Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/12/2019

Chốn công quyền : gian lý lịch, giả bằng cấp, sợ từ chức

Tổng hợp

Bị truy nã hàng chục năm nhưng vẫn leo đến chức chánh văn phòng tòa án ! (RFA, 02/12/2019)

Truyền thông trong nước vào ngày 30/11/2019 đồng loạt dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Hòa Bình về việc tiến hành bắt khẩn cấp ông Nguyễn Quang Huy, 46 tuổi là người có lệnh truy nã cách đây 26 năm về tội "phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia". Trước khi bị bắt, ông này giữ chức Chánh Văn phòng tòa án nhân dân huyện Cao Phong.

gia1

Tòa án Nhân dân huyện Cao Phong, Hòa Bình. Courtesy : Laodong.vn/ RFA Edited

Những điều không thể nhưng tồn tại

Theo hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra tỉnh Hòa Bình thì ông Huy cùng với 4 người khác có hành vi phá hoại một công trình trong hệ thống thủy điện Hòa Bình và đây được xem là công trình an ninh quốc gia. Sau khi bị phanh phui, 4 người đã bị xét xử và lãnh án tù ; còn ông Huy bị truy nã.

Tuy nhiên, ông Huy vẫn sinh sống tại chính khu vực ông từng phạm tội và thậm chí còn vào làm việc trong cơ quan công quyền nhà nước về pháp luật, được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân huyện Cao Phong và ông đã hoàn thành lớp thẩm phán và đang chờ đợi xem xét bổ nhiệm. Sự việc bị phanh phui khi cơ quan công an xác minh lý lịch người thân của ông.

Dư luận xã hội xôn xao đặt câu hỏi vì sao ngành Tư pháp Việt Nam và đặt biệt là ngành tòa án nắm rõ về pháp luật, cũng như quy trình kiểm duyệt khắt khe lý lịch trước khi vào làm trong các cơ quan công quyền nhưng hàng chục năm qua vẫn không thể phát hiện vụ ông Huy ?

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo người từng làm Hội thẩm Nhân dân thành phố Nha trang nhiều năm có nhận định rằng, ông không quá bất ngờ với điều đó. Theo ông Võ Văn Tạo thì nhiều người bị truy nã chạy trốn đến khu vực vùng sâu vùng xa thay đổi họ hay khai mất giấy tờ để làm lại là điều không khó :

"Chuyện người ta khai mất cái này cái kia dễ lắm, mất chứng minh thư, mất hộ khẩu… ở những vùng xa xôi như thế thì thật ra công an hay hệ thống chính quyền cấp thấp họ cũng dễ dãi và thậm chí chỉ cần bữa nhậu là cũng xong hay tí tiền bôi trơn là qua hết. Nên đối với trường hợp ông tòa án kia là điều có thể xảy ra. Điều này nó có thể xảy ra ở bất cứ người nào chứ không phải chỉ riêng ngành tòa án. Tòa án đó cũng chỉ là tòa cấp nhỏ chứ không phải cao và khu vực địa bàn ở vùng núi hẻo lánh chứ không phải ở đô thị lớn nên những tòa án ở nơi đó việc tìm kiếm nhân sự nó cũng không phải là điều dễ dàng và mình có thể hiểu hoàn cảnh như thế".

Luật sư Đặng Hùng Dũng từ Sài Gòn, từng công tác tại Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng, ông và nhiều người bàng hoàng về thông tin liên quan ộng Nguyễn Quang Huy.

"…về thi hành án tại Việt Nam đặc biệt là về vấn đề hình sự như vậy thì họ làm rất là chặt chẻ mà để xảy ra tình huống như vậy là điều cực kỳ hiếm. Tôi làm luật sư khi mà để xảy ra tình trạng này thì không hiểu cơ quan pháp lý làm như thế nào nhưng dù sao nó cũng là tỉnh vùng cao vùng xa, nhưng dù là vùng nào đi nữa mà đã xảy ra mà họ tìm cách khắc phục thì những điều này đối với những người trong lĩnh vực ngành nghề của tôi thì khó lòng nào có thể tìm hiểu cặn kẻ được hơn".

Luật sư Dũng còn cho hay, tại Việt Nam thì có nhiều chuyện không thể tưởng tượng được là có thể xảy ra nhưng đã xảy ra tại Việt Nam, nhiều điều kỳ lạ nhưng người ta đã dám đưa ra công luận và khắc phục chuyện đó thì như vậy thì nhìn về hướng tích cực hơn có thể thấy các cơ quan chức năng đã nhận thấy sai trong lỗ hổng pháp lý và cần phải xử lý.

Đùn đẩy trách nhiệm

Vào ngày 2/12/2019, ông Nguyễn Thanh Tùng trưởng phòng tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình trả lời với báo giới trong nước rằng ; ông Nguyễn Quang Huy được tuyển dụng vào công chức ngành tòa án từ năm 2000. Năm 2003, toàn bộ hồ sơ gốc của cán bộ công chức thuộc diện Sở Tư pháp quản lý tách sang công tác ở tòa án được chuyển sang cho tòa án quản lý. Khi tiếp nhận hồ sơ ông Huy không có thông tin nào liên quan việc bị truy nã và đã tin tưởng vào hồ sơ gốc.

Ngoài ra, ông Tùng nói thêm"Năm 1999, ông Huy được kết nạp Đảng, lúc đó là UBND xã Thái Bình, Đảng ủy xã Thái Bình xét kết nạp. Chúng tôi không tiếp cận hồ sơ Đảng của ông Nguyễn Quang Huy. Vì hồ sơ Đảng quản lý theo cấp đảng, còn chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước" (trích từ Tuổi trẻ đăng ngày 2/12/2019).

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì ít có cơ quan nào dám nhận trách nhiệm về sự việc đối với những vụ việc ở mức độ nghiêm trọng như thế nên cánh mà họ (chính quyền –pv) thường làm nhất là đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

"Tôi thì cũng không quá bất ngờ đâu vì tôi biết cách tổ chức nhân sự tại Việt Nam nó có vấn đề. Chặt chẻ thì rất là chặt chẻ nhưng thưa thì cũng thưa hơn ai hết nên mới để bị lọt ra người có lệnh truy nã mà lại làm chức vụ cao đến như vậy. Đối với chức vụ lên tới chánh văn phòng tòa án thì người bắt buộc phải là Đảng viên nên khi kiểm tra lý lịch của người này thì không chỉ kiểm tra lý lịch thông thường mà phải kiểm tra lý lịch về các mối quan hệ của họ, lý lịch của họ nữa. Thế nhưng người này vẫn vượt qua hai lần kiểm tra gắt gao như vậy thì rõ ràng động cơ không bình thường và chắt chắn là có vấn đề gì đó".

Thanh lọc bộ máy chính quyền ?

Qua sự việc trên, dư luận xã hội liên tưởng đến một số vụ án cũng tương tự bị phanh phui như vụ Trần Thị Ngọc Thảo (hay Ái Sa) từ một nữ nhân viên gội đầu chỉ học xong cấp hai mượn bằng cấp 3 của chị để leo lên chức Trưởng phòng Quản trị văn phòng tỉnh Ủy Đắk Lắk…

Dư luận đặt câu hỏi phải chăng quy trình công tác bổ nhiệm cán bộ tại Việt Nam thực sự có vấn đề từ vấn nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền đang lũng đoạn toàn bộ hệ thống công quyền của Việt Nam.

Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định điều này đã được nhiều người lên tiếng và thậm chí những người nắm giữ cương vị rất cao cũng đã lên tiếng nhiều về vấn nạn này. Tuy nhiên "Quá trình đề bạc cán bộ thì nó lại khép kín và chủ yếu là Đảng làm công tác tổ chức, tất cả do Đảng "đạo diễn" hết, nên có đưa ra ngoài thì cũng chỉ là hình thức thôi và họ làm điều đó kín như bưng vậy đó. Muốn chui vào làm cán bộ nhà nước có chức có quyền thăng thưởng này nọ thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào cấp ủy đảng của địa phương bộ ngành… mà họ làm điều này thì kín như bưng, thậm chí ai mà tiết lộ ra trước kỳ bầu cử là bị kỷ luật. Nên chính vì thế nó mới đẻ ra nạn chạy chức chạy quyền".

Luật sư Đặng Hùng Dũng thừa nhận rằng, việc cơ quan chức năng phanh phui những vụ việc nghiêm trọng như vậy là dấu hiệu tích cực, nhưng "Chắc chắn là nó vẫn còn nhiều nhưng vấn đề khắc phục nó như thế nào và họ sẽ giảm bớt dần chứ nói không còn tình trạng đó nữa thì không bao giờ xảy ra ở đất nước này đâu".

Còn luật sư Đặng Đình Mạnh thì chia sẻ hy vọng đây là một bước thanh lọc để làm sạch bộ máy cán bộ chính quyền : "Tôi mong muốn có sự rà soát một cách căn bản đối với tất cả mọi trường hợp đã được đề suất, điều thứ hai là trong tương lai mọi chức vụ quyền hạn một khi được bổ nhiệm nên thông qua sự tuyển dụng công khai và có sự cạnh tranh thì chúng ta mới tuyển dụng được người thật sự có tài làm ứng viên cho các chức vụ quan trọng của nhà nước".

******************

Những vụ dùng bằng giả thăng tiến trong ngành công an, quân đội (Lao Động, 02/12/2019)

Để thăng tiến trong công tác, các cá nhân ông Thái Đình Hoài, Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc") đã dùng bằng giả và phút chốc mất cả sự nghiệp, tương lai...

gia2

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa phúc thẩm tháng 11/2018.

Hôm 18/11 vừa qua, ông Thái Đình Hoàng, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lai Châu) đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân vì sử dụng bằng trung học phổ thông giả.

Cơ quan chức năng cáo buộc, ông Hoài đã dùng bằng giả để vào công tác trong ngành. Sai phạm của ông Hoài bị phát hiện khi lực lượng chức năng nhận được đơn tố giác từ công dân. Sau đó, Công an tỉnh Lai Châu đã về quê ông Hoài ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An để xác minh.

Theo điều tra, năm 1996, ông Hoài đã dùng bằng tốt nghiệp giả để đi lính nghĩa vụ tại Công an tỉnh Lai Châu, rồi được tuyển vào ngành công an, công tác tại Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy của tỉnh.

Năm 2004, khi chia tách hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, ông Hoài được điều động lên công tác tại Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Lai Châu). Năm 2008, ông Hoài được điều động sang công tác tại Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Lai Châu.

Tại đây, ông Hoài được bổ nhiệm các chức danh : đội phó, đội trưởng, được quy hoạch phó trưởng phòng, sau đó được bổ nhiệm phó trưởng Phòng PC03. Năm 2015, ông được bổ nhiệm làm trưởng phòng PC03. Sau đó, ông Hoài được quy hoạch chức danh phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.

Sử dụng bằng giả "leo" tới chức Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường

Ông Đoàn Văn Nhuần – Trưởng phòng Tài nguyên và môi trườnghuyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) bị cơ quan chức năng xác định đã sử dụng bằng Trung học phổ thông không hợp pháp để lập hồ sơ tuyển sinh vào học Trung học chuyên nghiệp. Sau đó, ông Nhuần dùng tấm bằng Trung học chuyên nghiệp để học chuyên môn nghiệp vụ cao hơn.

Ông Nhuần đã dùng những tấm bằng trên kê khai trong hồ, lý lịch cán bộ, đảng viên để được tuyển dụng vào công chức. Sau thời gian dài dùng bằng giả thăng tiến, đến khi giữ chức Trưởng phòng tài nguyên môi trường, sai phạm của ông Nhuần đã bị phát hiện.

Từ vi phạm trên, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Trảng Bom đã đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Nhuần với hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng.

Ngày 22/3, UBND huyện Trảng Bom đã ra văn bản gửi Phòng Nội vụ huyện để thực hiện chỉ đạo của Ban thường vụ Huyện ủy liên quan tới xử lý kỷ luật đối với ông Nhuần.

Mua bằng giả để thăng tiến trong quân đội

Đầu tháng 11/2018, Tòa án quân sự Trung ương trong phiên phúc thẩm đã khẳng định bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc", cựu thượng tá quân đội, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) đã phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức, đúng như quy kết của án sơ thẩm. Ông Hệ bị phạt lần lượt 10 năm và hai năm tù, tổng hợp hình phạt là 12 năm (giữ nguyên mức án sơ thẩm).

Mức án 2 năm tù dành cho bị cáo liên quan đến việc ông này dùng bằng đại học giả để thăng tiến trong sự nghiệp, xét nâng lương, nâng bậc hàm. Theo cáo buộc, năm 2000, bị cáo Út "Trọc" đã mua bảng điểm và bằng Đại học Kinh tế quốc dân giả, về "loại hình đào tạo tại chức, ngành Quản trị kinh doanh" với giá 2,5 triệu đồng.

Tháng 10/2003, sau khi được điều động từ Cục Hậu cần (Quân khu 7) về Xí nghiệp Hải Âu - Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam, bị cáo nộp bản sao bằng và bảng điểm giả. Tuy không được Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam đồng ý chuyển từ quân nhân chuyên nghiệp sang sĩ quan, nhưng ông ta vẫn tiếp tục đưa bằng giả vào hồ sơ đề nghị nâng lương từ tháng 8/2004 đến tháng 5/2005.

Tháng 8/2005, khi chuyển về Công ty ADCC (Quân chủng Phòng không – Không quân), bị cáo tiếp tục dùng bằng giả để công ty làm đơn đề nghị bổ nhiệm sĩ quan và kê khai lý lịch xin vào Đảng. Tuy nhiên, công ty ADCC xác định bằng đại học của ông Hệ là giả nên không làm thủ tục chuyển sĩ quan và kết nạp Đảng.

Tháng 11/2006, về nhận công tác tại nhà máy A41 (Quân chủng Phòng không – Không quân), bị cáo rút bản sao bằng đại học, bảng điểm giả và công văn trả lời của Đại học Kinh tế quốc dân ra khỏi hồ sơ. 

Tháng 1/2008, bị cáo chuyển về Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga công tác và hai tháng sau thì được bổ nhiệm làm phó phòng kinh doanh Công ty Thái Sơn. Tháng 3/2011, ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng). Thời gian này, bị cáo tiếp tục đưa bằng giả vào hồ sơ để nâng lương, phiên quân hàm quân nhân chuyên nghiệp, kết nạp đảng viên, bổ nhiệm cán bộ.

Năm 2010, ông Hệ được Bộ Tổng tham mưu nâng lương và tăng quân hàm từ thiếu tá lên trung tá. Tháng 3/2011, ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng.

Tháng 2/2012, ông Hệ được kết nạp vào Đảng sau 5 tháng làm thủ tục. Toàn bộ hồ sơ đảng viên đều thể hiện Đinh Ngọc Hệ tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế quốc dân.

Tháng 8/2015, ông Hệ được phong hàm thượng tá, gần một năm sau được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn.

Mai Hường

*********************

'Nhiều người kiên quyết không từ chức vì... áp lực gia đình' (Tuổi Trẻ, 27/11/2019)

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, nhiều người sẽ sẵn sàng rời ghế khi phạm lỗi hay không đủ năng lực đảm nhiệm công việc, nhưng xã hội, gia đình, dòng họ còn nhìn việc từ chức quá nặng nề nên họ cương quyết không chịu thôi chức.

gia3

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng nhiều cán bộ công chức sẽ sẵn sáng từ chức nếu xã hội không nhìn việc từ chức quá nặng nề nữa - Ảnh : BTC

Thứ trưởng Triệu Văn Cường đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bên lề buổi giao lưu trực tuyến chủ đề Văn hóa công sở - thực trạng và giải pháp do báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức hôm nay, 27/11.

Liên quan tới câu chuyện văn hóa công sở, Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi với Thứ trưởng Triệu Văn Cường về văn hóa từ chức đã được đưa vào trong kế hoạch tổ chức phong trào Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành hồi tháng 6.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng việc cán bộ, công chức, viên chức cần chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín như quy định trong bản kế hoạch này là đúng, nhưng quan trọng là thực thi thế nào.

Theo ông, phải làm sao để cả xã hội thấy việc thôi chức là bình thường thì mới khuyến khích được những người cảm thấy không đủ năng lực sẽ chủ động xin từ chức. Khi xã hội còn coi chuyện từ chức là điều rất căng thẳng, đáng xấu hổ thì rất khó có văn hóa từ chức.

"Nhiều khi cán bộ vi phạm, họ xin thôi việc thì đó là một hình thức xử lý vi phạm rồi. Hoặc cán bộ, công chức thấy không đủ nặng lực, uy tín, tôi tin là nhiều người sẵn sàng chủ động xin thôi chức. Nhưng gia đình, dòng họ lại vẫn bị nặng nề quá, căng thẳng quá thì rất khó để những cán bộ này chủ động xin thôi chức. Họ sợ bị đánh giá, ảnh hưởng đến danh dự gia đình", ông Cường nói.

Theo ông, để có văn hóa từ chức trong xã hội thì phải thay đổi nhận thức dần dần, "phải có thời gian".

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết theo quan sát của ông, Bộ Nội vụ cũng chưa ghi nhận trường hợp chủ động xin thôi chức nào từ bộ này.

Lợi ích nhóm là thứ đáng sợ nhất ở công sở

Tại buổi giao lưu trực tuyến, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nêu quan điểm cho rằng lợi ích nhóm mà dân gian gọi là phe nhóm, chính là thứ "đẻ ra mâu thuẫn nội bộ", bất công trong công sở, khiến những người có danh dự bị mất lòng tin, chán nản, mệt mỏi rồi dần từ chối từ trách nhiệm công việc của mình…

Theo ông, những thói tật khác của văn hóa công sở sớm muộn có thể sửa được, nhưng nếu để tồn tại lợi ích nhóm sẽ tạo ra sự thù hận, tranh giành, mất dân chủ, gây bất công, hoài nghi trong xã hội, rất nguy hại.

Thiên Điểu

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 420 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)