Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/10/2019

Nhôm Trung Quốc, Luật xuất nhập cảnh, tội phạm Trung Quốc

RFA tiếng Việt

Lượng nhôm Trung Quốc trị giá 4,3 tỉ đô la gắn mác hàng Việt chờ xuất đi Mỹ (RFA, 29/10/2019)

Tổng cục Hải quan Việt Nam đã bắt giữ 1,8 tấn nhôm Trung Quốc trị giá 4,3 tỉ đô la Mỹ giả mạo xuất xứ nhôm Bà Rịa – Vũng Tàu của Việt Nam để xuất sang Mỹ.

nhom1

Một nhà máy thép của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 5 tháng 3 năm 2018. AFP

Báo trong nước loan tin ngày 29/10, trích nội dung được thông báo trong cuộc họp liên ngành trong cùng ngày.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết do chênh lệch thuế suất nên một tập đoàn có công nghệ đã nhập nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm về để nấu lại thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác.

Do ảnh hưởng thương chiến Mỹ - Trung, hiện nay Trung Quốc đang phải chịu mức thuế lên đến 374% đối với mặt hàng nhôm khi xuất vào Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam chỉ phải chịu thuế khoảng 15%.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhập khẩu hàng tỉ đô la mặt hàng nhôm.

Tuy nhiên, theo lời ông Nguyễn Văn Cẩn, đặc vụ Bộ An ninh Nội địa Mỹ khi đến việt Nam để điều tra đã cho biết kể cả khi doanh nghiệp dùng thủ đoạn mua nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm về để nấu lại thì cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ đấu tranh mạnh mẽ, không để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển của hàng hóa gian lận.

Hiện hải quan Bình Dương cũng đang thu giữ 10 container xe đạp từ nước ngoài được gắn nhãn mác đầy đủ, chỉ còn chờ lắp ráp lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Nhiều lô hàng thành phẩm khác của Trung Quốc như quần áo, giày, linh kiện điện thoại… nhưng gắn nhãn hiệu việt nam để tiêu thụ trong nội địa cũng bị phát hiện.

Những container hàng giả xuất xứ này đang bị hải quan tạm giữ tại cảng Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

******************

Dự thảo Luật xuất nhập cảnh bổ sung : Để giúp dân hay gây khó cho dân ? (RFA, 28/10/2019)

Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn việc người đó chạy trốn ra nước ngoài.

nhom2

Bên trong sân bay Nội Bài, Hà Nội. AFP

Có luật cũng như không…

Đó là kiến nghị bổ sung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh báo cáo trong phiên giải trình Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hôm 28/10.

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cùng ngày, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành sẽ khắc phục những khó khăn bất cập trong việc quản lý xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó cũng đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân, trách nhiệm bảo hộ công dân, bảo đảm an toàn cho công dân và các hoạt động công vụ khác.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người cũng từng bị gây khó khăn, cản trở khi xuất cảnh, nhận định với RFA hôm 28/10, liên quan vấn đề này :

"Thật ra đây là sửa đổi dựa trên luật cũ, bản thân luật cũ có quy định rõ như thế nào thì bị tạm ngừng, ví dụ về y tế thì do Bộ trưởng y tế quyết định, về thuế thì Bộ trưởng tài chính… hay an ninh quốc gia thì do Bộ trưởng công an quyết định từng trường hợp một. Nhưng rất đáng tiếc là có đến hàng trăm người bị thu hộ chiếu, bị khó dễ khi xuất cảnh nhưng không có trường hợp nào là do Bộ trưởng quyết định. Có luật nhưng họ vi phạm liên tục, đấy là vi phạm trắng trợn quyền của công dân".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chính quyền đang muốn sửa luật cũ, muốn mở rộng phạm vi tạm dừng xuất nhập cảnh, nhưng một số đại biểu quốc hội cho rằng việc này phải hết sức cẩn trọng, vì đây là quyền của công dân đã được hiến pháp quy định, nên cần quan tâm để không mở rộng một cách tùy tiện, và thực thi một cách tùy tiện như thời gian vừa qua.

Đại biểu quốc hội Đinh Công Sỹ thuộc đoàn Sơn La kiến nghị bổ sung nghiêm cấm nhóm hành vi "từ chối hoặc không giải quyết thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh mà không có lý do chính đáng". Ông cho rằng, hành vi này có thể gây ra thiệt hại vật chất, tinh thần cho công dân, đồng thời vi phạm quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân như quy định tại Điều 5 của dự thảo luật.

Lo lắng của Đại biểu quốc hội Đinh Công Sỹ không phải là vô căn cứ khi thời gian qua, nhiều công dân Việt Nam bị gây khó khăn khi xuất nhập cảnh với lý do không rõ ràng. Như trường hợp của Cô Cao Vĩnh Thịnh, thành viên của nhóm dân sự độc lập Green Trees khi vào ngày 13 tháng 6 năm 2019, cô bị cơ quan chức năng Việt Nam cấm xuất cảnh với lý do "giữ lại để làm việc".

nhom3

Hộ chiếu Việt Nam Courtesy mofa.gov.vn

Hay trường hợp của Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân, chánh xứ Thọ Hòa tỉnh Đồng Nai, người được biết đến vì những phát biểu phản đối lại các sai trái của chính phủ Việt Nam, cũng bị cấm xuất cảnh khi đi du lịch theo tour đến Malaysia chỉ với lý do "làm theo lệnh".

Tương tự trường hợp Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, ngay khi đáp máy bay từ Đức về Sài Gòn vào sáng ngày 21/2/2019, bà đã bị công an xuất nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất câu lưu gần 5 giờ đồng hồ và tịch thu hộ chiếu với lý do ghi trong biên bản rằng "là người thuộc diện chưa được xuất cảnh nay nhập cảnh"…

Từ một số những ví dụ đương cử như trên đủ để thấy rằng chính quyền Việt Nam đã và đang xử lý công việc quá tắc trách ; xâm phạm quyền riêng tư của công dân.

Từ Sài Gòn hôm 28/10, Nhà báo Sương Quỳnh nhận định với RFA :

"Không biết luật xuất nhập cảnh mới của ông Tô Lâm có tạo điều kiện gì mới cho công dân không ? Chứ từ trước đến nay, các nhà hoạt động khi ra nước ngoài và trở về đều gặp khó khăn, bị tạm giữ, có người bị thu luôn hộ chiếu, có người được cho đi nhưng rất khó khăn, điển hình như trường hợp nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ngày xưa đi Mỹ từng bị. Có trường hợp khác thì bị thu luôn hộ chiếu, ngay cả các linh mục cũng bị thu hộ chiếu và cấm xuất cảnh ra nước khác. Thành ra luật mới theo tôi cũng ít hy vọng cải thiện đối với anh em tranh đấu".

Không áp dụng vào thực tế

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, các kiến nghị bổ sung dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ căn cứ tình hình thực tiễn để quy định chi tiết trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vì lý do quốc phòng, an ninh…

Quy định cấm xuất cảnh với "lý do quốc phòng an ninh" lâu nay cũng được cho là đã được áp dụng thường xuyên với một số nhà hoạt động tại VN. Mặc dù, ai cũng biết đó cũng chỉ là cái cớ của chính phủ Việt Nam đưa ra khi thực hiện biện pháp ngăn cấm việc đi lại của các nhà hoạt động, tuy nhiên cũng có thể thấy rằng cái cớ đó được áp dụng "rất có hiệu quả".

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, khi trao đổi với RFA hôm 28/10, nhận định :

"Theo ý kiến của tôi thì luật xuất nhập cảnh này không có giá trị lắm, bởi vì luật chỉ có giá trị khi nó được khai triển trên thực tế. Nhiều năm qua, họ sử dụng những nghị định, thông tư, mang tính chất đối phó, để cản trở quyền đi lại của người dân đã được quy định trong hiến pháp. Như trường hợp luật sư Lê Công Định, dù xong án tù và án quản chế từ rất lâu, nhưng vẫn bị cản trở đi lại, muốn đi nước ngoài không được.

Vì vậy theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, luật xuất nhập cảnh không có giá trị thực tế mà chỉ mang tính hình thức, để cho thấy rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có luật, nhưng tất cả các luật của họ đều không có giá trị để khai triển trong thực tế.

Để tìm hiểu thêm, hôm 28/10 RFA liên lạc Luật sư Lê Công Định qua tin nhắn, và được ông cho biết về việc mình bị ngăn cản đi nước ngoài như thế nào :

"Đầu tiên sau khi ra tù vào tháng 2/2013, tôi bị "quản chế" không ra khỏi nơi cư trú (tức là phường) trong 3 năm.

Sau 3 năm "quản chế", hộ chiếu của tôi vẫn còn hiệu lực, nhưng khi xuất cảnh tôi vẫn bị chặn lại với lý do "an ninh quốc gia" tạm thời chưa được xuất cảnh.

Vào năm 2018, hộ chiếu hết hiệu lực, tôi làm thủ tục cấp lại hộ chiếu thì không được nhận hồ sơ. Tôi ngạc nhiên, yêu cầu Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an ghi rõ văn bản vì sao không nhận đơn của tôi, thì họ từ chối và trả lời rằng nếu tôi muốn khiếu nại thì đến Cục quản lý xuất nhập cảnh mà khiếu nại.

Tôi thông báo cho Đại sứ quán Mỹ và Đức, vốn là hai nơi vận động cho các nhà tranh đấu bị cấm xuất cảnh, họ liền liên lạc với phía Bộ ngoại giao Việt Nam hỏi lý do từ chối cấp hộ chiếu cho tôi.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói phải hỏi ý kiến Bộ Công an, sau đó trả lời Đại sứ quán Mỹ và Đức rằng do tôi "không" nộp đơn xin hộ chiếu nên họ không có cơ sở cấp hộ chiếu cho tôi".

Luật sư Lê Công Định cho rằng họ từ chối nhận đơn bằng miệng nhưng không chịu đưa văn bản trả lời vì sao không nhận đơn, rồi cuối cùng trả lời không nộp đơn thì lấy gì để xét cấp hộ chiếu. Cách hành xử và phản hồi như thế theo Luật sư Lê Công Định là hoàn toàn dối trá !

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bình luận về điều luật bổ sung lần này cho rằng, tạm hoãn xuất, nhập cảnh là điều rất nhạy cảm, chẳng những đối với Việt Nam mà đây là thước đo của cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập. Ông cũng lưu ý, công dân phải có quyền khởi kiện nếu bị hoãn xuất cảnh không đúng.

Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 28/10 cũng cho biết, xuất nhập cảnh là một quyền được Hiến pháp năm 2013 công nhận tại điều 23. Cấm xuất nhập cảnh đối với một công dân là một biện pháp để bảo đảm thủ tục tố tụng, bảo đảm thi hành nghĩa vụ dân sự cũng như trách nhiệm hình sự.

Là một thủ tục hạn chế quyền công dân, lẽ ra nó phải do Quốc hội quy định và giao cho các cơ quan tố tụng và thi hành án tiến hành. Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến và công nhận các quyền công dân nên cũng phải là nơi có quyền quy định trường hợp nào thì quyền công dân bị hạn chế hay tước bỏ vì mục đích bảo vệ xã hội, trật tự chung.

Tuy nhiên theo Luật sư Mạnh, nhiều người trước đây bị cấm xuất nhập cảnh chỉ dựa trên một văn bản do cơ quan hành pháp ban hành : Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ. Nghịch lý ở đây là một nghị định của nhánh hành pháp lại mặc nhiên có thẩm quyền tương đương với một đạo luật do nhánh lập pháp ban hành.

Ngoài ra theo Luật sư Mạnh, Nghị định 136 trước đây còn trao cho Bộ Công an một thẩm quyền đặc biệt : cấm xuất nhập cảnh đối với một người "có liên quan đến công tác điều tra tội phạm". Với một phạm vi thẩm quyền rộng và không rõ ràng như vậy, đôi khi "công tác điều tra tội phạm" chỉ khởi đầu bằng một tin tố giác tội phạm.( ! ?)

Vì vậy nhiều người lo ngại, Dự thảo bổ sung một số quy định Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, có phải tạo điều kiện cho những nghị định như Nghị định 136 được luật hóa ?

****************

Công an thành phố Đà Nẵng thông tin vụ 5 người Trung Quốc dụ dỗ trẻ em quay phim khiêu dâm (RFA, 29/10/2019)

Tại cuộc họp báo quý III/2019 vào sáng ngày 29/10, Công an Thành phố Đà Nẵng đã thông tin về việc điều tra, xử lý 5 người mang quốc tịch Trung Quốc và 1 người phiên dịch Việt thuê trẻ em để sản xuất phim khiêu dâm.

nhom4

Những người bị bắt giữ ở Đà Nẵng - Courtesy of Phụ Nữ Pháp Luật

Theo Mạng báo Infonet tại cuộc họp, thượng tá Trần Nam Hải trưởng phòng cảnh sát hình sự công an Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2019 giám đốc công an Đà Nẵng đã tiến hành 2 chuyên đề số 525 và 669 về công tác theo dõi, nắm tình hình, quản lý và phòng ngừa các loại tội phạm người nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Qua đó, công an thành phố đã điều tra, phá án và bắt giữ 5 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc và 1 phiên dịch là người Việt Nam có hành vi giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi.

Công an thành phố đã quyết định khởi tố vụ án, bị can và ra lệnh bắt tạm giam 6 người này. Hiện nay phía công an thành phố Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ nhóm người này để điều tra thêm đồng bọn đồng thời kiểm tra và ngăn chặn phát tán các phim khiêu dâm trên mạng.

Công an điều tra thành phố khẳng định vẫn đang tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan.

Trước đó, vào ngày 14/9 cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Đà Nẵng đã tiến hành bắt khẩn cấp và tạm giam 5 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam vì có hành vi lôi kéo các cô gái trẻ dưới 16 tuổi để quan hệ tình dục và quay phim khiêu dâm bán trên mạng xã hội. Công an Đà Nẵng xác định có ít nhất 4 cô gái trẻ đã bị lôi kéo và đường dây này, trong đó có một bé gái mới 15 tuổi 3 tháng.

Cũng trong cuộc họp, công an Đà Nẵng cho biết từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7/2019, Đà Nẵng đã xảy ra 5 vụ đục két sắt trộm cắp tài sản của các doanh nghiệp. Đến ngày 16/10, Công an Đà Nẵng đã phá án, bắt 2 đối tượng người Trung Quốc và đã làm rõ được 4 vụ đục két trên địa bàn thành phố.

Quay lại trang chủ
Read 383 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)