Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/12/2019

Hối lộ trong sự quán Việt, vụ Nhật Cường, thuê máy bay sang Nga

Tổng hợp

Nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật bị cáo buộc nhận hối lộ (RFA, 05/12/2019)

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/12 cho biết đang xác minh thông tin về việc người Việt hối lộ nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Fukuoka để làm giấy tờ cho những người Việt khác.

nhat1

Hình minh họa. Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản - Courtesy of vietnamimmigration.com

Hôm 3/12, tờ Asahi Shimbun của Nhật cho biết cảnh sát quận Nagata ở Kobe hôm 2/12 đã bắt giữ một phụ nữ Việt có tên Duong Thi The, 34 tuổi, với cáo buộc hối lộ nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Fukuoka để đổi lấy quy chế thường trú nhân tại Nhật cho một số người Việt khác.

Bà The bị cáo buộc đã trả khoản tiền là 150.000 yen Nhật (tương đương 1.370 đô la Mỹ) cho một nhân viên Tổng lãnh sự để có được giấy tờ cho 5 người trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2019. Các giấy tờ này bao gồm chứng nhận kết hôn ở Việt Nam. Giấy tờ này thường không được Tổng lãnh sự quán cấp cho du khách ngắn hạn. Bà The là một nhân viên công ty ở Nagata.

Theo cảnh sát, người phụ nữ đã nhận tội.

Asahi Shimbun dẫn thông tin từ cảnh sát cho biết, từ tháng 5/2016, bà The đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng dưới tên lãnh sự khoảng 200 lần với số tiền lên đến 4 triệu yen.

Người đàn ông, 38 tuổi, được cho là đã nhận hối lộ hiện đã rời Nhật Bản.

Theo luật phòng chống Cạnh tranh Không lành mạnh của Nhật, việc hối lộ các quan chức nước ngoài bị cấm, và người vi phạm có thể nhận án tù 5 năm hoặc phạt tiền lên đến 5 triệu yen, hoặc bị cả hai hình phạt. Tuy nhiên luật không có quy định chế tài đối với giới chức nước ngoài.

********************

Bắt nghi phạm 'hối lộ' nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật (BBC, 04/12/2019)

Theo cảnh sát Nhật, Duong Thi The bị bắt vào ngày 2/12 và khai đã đưa 150.000 yên (khoảng 1.370 USD) cho một nhân viên của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Fukuoka để chứng nhận hồ sơ cho năm người (30.000 yên/một trường hợp).

hoilo2

Duong Thi The dùng mạng xã hội và những chỗ khác để quảng cáo dịch vụ giúp công dân Việt Nam lấy tư cách vĩnh trú tại Nhật Bản. Ảnh thẻ cư trú thường trực minh họa

Một phụ nữ khai đã đút lót để "làm giấy tờ" cho người Việt vào Nhật ngắn hạn nhưng muốn định cư ở Nhật.

Cảnh sát nói việc điều tra cho thấy nghi phạm đã chuyển vào tài khoản ngân hàng dưới tên lãnh sự (mà hiện chưa nêu tên) khoảng 200 lần với tổng số tiền khoảng 4 triệu yên (36.800 đôla) kể từ khoảng tháng 5/2016.

Nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam được xác định là 38 tuổi và đã rời Nhật vào tháng 7/2019 và cảnh sát nói chưa thể thẩm vấn người này.

Nghi phạm, 34 tuổi, là nhân viên một công ty và đang sống tại khu Nagata ở thành phố Kobe, được cho là từ tháng 2/2016 đã dùng mạng xã hội và những chỗ khác để quảng cáo dịch vụ giúp công dân Việt Nam lấy tư cách vĩnh trú tại Nhật Bản.

Hành vi này vi phạm Luật Phòng chống Cạnh tranh Không lành mạnh của Nhật Bản theo đó cấm hối lộ công chức nước ngoài.

Một quan chức cảnh sát được Báo Asahi dẫn lời nói "đây là hành vi tội phạm có thể dẫn tới việc giả hôn nhân cho mục đích có tư cách vĩnh trú tại Nhật".

Người phạm tội có thể lĩnh án tù tới 5 năm hoặc bị phạt 5 triệu yên hoặc cả hai. Tuy nhiên luật này không có chế tài phạt giới chức nước ngoài.

Theo NHK, Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở thành phố Fukuoka chưa trả lời phỏng vấn của đài này về vụ việc trong khi một quan chức ngoại giao khác tại đây nói với Báo Asahi rằng "Chúng tôi không hề biết gì về vụ việc và đang tìm hiểu".

******************

Vụ Công ty Nhật Cường : ‘nhóm lợi ích’ chống lưng bị thất thế ? (RFA, 04/12/2019)

Trả lời trong phiên thảo luận Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Khóa XV chiều ngày 3/12, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết công ty Nhật Cường được chọn để xây dựng dịch vụ công do "đây là nội dung khó nhất vì phải lọ mọ vào trong từ phường, xã, gặp cán bộ để hiểu về quy trình công tác thì mới số hóa được các nội dung, dịch vụ. Những công việc này chẳng ai nhận làm".

hoilo1

Ông Bùi Quang Huy và một cơ sở của Nhật Cường ở Hà Nội bị khám xét Courtesy of vnfinance.com

Nhận xét về phát biểu của người đứng đầu thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ thứ 3, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Máy tính - Truyền thông - Điều khiển cho rằng :

"Tôi nghĩ rằng có hàng trăm công ty tin học sẵn sàng nhận công việc ấy bởi vì nó thu hút và sinh lời. Tôi nghĩ không ai lại nỡ từ chối một công việc béo bở như vậy trừ trường hợp chính quyền Hà Nội tìm cách ngăn cản các công ty khác tham gia và để hở cho công ty sân sau của họ là Nhật Cường nhảy vào. Công ty Nhật Cường về mặt tin học hay công nghệ thông tin là một công ty mới, chỉ bán điện thoại di động một thời thôi chứ làm phần mềm thì chưa ai nghe thấy".

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học cũng có trình bày sau khi nghe phát biểu mới nhất của ông Nguyễn Đức Chung về Nhật Cường :

"Thực ra chẳng có phần mềm nào dễ dàng cả, phần mềm nào cũng khó khăn, còn mức độ khó khăn thế nào được thể hiện trong giá gói thầu. Công việc càng khó khăn, thì tiền dự toán chi cho công trình càng nhiều. Nên nói việc đó khó đến mức chẳng ai làm là không đúng. Nếu như thực hiện đấu thầu nghiêm túc thì tất cả mọi người sẽ căn cứ vào khối lượng công việc rồi đưa ra dự toán… ai thắng thì thắng. Còn đây thực chất là thành phố đã chỉ định cho Nhật Cường rồi, chẳng có đấu thầu. Nếu như sòng phẳng ai cũng làm được, ai cũng đấu thầu".

Nhiều chuyên gia quan sát và nhận xét việc Nhật Cường được chỉ định thầu với số tiền lớn rồi bị phanh phui thời gian gần đây có thể là một cuộc đấu đá giữa các nhóm lợi ích mà trong đó, người ‘chống đỡ’ cho công ty Nhật Cường đang thất thế.

Tình trạng cấu kết giữa hai thành phần tư sản tư nhân và quan chức cấp cao của nhà nước, với mục đích nhằm trục lợi được định nghĩa là ‘nhóm lợi ích’.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng trong vụ việc Nhật Cường, có rất nhiều dấu hiệu các doanh nghiệp ‘ngoặc’ với chính quyền, có những vị nào đấy đứng đằng sau.

"Nếu những vị ấy kiểm soát được thì nó để yên, còn không thì bên này đánh bên kia, đánh doanh nghiệp, chỗ này chỗ nọ. Có thể những thế lực chính trị đứng đằng sau, nhiều khi đánh nhau về mặt chính trị nhưng ‘trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Tức là tay chân của phe này bị phe khác đánh, đó có thể là các doanh nghiệp".

Tuy nhiên ông Nguyễn Quang A thận trọng trước những đồn thổi Nhật Cường là sân sau của chính ông chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung :

"Thực sự đó chỉ là những tin đồn, nếu muốn xác minh rõ ràng thì phải có cuộc điều tra của cảnh sát, mà cuộc điều tra phải thật vô tư và minh bạch thì mới có thể phát hiện ra nó là sân sau của ai".

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào ngày 3 tháng 12 khi bị báo chí trong nước đặt câu hỏi chi tiết liên quan vụ án Công ty Nhật Cường, chỉ trả lời ngắn gọn ‘chờ cơ quan điều tra kết luận !’ và không cung cấp thêm thông tin gì thêm.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường là một trong những doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động lớn tại Hà Nội với nhiều cửa hàng trên địa bàn thủ đô.

Theo truyền thông trong nước, tuy là công ty mới được thành lập chưa lâu, nhưng Nhật Cường đã nhận phần lớn các hợp đồng thầu liên quan đến các dự án công trực tuyến ở Hà Nội lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như được chỉ định thầu với giá trị 10,7 tỷ đồng trong dự án của Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội thực hiện quyết định 6699, hoặc trong dự án thí điểm lắp đặt hệ thống camera an ninh với số tiền đầu tư lên đến 1,1 tỷ đồng, hay cung cấp những phần mềm liên quan đến bảo mật, an ninh của lực lượng an ninh Hà Nội.

Tuy nhiên vào sáng ngày 9/5, công an Hà Nội đã tiến hành khám xét và thu giữ vật dụng tại Trung tâm bảo hành, sửa chữa Nhật Cường ở C4 Giảng Võ và ở số 33 Lý Quốc Sư.

Ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại & Dịch vụ Nhật Cường, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường, bỏ trốn và hiện đang bị truy nã.

Phía Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vào ngày 28/11 cho biết đã quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với 3 người về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan đến vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và các đơn vị có liên quan.

********************

Chủ tịch Hà Nội không cung cấp thêm thông tin về vụ án Nhật Cường (RFA, 03/12/2019)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào ngày 3 tháng 12 khi bị báo chí trong nước đặt câu hỏi liên quan vụ án Công ty Nhật Cường, chỉ trả lời ngắn gọn ‘chờ cơ quan điều tra kết luận!’ và không cung cấp thêm thông tin gì thêm.

hoilo1

Ông Bùi Quang Huy và một cơ sở của Nhật Cường ở Hà Nội bị khám xét - Courtesy of vnfinance.com

Trả lời của ông Nguyễn Đức Chung cho báo chí như vừa nêu được đưa ra bên hành lang kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV.

Đối với trường hợp một số cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa bị bắt tạm giam, ông Nguyễn Đức Chung cũng chỉ trả lời ‘chờ cơ quan điều tra kết luận’.

Cũng bên hành lang kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khi trả lời cùng vấn đề trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, cơ quan điều tra đang vào cuộc và sẽ có kết luận cụ thể : ‘Nguyên tắc cơ quan điều tra đã làm rồi thì phải để cơ quan điều tra, còn mình phải hợp tác với cơ quan điều tra’.

Cũng trong ngày 3/12, khi báo chí nêu câu hỏi tượng tự với Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư (Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền quanh vụ việc Công ty Nhật Cường và mới đây cơ quan điều tra vừa khởi tố, bắt giam nhiều cán bộ, nguyên cán bộ Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội, ông chỉ trả lời ‘đã có rà soát và báo cáo UBND thành phố’… ‘nên để hôm khác trao đổi’…’Có gì thì mời đến Sở, anh em sẽ có bộ phận, phân công anh em có phát ngôn, cung cấp thông tin’…

Trước đó, vào ngày 29/11, Bộ Công an cho biết, đang điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và các đơn vị có liên quan.

Ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại & dịch vụ Nhật Cường, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường, hiện đang bị truy nã.

*****************

Phát hiện hóa đơn Việt Nam thuê máy bay Slovakia chở Trịnh Xuân Thanh sang Nga (RFA, 03/12/2019)

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức dầu khí Việt Nam từ Đức về Việt Nam, lại bị khơi dậy khi một người chuyên chỉ trích cảnh sát ở Slovakia phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của Bộ Nội Vụ nước này một hóa đơn ghi giá 17 ngàn euro tính cho Bộ Công an Việt Nam về chi phí chuyến bay đến Moskva hôm 26/7/2017.

hoilo3

Ảnh minh họa : Trịnh Xuân Thanh bị dẫn giải đến tòa ở Hà Nội vào ngày 22/1/2018 - AFP

Mạng báo Taz của Đức loan tin hôm ngày 1/12 nêu rõ vào ngày hôm đó một chiếc máy bay của chính phủ Slovakia thực hiện gấp một chuyến đi đặc biệt đến Matxcova. Thời điểm này là ba ngày sau khi ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ công viên Tiergarten ở Berlin của Đức.

Trên chiếc chuyên cơ vừa nêu hiện diện ông Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm, người mà ngay trước đó có chuyến thăm chỉ kéo dài 1 tiếng đồng hồ với người tương nhiệm Slovakia lúc bấy giờ là ông Robert Kalinak. Ngoài ông Tô Lâm, trên chiếc chuyên cơ còn có hai phó sếp điệp vụ Việt Nam, một số người khác và một người có tên là Trung Viên Lưu.

Bản tin của Taz dẫn nguồn từ những người chứng kiến rằng nhân vật Trung Viên Lưu này không thể bước đi mà không có hỗ trợ ; người này cũng có thể trong hộ chiếu không có dấu nhập vào khối Schengen nhưng lại được cho phép rời Slovakia trên chiếc máy bay chính phủ đó. Theo suy đoán thì nhân vật này là người bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và mang hộ chiếu giả.

Cựu quan chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tham nhũng và chạy sang Đức xin quy chế tị nạn nhưng được nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin. Sau đó ông Thanh bị đưa về thành phố Brno của Séc, rồi tiếp tục được đưa đến Bratislava, thủ đô của Slovakia trên một chiếc xe do mật vụ Việt Nam thuê. Sau đó các nguồn tin nói rằng Việt Nam tiếp tục đưa ông Thanh sang Moskva bằng máy bay của chính phủ Slovakia, trước khi đưa về Hà Nội để kết tội.

Vụ Trịnh Xuân Thanh gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội. Đức cho ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như ngưng miễn visa cho quan chức mang hộ chiếu ngoại giao của Việt Nam.

Vào tháng 2 vừa qua, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sang thăm Đức. Đây là chuyến thăm cấp bộ trưởng đầu tiên giữa Việt Nam và Đức sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin vào tháng 7/2017.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 450 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)