Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/12/2019

Hoa Kỳ hỗ trợ 365 triệu, Thụy Điển cho vay 1 tỷ, bác tin mua đất Campuchia

RFA tiếng Việt

Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam 365 triệu USD khắc phục hậu quả chiến tranh (RFA, 05/12/2019)

Ngày 5/12/2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam (Bộ Quốc phòng) và Trung tâm Hành động Quốc gia Khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường đã tổ chức lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa do Mỹ tài trợ một phần trị giá 300 triệu USD. Tại buổi lễ, hai phía cũng ký một thỏa thuận triển khai dự án hỗ trợ người khuyết tật trị giá 65 triệu USD.

hoaky1

Đại diện hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ tại buổi lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đồng Nai hôm 5/12/2019. Reuters

Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ nói đây là sự kiện có tính cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Ông Caryn R. McClelland, Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam, nói tại buổi lễ rằng "hai nước sẽ một lần nữa minh chứng với thế giới một ví dụ tuyệt vời về quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong đó hai cựu thù lựa chọn trở thành đối tác, vượt qua quá khứ và mở đường hướng tới một ương lai hữu nghị và thịnh vượng chung".

Tin nói Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã bàn giao 37 hecta đất khu vực phía Tây sân bay cho USAID để bắt đầu các hoạt động thực địa cho dự án. USAID được nói đã hỗ trợ xây dựng đường công vụ, cổng ra vào và khu văn phòng để thực hiện dự án, đồng thời các hoạt động giải phóng mặt bằng và quan trắc cũng đã bắt đầu được triển khai.

Mục tiêu của dự án là loại bỏ nguy cơ rò rỉ dioxin ra khu vực bên ngoài sân bay, làm sạch các khu vực ngoài sân bay và sau đó xử lý và cô lập đất nhiễm dioxin.

Báo trong nước cho biết Sân bay Biên Hòa là khu vực có nhiều chất ô nhiễm hóa học ở Việt Nam với diện tích cần xử lý ô nhiễm dioxin là hơn 500 ngàn m3. Dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa có tổng kinh phí hơn 390 triệu USD và dự kiến thực hiện trong vòng 10 năm. Chính phủ Mỹ cam kết viện trợ không hoàn trả 300 triệu USD cho dự án.

Kho)ản tài trợ khác trị giá 65 triệu USD trong thỏa thuận giữa USAID và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường được nói nhằm thực hiện các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới.

Hồi tháng 7 năm ngoái, phía Hoa Kỳ cũng đã bàn giao gần 14 héc ta đất tại Sân Bay Đà Nẵng cho Việt Nam sau khi hoàn tất công tác xử lý ô nhiễm dioxin tại đó.

Đó là đợt bàn giao cuối cùng trong chương trình xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng. Chương trình này được tiến hành trong 6 năm từ tháng 8 năm 2012.

********************

Thụy Điển đề nghị cho Việt Nam vay 1 tỷ đô la để xây dựng sân bay Long Thành (RFA, 03/12/2019)

Tập đoàn Tín dụng Xuất khẩu của Thụy Điển (SEK) vừa đề nghị cho phía Việt Nam vay 1 tỷ đô la để xây dựng sân bay Long Thành, với điều kiện 30% thiết bị và công nghệ sử dụng là của Thụy Điển, theo trang tin Scandasia.

hoaky2

Thiết kế sân bay quốc tế Long Thành - Courtesy of VOV

Theo VnEconomy, tại Hội thảo Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành diễn ra hồi tuần trước, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư của Việt Nam cho biết Việt Nam đang xem xét đề nghị này. Ông Thắng cho biết dự án sân bay Long Thành cần một khoản đầu tư lớn và những hỗ trợ tài chính từ các nước khác, bao gồm cả những đối tác phát triển của Việt Nam như Thụy Điển là vô cùng quan trọng.

Theo thông tin từ hội thảo, SEK đề nghị một khoản vay cho Việt Nam với mức lãi suất là 4,2% một năm.

Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam là bà Ann Mawe, nhân chuyến thăm Thụy Điển của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5 vừa qua, hai Thủ tướng đã trao đổi về khoản vay để đầu tư cho cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngành quản lý không lưu của Việt Nam.

Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2015 với định hướng xây dựng sân bay này thành một sân bay tầm cỡ quốc tế với công suất 100 triệu hành khách/ năm và 5 triệu tấn hàng hóa/ năm. Tổng vốn đầu tư là 16 tỷ đô la. Giai đoạn 1 của dự án được dự kiến triển khai vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2025 với tổng mức đầu tư là khoảng 5 tỷ đô la.

Dự án sân bay Long Thành trước đó đã gặp phải một số những chỉ trích từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Các chuyên gia cho rằng trong khi sân bay Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh có thể mở rộng và nâng cấp, Việt Nam không cần thiết phải đầu tư quá nhiều tiền vào một sân bay mới ở quá xa thành phố như sân bay Long Thành ở tỉnh Đồng Nai. Các chuyên gia cũng cho rằng vốn đầu tư cho sân bay là quá cao và lo ngại sẽ có những đội vốn giống như một số các dự án hạ tầng cơ sở khác ở Việt Nam.

*******************

Việt Nam bác tin người Việt mua đất, đe dọa chủ quyền của Campuchia (RFA, 05/12/2019)

Thông tin về việc người Việt ở Biển Hồ của Campuchia được di dời và đang tìm cách mua đất, đe dọa chủ quyền của xứ chùa tháp là không có cơ sở. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/12 lên tiếng xác nhận như vậy khi được hỏi về những thông tin trên báo chí Campuchia về vấn đề này.

CAMBODIA-MAN REPAIRS BOAT 1

Một ngư dân Việt Nam tự sửa chữa chiếc thuyền gỗ tại một làng chài trên sông Tonle Sap, Biển Hồ ở Campuchia. AFP

Hồi tuần trước, từ Camphuchia có tin đồn cho rằng người Việt sống trên dòng Tonle Sap thuộc tỉnh Kampong Chhnang được di dời lên bờ đang tìm cách lấy đất của người bản xứ.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói : "Việt Nam thông hiểu chủ trương phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Campuchia, trong đó có việc di dời người dân khỏi khu vực Biển Hồ nói chung. Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia luôn theo dõi sát quá trình di dời, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ bà con gốc Việt và kêu gọi bà con tuân thủ luật pháp của quốc gia sở tại".

Hôm 27/11, tờ Khmer Times của Campuchia trích lời tỉnh trưởng Kampong Chhnang Chhor Chandoeun bác bỏ các tin đồn là chính quyền tỉnh đang cắt đất cho người Việt bị di dời từ làng nổi trên dòng Tonle Sap (Biển Hồ). Ông Chhor Chandoeun nói tất cả những người Việt này đề là di dân và không có quyền sở hữu đất ở Campuchia.

Theo người đứng đầu tỉnh Kampong Chhnang, có khoảng gần 2.000 gia đình người Việt sinh sống trên 1.700 nhà nổi trên dòng Tonle Sap. Những người này cũng những người Campuchia sống trên Biển Hồ được địa phương di dời đến một khu đất khoảng 40 ha. Chính quyền địa phương dự kiến di dời toàn bộ đến khu mới vào năm ngoái để bảo vệ môi trường nước của dòng sông. Tuy nhiên việc di dời đã bị chậm lại do thiếu cơ sở hạ tầng, đường xá, và chợ cho người dân ở nơi mới.

Giới chức chính quyền Việt Nam và Campuchia đã có nhiều cuộc gặp từ năm ngoái đến nay để thảo luận về phương án đảm bảo cuộc sống cho người Việt phải di dời khỏi Biển Hồ.

Vấn đề người Việt ở Campuchia từ lâu đã là chủ đề nhạy cảm đối với người dân xứ Chùa tháp. Hồi tháng 8 vừa qua, báo chí Campuchia trích lời giới chức nước này cho biết Campuchia đã từ chối yêu cầu cấp quốc tịch cho người Việt ở một số tỉnh theo đề nghị của Hà Nội. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác Quốc tế, Thông tin và Truyền thông Campuchia Chematng Vun nói vấn đề về lãnh thổ và quốc tịch với phía Việt Nam là rất nhạy cảm.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 485 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)