Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 30/3 khẳng định hai luật sư biện hộ cho Đoàn Thị Hương, nghi phạm giết ông Kim Jong-nam, anh của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, là những luật sư giỏi. Nhưng khẳng định của ông Lê Hải Bình dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân đối với công tác lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, vốn đang bị dư luận chỉ trích là quá chậm chạp và kém hiệu quả, đặc biệt trong vụ Đoàn Thị Hương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định hai luật sư biện hộ cho Đoàn Thị Hương là những luật sư giỏi và công tác bảo hộ pháp lý cho cô đang diễn ra.
Cập nhật thông tin về trường hợp cô Đoàn Thị Hương, một trong hai nữ nghi phạm bị cảnh sát Malaysia bắt sau vụ ám sát ông Kim Jong-nam tại phi trường Kuala Lumpur ngày 13/2, người phát ngôn Lê Hải Bình nói trong cuộc họp báo hôm 30/3 : "Việt Nam bảo đảm rằng hai vị luật sư bào chữa cho nghi phạm Hương lần này là hai luật sư rất giỏi". Ông Bình cho biết "công tác triển khai luật sư để bảo hộ pháp lý cho Đoàn Thị Hương đang diễn ra".
Tại cuộc họp báo, các phóng viên nêu lên nhiều thắc mắc liên quan đến công tác bảo vệ công dân Việt ở nước ngoài trong những sự kiện được dư luận quan tâm gần đây, như vụ bé gái người Việt bị giết tại Nhật, hay vụ một người Việt tự vẫn tại trung tâm di trú của Nhật, 43 ngư dân Việt Nam bị bắt ở Solomon… Câu trả lời của người phát ngôn Lê Hải Bình đại khái là Việt Nam đang làm việc với nhà chức trách nước sở tại để xác minh thông tin, sẽ cung cấp vào thời điểm phù hợp và sẽ có các bước bảo hộ công dân thích hợp.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhận định công tác lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài hiện chưa tốt. Nguyên nhân, theo ông, có thể là do thiếu nhân lực ở các lãnh sự quán và do Việt Nam chưa ký các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước.
Trong khi đó, Luật sư Trần Thu Nam của đoàn luật sư Hà Nội lại cho rằng có rất nhiều bất cập dẫn đến tình trạng xử lý chậm và thiếu hiệu quả.
Ông nói : "Bản chất của vấn đề bảo vệ quyền hợp pháp cho công dân Việt Nam, thực ra ở trong nước còn chưa đạt yêu cầu huống chi ở nước ngoài. Với trình độ của các đại sứ quán và hoạt động không được chuyên nghiệp nên ít có những trợ giúp kịp thời, đầy đủ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài bị gặp nạn như cô Hương chẳng hạn. Có những vụ khi xảy ra ở nước ngoài, Việt Nam nói rằng sẽ phụ thuộc vào xử lý của pháp luật nước ngoài, của chính quyền nước ngoài. Họ trốn tránh bằng cách như thế. Tôi nghĩ là họ đang đẩy trách nhiệm cho các cơ quan nước ngoài".
Theo Luật sư Nam, nếu Việt Nam có một quy trình công khai, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của các cán bộ lãnh sự quán, chẳng hạn trong thời gian bao lâu phải có mặt để nắm thông tin và báo cáo tình hình về công dân Việt Nam ở nước ngoài, phải trợ giúp họ thế nào, mức trợ giúp bao nhiêu… thì sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ quyền lợi cho công dân Việt Nam.
"Tôi chưa gặp, chưa đọc được một quy định pháp luật nào mà khi công dân Việt Nam ở nước ngoài gặp nạn, thì nghĩa vụ của các đại sứ quán, chuyên gia pháp luật, nhà ngoại giao… ở nước đó sẽ phải làm gì và trong thời hạn bao lâu, mức hỗ trợ cho vụ việc là bao nhiêu… Có thể là tôi chưa biết hoặc có thể họ không công khai việc đó. Tôi nghĩ có lẽ còn bất cập ở khoản đó".
Riêng trong vụ Đoàn Thị Hương, Luật sư Thuận cho rằng nguyên nhân xử lý chậm trễ, lúng túng của cơ quan ngoại giao Việt Nam còn vì yếu tố "nhạy cảm", "tế nhị". Ông nói :
"Đây là quan hệ rất tế nhị. Tình hình, diễn biến của vụ đó cũng dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa Mã Lai và Triều Tiên. Quan hệ Việt Nam và Bắc Triều Tiên cũng là quan hệ xã hội chủ nghĩa. Cho nên vấn đề lên tiếng trong trường hợp đó có sự tế nhị, phức tạp".
Cả hai luật sư đều cho rằng cần phải cải thiện công tác lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài để đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam.
"Vấn đề quan trọng là công tác lãnh sự phải nhanh chóng tiếp cận với công dân Việt Nam khi liên quan đến vấn đề pháp luật", theo Luật sư Trần Quốc Thuận.
Còn Luật sư Trần Thu Nam cho rằng nếu không muốn "bị một bài học" như trong vụ Đoàn Thị Hương, Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng một quy trình xử lý cụ thể cho các trường hợp công dân Việt Nam gặp phải các vấn đề liên quan đến pháp lý ở nước ngoài.
"Sau vụ việc này, tôi mong là chính quyền Việt Nam sẽ xây dựng được một quy trình xử lý khi có sự việc tương tự xảy ra. Sẽ có một bộ phận chuyên nghiệp để xử lý nhanh chóng, liên hệ với các cơ quan chính quyền địa phương, các cơ quan pháp luật, luật sư chẳng hạn để bảo vệ cho công dân của mình. Phải lên tiếng ngay lập tức và gửi các thông tin cho truyền thông để cho mọi người nắm được là quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài được chính quyền Việt Nam quan tâm".
Hôm 29/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đến thăm cô Đoàn Thị Hương tại nhà tù Kajang. Trong buổi gặp này, phía Việt Nam giới thiệu Luật sư Hisyam Teh Toh Teik để bào chữa cho Đoàn Thị Hương, cùng với Luật sư Naran Singh đã được chọn trước đó.
Đoàn Thị Hương bị buộc tội giết người trong phiên tòa ngày 1/3 ở Malaysia. Phiên tòa tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/4.
Đoàn Thị Hương và nữ nghi phạm người Indonesi Siti Aisyah bị cáo buộc đã giết ông Kim Jong-nam bằng chất độc thần kinh VX, một hóa chất bị Liên Hiệp Quốc xếp loại là vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Khánh An