Mai Khôi & Những người bất đồng : Tự do ngôn luận không tự nhiên mà có (VOA, 16/11/2019)
Bộ phim tài liệu của đạo diễn Mỹ Joe Piscatella về ca sĩ bất đồng chính kiến Mai Khôi sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam đối với tự do ngôn luận vừa ra mắt tại New York hôm 13 và 14 tháng 11.
Từ bỏ sự nghiệp là một ca sỹ nhạc pop để trở thành một nghệ sỹ bất đồng chính kiến đã đặt Mai Khôi và những người xung quanh cô vào sự nguy hiểm. Cô tự ứng cử đại biểu quốc hội, gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama để thảo luận vấn đề nhân quyền Việt Nam và làm một album nhạc khiến nhà cầm quyền tức giận.
Đó là những gì được mô tả trong bộ phim tài liệu "Mai Khoi & The Dissidents" ("Mai Khôi và Những người Bất đồng) của đạo diễn người Mỹ Joe Piscatella vừa ra mắt ở New York trong tuần này.
"Tôi thích làm phim về những anh hùng bất đắc dĩ, những người đứng lên chống lại những thể chế quyền lực", đạo diễn Piscatella nói. "Và khi tôi tình cờ thấy câu chuyện của Mai Khôi, tôi nghĩ đây là một người đang làm chính xác những điều như vậy. Đây là một người dám đặt mình vào nguy hiểm để có thể làm điều gì đó lớn lao và đứng lên vì điều gì đó vĩ đại hơn bản thân mình".
Bộ phim dài 75 phút, ra mắt hôm 13-14/11 tại liên hoan phim tài liệu lớn nhất của Mỹ DOC NYC, nói về sự nghiệp của Mai Khôi xoay quanh quá trình cô và nhóm nhạc của mình làm album Mai Khôi Chém Gió – Bất Đồng trong một xã hội có nhiều hạn chế về tự do ngôn luận như ở Việt Nam.
"Ở phương Tây, chúng ta coi tự do ngôn luận là điều đương nhiên", đạo diễn Piscatella nói. "Tôi không nghĩ rằng khán giả phương Tây, cụ thể là Mỹ, hoàn toàn hiểu được tự do ngôn luận là gì. Bởi vì chúng ta luôn có nó".
Đạo diễn Piscatella đã mất 2 năm để hoàn thành bộ phim và trong quá trình làm ông nhận thấy rằng "có được tự do ngôn luận có ý nghĩa như thế nào".
"Đó là sự nhận thức ra rằng khi đi trên phố mà không biết rằng nhà bạn sẽ bị gõ cửa bất cứ lúc nào, không biết rằng nếu có cảnh sát đi theo và theo dõi những gì bạn làm hoặc tất cả những gì bạn đang viết trên mạng xã hội hay không", đạo diễn Piscatella nói.
Trong quá trình làm và ra mắt album nhạc Mai Khôi Chém Gió – Bất Đồng, cô ca sỹ bất đồng chính kiến vài lần bị công an gõ cửa nhà và thậm chí bị đuổi khỏi nơi ở vì chủ nhà từ chối không cho thuê.
Đạo diễn Piscatella, người từng đoạt giải Sundance với bộ phim tài liệu "Joshua : Teenager vs Superpower" (Joshua : Cậu thiếu niên và Siêu cường) về thủ lĩnh phong trào "Cách mạng Dù" đòi dân chủ cho Hong Kong, quyết định làm phim về Mai Khôi sau khi ông tình cờ đọc được một bài báo trên New York Times viết về việc cô ca sỹ lúc đó 34 tuổi tự ứng cử đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 14.
Đạo diễn người Mỹ cho rằng hành động "quyết định đứng lên và ra ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam" của Mai Khôi là "dũng cảm truyệt vời".
Ca sỹ từng được mệnh danh là "Lady Gaga" của Việt Nam trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận trong công chúng sau khi tham dự cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 năm 2016 với tư cách một ứng cử viên độc lập và được mời tham dự một buổi gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông thăm Việt Nam vào tháng 5/2016.
Mai Khôi từng nói với VOA rằng cuộc gặp với Tổng thống Obama đã làm cô "thay đổi" và kể từ đó cô cam kết nhiều hơn trong việc đấu tranh vì nhân quyền.
"Chính phủ Việt Nam đã rất tức giận khi Mai Khôi đến cuộc gặp mặt đó và ngay lập tức cô bị cấm biểu diễn ở Việt Nam", đạo diễn Piscatella nói và cho biết sự kiện này đã được đưa vào bộ phim tài liệu của ông. "Nhưng thay vì im lặng, cô ấy quyết định cất tiếng và làm một album nhạc thách thức sự kiểm duyệt của chính quyền".
Tổ chức Quỹ Nhân quyền (Human Rights Foudation) hồi năm ngoái nhận định rằng Mai Khôi là một nghệ sĩ dũng cảm, độc lập, người đang định hình tranh luận công chúng ở Việt Nam. Cô trở thành một ngôi sao vào năm 2010 sau khi giành được giải thưởng cao nhất về sáng tác tại Việt Nam. Là một người nổi tiếng, Mai Khôi ủng hộ quyền phụ nữ, quyền của những người đồng tính, chuyển giới (LGBT) và tranh đấu để chấm dứt bạo hành đối với phụ nữ.
Tháng 5 năm ngoái, Mai Khôi được trao giải Nhân quyền Quốc tế Vaclav Havel ở Oslo, Na Uy, vì "cô đã đưa các quyền tự do dân sự và dân chủ lên hàng đầu trong các cuộc tranh luận trong công chúng ở Việt Nam" thông qua âm nhạc và các hoạt động của mình.
Thông điệp của bộ phim, theo đạo diễn Piscatella, là thậm chí tiếng nói nhỏ nhất cũng có thể gây tiếng vang và ông hy vọng bộ phim này sẽ cho khán giả Mỹ và khắp thế giới biết rằng tự do ngôn luận không phải tự nhiên mà có và để mọi người biết nhiều hơn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
"Tôi hy vọng câu chuyện này tạo ra tiếng vang để mọi người biết rằng tự do ngôn luận không tự nhiên mà có vì tất cả chúng ta phải tranh đấu mới có được, và nó là cái mà chúng ta đều tin vào", đạo diễn Piscatella nói. "Và có một người phụ nữ (là Mai Khôi) đang đấu tranh vì điều đó".
*****************
Quan hệ Việt-Úc trắc trở vì… cúm heo (VOA, 16/11/2019)
Sau khi có tin vào tháng trước là Úc rút visa của một phụ nữ Việt Nam mang thịt heo vào nước này, một công dân khác của Việt Nam đối mặt với cùng biện pháp trừng phạt vì vi phạm tương tự, khiến chính phủ Úc phải đưa ra một thông cáo chính thức.
Nhân viên y tế khử trùng một chiếc xe chạy ngang qua một khu vực dịch cúm heo bùng phát tại vùng ngoại ô Bắc Kinh, ngày 23/11/2018.
Lần đầu tiên một vi phạm liên hệ đến thịt heo và phản ứng tại Việt Nam có phần bối rối. Các báo địa phương nêu vấn đề "một phụ nữ bị trục xuất vì không khai báo có thịt heo trong hành lý ?". Đây không phải là cần sa hay sừng tê giác, dân địa phương đùa cợt về tin này.
Úc "có nhiều thứ như Việt Nam, tại sao phải vận chuyển chi cho rắc rối ?" một người bình luận viết trên báo Tuổi Trẻ của nhà nước.
Nhưng khi xảy ra vụ vi phạm thứ hai, Úc giải thích lý do vì sao thịt heo nghiêm trọng hơn một vài món hàng không khai báo : đó là vì cúm heo.
"Du khách bị cấm không được mang theo các sản phẩm thịt heo từ các nước có dịch cúm heo Châu Phi vào Úc", Bộ trưởng Nông nghiệp Bridget McKenzie nói trong một thông cáo công bố hồi tuần trước. "Đây là một trong những biện pháp của chính phủ chúng tôi nhằm ngăn căn bệnh dịch tai ương này xâm nhập vào Úc và để bảo vệ cho 2.700 nhà sản xuất thịt heo của chúng tôi".
Dù hai du khách Việt Nam dường như chỉ mang thịt heo làm quà tặng cho thân nhân, nhưng họ bị kẹt trong tranh cãi xuyên biên giới này. Cúm heo đã tàn phá khắp Châu Á, đặc biệt tại thị trường khổng lồ Trung Quốc và Việt Nam, nơi thịt heo là thực phẩm thông dụng. Hai nước này và những quốc gia khác đã tiêu hủy hàng triệu con heo để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Giữa lúc thịt heo khan hiếm, tại một số nơi giá thịt heo tăng gần gấp đôi trong năm qua, và Trung Quốc đã phải tái xét lại việc hạn chế nhập khẩu thịt heo của Mỹ dù hai bên đang có chiến tranh thương mại.
Bộ trưởng Bridget McKenzi nói Úc có lý do để quan ngại là dịch bệnh bùng phát có thể lan rộng. "Một vòng thử nghiệm mới đây phát hiện có gần 50% sản phẩm thịt heo bị tịch thu từ các du khách, dương tính với cúm heo Châu Phi", bà nói.
Tuy nhiên nhiều người tại Việt Nam bênh vực các du khách, cảm thấy việc trục xuất là một trừng phạt nặng nề đối với một lỗi lầm lương thiện. Úc có thể tịch thu những hàng hóa vi phạm và cho phép du khách tiếp tục vào Úc thay vì trục xuất họ và cấm họ trở lại Úc trong vòng 3 năm.
"Chúng ta cũng nên thông cảm với bà ấy vì bà chỉ quen ăn theo cách Việt Nam", cư dân mạng Hoàng Trần nói về nữ du khách trên Facebook.
Úc và Việt Nam đều muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Úc có một số dân Việt Nam đông đảo kể từ Chiến tranh Việt Nam, và Úc tiếp tục nhận nhiều sinh viên sang học đại học.
Việt Nam là một trong những thị trường thương mại tăng trưởng nhanh chóng nhất của Úc tại Đông Nam Á với thương mại tăng gần 12% trung bình một năm, theo Uỷ ban Thương mại và Đầu tư Úc.
Đại sứ Úc tại Việt Nam ở Hà Nội Robyn Mudie nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ này.
"Úc cảm kích sự ủng hộ của Việt Nam trong việc giúp bảo vệ Úc trước những đe dọa về an ninh sinh học nghiêm trọng và hy vọng các du khách Việt Nam có thể tiếp tục tận hưởng lòng hiếu khách của Úc", đại sứ Mudie nói.
Nguyễn Hà