô nhiễm môi trường của dự án này, ở mùa mưa năm ngoái ảnh hưởng khá nhiều, nhưng mùa mưa năm nay cơ bản dự án này đã xong phần lớn giai đoạn san lấp cho nên không còn tình trạng bùn trôi như mọi năm. Dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện của sân Golf, do đó, Báo cũng cân nhắc vì nó liên quan đến thu hút đầu tư của Quảng Ninh rồi dư luận nhân dân"- Tổng biên tập Nguyễn Tiến Mạnh nói.
Giải thích việc xuất hiện dòng chữ "Tổng biên tập chỉ đạo không đăng" trên tít tin "Yêu cầu dừng thi công dự án FLC Hạ Long", ông Tiến Mạnh cho biết, "đó là hệ thống quản lý nội bộ chờ duyệt để các phó tổng biên tập biết, nhưng do khâu kỹ thuật đang gặp trục trặc nên, phần mềm báo điện tử của báo tự động đẩy lên.
"Đây không phải là thông tin chính thức của báo Quảng Ninh, mà đó chỉ là hệ thống quản lý nội bộ đợi để xác minh thông tin trước khi đăng. Bởi đây là thông tin nhạy cảm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh. Hiện nay chúng tôi đang bị trục trặc phần này, phía báo cũng đã khẩn trương làm việc với nhà cung cấp quản lý phần mềm để sớm khắc phục" – ông Tiến Mạnh cho biết thêm.
Vẫn theo ông Tiến Mạnh thì nguyên tắc, các cơ quan báo chí được quyền đưa thông tin như thế nào để phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển kinh tế của địa phương.
N. Huyền