Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/11/2019

Phản đối vụ bắt giữ Phạm Chí Dũng, vụ Đồng Tâm lại nổi sóng

RFA tiếng Việt

Nhiều tổ chức cá nhân trong nước lên tiếng phản đối vụ bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng (RFA, 25/11/2019)

Hôm 22/11, một loạt các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân ở Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc chính quyền Việt Nam bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hôm 21/11.

pcd5

Hình minh họa. Nhà báo Phạm Chí Dũng và thông báo của Bộ Công an về vụ bắt giữ - Photo : RFA

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng bị cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo điều 117 – Bộ Luật Hình sự 2015.

Thông cáo báo chí của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hôm 22/1 viết rằng : "Với việc bắt và khởi tố ông Phạm Chí Dũng, Cơ quan Công an Tp. Hồ Chí Minh đã xoá bỏ các nỗ lực tuyên truyền và thúc đẩy Quyền dân sự – Chính trị của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian gần đây ; vẽ thêm mảng tối về tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Việt Nam ; xác lập sự vi phạm trắng trợn các cam kết nhân quyền của Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng thế giới và khu vực".

Hội cũng kêu gọi EU xem xét lại Hiệp định Tự do thương mại và Hiệp định bảo hộ đầu tư với Việt Nam vì những hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng qua vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng.

Một bản lên tiếng hôm 22/11 của 9 tổ chức xã hội dân sự cùng khoảng gần 200 cá nhân trong và ngoài nước cũng lên án vụ bắt giữ và gọi đây "là việc làm không phù hợp với nhà nước pháp quyền", đồng thời kêu gọi chính quyền phải trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Phạm Chí Dũng.

Trước đó, một loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Phóng viên không Biên giới và Ủy ban bảo vệ các nhà báo cũng đã ra thông cáo lên án việc bắt giữ này của chính quyền Việt Nam, đồng thời kêu gọi quốc tế xem xét lại các thỏa thuận mậu dịch và đầu tư với Việt Nam vì tình trạng vi phạm nhân quyền.

******************

Chính phủ có thật sự đối thoại với người dân Đồng Tâm ? (RFA, 25/11/2019)

Theo Thông tấn xã Việt Nam, vào ngày 25 tháng 11 năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức buổi đối thoại tại trụ sở Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Mỹ Đức, để đối thoại với công dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn (ngoại thành Hà Nội), liên quan việc khiếu kiện đất đai ở khu vực này.

phandoi2

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại trụ sở Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Mỹ Đức hôm 25/11/2019. Courtesy chinhphu.vn

Đây là khu vực từng xảy ra vụ tranh chấp đất đai ầm ĩ báo chí trong nước và quốc tế khi người dân bắt giữ 38 cảnh sát cơ động làm con tin hồi tháng 4 năm 2014. Những con tin chỉ được giải thoát sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tận nơi hứa với người dân tìm cách giải quyết tranh chấp đất. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có giải pháp nào được cả hai phía chấp nhận.

Theo TTXVN, tham dự đối thoại lần này có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, một số cơ quan chính phủ có liên quan và chính quyền địa phương, cùng đông đảo người dân.

Tuy nhiên khi trao đổi với RFA hôm 25/11, ông Lê Đình Công một trong những người dân khiếu kiện ở Đồng Tâm cho biết, chính quyền không mời người dân đối thoại như đã hứa với người dân trước đây mà mời lên để nghe đọc kết luận thanh tra :

"Mời nghe đọc kết luận thì chúng tôi không xuống, nhưng họ lại nhằm mục đích đánh lừa dư luận, nói rằng hôm nay đối thoại với dân Đồng Tâm, trong đó chỉ có một số người là bố mẹ, gia đình của những cán bộ hiện đang làm việc ở xã Đồng Tâm. Khi chuẩn bị đến giờ xuống huyện thì họ đã đưa một xe ô tô gồm hơn hai mươi kiểm soát quân sự về với mục đích là uy hiếp tinh thần người dân Đồng Tâm chúng tôi".

Đài Á Châu Tự Do hôm 25/11 cũng đã liên lạc ông Lê Trường Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, theo số điện thoại di động của ông này, để xác nhận thông tin vừa nêu, tuy nhiên sau nhiều lần cố gắng vẫn không liện lạc được.

phandoi3

Vào ngày 25/11, người dân Đồng Tâm cho biết họ lại bị chính quyền đe dọa, uy hiếp tinh thần khi cho xe chở lực lượng kiểm soát quân sự đến địa phương. Screen capture from video

Ông Lê Đình Công cho biết thêm, hôm 24 tháng 11 năm 2019, ông và nhân dân Đồng Tâm nhận được một giấy mời lên huyện Mỹ Đức, để nghe ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, đọc thông báo kết luận liên quan kết luận thanh tra đất sân bay Miếu Môn 2346 và nghe kết quả rà soát kết quả thanh tra 611, ông nói tiếp :

"Họ biết nếu đọc rà soát này thì nhân dân Đồng Tâm sẽ không xuống, bởi vì trước đó nhân dân Đồng Tâm đã đề nghị UBND Hà Nội, Thanh tra chính phủ, Bộ quốc phòng phỉ đối thoại với người dân Đồng Tâm. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng có văn bản chỉ đạo thanh tra chính phủ, UBND Hà Nội phải về đối thoại với dân Đồng Tâm, nhưng họ lại mời chúng tôi chỉ để nghe kết luận rà soát số 611. Nhưng từ kết luận 2346 và rà soát này đều không làm việc với nguyên đơn chúng tôi".

Theo cổng thông tin chính phủ, vào ngày 19/7/2017, Thanh tra thành phố ban hành Kết luận thanh tra số 2346 về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Trong đó, nội dung chính là khẳng định : Toàn bộ 238ha đất thuộc địa bàn 3 xã Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi, giao cho quân đội từ năm 1980 để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Sau khi công bố Kết luận thanh tra 2346, vì người dân Đồng Tâm không đồng tình, Thanh tra Chính phủ đã quyết định tiến hành rà soát kết luận thanh tra 2346.

Đến ngày 25 tháng 4 năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo số 611, công bố kết quả rà sát kết luận 2346 thanh tra đất đai Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội, và khẳng định toàn bộ khu đất ở sân bay Miếu Môn hơn 239 ha đều thuộc đất Quốc Phòng.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, là luật sư đại diện cho người dân Đồng Tâm, sau khi có kết luận thanh tra vào tháng tư năm 2019, khi trả lời RFA trước đây từng nhận định :

"Với những việc trước đây thì tôi xin phép không nói vì đã có kết luận lần thứ nhất rồi. Nhưng mà mới đây giai đoạn mà chúng tôi có ký hợp đồng với nhân dân Đồng Tâm là chúng tôi bảo vệ cho những vấn đề có liên quan đến kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra giao cho thành phố là thông báo trả lời về việc thanh tra chứ không phải là kết luận. Và đây là thông báo đơn phương từ phía họ thôi".

Khi đó Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, người dân Đồng Tâm sẽ kiên trì yêu cầu đề nghị chính quyền đối thoại, trả lời rõ ràng các thông báo, công văn; Yêu cầu chính quyền trả lời chính thức bằng văn bản hoặc sẽ đối thoại với người dân.

Trả lời RFA hôm 25/11, cụ Lê Đình Kình, nguyên Bí thư đảng ủy xã Đông Tâm, cũng là người đại diện tinh thần của người dân xã Đồng Tâm, nói :

"Trước đây chúng tôi yêu cầu về trực tiếp đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm phải có đủ thành phần như chính phủ, bộ quốc phòng, huyện, xã… có luật sư hỗ trợ pháp lý và có nguyên đơn đứng ra khiếu nại tố cáo, các ông ấy nói họp quốc hội xong sẽ về, nhưng hôm nay chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lại tổ chức về trước, nhưng lại không về xã Đồng Tâm mà về huyện Mỹ Đức, và giấy mời cũng không gồm thành phần như chúng tôi yêu cầu, cũng không có nội dung mời nguyên đơn khiếu nại tố cáo. Đồng Tâm có 14 cụm dân cư thì họ mời mỗi cụm 5 người gồm cụm trưởng + 2 đảng viên và 2 công dân".

Theo cụ Lê Đình Kình, đất quốc phòng thuộc sân bay Miếu Môn chỉ có 47,36 hecta, nhưng chính quyền lại nói là 64 hecta. Theo cụ Kình, người dân còn 59 hecta đất nông nghiệp nhưng chính quyền lại nói khu vực sân bay Miếu Môn chỉ có đất quốc phòng chứ không có đất nông nghiệp. Cụ Lê Đình Kình nói tiếp :

"Hôm nay không xảy ra bắt bớ, giữ người gì ở xã Đồng Tâm, mà dân Đồng Tâm chỉ lên cổng Ủy ban từ 12 giờ 5 phút đến 4 giờ chiều, và có đưa một số văn bản chứng minh 14 hộ dân ở xã đồng tâm này là đất nông nghiệp của họ, ngay cả quân chủng phòng không, không quân người ta cũng công nhận đây là đất nông nghiệp, khu vự này là do lịch sử để lại".

Cụ Lê Đình Kình cho rằng, cuộc gặp hôm nay chính quyền đã giấu diếm sự thật và cũng không đối thoại đúng sự thật. Vì vậy Cụ cho biết, ngày mai Cụ và người dân Đồng Tâm sẽ tiếp tục đề nghị giải quyết tiếp vấn đề này.

Vào ngày 15/04/17, khi chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế đất tại đồng Sênh, ở thôn Hoành, người dân xã Đồng Tâm khi đó đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước qua vụ việc người dân bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội. Trước đó, Công an Hà Nội bắt 4 người dân xã Đồng Tâm để điều tra cáo buộc gây rối trật tự công cộng, trong số này có cụ Lê Đình Kình, nguyên Bí thư đảng ủy xã, 82 tuổi vào thời điểm đó.

Căng thẳng chấm dứt vào ngày 22/4 sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về đối thoại với người dân và người dân thả toàn bộ những con tin bị bắt giữ.

Người đứng đầu thành phố Hà Nội lúc đó đã viết một bản cam kết "trực tiếp tham gia đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao đoàn thanh tra làm đúng sự thật, khách quan và đúng pháp luật". Ông cũng hứa sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự của toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm sau vụ bắt giữ con tin.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 463 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)