Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/11/2019

Biết về Việt Nam sẽ gặp khó, nhà đấu tranh cho nhân quyền Đinh Thảo vẫn về

Tổng hợp

Nhà hoạt động Đinh Thảo : Biết là sẽ gặp khó khăn 'nhưng vẫn phải về' (BBC, 15/11/2019)

Nhà hoạt động Đinh Thảo đáp chuyến bay 7 giờ sáng hôm 15/11 từ Bangkok về Hà Nội.

Tin từ tổ chức VOICE cho hay vào 8g50 sáng, tại phi trường Nội Bài, cô bị hơn 10 nhân viên an ninh chặn giữ và đưa vào phòng thẩm vấn.

Hiện Thảo đã hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài.

dinhthao1

Nhà đấu tranh Đinh Thảo biết về Việt Nam sẽ gặp khó nhưng vẫn về

Vài ngày trước khi đáp chuyến bay về Việt Nam Đinh Thảo đi gặp một số người cô từng có dịp tiếp xúc ở Đông Nam Á để chào từ giã.

Thảo tâm sự với phóng viên BBC News Tiếng Việt rằng cô lo khi trở về lần này sẽ gặp khó khăn, vì lúc ra đi cách đây gần 4 năm, Thảo đã bị cảnh cáo.

"Kỳ này về em có thể sẽ gặp nhiều khó khăn". Thảo nói với BBC.

"Nhẹ lắm thì bị an ninh chặn ở phi trường, rồi bị kéo vào phòng tra hỏi. Nặng thì có thể bị tạm giam để hỏi cung vài ngày".

"Nhưng cũng có thể lâu hơn", Thảo nói thêm sau chút trầm ngâm.

Nhà hoạt động chưa đầy 30 tuổi này có nhiều lý do để lo âu.

Có mẹ là bác sĩ, và ôm mộng là một bác sĩ từ ngày còn trẻ, thế nhưng trong lúc theo học trường y, hảo chứng kiến nhiều sự kiện khiến cô tự hỏi con đường mình đã chọn không biết có đúng không.

Trước khi rời Việt Nam vào tháng 3 năm 2016 để tham dự một chương trình xây dựng năng lực xã hội dân sự do tổ chức VOICE cung cấp, Thảo đã tham gia nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam.

Thảo cho biết bước ngoặt khiến cô trở thành một nhà hoạt động là vào mùa Hè năm 2015, sau khi bị bắt vì tham gia một loạt các cuộc biểu tình chống lại chính quyền Hà Nội vì chặt 6700 cây xanh quanh thành phố vốn cần rất nhiều bóng mát vì không khí ô nhiễm nặng nề.

Sau đó, Thảo tham gia nhiều hoạt động với nhiều vai trò khác nhau, như điều phối "Cây xanh" (trước đây gọi là "Vì một Hà Nội xanh"), đồng tổ chức chiến dịch bầu cử quốc hội tự đề cử (tháng 2 và 3/2016), tổ chức một sự kiện công khai biện hộ cho các vấn đề môi trường tại Hà Nội (14/1/2016), v.v. Thảo cũng lên tiếng ủng hộ nạn nhân của sự tàn bạo của cảnh sát hoặc hình phạt tử hình sai trái.

Sau khi thực tập tại VOICE, Thảo tiếp tục làm việc tại VOICE cho đến cuối tháng 9/2019 để có thêm kiến thức và kỹ năng để cuối cùng có thể quay trở lại Việt Nam. Trong thời gian ở nước ngoài, Thảo đi nhiều nơi trên thế giới để vận động nhân quyền cho Việt Nam.

Thảo nói về ước nguyện cô ôm ấp bấy lâu :

"Mục tiêu cuối cùng của tôi là vận động để Việt Nam trở thành một quốc gia tôn trọng nhân quyền, có dân chủ".

Quãng thời gian ở nước ngoài, với nhiều phương tiện học hỏi, giúp tôi xác định cho mình viễn kiến, tầm nhìn. Nay tôi nghĩ mình đã học được nhiều điều, đi được một số nơi. Tôi nghĩ giờ đây mình tự tin là có thể giúp Việt Nam phát triển hơn, có một guồng máy minh bạch hơn".

Nói về con đường mình đã chọn, Thảo biết đây không phải là một lựa chọn dễ dàng cho mình và gia đình vì cô có thể phải trả một giá không nhỏ :

"Đương đầu với chính phủ như vậy thì giá đắt nhất nó chính là bắt bớ, giam cầm một cách vô cớ. Tôi nghĩ tôi đã chuẩn bị tinh thần cho các giá phải trả này. Tuy nhiên, khi cái giá này nó trở nên quá đắt, đến nỗi có thể khiến mình bỏ cuộc, có lẽ đó chính là sự an nguy của người thân".

Để chuẩn bị về nước, Thảo cho biết đã nhờ cha mẹ mang người con trai mới 16 tháng về Việt Nam trước để ngày về của mình 'nhẹ nhàng' hơn.

Nhắc đến con,Thảo rớm nước mắt thổ lộ :

"Tôi nghĩ điều tốt nhất đương nhiên cho một người mẹ là có thể ở bên cạnh con mình.

"Tuy nhiên nếu tôi không thể ở bên cạnh con mình được, thì tôi có thể trở thành tấm gương cho con trai tôi".

"Tôi hy vọng trong thời gian mình còn tự do ở bên ngoài, tôi sẽ giúp để tạo ra nền tảng giáo dục tốt cho cháu".

*****************

Nhà hoạt động bị Việt Nam câu lưu sau 4 năm vận động nhân quyền ở nước ngoài (RFA, 15/11/2019)

Nhà hoạt động nhân quyền Đinh Thảo vừa bị cơ quan an ninh Việt Nam câu lưu vào sáng ngày 15/11/2019 sau khi đáp chuyến bay từ Bangkok trở về phi trường Nội Bài. Đến khoảng 5 giờ chiều cô được trả tự do.

dinhthao2

Hình minh họa. Nhà hoạt động Đinh Thảo - Courtesy of FB Đinh Thảo

Theo thông cáo từ tổ chức VOICE, "trong gần bốn năm vừa qua, bà Đinh Thảo luôn chủ trương thúc đẩy tình hình nhân quyền ở Việt Nam bằng cách tham gia vào các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc, vận động các cơ quan Liên minh Âu Châu và các chính phủ nước ngoài khác thông qua những hiệp định đối tác song phương với Việt Nam.

Bà cũng làm việc chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ nhân quyền quốc tế và trong khu vực để nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam", thông cáo nêu rõ.

Đinh Thảo tốt nghiệp Đại học Y vào năm 2015, là một gương mặt tiêu biểu trong các hoạt động dân sự ở Hà Nội trước khi ra nước ngoài làm công việc vận động nhân quyền.

Nhà hoạt động Vi Yên trong thông báo về việc bà Đinh Thảo bị câu lưu cho hay, "Đinh Thảo chính là người từng điều phối nhóm Green Trees với mục tiêu kêu gọi bảo vệ môi trường, và chị cũng là một trong những người đứng ra tổ chức chiến dịch hỗ trợ các ứng cử viên đại biểu quốc hội độc lập năm 2016".

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế- Amnesty International, có thông cáo báo chí về việc cơ quan chức năng câu lưu nhà hoạt động Đinh Thảo.

Theo Giám đốc Nghiên cứu Đông Nam Á- Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế, Joanne Mariner, chính phủ Hà Nội lại cho thấy sự thù hận trắng trợn đối với những người muốn có một tương lai tốt đẹp cho đất nước- trong đó có việc tôn trọng nhân quyền.

Ông Phil Robertson từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cũng có kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Đinh Thảo, cho phép cô đoàn tụ với con trai 16 tháng tuổi cũng như với cha mẹ cô. Theo HRW, cô ĐinhThảo không làm gì sai trái và hẳn nhiên không đáng phải bị câu lưu, bị thẩm vấn tại phi trường.

Theo ông Phil Robertson, việc bày tỏ quan điểm một cách công khai, thực thi quyền tự do tham gia với những nhóm hoạt động mà chính phủ Việt Nam không thích, không thể biện minh cho dạng thức thù hận, vi phạm quyền mà cô này nhận lấy khi trở lại quê nhà sau 4 năm xa cách. Các nhà ngoại giao và giới chức Liên hiệp Quốc cần yêu cầu Việt Nam trả tự do cho cô này và hứa không để cô phải chịu hình thức sách nhiễu liên tục, lạm dụng mà nhiều nhà bất đồng chính kiến phải hứng chịu khi trở về từ nước ngoài.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 474 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)