Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ở Sài Gòn, lượng kiều hối đổ về thành phố này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và có thể sẽ vượt con số 5 tỷ USD trong năm 2019.
Thống kê kiều hối vào Việt Nam từ năm 2000- 2019 theo nguồn của World Bank. (Hình : Thanh Niên)
Trong khi đó, theo dữ liệu kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là nước có lượng kiều hối lớn đứng thứ chín trên thế giới, ước năm 2019 đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng 700 triệu USD so với năm 2018. Ở Châu Á, Việt Nam đứng thứ ba và duy trì trong Top 10 thế giới thu hút kiều hối trong nhiều năm trở lại đây.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ở Sài Gòn cho biết trong những tháng cuối năm, lượng kiều hối về Sài Gòn đã tăng vài trăm triệu đô và chỉ tính riêng quý 4 chiếm khoảng 30% tổng lượng kiều hối của cả năm 2019, giúp đạt kế hoạch 5,2 tỷ USD kiều hối năm 2019.
Theo báo Thanh Niên, như vậy dòng kiều hối về Việt Nam qua 26 năm đã tăng gần 120 lần, từ mức 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 16 tỷ năm 2018. Riêng Sài Gòn là nơi thu hút lượng kiều hối lớn nhất Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng kiều hối. Tốc độ tăng trưởng mỗi năm tăng khoảng 10%-15%.
Chẳng hạn năm 2018, Việt Nam thu khoảng 16 tỷ USD kiều hối thì tại Sài Gòn khoảng 5 tỷ USD, chiếm khoảng 30%, thậm chí có năm chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối cả nước. So với con số vốn FDI vào thành phố này năm 2018 ở mức 7,07 tỷ USD, thì lượng kiều hối 5 tỷ USD xem ra không nhỏ.
Một thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ở Sài Gòn về dòng kiều hối cho thấy, có đến 72% lượng kiều hối đổ vào sản xuất kinh doanh, gần 22% vào bất động sản và số còn lại hỗ trợ người thân "tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống".
Đánh giá dòng kiều hối tác động đến nền kinh tế, phát triển tại Sài Gòn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính, thừa nhận "ưu điểm của lượng kiều hối là tạo ra nguồn vốn cho sự phát triển kinh tế nhưng không tạo gánh nặng nợ nước ngoài như các dòng vốn khác, giúp kinh tế giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc gia…".
"Dù kiều hối vào đâu thì với nền kinh tế thiếu vốn như Việt Nam cũng tốt. Ngay cả vào lĩnh vực đầu tư bất động sản thì cũng thúc đẩy những ngành nghề sản xuất kinh doanh lĩnh vực này phát triển để cho ra sản phẩm. Lượng kiều hối lên đến hàng tỷ đô mỗi năm góp phần làm ổn định thị trường ngoại tệ bên cạnh các dòng vốn khác.
Chưa hết, nhờ vài năm gần đây, lượng ngoại tệ trên thị trường dư thừa, dẫn đến giá mua đô la của các ngân hàng thương mại giảm xuống thấp hơn cả giá mua lại của ngân hàng nhà nước. Điều này giúp chinh phủ gia tăng dự trữ ngoại hối, mà con số công bố hồi đầu tháng 11 vừa qua lên đến 73 tỷ USD", ông Độ nói.
Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Sài Gòn, số lượng Việt kiều hiện đang sinh sống ở hải ngoại khoảng 4 triệu người.
Trong năm 2018 có hơn 400.000 lượt Việt kiều nhập cảnh qua cửa khẩu phi trường Tân Sơn Nhất. Thời gian qua, đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp do Việt kiều đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng (1,94 tỷ USD).
Nói với báo Thanh Niên, ông Trần Hòa Phương, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Sài Gòn, cho biết thêm : "Sài Gòn có đặc thù lượng Việt kiều cao hơn so với các tỉnh thành khác, cùng với lực lượng ‘xuất khẩu lao động’ đã thu hút dòng kiều hối các năm qua. Ngoài việc hỗ trợ người thân ở Việt Nam, Việt kiều còn gửi tiền về đầu tư trong nước qua các hình thức như mua bất động sản, gửi tiền tiết kiệm… bởi lãi suất tại Việt Nam cao hơn ngoại quốc". (Tr.N)