Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/12/2019

Liên kết "4 nhà", thương hiệu gạo ngon, thông tin thật-giả

Tổng hợp

Liên kết "4 nhà" có là giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam ? (RFA, 04/12/2019)

Bất nhất về liên kết các ‘nhà’ !

Lâu nay kế hoạch liên kết 4 nhà "nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp" từng được nói đến rất nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay sự phối hợp giữa "4 nhà" vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

gao1

Ảnh minh họa. RFA

Nay ‘hai nhà’ nữa được thêm vào làm dấy lên nghi ngại liệu có đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững như mong muốn hay trái lại khiến tình hình phức tạp thêm.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Đại học Cần Thơ trao đổi với RFA trình bày thực tế liên kết trong nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam :

"Hiện nay liên kết đó không được như mình mong muốn vì sự chặt chẽ trong liên kết không được rõ ràng. Ví dụ người Nông dân hay doanh nghiệp có cam kết về nông sản, nông dân trồng ra doanh nghiệp cam kết họ sẽ mua nhưng đôi khí giá thị trường và thực tế nó không giống nhau nên cam kết đó lỏng lẻo không chặt chẽ ràng buộc nên đôi khi bị bể trong mấy chuyện đó. Hay những yêu cầu của nông dân mà các nhà khoa học không đáp ứng hoặc chính quyền không hỗ trợ, chính quyền với doanh nghiệp hay doanh nghiệp với nhà khoa học không gặp nhau được thì nó bị trở ngại nên giờ mới nghĩ đến chuyện một cơ chế tài chính để bảo đảm cho chuyện đó thì trung gian là nhà băng, mà nhà băng cũng khó vì họ kinh doanh trên tiền mà phải có gì bảo đảm để họ bỏ tiền cho nông dân sản xuất, nhà khoa học nghiên cứu, doanh nghiệp để họ đầu tư thì đều này không được chắc chắn vì họ bỏ tiền phải có thế chấp cho an toàn đồng tiền của họ nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro nên điều này rất là khó".

Tiến sĩ Tuấn cho biết vì những lý do đó ông sẽ tham dự buổi gặp Thủ tướng vì muốn lắng nghe cách tháo gỡ những vướng mắc mà ông vừa nêu được bàn như thế nào.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp và từng làm hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cũng có nhận định về liên kết trong nông nghiệp lâu nay tại Việt Nam :

"Thật sự trong xã hội mình chỉ có 3 nhà mà thôi, đại bộ phận dân chúng là người lao động sản xuất ra hàng hóa thì phải sinh ra doanh nghiệp để đi bán nên muốn 2 nhà liên kết nhịp nhàng thì phải có nhà thứ 3 là nhà nước phải có chính sách khuyến khích để 2 nhà kia làm tốt. Rồi sau đó không được mới thêm nhà khoa học vô mới ra được nhà thứ 4, thấy cũng tạm đủ rồi lại thêm nhà băng nên thành ra càng kéo vô càng lủng củng nhưng mình khuyến khích dù mấy nhà đi nữa thì làm theo chuỗi giá trị chứ giờ mạnh ai nấy làm sao được".

Còn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển- Nông thôn thì cho rằng việc liên kết là điều thật sự cần thiết cho sản xuất nông nghiệp Việt nam.

"Trước kia chúng ta liên kết Nông dân và Doanh nghiệp sau đó tăng lên 4 nhà và thông thường các liên kết này là ngắn hạn một chiều theo hình thức hợp đồng như doanh nghiệp mua nông sản của nông dân rồi cung cấp lại vật tư có thể ứng trước hay vay vốn. Thì những liên kết này cũng thành công vì không thì Việt Nam không thể phát triển sản xuất như trong thời gian vừa qua, xuất khẩu hàng hóa lên tới hơn 40 tỷ USD như hiện nay được. Tuy nhiên mức phát triển ấy so với nhu cầu hiện nay thì chưa đủ. Rõ ràng nếu vẫn liên kết kiểu ngắn hạn chỉ dựa vào mưa đứt bán đoạn như thế thì dù có tăng số lượng liên kết lên cũng không đủ".

Vấn nạn của nông nghiệp Việt Nam

Tin ghi nhận được cho thấy trước hội nghị diễn ra vào ngày 10 tháng 12 tới đây, hàng ngàn câu hỏi của bà con nông dân cả nước cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học… được gửi đến cơ quan chức năng. Hầu hết tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn như tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp giá trị cao, phát triển bền vững ; vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ; vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ thêm những khó khăn của nông dân :

"Hiện nay người nông dân họ không biết họ sẽ trồng gì, nuôi gì để có hiệu quả, dựa vào thị trường bất ổn nếu người nông dân nghe bên Trung Quốc họ đang cần gì thu mua gì thì họ trồng… họ khuyến khích nông dân trồng đi họ mua hết nhưng đến khi thu hoạch Trung Quốc trở mặt không mua hay đưa ra điều kiện ngặt nghèo khác thì người thu mua lỗ rồi nông dân lỗ theo, không mua nông dân nữa hay ép giá người nông dân, khi đó các nhà khoa học cũng khong thể giúp nông dân trong chuyện này vì nó phụ thuộc vào thị trường mà".

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cũng chỉ ra những khó khăn mà người nông dân phải đối mặt.

"Đầu tiên sợ nhất là vấn đề thị trường, họ không biết về thông tin thị trường, không biết chính sách bối cảnh tương lai của thị trường, không biết nhu cầu của khách hàng và lại càng không biết những chính sách tại các nước mà thu mua nông sản Việt Nam họ đối xử như thế nào với hàng hóa đó là khó khăn nhất. Thứ hai là họ thiếu vốn nên họ dựa vào các thương lái để mua vật tư nông sản rồi lại vay vốn hay ứng trước của thương lái với lãi suất rất cao. Thứ ba mảnh đất của họ quả nhỏ nên việc sản xuất không lớn nên khó mà hợp lại với nhau thành hàng hóa độc nhất về tiêu chuẩn chất lượng".

Ngoài ra còn khó môt chuyện nữa là công nghệ tương đối lạc hậu, nhất là về giống, các hoạt động nghiên cứu phát triển của Việt Nam chưa đủ mạnh đáp ứng yêu cầu của người nông dân và cuối cùng là cơ sở hạ tầng, khó khăn về kho hàng bến bãi, đường xá vận chuyển… nên nhìn chung người nông dân Việt Nam khó khăn khá nhiều phương diện.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, ngành nông nghiệp Việt Nam chưa nhận được nguồn đầu tư đầy đủ :

"Doanh nghiệp Việt Nam là đội ngũ năng động tuy nhiên chỉ có 8% doanh nhân Việt Nam đầu tư vào các lãnh vực nông nghiệp kể cả chế biến và kinh doanh mà tính về các doanh nghiệp tham gia sản xuất thì chỉ được 1% nên hầu như các doanh nghiệp Việt Nam không tham gia vào sản xuất nông nghiệp vì lý do lợi nhuận trong nông nghiệp rất là thấp và rủi ro cao nên những doanh nghiệp tham vào lĩnh vực sản xuất là những người anh hùng. Khó khăn của họ là về đất đai vì rất khó có thể tập trung diện tích đủ lớn để sản xuất quy mô lớn và những khu vực nông nghiệp thì cơ sở hạ tầng giao thông rất là khó khăn".

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc

Theo các chuyên gia nông nghiệp vấn đề liên kết nhiều "nhà" lại thành hệ thống chuỗi giá trị là điều không hề đơn giản với cơ chế thị trường hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi chỉ ra được những khó khăn họ có một số đề xuất như trình bày của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn :

"Dù chúng ta liên kết 2 nhà hay 4, 6 hay nhiều hơn nữa thì muốn đạt được hiệu quả phải làm được 2 chuyện, thứ nhất tổ chức lại thể chế, liên kết các nhà lại với nhau và bản thân trong từng nhà cũng phải liên kết được rồi giữa các nhà liên kết với nhau trong chuỗi giá trị. Thứ hai là toàn bộ liên kết ấy phải hoạt động trên cơ chế thị trường, trước đây chúng ta đã làm nhiều liên kết khác nhau rồi mà hiệu quả đem lại thì có cái được và cái không được nên trong tương lai mà chúng ta muốn liên kết quy mô lớn hơn, hiệu quả cao thì cần chấn chỉnh lại cả về tổ chức thể chế và cơ chế thị trường, cơ chế kết nối các nhà lại với nhau".

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề nghị cần mạnh dạn xóa bỏ những rào cản do qui định, đặc biệt là Luật Đất đai :

"Tại các quốc gia khác người nông dân có thể mua những mảnh đất lớn hơn nên họ vừa sản xuất vừa là doanh nghiệp, tự bán tự tìm kiếm thị trường và có số vốn nhất định để mạo hiểm đầu tư trong những chuyện đó thì cơ may nó sẽ tốt hơn, nếu có vấn đề họ sẽ thuê hẳn kỹ sư hay nhà khoa học giúp vận hành điều đó tốt hơn, đó là cơ chế chung".

********************

Thương hiệu gạo ngon nhất thế giới ST25 bị nhái giả tràn lan ! (RFA, 03/12/2019)

Vào ngày 12/11/2019, tại "Hội nghị Thương mại Gạo thế giới lần thứ 11" tổ chức tại Manila, Philippines, gạo hữu cơ ST25 của Việt Nam đã được trao giải "Gạo ngon nhất thế giới" sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Cambodia tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức.

gao2

Kỹ sư Hồ Quang Cua và gói gạo hữu cơ ST25 của Việt Nam được trao giải "Gạo ngon nhất thế giới". Courtesy zing

Dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau do kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo và cải tiến trong hơn 20 năm qua. Vào năm 2017, gạo ST24 đã lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi World's Best Rice tại Macao.

Từ khi đoạt giải cho đến nay chưa tròn một tháng, người tiêu dùng đã biết đến tên ST25. Nhưng tên ST25 của kỹ sư Cua và nhóm cộng sự lại trở thành ‘tài sản chung’ của người buôn gạo. Giới này cứ gắn tên ST25 vào một loại gạo nào đó để bán giá cao nhằm thu lợi.

Chính kỹ sư Hồ Quang Cua, trong lễ vinh danh sự kiện ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, đã không ngại ngần nói về tình trạng ‘gạo này, gạo kia bị hóa thành gạo ST25’.

Trả lời RFA hôm 3/12 liên quan vấn đề này, cha đẻ dòng lúa thơm ST, kỹ sư Hồ Quang Cua, nói :

"Tình hình giả gạo ST25 thì đa số nằm ở dạng bán hàng qua mạng thôi, tức là họ không phải doanh nghiệp gạo, hoặc họ chỉ ghi gạo thơm mà không ghi tên doanh nghiệp, thì họ lại quảng cáo và ghi là ST25. Trường hợp này cũng đã có vài lần thu hồi và xin lỗi người tiêu dùng. Hiện nay tất cả những ai bán gạo ST25 trên mạng thì gần như là hàng giả".

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, ông cũng có vài điểm bán dòng gạo này gần một năm qua, gạo thu hoạch từ diện tích ông và các cộng sự sản xuất thử để khảo nghiệm tính thích nghi của giống ST, có thu lúa về, bán gạo cũng ghi là ST25, nhưng trên diện hẹp. Ông cũng cho biết, sau khi đoạt giải thì có bán cho một số doanh nghiệp ở Sài Gòn và Cần Thơ. Nhưng hiện nay cũng hết gạo này để cung ứng.

Một đại lý gạo ST25 chính thức tại Cần Thơ, cho RFA biết hôm 3/12 về tình hình bán gạo ST tại đại lý của anh :

"Về doanh số gạo ST25 ở Cần Thơ, vì không còn gạo để bán nên chỉ bán cầm chừng, chỉ bán mỗi người 1 hay 2 túi thôi, họ đặt mấy trăm kg để biếu tặng mà mình không có gạo để bán. Còn về hàng giả ST25 thì chỗ mình cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều, vì mình bán gạo ST này cũng lâu rồi, từ ST20 lận. Nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều".

gao3

Kỹ sư Hồ Quang Cua (trái) tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức ở Philippines ngày 12 tháng 11 năm 2019. Courtesy Hồ Quang Cua

Không được bảo vệ sở hữu trí tuệ sẽ khiến chẳng ai dám mạo hiểm đầu tư tài sản, để gắn bó cả đời để sáng chế, tìm ra những công nghệ mới, giống cây mới. Như vậy sẽ thiệt thòi cho đất nước và cả người tiêu dùng. Và sự nguy hại lớn hơn của tình trạng giả thương hiệu, làm hàng giả là triệt tiêu động lực nghiên cứu, sáng tạo.

Để tìm hiểu thêm về mặt pháp luật liên quan vấn đề này, RFA hôm 03/12 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, hiện sinh sống ở Sài Gòn, và được ông cho biết ý kiến của mình :

"Tôi thấy thương hiệu gạo của Việt Nam là thương hiệu quốc gia, do đó doanh nghiệp cần phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại trong và ngoài nước. Khi có người khác lấy thương hiệu thì mình mới khởi kiện hợp pháp tại trung tâm trọng tài thương mại hoặc tòa án có thẩm quyền để đòi lại thương hiệu đó, do đó cần có đăng ký theo luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam".

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, nếu mà người sở hữu sáng chế hay nhãn hiệu, không đăng ký thì việc tranh chấp sau này sẽ khó khăn cho người sở hữu đó.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết về việc đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 :

"Hiện nay ở trong nước thì mình cũng có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu về giống, còn về gạo thì mình chưa. Nhưng về nguyên tắc chúng ta bán gạo thì không bảo hộ trong nước, chỉ có mai mốt mình bảo hộ ở nước ngoài thôi. Chứ trong nước thì mình chỉ bảo hộ tên doanh nghiệp chứ không bảo hộ gạo, Đó là điều kiện để loại gạo ngon được nhiều doanh nghiệp phổ biến. Cho nên mình không đăng ký bảo hộ gạo. Về việc bán gạo giả hiện nay, trên thị trường mình chưa có thóc, chưa bán giống, mà họ thông báo trên mạng là gạo ST25 thì chắc chắn 100% là hàng mạo hóa. Tôi cũng đang chuẩn bị đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, cái này dứt khoát phải làm, cái đó để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu gạo ST25 ra nước ngoài phải bảo hộ theo đăng ký bảo hộ".

Theo Kỹ sư Cua, không có gì là chậm trễ, vì ai mà đưa lên mạng sản phẩm nguồn gốc không rõ ràng thì họ đã vi phạm pháp luật, cho dù ông chưa đăng ký thì họ cũng đã vi phạm. Theo ông những người làm gian này trình độ họ cũng sơ đẳng, họ chưa biết tình huống, khi công luận phát hiện tình huống rồi thì họ tự động rút lui ngay, chứ không cần pháp luật xử lý đâu.

Vậy cơ quan chức năng ở đâu ? Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã làm gì để giúp người đem về vinh dự cho đất nước, Kỹ sư Hồ Quang Cua, bảo vệ đứa con tinh thần của mình.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, chia sẻ :

"Việc đoạt giải này là một tình huống đột xuất, các cơ quan chức năng chưa dự liệu tình huống trước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản. Tuy nhiên, cách nay 1 tuần, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn họp, mời các chuyên gia tham vấn, bàn về cách xử lý hàng giải ngay, tức là chỉ một tuần sau khi đoạt giải, Bộ đã họp bàn về giải pháp bảo vệ hàng hóa của doanh nghiệp".

Tuy nhiên theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, người bị xâm phạm thương hiệu hay bằng sáng chế phải mạnh dạn khởi kiện, vì thương hiệu đó mình đã đăng ký rồi, phải tập thói quen là không thể lấy nhãn hiệu của người khác, đó là một công trình mà người ta đã thực hiện.

Theo Luật sư Hậu, chúng ta phải sử dụng hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ông cho rằng việc ăn cắp này là không thể chấp nhận, và chỉ có tòa án là có thể xem xét việc đó là hợp pháp hay bất hợp pháp.

*****************

Thông tin ‘thật- giả’ và cách quản lý của cơ quan chức năng Việt Nam (RFA, 04/12/2019)

Một đề xuất được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016, do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức vào ngày 4/12/19 ở Hà Nội, được dư luận chú ý là cần xử lý nghiêm khắc tình trạng khai thác thông tin sai sự thật trên mạng, đăng tin theo mạng xã hội mà không kiểm chứng hoặc thông tin báo chí chính thống bị cắt gọt đưa lên mạng xã hội…

gao4

Ảnh minh họa : Một sạp bán báo ở Việt Nam - RFA

Đề xuất xử lý nghiêm khắc

Nhà báo Hồ Bất Khuất, vào tối ngày 4/12 lên tiếng với RFA về quan điểm của ông trước đề xuất vừa nêu :

"Nói chung ít nhiều là cần thiết bởi vì đúng là có hiện tượng như vậy. Nhưng nếu xử lý thì chỉ xử lý phần ngọn trong khi rất cần phải xử lý phần gốc. Nghĩa là, phải trang bị kiến thức cho nhà báo. Những người làm báo có nghề là phải kiểm định thông tin. Tôi không muốn gọi là báo ‘chính thống’ mà là báo có giấy phép và loại báo không có giấy phép. Những người làm việc cho các cơ quan báo chí có giấy phép thì phải kiểm định lại thông tin trước khi đăng. Còn nếu mà không kiểm định lại và sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm, chứ không phải là những người đưa tin lên mạng xã hội chịu trách nhiệm vì họ là những người không có nghề nên họ chịu trách nhiệm khác mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Đài RFA ghi nhận truyền thông trong nước, hồi thượng tuần tháng 10 dẫn nguồn từ báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông cho thấy báo điện tử bị phản ánh thông tin sai sự thật nhiều nhất và từ đầu năm 2018 đến đầu tháng 5/19, cơ quan chức năng của Bộ đã xử phạt 37 trường hợp bị cho là thông tin sai sự thật cùng 9 trường hợp thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong hoạt động báo chí.

Một vài vụ việc Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông xử lý đưa tin không đúng sự thật và gây ảnh hưởng xấu mà dư luận đặc biệt quan tâm có thể nêu ra như vụ báo Tuổi Trẻ hồi tháng 7/18 bị đình bản 3 tháng và bị phạt 220 triệu đồng vì đăng bài viết về Luật Biểu tình hay Tạp chí Luật sư Việt Nam Online, trong tháng 11/2019 bị đình bản 2 tháng và bị phạt 50 triệu đồng do đăng tải thông tin về Biệt phủ lấn sông của gia đình thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng…

Từ Nha Trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA rằng cần phải có sự nhìn nhận công bằng khách quan đối với hai hệ thống thông tin gồm báo chí nhà nước và truyền thông mạng xã hội. Nhà báo Võ Văn Tạo đánh giá thông tin trên mạng xã hội được nhanh chóng, mang tính kịp thời, phần nào giúp cho báo chí nhà nước chạy theo tin tức thực tiễn mà dân chúng quan tâm ; chứ không phải chỉ những bản tin tuyên truyền đi vào lối mòn mà độc giả không màng tới. Tuy nhiên, Nhà báo Võ Văn Tạo cũng khẳng định thông tin trên mạng xã hội là tự phát và trong muôn vàn tin tức được đăng tải liên tục đó, có không ít những thông tin không chính xác. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh :

"Đặc biệt nhất là kênh Youtube. Về những đề tài khác thì tôi không dám bàn, nhưng riêng về đề tài chính trị xã hội thì phải nói là 99,9% là tào lao, tiêu đề một nơi và nội dung một nẻo. Xin nói là cả báo nhà nước thì nhiều tin cũng không đúng đâu, tô hồng, bóp méo đủ thứ hết đấy chứ. Những trò đó thì nhiều lắm. Thế thì rõ ràng cả hai đều có cái hay và có cái dở nếu mình so sánh giữa mạng xã hội và báo nhà nước. Nếu như kết hợp khéo giữa hai cái đó thì vẫn đảm bảo được thông tin tốt nhất, nhưng với điều kiện người đưa tin có kinh nghiệm một chút thì mới được chứ không thì dễ bị thông tin sai lạc".

gao5

Áp phích Phản đối Luật An Ninh Mạng Courtesy : Amnesty International

Quan ngại

Qua trao đổi với Đài Châu Á Tự Do, cả hai Nhà báo Hồ Bất Khuất và Võ Văn Tạo đều cho rằng đề xuất cần xử lý nghiêm khắc thông tin sai sự thật trên mạng xã hội trong Luật Báo chí sửa đổi sẽ không thể đạt được hiệu quả tuyệt đối trong việc kiểm soát truyền thông mạng xã hội, thậm chí có cả nhiều biện pháp kỹ thuật được áp dụng như tường lửa…

Đối với Nhà báo Hồ Bất Khuất thì ông kiến nghị Việt Nam nên học hỏi cách thức của một số các quốc gia Âu Châu về truyền thông mạng xã hội mà mang lại hiệu quả cao :

"Theo tôi thì cách tốt nhất là cách trang bị kiến thức, kỹ năng, quan niệm… cho nhân dân để người ta tự sàng lọc lấy thông tin đấy. Như vậy thì mới bền vững và có hiệu quả nhất".

Thế nhưng cũng có những ý kiến quan ngại về đề xuất mới này khi được đưa vào Luật Báo chỉ sửa đổi có thể sẽ được Chính quyền Việt Nam sử dụng như là thêm một công cụ trong việc hạn chế tự do thông tin của người dân cùng với Luật An ninh mạng. Nhà báo Võ Văn Tạo lý giải :

"Xu thế đó là có thể có tại vì quan sát trong vài ba năm trở lại đây thì cũng những hành động của những người tương đương như nhau và có tính chất độc lập, tức là đấu tranh cho nhân quyền, cho quyền tự do ngôn luận, cho quyền tự do báo chí, cho tự do truyền đạt thông tin…thì khi công an khởi tố những vụ án và tòa án xét xử với mức án càng ngày càng nặng nề. Trước đây những án 10 năm hay trên 10 năm là hiếm lắm, có nhưng rất hiếm còn 2-3 năm trở lại đây thì rất nhiều. Hầu như vụ án nào cũng đưa vào những điều luật khắc khe và gán cho những mức án 10 năm, trên 10 năm và thậm chí 20 năm".

Kể từ khi Luật An ninh mạng được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2019, hàng loạt facebooker ở Việt Nam bị bắt giữ và bị tuyên các bản án tù. Trường hợp mới nhất là Huỳnh Thị Tố Nga và Huỳnh Minh Tâm vào ngày 28/11/19 bị Tòa án tỉnh Đồng Nai tuyên tổng cộng 14 năm tù giam, dưới tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Đài RFA cũng ghi nhận việc chia sẻ thông tin của người dân Việt Nam trên mạng xã hội bị hạn chế qua các hình thức như Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong hạ tuần tháng 11 ban hành văn bản cấm sinh viên của trường này chia sẻ trên mạng xã hội ủng hộ biểu tình ở Hong Kong ; hoặc như trang Dân Làm Báo vào ngày 4/12 vừa loan tin lãnh đạo Trường Tiểu học Số 2 Lộc Trì, ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, yêu cầu giáo viên của trường xóa chia sẻ trên Facebook cá nhân thông tin đăng trên Báo Thanh Niên với nội dung "Tự tiện cắt, thu hồi phụ cấp giáo viên vùng khó".

Mặc dù vậy, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam nhận định Việt Nam trong thời gian tới sẽ thực thi những biện pháp kiểm duyệt và áp dụng các luật định theo xu hướng cởi mở của thế giới trong thông tin và truyền thông trong bối cảnh mở rộng ngoại giao và hợp tác phát triển kinh tế với quốc tế. Nhưng hiện tại với Luật An ninh mạng thì Nhà hoạt động dân chủ-Facebooker Đinh Quang Tuyến nhận xét là "Tất cả người Việt Nam trở thành nô lệ một cách tuyệt đối của công an, kể cả Quốc hội".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 362 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)