Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga qua Mỹ khi đang thụ án 9 năm tù giam (RFA, 10/1/2020)
Sáng ngày 10/1/2020, nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga cùng với 2 con trai và người phối ngẫu đã lên đường đến Mỹ trong khi vẫn còn đang thụ án 9 năm tù giam vì cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".
Hình minh họa. Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga tại phiên tòa ở Hà Nam hôm 22/12/2017 AFP
Ít nhất 2 nguồn tin đáng tin cậy xác nhận với phóng viên RFA về chuyện này và cho biết thêm bà Nga và gia đình sẽ đến thành phố Atlanta vào trưa ngày 10/1 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ.
Chính quyền Việt Nam chưa lên tiếng về thông tin này, tuy nhiên theo Luật đặc xá 2018 có hiệu lực đầu năm 2019 thì những người thuộc nhóm tội An ninh Quốc gia như bà Nga sẽ không được đặc xá.
Hồi tháng 5 năm 2019, Việt Nam và Mỹ tổ chức Đối thoại nhân quyền hàng năm và ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động trong Bộ Ngoại Giao Mỹ đã gặp bà Trần Thị Nga trong trại giam Gia Trung.
Khi đó, ông Scott Busby cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đưa trường hợp của bà Trần Thị Nga với chính phủ Việt Nam và gây sức ép đòi trả tự do cho bà.
Bà Trần Thị Nga sinh năm 1977 tại Phủ Lý, Hà Nam là một nhà hoạt động nhân quyền có tiếng, từng là thành viên của Hội Phụ nữ nhân quyền Việt Nam.
Bà Nga bị bắt vào tháng 1 năm 2017 tại nhà riêng với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1999.
Đến tháng 7 cùng năm, bà Nga bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên án 9 năm tù giam và y án trong phiên phúc thẩm sau đó.
Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và quan chức chính phủ các nước trước và sau phiên tòa đều lên tiếng đòi VN trả tự do cho bà.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2014 đến tháng 1/2017, bà Trần Thị Nga đã trực tiếp lập các tài khoản Blog, Facebook cá nhân "Thuy Nga", "Tran Thi Nga" và trang YouTube "trần thúy nga", đã làm ra, tàng trữ 13 video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt và sử dụng trang mạng xã hội để đăng tải các video clip nhằm truyền bá những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong nhân dân, phá hoại khối đoàn kết toàn dân ; gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn với chính quyền nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng theo cáo trạng, bà Trần Thị Nga còn viết, dán nhiều biểu ngữ có nội dung bị cho là bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an, tẩy chay bầu cử Quốc hội khóa 14 và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại phiên tòa, bà Trần Thị Nga không thừa nhận hành vi phạm tội.
*********************
Nhà hoạt động Trần Thị Nga được phóng thích sang tị nạn tại Mỹ (VOA, 10/1/2020)
Nhà hoạt động Trần Thị Nga, người đang thụ án tù 9 năm về tội "Tuyên truyền chống nhà nước", vừa được phóng thích và đang trên đường sang tị nạn tại Hoa Kỳ cùng với gia đình.
Bà Trần Thị Nga bị bắt tại nhà tháng 1/2017.
Tin cho hay bà Nga sẽ đến Mỹ vào lúc 1g25 chiều ngày 10/1/2020 và định cư tại bang Georgia.
"Thật tuyệt là bà ấy có cơ hội để bắt đầu một cuộc đời mới. Tôi nghĩ rằng bà ấy sẽ tiếp tục là một nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ nhân quyền. Đây thực sự là một quyết định rất khó khăn của những người hoạt động. Họ thường được bảo rằng nếu bạn từ bỏ những gì bạn làm thì bạn sẽ được đi định cư ở quốc gia thứ ba. Tôi tin rằng bà ấy đã suy nghĩ đủ lâu để đi đến quyết định này, và chúng tôi luôn ủng hộ cho dù bà ấy quyết định như thế nào", ông Phil Robertson – Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với VOA.
Bà Trần Thị Nga, 43 tuổi, được biết tiếng là một nhà hoạt động đấu tranh mạnh mẽ cho quyền lợi của dân oan và công nhân, đặc biệt qua việc tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa trong vụ ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra hay các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Năm 2017, bà bị tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên án 9 năm tù giam, 5 năm quản chế với cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động đang tị nạn tại Đức, cho biết ưu tiên ban đầu cho việc vận động là nhằm mục đích để bà Nga được trả tự do ngay tại Việt Nam.
Ông nói : "Trong suốt 3 năm chị bị cầm tù, cộng đồng người Việt cũng như các tổ chức quốc tế đã vận động rất mạnh để chị có thể được trả tự do ngay tại Việt Nam bởi vì đó là nơi chị sinh ra, trưởng thành và gia đình chị đang ở đó. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản không chấp nhận trả tự do cho chị tại Việt Nam".
Vẫn theo luật sư Đài, hiện Việt Nam không còn dễ dàng cho phép các nhà hoạt động hay người bất đồng chính kiến đi tị nạn ở quốc gia thứ ba như trước đây nữa. Lý do là vì trong điều kiện mạng xã hội và các phương tiện thông tin phát triển như hiện nay, hiệu quả làm việc của một nhà hoạt động ở trong nước hay ở nước ngoài không còn nhiều khoảng cách như trước. Thậm chí, theo ông, nếu thích ứng tốt và có được sự hỗ trợ của các cộng đồng bên ngoài, một nhà hoạt động ở nước ngoài không bị kiềm chế như ở trong nước thì sẽ phát huy được hiệu quả nhiều hơn.
"Trước đây, với bất kỳ một người đấu tranh nào ở trong nước, nhà cầm quyền Cộng sản luôn luôn khuyến khích người ta đi ra nước ngoài. Tôi đã rất nhiều lần, lúc ở trong tù lần trước cũng như trong quá trình 4 năm quản chế, họ luôn luôn nói rằng ‘Thôi, ông đi ra khỏi Việt Nam đi cho chúng tôi rảnh. Chứ ở trong nước này gây khó khăn cho chúng tôi’. Nhưng sau khi tôi bị trục xuất, rồi chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị trục xuất, và chúng tôi ra ngoài có nhiều hoạt động hiệu quả hơn ở trong nước, thì từ đó đến nay, nhà cầm quyền Cộng sản rất hạn chế và không muốn cho những người đang bị tù trục xuất ra nước ngoài nữa", luật sư Đài nói với VOA.
Ông cho biết thêm rằng một số trường hợp ông đang giúp đỡ đều đã xin được quy chế tị nạn ở nước ngoài, nhưng lại gặp khó khăn từ phía Việt Nam vì chính quyền không chịu cấp hộ chiếu cho họ.
Chính vì vậy, việc bà Trần Thị Nga được sang tị nạn tại Mỹ, theo ông, là một "may mắn", và ông hy vọng bà sẽ tiếp tục phát huy khả năng đấu tranh "xuất sắc" của mình cho nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam trong thời gian tới.