Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/11/2019

Người Trung Quốc tại Việt Nam và những hệ quả, người Việt tại Lào

RFA tiếng Việt

Việt Nam miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển (RFA, 25/11/2019)

Người nước ngoài sẽ được miễn thị thực thời hạn tạm trú 30 ngày, khi vào khu kinh tế ven biển.

visa1

Việc quy định "cứ vào khu kinh tế ven biển thì đương nhiên được miễn thị thực" là quá lỏng lẻo. Ảnh minh họa

Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước loan chiều ngày 25/11, sau khi quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam có 18 khu kinh tế ven biển, bao gồm hai huyện đảo Phú Quốc, Vân Đồn và chính phủ sẽ quyết định khu kinh tế ven biển nào được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ bốn điều kiện : có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt ; ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền ; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi góp ý dự thảo Luật này cho biết, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng cần quy định chặt chẽ, bổ sung điều kiện về khu kinh tế ven biển cho đầy đủ để không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, cũng có một số đại biểu quốc hội đề nghị không miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển.

Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển với bốn điều kiện vừa nêu là "đảm bảo chặt chẽ".

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.

Trước đó, vào ngày 14/11, Thủ tướng Việt Nam đã ban hành nghị quyết về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Tháng 6/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành kế hoạch muốn Vân Đồn trở thành khu kinh tế đặc thù với tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư giai đoạn 2019 – 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỷ đồng.

Vào năm 2018, Chính phủ Hà Nội đã chỉ đạo soạn thảo dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phúc Quốc, hay còn gọi tắt là Dự luật đặc khu để trình Quốc hội xem xét. Nhiều cuộc biểu tình chống Dự luật đặc khu đã diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước vào tháng 6/2018. Người dân lo ngại các đặc khu này sẽ tạo điều kiện cho người Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam khi điều kiện cho thuê đất lên tới 99 năm với nhiều ưu đãi. Dưới sức ép từ phía dư luận, cuối năm đó, chính phủ Hà Nội quyết định dời lại việc bàn thảo về Dự luật này, tới nay vẫn chưa thông qua.

****************

Bắt 5 người Trung Quốc bị truy nã trốn tại Việt Nam (RFA, 25/11/2019)

Công an Thành phố Đà Nẵng mới đây cho biết cơ quan này vừa bắt giữ 5 người đàn ông quốc tịch Trung Quốc bị Trung Quốc truy nã và đang lẩn trốn tại Đà Nẵng.

visa2

Cơ quan chức năng bắt giữ năm người Trung Quốc bị truy nã lẩn trốn tại Đà Nẵng hôm 21 và 22 tháng 11/2019 - Courtesy of Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng

Truyền thông trong nước loan tin hôm 24/11 cho biết 5 nghi phạm người Trung Quốc bị bắt giữ vào đêm 21 và 22 vừa qua có tên Yu Hong Can (48 tuổi), Xu Heng (46 tuổi, Liu Yi Hu (43 tuổi), Xua Liang (39 tuổi) và Luan Cheng Minh (37).

Công an Trung Quốc cho hay các nghi phạm bị cáo buộc tổ chức đánh bạc trái phép ở Trung Quốc từ năm 2013 với tổng số tiền khoảng 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 330 tỷ đồng). Nhóm người Trung Quốc này cũng bị cáo buộc gây rối, bắt cóc để đòi tiền nợ của người tham gia đánh bạc.

Công an tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã truy bắt nhóm người nói trên nhưng các nghi phạm đã bỏ trốn khiến cơ quan này phải phát lệnh truy nã. Sau đó, công an Trung Quốc đã liên lạc với công an Việt Nam khi phát hiện nhóm người đang có mặt tại Đà Nẵng.

Báo trong nước cho biết những người đàn ông Trung Quốc đã thay đổi liên tục các nhà nghỉ tại Đà Nẵng để tránh bị cơ quan chức năng truy lùng.

Công an Thành phố Đà Nẵng cho biết đang tạm giam nhóm 5 người Trung Quốc và sẽ làm thủ tục bàn giao họ về nước.

Thành phố Đà Nẵng hiện đang là điểm đến của nhiều khách du lịch Trung Quốc và cũng là điểm thu hút tội phạm Hoa lục. Hôm 15/10, chính quyền Thành phố Đà Nẵng thông báo đã có hơn 400 người Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được trả về nước.

Một trong những vụ việc ở Đà Nẵng là vụ 5 người Trung Quốc hồi giữa tháng 9 bị bắt vì đã thuê các em gái vị thành niên Việt Nam quay phim kiêu dâm và tải lên các trang mạng xã hội Trung Quốc.

*********************

Người dân Lào phản đối chính phủ cấp quyền công dân cho khoảng 2.000 người Việt (RFA, 25/11/2019)

Chính phủ Lào sẽ cấp quyền công dân cho khoảng gần 2.000 người Việt sinh sống tại nước này trong tổng số khoảng 6.000 đơn xin của người Việt, theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lào, tướng Vilay Lakhamfong nói tại Quốc hội Lào mới đây. Tuy nhiên quyết định cấp quyền công dân cho người Việt tại Lào không được nhiều người dân Lào ủng hộ.

visa3

Lễ khánh thành trụ sở Tổng hội Người Việt Nam tại Lào ngày 17/06/2014 - Ảnh minh họa.

Một số người dân Lào nói với Đài Á Châu Tự Do rằng những người Việt nhập cư vào Lào đang lợi dụng Lào khi họ làm các công việc như thợ làm tóc, công nhân xây dựng, lấy đi công việc của người Lào.

Một giới chức Lào đã nghỉ hưu còn so sánh với việc 2.000 người Việt được trở thành công dân, sẽ có 4.000 người Lào mất việc.

Giới chức giấu tên phụ trách việc đăng ký các hộ dân thuộc Bộ Nội an của Lào cho RFA biết việc cấp quyền công dân cho những người Việt này là theo luật về nhập tịch của Lào. Theo luật này, người nhập cư có thể được cấp quyền công dân khi đã ở Lào ít nhất 10 năm và được Quốc hội cũng như Chủ tịch nước phê duyệt, sau khi được Bộ Tư pháp tuyên bố tình trạng đơn xin làm công dân Lào.

Giới chức Lào thừa nhận với RFA rằng nước này đang phải đối mặt với tình trạng người lao động nhập cư không có giấy tờ, phần đông đến từ Trung Quốc và Việt Nam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 454 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)