Đảng Xanh yêu cầu Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA khi điều tra vi phạm của báo cáo viên EVFTA Zahradil (RFA, 10/12/2019)
Đảng Xanh, đảng lớn thứ tư trong Nghị viện Châu Âu, hôm 9 tháng 12 gửi thư yêu cầu Chủ tịch Nghị viện xem xét tư cách của báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA), dân biểu Nghị viện là ông Jan Zahradil với cáo buộc ông này đã vi phạm các quy tắc đạo đức của Nghị viện. Đảng Xanh cũng đồng thời yêu cầu hoãn việc xem xét hồ sơ EVFTA khi điều tra vi phạm của ông Zahradil.
Dân biểu người Czech Jan Zahradil ở Nghị viện Châu Âu, Brussels hôm 15/5/2019 AFP - Hình minh họa
Bức thư được gửi đi sau khi có một bài báo từ trang tin EU Observer, cáo buộc ông Zahradil đã vi phạm nguyên tắc "xung đột lợi ích" khi đồng thời nhận nhiệm vụ là Chủ tịch Ủy ban tư vấn cho Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu, một tổ chức thân tín với chính phủ Việt Nam. Ông Zahradil đã không thông báo với Nghị viện về vai trò của mình ở trong tổ chức người Việt này bất chấp quy định bắt buộc ông Zahradil phải thông báo dù ông có được trả tiền cho nhiệm vụ đó hay không.
"Đây là điều đáng lo ngại khi vai trò của ông ta (Zahradil) là báo cáo viên trong thủ tục xem xét phê chuẩn EVFTA ở Nghị viện", bức thư có đoạn viết.
Đảng Xanh cũng cáo buộc dân biểu người Czech Zahradil đã không "công bố mối quan hệ của ông với Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu trước các cơ quan thuộc Nghị viện như ủy ban Thương mại quốc tế", và điều này dường như không phù hợp với các quy định trong bộ quy tắc đạo đức.
Với những cáo buộc như trên, đảng Xanh yêu cầu Nghị viện Châu Âu đưa vấn đề này lên Ủy ban Tư vấn về quy tắc đạo đức để đánh giá việc vi phạm và xung đột lợi ích của ông Zahradil. Đồng thời đảng Xanh cũng yêu cầu Nghị viện Châu Âu hoãn lại việc xem xét phê chuẩn EVFTA khi điều tra tư cách của ông Zahradil.
Việt Nam và EU chính thức ký kết hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, đã có một số tiếng nói trong nước và một số dân biểu Châu Âu bày tỏ quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Hôm 21/11, Việt Nam đã bắt giữ Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng, người đã lên tiếng yêu cầu Nghị viện Châu Âu hoãn việc phê chuẩn hai hiệp định vừa ký vì những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam thời gian qua.
********************
Nghị viên Châu Âu từ chức sau khi bị cáo buộc có ‘liên hệ’ với Đảng Cộng sản Việt Nam (VOA, 10/12/2019)
Một thành viên nghị viện Châu Âu hôm 10/12 đệ đơn từ chức báo cáo viên cho các cuộc đàm phán thương mại của EU với Việt Nam sau khi bị cáo buộc không tiết lộ các liên hệ của ông với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà có thể vi phạm Bộ quy tắc ứng xử của Nghị viện Châu Âu.
Ủy viên Nghị viện Châu Âu Jan Zahradil, trong bức ảnh hồi tháng 4/2019 tại Prague, Cộng hòa Czech, bị cáo buộc có liên hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi là một người dẫn đầu các cuộc đàm phán về thương mại của EU với Hà Nội.
Một bài báo được xuất bản gần đây của EU Observer cáo buộc ông Jan Zahradil về một sự "xung đột lợi ích" tiềm năng sau khi tiết lộ rằng ông Zahradil đã không cho biết ông là chủ tịch của Hội đồng tư vấn cho Liên đoàn các hiệp hội người Việt hải ngoại ở Châu Âu (FOVAE).
Ông Philippe Lamberts, một trong những đồng chủ tịch của Nhóm Liên minh Tự do Đảng Xanh/Châu Âu, đã trích dẫn bài báo này để gửi lên Chủ tịch Nghị viện Châu Âu và đề nghị xem xét "khả năng vi phạm" luật của nghị viện của ông Zahradil.
Ông Zahradil, trong một phần đăng tải hôm 10/12 trên Twitter cá nhân, "mạnh mẽ phủ nhận" các cáo buộc về bất kỳ "xung đột lợi ích" nào trong một bức thư gửi cho các thành viên nghị viện Châu Âu trong đó có Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của EU, ông Bernd Lange, người thường xuyên đến Việt Nam để thảo luận về hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng trong bức thư này ông Zahradil "quyết định thôi chức vụ là báo cáo viên thường trực" về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) cho Việt Nam.
EU Observer, trong một bản tin ra hôm 9/12, cho biết ông Zahradil được chỉ định làm chủ tịch của FOVAE năm 2016. Thành viên Nghị viện Châu Âu đến từ Czech hiện là phó chủ tịch của ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện.
Ông Lamberts nói trong bức thư gửi Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Maria Sassoli ngày 9/12 rằng dựa trên những thông tin của EU Observer, ông Zahradil đã "không công khai về sự dính líu của ông đối với (FOVAE) khi thông báo về các lợi ích tài chính mặc dù ông có nghĩa vụ phải làm như vậy theo điều 4.2 (d) của Bộ Quy tắc Ứng xử."
"Hiệp hội này (FOVAE) dường như có liên hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam và giới lãnh đạo chính phủ," ông Lamberts nói trong bức thư dựa trên những thông tin từ bài báo của EU Observer, trong đó nói rằng người lãnh đạo FOVAE, ông Hoàng Đình Thắng – một nhân vật được biết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hồi cuối tháng 10 vừa qua "được tặng bằng khen xuất sắc" cho những nổ lực đóng góp của ông cho Hiệp hội Việt Nam ở Cộng hòa Czech, thuộc FOVAE. Tờ báo mạng này nhận định rằng "những giải thưởng như vậy chỉ do Đảng Cộng sản cấp cho những người xuất sắc trong một vị trí trong nhiều năm liên tiếp."
Theo tờ báo mạng của Châu Âu, ông Zahradil nói rằng ông "không phải thông báo về vai trò của ông trong một nhóm có liên hệ với chế độ nhà nước cộng sản đàn áp – bất chấp các luật lệ của Nghị viện Châu Âu."
Đồng chủ tịch nhóm Đảng Xanh/Châu Âu, ông Lamberts, đề nghị chủ tịch Nghị viện Châu Âu "đánh giá khả năng vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử và xung đột lợi ích, và sự cần thiết có nên tiến hành các biện pháp để sử đổi tình trạng này."
Bà Saskia Bricmont, một thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu – người vào tháng trước kêu gọi khối này tạm ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam cho đến khi tình hình nhân quyền ở đây được cải thiện – hôm 9/12 kêu gọi Nghị viện Châu Âu mở một cuộc điều tra về vụ việc này.
Trong phần đăng tải trên Twitter hôm 10/12, mặc dù từ chức nhưng ông Zahradil cho rằng những cáo buộc đó là lý do để "những người phản đối thương mại tự do để giết chết thủ tục chấp thuận EVFTA và EVIPA."
Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) đều đã được Việt Nam và các đối tác EU ký kết. Tuy nhiên, các thỏa thuận này phải được Nghị viện Châu Âu chính thức phê chuẩn tại phiên họp toàn thể vào tháng 2 năm 2020 thì mới có hiệu lực.
Các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức dân chủ khẳng định hồ sơ nhân quyền của Việt Nam phải được cải thiện trước khi EU tiến hành phê chuẩn các hiệp định này.
********************
EU thống nhất chuẩn bị Đạo luật Magnitsky về nhân quyền (RFA, 10/12/2019)
Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm 9/12 đã tiến gần hơn đến việc thông qua một đạo luận giống Đạo luật Magnitsky của Mỹ, nhắm vào việc trừng phạt những quan chức chính phủ các quốc gia có vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới.
Bỏ phiếu ở Nghị viện Châu Âu hôm 28/11/2019 ở Strasbourg, Pháp - AFP - Hình minh họa.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nói với báo giới ở Brussels hôm 9/12 rằng các nước trong khối đã "đồng ý bắt đầu công việc chuẩn bị cho một cơ chế cấm vận toàn cầu nhắm vào các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, tương tự như Đạo luật Magnitsky của Mỹ.
Ông nói thêm "đây là bước đi cụ thể tái khẳng định vai trò toàn cầu của EU trong vấn đề nhân quyền".
Wall Street Journal trích lời các nhà ngoại giao Châu Âu cho biết quyết định cuối cùng về đạo luật sẽ được các nước thành viên EU đưa ra sau khi bộ khung đạo luật được hoàn tất, và quá trình này có thể sẽ mất vài tháng vì có một số nước còn lo ngại cho mối quan hệ của họ với các nước như Nga và Trung Quốc.
Đạo luật Magnitsky đã được Tổng thống Mỹ ký thành luật vào năm 2012, với mục đích ban đầu là nhắm vào các quan chức Nga vi phạm nhân quyền. Tên của đạo luật được đặt theo tên luật sư người Nga Sergei Magnitsky, người đã bỏ mạng trong nhà tù ở Moscow.
Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đã có tổng cộng 170 cá nhân và tổ chức bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì vi phạm đạo luật này.
Dù EU chưa đưa ra khoảng thời gian cho việc đệ trình bộ khung đạo luật mới nhưng các nhà ngoại giao EU nói với báo giới rằng có khả năng bộ khung này sẽ được đưa ra để duyệt lần cuối sớm nhất vào năm sau. Hiện chưa rõ tên Magnitsky có được gắn vào luật của EU hay không.
*******************
Dân biểu Châu Âu ủng hộ EVFTA tham gia Liên hiệp Hội người Việt ở Châu Âu thân chính phủ Việt Nam (RFA, 09/12/2019)
Một dân biểu của EU, người đồng thời là báo cáo viên đặc biệt của EU về Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA), bị cáo buộc "có chân" trong Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu, một tổ chức thân tín với Chính phủ Việt Nam. Trang tin EUobserver loan tin này hôm 9/12.
Dân biểu Jan Zahradi, ứng viên cho chức Chủ tịch nghị viện Châu Âu, phát biểu tại một buổi bầu ghế chủ tịch mới của nghị viện Châu Âu hôm 3/7/2019 tại Strasbourg, Pháp - AFP
Theo EUobserver, dân biểu người Czech Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội Châu Âu, đồng thời là báo cáo viên đặc biệt về EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA), đã không hề thông báo với Quốc hội Châu Âu về vai trò của ông này là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cho Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu sau khi ông được chọn vào vị trí này hồi năm 2016.
Theo quy định của Quốc hội Châu Âu, ông Zahradil đáng ra phải thông báo về vai trò của mình trong liên hiệp hội này dù ông có được trả tiền hay không.
Theo EUopserver, việc ông Zahradil tham gia hội này và không thông báo đặt ra những câu hỏi về vai trò trung gian của ông khi là báo cáo viên đặc biệt cho EVFTA và IPA với Việt Nam, và liệu hiệp định này có thực sự giúp cải thiện quyền con người và quyền của người lao động hay không.
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu nhận huân chương Lao động hạng nhì từ Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại Praha hôm 22/10/2019 - Courtesy of Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ông Zahradil nói với EUobserver rằng ông không có gì phải báo cáo trong vai trò là chủ tịch hội đồng tư vấn của Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu đồng thời khẳng định ông sẽ vẫn giữ vị trí này.
"Tôi không được trả tiền cho nhiệm vụ của mình ở đó. Và như tôi đã nói trước đó là đây là một nhiệm vụ mang tính danh dự vì nó không có hoạt động tích cực", ông Jan Zahradil nói với EUobserver hôm 3/12.
Những thông tin được đăng tải trên các trang web của người Việt tại Châu Âu cho thấy Liên hiệp hội người Việt Châu Âu được Chính phủ Việt Nam rất coi trọng. Hồi tháng 10 vừa qua, Hội người Việt tại Czech đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước Việt Nam. Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu đã đón nhận huân chương này.
Theo tin từ Vglobal News, một trang tin của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, hồi tháng 7 vừa qua, ông Jan Zahrazil – Chủ tịch nhóm nghị sĩ nghị viện Châu Âu hữu nghị với Việt Nam cùng với ông Hoàng Đình Thắng và Chủ tịch hội người Việt tại Czech là ông Nguyễn Duy Nhiên đã gặp các đại sứ Việt Nam tại Czech, Ba Lan, Hungary, Áo và Slovakia. Đây là cuộc gặp được cho biết do ông Zahrazil phối hợp với Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu, Hội người Việt tại Czech tổ chức, và là sáng kiến từ năm 2018 của ông Zahrazil.
Ông Jan Zahradil trong cuộc gặp các đại sứ Việt Nam tại Châu Âu và đại diện Liên hiệp Hội người Việt tại Châu Âu vào tháng 7/2019 tại khách sạn Marcinčák ở thành phố Mikulov - Courtesy of vglobalnews.org
Cũng trong bản tin này, ông Hoàng Đình Thắng đã cảm ơn ông Jan Zahrazil đã tạo điều kiện để đại diện Liên hiệp hội và Hội người Việt tại Czech thăm Nghị viện Châu Âu ở Brussels và Strasburg. Ông Thắng cũng cho biết Đại hội lần thứ 2 của Liên hiệp Hội người Việt ở Châu Âu dự kiến sẽ được tổ chức ở Nghị viện Châu Âu tại Brussels vào năm tới.
Việt Nam và EU ký EVFTA và IPA vào ngày 30/6 vừa qua tại Hà Nội. Tuy nhiện hiệp định này vẫn cần Quốc hội Châu Âu thông qua để đi vào hiệu lực.
Một trong những vấn đề cản trở EVFTA và IPA là tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Một số dân biểu Châu Âu thời gian qua đã lên tiếng quan ngại về việc chính quyền Việt Nam đàn áp những tiếng nói đối lập.
Hôm 21/11 vừa qua, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng, người đã lên tiếng đề nghị Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA và IPA với Việt Nam vì những vi phạm nhân quyền gần đây và lo ngại về việc Việt Nam sẽ không thực hiện đúng cam kết đảm bảo cho người lao động có quyền thành lập các công đoàn độc lập.
Trong video gửi Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) vào ngày 19/11, nhà báo Phạm Chí Dũng đã nhắc đến việc một số các công ty ở Châu Âu và đại diện EU đã vận động hành lang để EVFTA và IPA được ký, bất chấp những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, kể từ năm 2008 trở lại đây, Việt Nam trung bình mỗi năm kết án khoảng 50 người bất đồng chính kiến và các án tù thời gian gần đây ngày càng nặng. Ông lo ngại, sau khi EU phê chuẩn EVFTA và IPA, sẽ có thêm nhiều người bị bắt.