Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật đảng viên và quân nhân (RFA, 26/11/2019)
Một tổ chức đảng cùng 6 đảng viên và 8 quân nhân bị Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương bỏ phiếu đề nghị kỷ luật về đảng vào chiều 25 tháng 11.
Đại tướng Lương Cường, Bí thư trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ quân ủy Trung ương - Photo : chinhphu.vn
Theo truyền thông trong nước, tại kỳ họp lần thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, sau khi nghe báo cáo kết quả kiểm tra của Cơ quan Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các đại biểu đã thảo luận, phân tích những vi phạm của tổ chức đảng, cá nhân và Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật đối với tổ chức và các cá nhân này. Danh tánh những người bị kỷ luật chưa được tiết lộ.
Phát biểu tại kỳ họp, Đại tướng Lương Cường, Bí thư trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ quân ủy Trung ương, yêu cầu Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương phải chủ động tham mưu cho Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo thực hiện chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ ; kết luận sai phạm phải rõ ràng, minh bạch ; xử lý phải công tâm, khách quan, kỷ luật nghiêm minh, thuyết phục.
Hồi tháng 8 năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương Việt Nam cũng đã đề nghị thi hành kỷ luật 10 đảng viên, quân nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, kỷ luật Quân đội và pháp luật Nhà nước tại kỳ họp thứ 13 của Ủy ban này.
Trước đó vài tháng, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cũng bị kỷ luật về đảng. Ngoài ra còn có hai sĩ quan cấp cao là Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo và Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.
*****************
Nghị viên kêu gọi EU ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam vì nhân quyền (VOA, 26/11/2019)
Một thành viên nghị viện Châu Âu vừa lên tiếng kêu gọi khối này tạo áp lực lên chính phủ Việt Nam để trả tự do cho nhà báo Phạm Chí Dũng cũng như tạm ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với quốc gia Đông Nam Á này cho đến khi tình hình nhân quyền được cải thiện.
Bà Saskia Bricmont, trong một bức thư gửi cho Chủ tịch Nghị viện Châu Âu hôm 22/11, nói về việc ông Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập và từng là đảng viên Đảng Cộng sản, bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vì tội "tuyên truyền chống phá Nhà nước".
Trong một chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hôm 22/11, bà Bricmont, một thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, cho biết rằng ông Dũng, cũng là một blogger của VOA, đã viết một bức thư gửi tới chủ tịch Nghị viện EU cũng như tới các chủ tịch của các ủy ban thương mại quốc tế, các vấn đề quốc tế và nhân quyền để "đánh động họ về tình trạng suy thoái của tình hình (nhân quyền) Việt Nam".
Bà Bricmont viết trong bức thư, được đăng kèm với phần chia sẻ trên trang Facebook, rằng ông Dũng, trong bức thư gửi cho chủ tịch nghị viện EU hôm 10/11, "kêu gọi EP (Nghị viện Châu Âu) hoãn phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu và Việt Nam) và IPA (Hiệp định bảo vệ đầu tư) cho tới khi chính phủ Việt Nam hoàn thành những cam kết của họ về nhân quyền" sau khi ngày càng gia tăng đáng kể việc đàn áp tự do dân sự.
"Trong khi EP đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình phê chuẩn EVFTA và IPA, hầu hết chúng tôi đã nêu lên tình trạng đáng lo ngại về nhân quyền và Bộ luật Hình sự được dùng như là một công cụ đàn áp tự do một cách đáng chú ý", bà Bricmont viết trong bức thư.
EU và Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do song phương hồi tháng 6 sau nhiều năm đàm phán và bất chấp những phản đối, gồm cả từ những thành viên trong Nghị viện Châu Âu cùng các tổ chức quốc tế, do tình hình nhân quyền của Việt Nam.
VOA Tiếng Việt hôm 16/11 đăng một bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng, trong đó ông chỉ trích Liên minh Châu Âu vì đã ký một hiệp định thương mại với Việt Nam bất chấp thành tích nhân quyền kém cỏi và thúc giục khối này xem xét lại hiệp định trước khi phê chuẩn.
Trong bài viết có tựa đề "Vì sao EU vội vã và dễ dãi ký kết EVFTA và IPA ?", blogger này đặt nghi vấn về việc phải chăng "một số doanh nghiệp thuộc EU, thông qua một số quan chức EU và người đứng đầu Phái đoàn EU tại Việt Nam – ông Bruno Angelet (vừa hết nhiệm kỳ tại Việt Nam năm 2019) để vận động Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu, Hội đồng Châu Âu và Quốc hội Châu Âu cho ký kết và phê chuẩn EVFTA và IPA nhưng bỏ mặc tình trạng vi phạm nhân quyền cực kỳ nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam ?"
Ông Dũng, 53 tuổi – từng có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng, viết trong bài blog trên VOA rằng có "rất nhiều dấu hiệu trong thời gian gần đây cho thấy chính quyền Việt Nam đang chờ được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn EVFTA và IP là sẽ ra tay, với cường độ cao hơn hẳn tình trạng ‘bắt hạn chế’ vào lúc này, để bắt bớ hàng loạt tiếng nói bất đồng chính kiến trong nước, đặc biệt là những người dám phản đối Việt Nam vào EVFTA do vi phạm nhân quyền, và tiếp tục xử án tù nặng nề các công dân yêu nước dám phản kháng Trung Quốc".
Bộ Công an Việt Nam hôm 21/11 cho biết họ đã khởi tố hình sự đối với ông Dũng về hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, Phil Robertson, viết trên trang Twitter cá nhân hôm 23/11 rằng "đã đến thời điểm chiến dịch của Hà Nội nhằm có được một hiệp định thương mại với EU trực tiếp dẫn tới những vi phạm chống lại những người bất đồng chính kiến. EU cần lên tiếng cho nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng người chỉ đơn giản kêu gọi EU yêu cầu (Việt Nam) có cải thiện thực sự (về nhân quyền)".
Bà Bricmont, trong bức thư của mình, thúc giục chủ tịch Nghị viện EU "gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Hội đồng, Ủy ban và Chính phủ Việt Nam lặp lại lời kêu gọi của chúng tôi để thả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người bảo vệ nhân quyền và những tù nhân lương tâm bị giam giữ hoặc bị cầm tù chỉ vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt, bắt đầu với ông Phạm Chí Dũng người đã đánh động với chúng ta và yêu cầu giúp đỡ".
*******************
Thêm 2 Facebooker bị Việt Nam kết án nhiều năm tù vì 'tuyên truyền chống phá nhà nước' (VOA, 27/11/2019)
Hai tòa án ở Việt Nam hôm 26/11 đưa ra các bản án nhiều năm tù đối với hai người bị cáo buộc là đã "dùng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước", theo truyền thông trong nước.
Phạm Văn Điệp, quốc tịch Nga, bị tòa án Thanh Hóa tuyên phạt 9 năm tù giam với cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước" theo điều 117 Bộ luật Hình sự hôm 26/11/2019. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ)
Ông Phạm Văn Điệp bị Tòa án Nhân dân Thanh Hóa, kết án tù 9 năm và ông Nguyễn Chí Vững, bị TAND Bạc Liêu tuyên 6 năm tù, cùng với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên tuyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Đây đều là các bản án sơ thẩm dành cho hai bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa được Tuổi Trẻ trích dẫn, ông Điệp, 54 tuổi, "thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để tuyên truyền chống phá Nhà nước".
Ngoài việc rải truyền đơn ở Lào năm 2016, theo cáo trạng, ông Điệp còn "thực hiện hành vi sử dụng Facebook phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm, chia sẻ bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng Đảng Cộng sản Việt nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xúc phạm, nói xấu lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước" cũng như "xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước", từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.
Cáo trạng này gọi ông Điệp là "đối tượng cơ hội chính trị, từng đi du học tực túc tại Liên bang Nga, sau đó bỏ học, tham gia vào tổ chức Đảng Dân chủ 21".
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Điệp, cho biết ông Điệp có quốc tịch Nga và một trong các hành vi bị Tòa án tỉnh Thanh Hóa xét xử và kết tội vì cho rằng ông "nói xấu Đảng cộng sản Việt Nam ; phê phán chủ nghĩa Mác-Lê Nin ; cổ xúy đa nguyên, đa đảng ; cổ xúy Việt Nam Cộng Hòa ; tham gia phản đối chống Trung Quốc đưa giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam năm 2017 ; nói xấu Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhân".
Trong đăng tải trên trang Facebook cá nhân sau phiên xét xử hôm 26/11, Luật sư Sơn đưa ra các lý lẽ cho rằng ông Điệp "chỉ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng nhà nước pháp quyền" và "không có hành vi ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền’". Theo vị luật sư từng bào chữa cho nhiều dân oan và nhà bất đồng chính kiến, cơ quan điều tra không xác định được ông Điệp phạm tội bao nhiêu lần nên truy tố của họ là "không có căn cứ".
Luật sư Sơn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tuyên ông Điệp "vô tội và trả tự do ngay cho ông".
Hôm 20/11, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy mọi cáo buộc chống lại ông Điệp và trả tự do ngay lập tức cho ông.
Nguyễn Chí Vững bị tuyên 6 năm tù giam cùng tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước" qua các đăng tải trên Facebook.
Trong khi đó cùng ngày tại Bạc Liêu, ông Vững, 38 tuổi, bị cáo buộc "lập tài khoản trên mạng xã hội Facebook với tên ‘Nguyễn Chí Vững’ và ‘Viên Gạch Nhỏ’ để nhiều lần tổ chức livestream, chia sẻ các thông tin xuyên tạc, kích động tư tưởng, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước", theo VietNamNet.
Theo các trạng được trích dẫn trên VietNamNet, cơ quan chức năng xác định rằng ông "Vững tham gia một nhóm kín, đưa hàng trăm thông tin có nội dung trao đổi, bàn bạc về kế hoạch kích động, lôi kéo người khác tham gia biểu tình vào các ngày lễ lớn của đất nước".
Cách đây hơn 1 tuần, Việt Nam cũng kết án thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù vì tội danh tương tự, "tuyên tuyền chống nhà nước" qua các đăng tải trên Facebook.
HRW hôm 14/11 nói rằng chính quyền các quốc gia và các nhà tài trợ hữu quan, cũng như Facebook và các công ty Internet khác đang hoạt động ở Việt Nam cần công khai lên tiếng phản đối các trường hợp nhà bất đồng chính kiến bị tù giam chỉ vì đăng tài liệu lên mạng xã hội.
"Những người sử dụng Facebook ở Việt Nam đang bị tù đày chỉ vì sử dụng nền tảng mạng xã hội này đúng mục đích thiết kế : để chuyển tải thông tin và ý kiến đến những người sử dụng khác", John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của HRW, nói. "Đã đến lúc các quốc gia hữu quan và các công ty mạng xã hội phải lên tiếng".
******************
Facebooker bị tuyên án tù 6 năm vì "nói xấu" lãnh đạo Đảng và Nhà nước (RFI, 26/11/2019)
Facebooker Nguyễn Chí Vững, 38 tuổi, vừa bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu hôm 26/11 tuyên án 6 năm tù và hai năm quản chế về tội tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự năm 2015. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.
Anh Nguyễn Chí Vững tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu hôm 26/11/2019 - Courtesy of Công An Nhân Dân
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết anh Nguyễn Chí Vững đã lập nhiều tài khoản Facebook, phát trực tiếp, đồng thời tham gia các nhóm kín làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cáo trạng viết : "Với lối suy nghĩ thiển cận, chủ quan, do nhiễm thông tin xấu từ các trang mạng xã hội, Nguyễn Chí Vững đã sử dụng thông tin nói và viết sai sự thật ; bịa đặt thông tin nhằm xuyên tạc, thổi phồng khuyết điểm trong lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; tuyên truyền, phỉ báng, đả kích, bịa đặt, phao tin, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phản ánh sai sự thật về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam ; kích động, kêu gọi quần chúng nhân dân chống lại chế độ, nhằm tạo sự hoang mang, nghi ngờ, bất mãn, kích động, chống đối Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Cũng theo cáo trạng, từ ngày 4 tháng 5 đến ngày 31/8/2018, từ nơi ở của mình, Nguyễn Chí Vững đã sử dụng hai tài khoản Facebook có tên "Nguyễn Chí Vững", và "Viên Gạch Nhỏ" chủ trì phát trực tiếp 5 lần và được hàng ngàn lượt chia sẻ. Ngoài ra facebooker này cũng tham gia với 132 tài khoản khác để phát trực tiếp 28 lần, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và hàng chục ngàn bình luật.
Theo truyền thông trong nước, bị cáo Nguyễn Chí Vững đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình tại tòa và bày tỏ ăn năn, hối cải.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt giữ ít nhất hơn 20 người với những cáo buộc liên quan đến an ninh bao gồm tuyên truyền chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền hay gây rối trật tự công cộng.
Chỉ trong 1 tuần qua, các tòa án tại Việt Nam đã kết án tù 3 người dân với cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều 117 Bộ luật Hình sự với các án tù nhiều năm.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án Việt Nam đã sử dụng các điều luật an ninh để đàn áp các tiếng nói đối lập, đặc biệt là trên mạng xã hội.
******************
‘Bản án 9 năm tù cho blogger Phạm Văn Điệp là không có căn cứ' : Luật sư (RFA, 26/11/2019)
Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa hôm 26/11 đã tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế với blogger Phạm Văn điệp về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Phạm Văn Điệp nghe Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa công bố Lệnh bắt và khám xét hôm 29/6/2019 - Courtesy of baovephapluat.vn
Hôm 26/11, trả lời RFA ngay tại sân tòa sau khi có phán quyết, Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Điệp, cho biết :
"Phiên tòa kết thúc vào lúc 15g40. Ông Điệp phạm khoản 1 Điều ‘Tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, 9 năm tù và 5 năm quản chế. Về bản án, tôi cho rằng nó không có căn cứ pháp luật. Cái tội này thực tế là ông ấy chỉ là bày tỏ, chẳng có chống đối nhà nước gì cả".
"Đối với những người có hành vi tương tự thì tôi cho rằng đây là một bản án nặng. Vì ông Điệp không có tham gia tổ chức nào cả. Ông ấy cũng thừa nhận các bài viết của mình, chứ không chối bỏ".
Luật sư Hà Huy Sơn nói rằng Hội đồng xét xử "chẳng nghe quan điểm bào chữa của luật sư mà cho rằng ông Điệp nói xấu đảng Cộng sản, cổ súy cho đa nguyên, đa đảng, cổ súy cho Việt Nam Cộng hòa, cho rằng ông ấy tham gia biểu tình chống Trung Quốc". Luật sư Hà Huy Sơn nói thêm :
"Tất cả những thứ mà người ta cho rằng trái với chủ trương đường lối của đảng và nhà nước. Ông ấy phê phán chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa Cộng sản. Người ta cho cái đấy là cái tội chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi thì bảo là cái điều này nó không nói nội hàm cái đảng Cộng sản Việt Nam với chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng người ta không nghe mà cứ kết án như vậy".
Theo Luật sư Hà Huy Sơn, ông Phạm Văn Điệp nói lời cuối tại phiên tòa rằng ông "chỉ góp ý để xây dựng nhà nước tốt đẹp thôi, chứ không chống ai cả, chỉ bày tỏ quan điểm, góp ý thôi" và "đấy là cái quyền công dân theo Hiến pháp, Công ước dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia năm 1982.
Đề cập về chuyện ông Phạm Văn Điệp, 51 tuổi, có song tịch Nga và Việt Nam, Luật sư Hà Huy Sơn nói "chẳng thấy phía Nga có ý kiến gì cả, nên tòa coi như ông ấy là người Việt Nam".
Trước đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 20/11 ra thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với blogger Phạm Văn Điệp và trả tự do ngay lập tức cho ông này.
Theo HRW, ông Phạm Văn Điệp là người vận động nhân quyền và có tiếng nói chỉ trích chính quyền. Ông Điệp thường xuyên sử dụng blog và sau này là facebook để đề cập đến các vấn đề vi phạm về nhân quyền. Ông cũng thường xuyên vận dụng hệ thống pháp luật của Việt Nam để đối đầu với chính quyền.
Báo Công an viết rằng "ông Điệp thường xuyên có hành vi viết, chia sẻ, đăng tải, phát tán các bài viết, hình ảnh, tài liệu, và phát trực tiếp các video có nội dung xấu nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; kêu gọi đa nguyên, đa đảng, bôi nhọ, nói xấu lãnh tụ, xúc phạm danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước ; bịa đặt phỉ báng chính quyền các cấp, kích động nhân dân biểu tình, chống đối, gây rối an ninh trật tự".
Ông Phạm Văn Điệp đã sang Nga du học từ tháng 12 năm 1992 và cư trú ở đó cho đến tháng 6/2016.
Ông đã từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội vào hè năm 2011.
Ông Phạm Văn Điệp cũng gặp nhiều rắc rối trong các lần nhập và xuất cảnh Việt Nam. Năm 2016, khi tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam qua đường Lào, ông bị bắt giữ và bị tòa án của Lào tuyên án tù 21 tháng với cáo buộc "sử dụng lãnh thổ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chống lại nước láng giềng".
Ông ra tù vào tháng 3/2018 và được công an Lào đưa tới cửa khẩu Cầu Treo với Việt Nam và được phép nhập cảnh.
Ông Điệp cũng đã tham gia vào cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu vào tháng 6 năm 2018.
Vào ngày 29/ 6/2019, ông Điệp bị công an Thanh Hóa bắt tạm giam.
Ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của HRW được trích lời trong thông cáo của tổ chức này nói rằng : "Tất cả những gì ông Phạm Văn Điệp làm trong 17 năm qua chỉ là bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề chính trị xã hội quan trọng và phản đối việc mình bị trả đũa vì dám lên tiếng", ông Sifton nói. "Không có lý do chính đáng gì để Việt Nam đối xử với ông như một tội phạm".
*******************
Tòa Đồng Nai xử 4 người dự định phản đối tăng giá điện tội "phá rối an ninh" (RFA, 26/11/2019)
Sáng ngày 26 tháng 11 năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 4 người với cáo buộc "phá rối an ninh" theo điều 118 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo đó, tòa án tuyên phạt các ông gồm Đoàn Viết Hoan (sinh năm 1984), Võ Thường Trung (sinh năm 1977) mỗi người 3 năm tù giam.
Hai người còn lại là Ngô Xuân Thành (sinh năm 1970) và Nguyễn Đình Khuê (sinh năm 1978), mỗi người cùng nhận mức án 2 năm rưỡi tù giam.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Nguyễn Đình Khuê nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do về điểm khác thường trong vụ án này như sau :
"Trong vấn đề tranh cãi qua lại thì nó đưa tới một cái mấu chốt đó là cái vụ án này nó không thu được bất cứ bằng chứng vật chất nào để chứng minh rằng là cái nhóm này đang chuẩn bị gây nổ vào ngày 28 tháng 4.
Trong khi đó thì ngày 25 là họ bị bắt rồi, tức là chỉ có khoảng bốn ngày sau hoặc ba ngày sau là… giả như có gây nổ thì họ phải chuẩn bị ít ra là phải chuẩn bị những cái kích nổ, dây điện hoặc những vật dụng cần thiết nhưng mà hoàn toàn không có gì hết.
Tang vật thu được thì chỉ toàn là điện thoại và những tin nhắn qua lại trên điện thoại, những trao đổi trên điện thoại chứ hoàn toàn không có một cái chứng cứ vật chất nào", luật sư Miếng cho biết vào chiều 26/11.
Mạng báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát cho hay, cả 4 người thường lên mạng đọc các bài viết có nội dung bị cho là "chống đối chế độ, kích động biểu tình, gây rối của các đối tượng thù địch ở nước ngoài.
Sau đó, lại bị lôi kéo lập các nhóm kín tập hợp lực lượng, bàn bạc tiến hành biểu tình, gây rối dịp lễ 30-4-2019 tại thành phố Biên Hòa".
Theo đó, sau khi bàn bạc nhóm đã phân công nhiệm vụ cho ông Hoan làm "Trưởng nhóm biểu tình ôn hòa", soạn thảo "Kế hoạch xuống đường", tạo đường dẫn và tải 12 đoạn ghi hình hướng dẫn gây cháy nổ lên mạng.
Ông Trung là "Trưởng nhóm hành động", mua thuốc nổ để đánh các trạm, trụ điện và được ông Khuê dẫn đến trạm truyền tải điện của Công ty truyền tải điện Miền Đông ở thành phố Biên Hòa để khảo sát, lựa chọn địa điểm gây nổ.
Còn lại ông Ngô Xuân Thành được cho là người có hiểu biết về việc gây cháy nổ, đã từng tham gia các cuộc biểu tình, sẵn sàng lôi kéo, tập hợp lực lượng thực hiện các hoạt động gây rối.
Tuy nhiên, theo luật sư Miếng, những người này chỉ có ý định xuống đường biểu tình vào ngày 28 tháng 4 năm 2019 để chống dự luật đặc khu, phản đối tăng giá xăng, giá điện và không có chút hiểu biết gì về chất nổ cả.
Kể từ đầu năm 2019, chính quyền Việt Nam bắt giữ và kết án hàng chục người các mức án khác nhau với cáo buộc theo nhóm tội "an ninh quốc gia".
*****************
Bị Mỹ trục xuất, ông Hà Văn Thành đối mặt 15 năm tù tại Việt Nam (VOA, 26/11/2019)
Dù được các dân biểu liên bang Hoa Kỳ mạnh mẽ lên tiếng bênh vực nhưng cuối cùng nhà vận động cho môi trường Việt Nam Hà Văn Thành vẫn bị chính quyền Mỹ trục xuất về nước và hiện đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ ở Nghệ An, đối mặt với cáo buộc "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài".
Đài truyền hình ANTV của Bộ Công an Việt Nam hôm 16/11, loan tin ông Hà Văn Thành đã "nhận tội" làm môi giới đưa 48 người Việt Nam ở Nghệ An ra nước ngoài trái phép.
Trong bản tin của ANTV, ông Thành bị cho đã tham gia đường dây đưa người đi lao động từ Việt Nam sang New Zealand thông qua các quốc gia trung gia khác là Lào, Thái Lan, và Indonesia.
Cụ thể, ông Thành "thú nhận" đưa 41 người từ Việt Nam sang Indonesia và được cho là "hưởng 1 ngàn đôla cho mỗi nạn nhân". Tuy nhiên, ANTV nói rằng nhóm người này bị nhà chức trách Indonesia bắt giữ toàn bộ và trục xuất về Việt Nam.
Ông Thành nói trong bản tin của ANTV :
"Sau khi tôi hay tin các lao động bị bắt và đã trở về Việt Nam, tôi đã trả lại cho các lao động một số tiền.
"Sau đó tôi hay tin cơ quan chức năng tìm cách bắt tôi thì tôi trốn sang Mỹ. Tôi bị cảnh sát Mỹ bắt giam giữ. Đến ngày 23/10, cảnh sát Mỹ trục xuất tôi về nước".
Từ Nghệ An, linh mục Nguyễn Đình Thục, người vận động các chính khách Hoa Kỳ để ông Thành được cấp quy chế tị nạn tại Mỹ, thuật lại lời chị Hồ Thị Thắm, vợ anh Thành, sau khi chị nhận thông tin, mà linh mục gọi là "lời đe dọa", từ phía công an.
"Công an gọi điện và hỏi chị Thắm rằng chị có biết anh Thành bị bắt vì tội gì không ? Chị Thắm nói chị không biết.
"Anh ấy nói chị phải nói sự thật, đừng có giấu tội của chồng. ‘Chị phải nói rằng anh Thành đã tổ chức đưa người vượt biên trái phép.’
"Chị trả lời họ chị không biết. Họ bảo nếu nói [không biết] như vậy thì họ cũng sẽ bắt chị và vợ chồng sẽ không bao giờ được gặp nhau !.’"
Linh mục Nguyễn Đình Thục chia sẻ rằng thông qua một người bạn tù, gia đình được biết ông Thành bị đánh "sưng mặt, sưng tay" ở trại giam Nghi Kim (Nghệ An). Tuy nhiên, VOA chưa liên lạc được với công an Nghệ An để xác nhận những thông tin này.
Linh mục Nguyễn Đình Thục cho VOA biết thêm :
"Vài hôm sau thì có gửi giấy thông báo việc bắt anh Thành và đồng thời triệu tập chị Thắm.
"Khi chị Thắm lên gặp công an tỉnh Nghệ An thì chị bị họ đe dọa và làm cho khiếp sợ. Nên chị không dám làm truyền thông. Họ bảo nếu chị đưa bất kỳ thông tin nào lên mạng thì họ sẽ bắt bỏ tù chị".
Theo Điều 349 Bộ Luật hình sự Việt Nam, quy định về "Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép", nếu đưa hơn 11 người ra nước ngoài trái phép sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Hiện tại gia đình đã chỉ định luật sư để bào chữa, nhưng luật sư vẫn chưa gặp được ông Thành, cũng theo linh mục Thục.
Vài ngày trước khi bị chính quyền Hoa Kỳ trục xuất, ông Hà Văn Thành đã gọi điện thoại lần cuối với ông Lê Thanh Tùng, một người mà ông Thành thường xuyên liên lạc trong suốt thời gian hơn một năm ở các trại giam di trú. Ông Tùng cho biết VOA rằng ông Thành tuyệt thực phản đối việc trại giam ép ông về nước, và phản đối công an Việt Nam tìm cách sách nhiễu gia đình ông Thành.
Ông Lê Thanh Tùng nói với VOA :
"Tôi có liên lạc với anh Hà Văn Thành từ phía nhà tù ở Hoa Kỳ và liên lạc với gia đình anh ở Việt Nam. Tôi được biết rằng trong suốt thời gian qua thì công an cũng liên tục đến quấy rối gia đình, vợ con anh Hà Văn Thành ở Việt Nam".
Trong những bức thư gửi cho ICE và Thẩm phán Di trú vào tháng 6 kêu gọi ngưng trục xuất ông Thành, các dân biểu Hoa Kỳ cho biết ông Thành từng tham gia biểu tình phản đối Formosa cùng với hàng trăm nạn nhân của thảm hoạ môi trường biển do nhà máy thép của tập đoàn này gây ra ở ven biển 4 tỉnh miền Trung vào năm 2016.
Ông Hà Văn Thành, 37, rời Việt Nam qua Lào, Thái Lan rồi tới Cuba, Panama, Mexico, và cuối cùng vào Mỹ ngày 24/07/2018 xin quy chế tị nạn chính trị, nhưng đã bị toà của Sở Di trú 3 lần bác đơn, do các thẩm phán không tin tưởng vào câu chuyện ông trốn chạy vì bị đàn áp do tham gia biểu tình vì môi trường ở Việt Nam.
Dân biểu Alan Lowenthal nói với VOA rằng chính quyền Hoa Kỳ đã "thờ ơ và thiếu quan tâm đối" với trường hợp ông Hà văn Thành và có một phần trách nhiệm lớn trong việc trục xuất ông Thành về Việt Nam, nơi mà ông Thành có nhiều nguy cơ bị chính quyền làm khó sau khi bị áp giải về nước.
Hôm 21/10, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal cho VOA biết ông Hà Văn Thành phải là trường hợp "xứng đáng nhất" để được chính phủ Hoa Kỳ cấp quy chế tị nạn chính trị.
Ông Lowenthal nói : "Cá nhân tôi đã nhiều lần và liên tục liên lạc với các cơ quan liên bang trong nỗ lực làm nổi bật mối nguy hiểm trong trường hợp ông Thành bị trục xuất về Việt Nam. Tôi cứ đau đáu bởi chính sự cứng nhắc và thờ ơ của chính phủ đương nhiệm đối với những người xin tị nạn nói chung, và đặc biệt là trong trường hợp của ông Thành - một điển hình hoàn hảo của một người nên được cấp quy chế tị nạn".