Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/04/2017

Lễ trao giải nhân quyền cho LS. Nguyễn Văn Đài tại Đức

RFA tiếng Việt

Lễ trao giải nhân quyền 2017 cho Luật sư Nguyễn Văn Đài, người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của Liên đoàn Thẩm phán Cộng hòa Liên bang Đức trao tặng, được tổ chức vào 5 tháng 4 tại thành phố Weimar.

formosa1

Chủ tịch nước Đức, ông Frank-Walter Steinmeier (phải), trao giải nhân quyền 2017 cho luật sư Nguyễn Văn Đài qua người đại diện, ông Vũ Quốc Dụng tại Cung điện Bellevue ở Berlin hôm 5/4/2017. AFP photo

Kết thúc buổi trao giải, chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với ông Vũ Quốc Dụng, đại diện của Tổ chức Những người Bảo vệ Nhân quyền-VETO!, cũng là người đại diện Luật sư Nguyễn Văn Đai tại lễ trao giải. Trước hết, ông Vũ Quốc Dụng cho biết không khí của buổi lễ :

Buổi lễ này diễn ra rất trang trọng. Thứ nhất là có các ban nhạc, người ta chơi nhạc cổ điển để làm khung sườn. Sau đó, ông chủ tịch của Liên đoàn Thẩm phán Đức nói tại sao năm nay Liên đoàn Thẩm phán Đức trao giải nhân quyền cho Luật sư Nguyễn Văn Đài ở Việt Nam. Sau nữa, bà Dân biểu Marie-Luise Doett, người bảo trợ cho Luật sư Nguyễn Văn Đài đứng lên đọc lời vinh danh đối với Luật sư Đài. Và tôi là người được Ban tổ chức mời lên để thay mặt Luật sư Đài nhận giải thưởng nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức.

Tôi đã đọc một bài ngắn để nói lên lý do tại sao Luật sư Đài không thể có mặt để nhận giải thưởng này, cũng như vợ của Luật sư Đài-cô Khánh, người đã bị chặn ở phi trường Nội Bài vào Chủ Nhật vừa rồi và không thể lên đường đến thành phố Weimar để nhận giải thưởng thay cho chồng.

Hòa Ái : Ông có thể cho biết thêm thông tin liên quan đến giải thưởng nhân quyền của Tổ chức Thẩm phán Đức, chẳng hạn như cách thức họ tuyển chọn và quyết định trao giải 2017 cho Luật sư Nguyễn Văn Đài ?

Vũ Quốc Dụng : Liên đoàn Thẩm phán của Đức là một tổ chức quy tụ 20 ngàn thẩm phán, ngoài ra còn quy tụ cả những người biện lý ở Đức và có một thế đứng rất lớn. Hàng năm, Liên đoàn này có một Ban tuyển lựa những người để trao giải. Cứ 3 năm thì họ trao giải một lần.

Lần này Ban giám khảo đã chọn ra trong số nhiều người được nhiều tổ chức và các nhóm đề nghị và họ thấy Luật sư Đài là người xứng đáng nhất.

Tôi nghĩ có lẽ thứ nhất, Luật sư Đài là một luật sư phù hợp với tôn chỉ của một tổ chức mà họ muốn một trao giải nhân quyền cho các thẩm phán, cho những người biện lý hoặc các luật sư đang đấu tranh để bảo vệ luật pháp mà hiện nay đang bị đàn áp ; thứ hai nữa, có lẽ họ thấy hoàn cảnh của Luật sư Đài là người hiện đang bị giam giữ, gần một năm rưỡi nay mà không được gặp luật sư và ít được gặp gia đình cũng như cho đến bây giờ người ta không biết tại sao Luật sư Đài bị bắt. Người ta chỉ biết Luật sư Đài bị cáo buộc tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", nhưng không thấy có một hành vi cụ thể nào mà nhà nước cáo buộc hành vi đó là phạm tội.

Tôi nghĩ rằng những điều đó làm cho Liên đoàn Thẩm phán của Đức thấy cần phải can thiệp bằng cách trao giải cho Luật sư Đài để mọi người biết đến Luật sư Đài nhiều hơn nữa và như thế họ có thể bảo vệ cho Luật sư Đài.

Hòa Ái : Xin hỏi Tổ chức VETO! có tham gia hay đóng vai trò nào trong việc tuyển chọn và trao giải hay không, thưa ông ?

Vũ Quốc Dụng : Dạ không, Liên đoàn Thẩm phán của Đức là một hội độc lập. Tuy nhiên, chúng tôi là Tổ chức Những người bảo vệ nhân quyền và trong thời gian vừa rồi chúng tôi có rất nhiều các cuộc vận động cho Luật sư Đài cũng như hiện nay chúng tôi đang có một cuộc vận động chữ ký liên kết cùng với tổ chức Thiên Chúa giáo là Missio Aachen cũng như với bà Dân biểu của Đức để vận động. Thành ra, chúng tôi nghĩ tất cả các cuộc vận động cho Luật sư Đài đó đều quy tụ về một mối nhằm nói lên tình trạng giam giữ độc đoán đối với Luật sư Đài hiện nay và chúng tôi cũng mong muốn Luật sư Đài sẽ sớm được trả tự do.

Trình bày với Tổng thống Đức

duc2

Luật sư Nguyễn Văn Đài (đứng, áo đen) và luật sư Lê Thị Công Nhân (áo đỏ) tại Toà án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội hôm 27/11/2007. AFP photo

Hòa Ái : Là một tổ chức giúp bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, ghi nhận của VETO! về tình hình nhân quyền ở quốc gia này trong năm vừa qua như thế nào ?

Vũ Quốc Dụng : Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam trong thời gian vừa rồi bởi vì chúng tôi cho rằng tình hình này có xấu đi. Nếu chúng ta nhìn thấy trong các vụ xử án những người bất đồng chính kiến chẳng hạn, ví dụ như đối với Luật sư Đài thì có rất nhiều vi phạm nhân quyền qua việc bắt giữ một năm rưỡi nay mà hoàn toàn không có đưa ra hành vi mà bị cho là phạm tội của Luật sư Đài, rồi không cho gặp luật sư và luật lệ còn có Điều 88 với tội tuyên truyền có thể bị mức án đến 20 năm tù ; bởi vì điều luật đó nằm trong luật vi phạm an ninh quốc gia.

Trong thời gian giam giữ thì không cho thân nhân thăm gặp. Chúng tôi biết có rất nhiều những trường hợp bị tra tấn và hành hung ở trong tù. Tình trạng sức khỏe của những người tù cũng không được chăm lo đúng mức. Ngoài ra, các quyền tự do về tôn giáo, hội họp, lập hội, ngôn luận, đi lại ; chẳng hạn như trường hợp của Luật sư Đài thì trước khi bị bắt thì ông có muốn đi nước ngoài cũng không được và bây giờ vợ ông ta cũng không thể đi nước ngoài được. Do đó, quyền căn bản nhất là quyền tự do đi lại vẫn bị vi phạm. Nhiều người bị tịch thu hộ chiếu. Nhiều người bị cấm xuất cảnh.

Vì thế, chúng tôi thấy tình trạng nhân quyền Việt Nam trong thời gian vừa rồi có những dấu hiệu rất đáng lo ngại và chúng tôi trao đổi tất cả vấn đề đó với nhiều đối tác, trong đó cả Liên Hiệp Quốc, cả các tổ chức nhân quyền của Đức, các cơ chế bảo vệ nhân quyền từ Quốc hội cho đến Chính phủ Đức cùng hợp tác và hợp sức với nhau làm sao để bảo vệ nhân quyền tại Viêt Nam hữu hiệu hơn.

Hòa Ái : Như ông chia sẻ là có sự chú trọng về hợp sức, hợp tác ở Đức để giúp bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, ông có thể nêu lên những việc đã và đang làm được trong thời gian qua của cộng đồng tại đó ?

Vũ Quốc Dụng : Tôi thấy trong thời gian vừa rồi xã hội Đức cũng rất quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ví dụ tổ chức VETO! có một chương trình, gọi là chương trình "Người bảo trợ". Đó là những người chúng tôi mời ở trong Quốc hội Đức đứng ra bảo trợ cho các tù nhân chính trị tại Việt Nam. Hiện tại chúng tôi có những người sau đây đang được bảo trợ :

- Thứ nhất là Luật sư Nguyễn Văn Đài,

- Thứ hai là Ba Sàm-Nguyễn Hữu Vinh, và

- Thứ ba là Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Trong thời gian vừa rồi, những người bảo trợ đó có rất nhiều hoạt động để bảo vệ cho những người của họ tại Việt Nam. Chẳng hạn như trường hợp của ông Bà Sàm-Nguyễn Hữu Vinh thì chính ông Dân biểu Martin Patzelt đã sang Việt Nam để giám sát phiên xử sơ thẩm của ông Nguyễn Hữu Vinh. Khi trở về, ông đã làm một bản báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ Đức để yêu cầu giám sát trường hợp ông Vinh chặt chẽ hơn và đòi hỏi cho ông Vinh phải được trả tự do tức khắc và vô điều kiện.

Trong trường hợp của Luật sư Nguyễn Văn Đài, Dân biểu Liên bang là bà Marie-Luise Doett hồi năm ngoái đã vận động được 73 Dân biểu ở 14 quốc gia trên thế giới đã cùng nhau gửi một bức thư gửi cho Thủ tướng Việt Nam yêu cầu trả tự do tức khắc cho ông Nguyễn Văn Đài và hiện nay bà Dân biểu tiếp tục có những chiến dịch xin chữ ký để vận động đòi trả tự do cho ông Nguyễn Văn Đài. Và vị Dân biểu bảo trợ cho cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì ông ấy đã vận động cả khối Đảng Dân chủ Xã hội để cùng nhau bảo vệ cho cô này.

Bây giờ chúng tôi đang đi trên chuyến tàu đến gặp Tổng thống Đức để trình bày trường hợp Luật sư Nguyễn Văn Đài.

Thành ra, chúng tôi nghĩ với những sự can thiệp và quan tâm như thế thì các trường hợp tù nhân chính trị tại Việt Nam sẽ được dư luận chú ý hơn cũng như phía chính quyền qua các kênh làm việc với chính phủ sẽ đòi hỏi đưa ra các đề nghị để sớm trả tự do cho những người này.

Hòa Ái : Cảm ơn thời gian của ông dành cho Đài Á Châu Tự Do.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 700 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)