Thủ tướng : "Tội phạm phá hoại an ninh quốc gia nguy hiểm hơn tất cả !" (RFA, 06/01/2020)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu đề ra nhiệm vụ trong năm 2020 yêu cầu Bộ Công an triển khai kế hoạch, biện pháp đấu tranh làm thất bại các âm mưu mà theo người đứng đầu chính phủ Hà Nội là ‘chống phá của các thế lực thù địch, phản động’.
Hình minh họa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội hôm 22/10/2018 AFP
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng tội phạm phá hoại an ninh quốc gia là loại tội phạm nguy hiểm hơn tất cả các loại tội phạm.
Trong năm 2019, chính quyền Việt Nam bắt giữ và xét xử hàng chục nhà hoạt động ôn hòa liên quan đến nhóm tội an ninh quốc gia, có người bị bắt chỉ vì bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội Facebook.
Hồi tháng 9/2019, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về tình hình tội phạm tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh : "đáng chú ý, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng 58,8%".
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương vào thời điểm đó cũng đưa ra nhận định : "các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá nước ta, hoạt động công khai, manh động, quyết liệt hơn. Hoạt động của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng".
******************
Người Bảo vệ Nhân quyền : Việt Nam ‘đang giam giữ 239 tù nhân lương tâm’ (VOA, 06/01/2020)
Báo cáo mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói rằng Việt Nam đang giam giữ ít nhất 239 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự.
Những người thân của tù nhân lương tâm cùng ôm bảng phản đối nhà cầm quyền ngược đãi tù nhân. (nguồn Ngọc Tuyên Đàm)
Thống kê công bố hôm 1/1/2020 cho biết con số kể trên bao gồm cả trường hợp nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, người đã bị kết án 33 tháng tù giam nhưng hoãn thi hành án vì đang nuôi con nhỏ. 238 người còn lại đang bị giam giữ "trong điều kiện vô cùng tồi tệ ở nhiều nhà tù khắp đất nước và xa gia đình của họ".
Việt Nam vẫn là quốc gia có số tù nhân lương tâm lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar, theo thông cáo của tổ chức.
Trong khi đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa qua cho biết hiện tại Việt Nam có đến 130 tù nhân chính trị trong khi Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói rằng có đến 12 phóng viên đang bị giam cầm. Còn theo The 88 Project, con số các nhà hoạt động nói chung đang bị chính quyền Việt Nam bỏ tù là 276 người.
Trong số 239 người đang bị giam giữ theo thống kê của Người Bảo vệ Nhân quyền, có 48 tù nhân lương tâm bị kết tội hoặc đang bị giam để điều tra về cáo buộc "lật đổ", 37 người về "tuyên truyền chống nhà nước", 57 người thuộc nhiều sắc dân thiểu số về "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc", 7 người về "lợi dụng quyền tự do dân chủ", 13 người về "phá hoại an ninh", 48 người về "gây rối trật tự công cộng" và 2 người "bị kết tội khủng bố". Tội danh của 10 người không được công bố.
Trong năm 2019, Việt Nam bắt giữ 39 người hoạt động trong nước và công dân Australia Châu Văn Khảm, 32 trong số họ bị cáo buộc theo các tội danh thuộc phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự. Nạn nhân mới nhất của các vụ bắt giữ độc đoán này là nhà báo tự do Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và là blogger của VOA. Ông bị bắt giữ vào tháng 11 sau khi gửi thư cho Quốc hội Châu Âu kiến nghị không phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
21 Facebooker bị bắt trong năm 2019 với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" hoặc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" chỉ vì viết và chia sẻ trên mạng xã hội nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ đa nguyên hay chỉ trích chính phủ hoặc đơn giản chỉ là nêu ra các vấn đề của xã hội như tham nhũng và ô nhiễm môi trường. Họ bị bắt sau khi luật An ninh mạng có hiệu lực, tuy nhiên, các cáo buộc chống lại họ không liên quan đến luật này.
Phần lớn tù nhân lương tâm đã bị buộc tội hoặc kết án theo các cáo buộc của Điều 79, 87 và 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 109, 117 và 331 trong Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Chủ tịch tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, người vừa được Bộ Ngoại giao Pháp-Đức trao giải nhân quyền 2019, nói với VOA rằng : "Việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và mang tính thách thức. Đây là một năm tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Chế độ cộng sản Việt Nam không còn coi trọng và bị chùng bước trước những ý kiến, những chỉ trích của cộng đồng thế giới nói chung về đàn áp nhân quyền. Đó là một thái độ mang tính thách thức của chế độ cộng sản Việt Nam".
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về phúc trình của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, nhưng hồi tháng 5 năm ngoái phủ nhận việc giam giữ bất kỳ "tù nhân lương tâm" nào và phản bác một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng chính quyền Cộng sản ngày càng bỏ tù nhiều người là "không có căn cứ". Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, không ai bị bắt giữ ở Việt Nam "vì bày tỏ chính kiến".
*****************
Bộ trưởng công an nói gì về hàng nghìn tỷ đồng tiền phạt được giữ lại ? (VOA, 06/01/2020)
Một thông tư được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2007 cho phép lực lượng công an giữ gìn an toàn giao thông được giữ lại 70% số tiền xử phạt những người vi phạm.
Cảnh sát giao thông ở Việt Nam được trang bị ngày càng tốt hơn trong những năm qua (Ảnh chụp từ VnExpress)
Trong những ngày gần đây, khi một nghị định mới của chính phủ bắt đầu có hiệu lực, với mức phạt tăng vọt đối với vi phạm luật giao thông, có nhiều người dân bày tỏ băn khoăn, thắc mắc về việc công an được giữ lại tiền phạt lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Báo Tiền Phong hôm 6/1 ước tính rằng tổng số tiền phạt công an được giữ lại trong 2 năm 2018 và 2019 lên đến gần 3.800 tỷ đồng.
Tờ báo dẫn số liệu từ Cục Cảnh sát Giao thông (Cảnh sát giao thông), Bộ Công an, và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho thấy trong năm 2019, lực lượng Cảnh sát giao thông Việt Nam phạt hơn 4,1 triệu trường hợp vi phạm, thu về gần 2.800 tỷ đồng. Con số của năm 2018 cũng là hơn 4,1 triệu trường hợp, nhưng số tiền phạt thấp hơn một chút, là hơn 2.600 tỷ đồng.
Từ các con số trên, Tiền Phong tính toán rằng, theo thông tư số 89 năm 2007 của Bộ Tài chính, lực lượng Cảnh sát giao thông có thể đã được giữ lại khoảng 1.934 tỷ trong năm 2019 và 1.829 tỷ trong năm 2018.
Theo tìm hiểu của VOA, quy trình chính thức được nêu trong thông tư là người vi phạm phải nộp phạt ở Kho bạc Nhà nước, đồng thời, 2 lần mỗi tháng - vào đầu tháng và giữa tháng – các sở tài chính căn cứ vào số tiền phạt thực tế mà Kho bạc Nhà nước ở các tỉnh, thành thu được để từ đó "tạm trích" và cấp cho các "đối tượng thụ hưởng", mà cụ thể là "trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông".
Lâu nay, nhiều người dân tỏ ý phân vân về quy định nêu trên. Nhà hoạt động xã hội Lê Văn Dũng, thường được biết đến với biệt danh "Lê Dũng Vova" trên Facebook, nói với VOA :
"Công chức đi làm hàng ngày họ đã được ăn lương, thì sao họ lại còn được lấy tiền ra từ ngân sách, 70% số tiền phạt hàng ngày ra để chia ? Cái đó hoàn toàn là không có một cơ sở nào cả".
Ông Dũng cho rằng một cơ quan về tư pháp của Việt Nam cần phải rà soát lại thông tư của Bộ Tài chính để đảm bảo tính hợp lý của nó. Ông nói thêm rằng việc ngành công an được hưởng một tỷ lệ đáng kể từ tiền phạt có thể kích thích các ngành khác đòi "quyền lợi" tương tự. Ông nói :
"Sẽ xảy ra tình trạng các bộ ngành có thẩm quyền đi xử phạt ông nào cũng [đòi] ban hành thông tư để được hưởng phần 50, 70% [tiền phạt] đó thì nó trở thành tình trạng gần như là vô chính phủ".
Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm tại Quốc hội hồi tháng 11/2019
Trong bài báo của Tiền Phong hôm 6/1, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay tất cả tiền phạt công an thu được "đều nộp về Ngân sách Nhà nước", rồi sau đó sẽ được phân bổ lại một phần cho trung ương, một phần cho địa phương "theo quy định của luật pháp".
Phần tiền dành cho Bộ Công an được sử dụng để mua sắm thiết bị hay cho các mục đích khác "đều căn cứ vào danh mục cụ thể" của bộ, ông Tô Lâm cho biết, nhưng không đi vào chi tiết "các mục đích khác" là gì.
Các đây ít ngày, Nghị định số 100 năm 2020 của chính phủ Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, trong đó quy định các mức xử phạt vi phạm giao thông cao hơn nhiều so với trước đây. Riêng mức phạt đối với tài xế sử dụng rượu, bia có thể lên tới 40 triệu đồng.
Đang có những ước tính cho rằng với nghị định này, số tiền phạt người vi phạm luật giao thông sẽ tăng vọt trong năm 2020, cũng đồng nghĩa là phần 70% công an được giữ lại sẽ tăng lên tương ứng.
Trên mạng xã hội, nhiều người lo ngại rằng với đặc quyền được hưởng phần lớn tiền phạt, ngành công an có thể sẽ "phạt vô tội vạ". Facebooker có nhiều ảnh hưởng Lê Dũng Vova chia sẻ với mối lo này. Ông nói với VOA :
"Hiện giờ chưa có cơ quan nào làm việc giám sát việc xử phạt của cảnh sát giao thông xem họ phạt đúng hay sai, tại vì đa số người dân nắm pháp luật yếu lắm. Với thông tư cho chia 70% cho ngành công an thì chắc chắn là Cảnh sát giao thông đứng ngoài đường sẽ phạt bừa đi chẳng hạn, làm nhiều thì được nhiều. Tôi e ngại là vì họ được chia nhiều tiền thì họ sẽ lạm quyền".
Mối lo ngại của ông Dũng và nhiều người dân được Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong xác nhận trong một bài phỏng vấn đăng trên Tiền Phong cùng ngày 6/1.
Ông nói nếu không có giám sát, nghị định mới "có thể sẽ trở thành ‘miếng mồi ngon’ để người ta lạm dụng và lợi dụng", hàm ý nhắc đến lực lượng thực thi pháp luật.
"Đây cũng là điều đang được dư luận xã hội rất quan tâm và bản thân chúng tôi cũng thấy điều đó", ông Phong nói.