Vụ Đồng Tâm : Liên Hiệp Châu Âu vào cuộc, ‘đề nghị’ gặp Bộ Công an (VOA, 16/01/2020)
Phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU) mới cho VOA tiếng Việt biết rằng tổ chức này "quan ngại" về hành động "dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng" ở Đồng Tâm, đồng thời tiết lộ đã "đề nghị" gặp quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam.
Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói rằng ngày 9/1, đúng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn EU tại Hà Nội, "đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại và sự dè dặt về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh".
"Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của các nạn nhân", bà Battu-Henriksson nói thêm.
"Vụ việc này cũng sẽ được thảo luận tại cuộc Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam sắp tới. Liên Hiệp Châu Âu kỳ vọng chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng các quyền cơ bản của người dân về việc hội họp và thể hiện quan điểm ôn hòa mà không phải đối mặt với bất kỳ đe dọa hay việc sử dụng vũ lực nào".
Nữ phát ngôn viên không cho biết phản ứng của ông Dũng sau khi EU, một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, bày tỏ lo ngại về vụ việc gây chết chóc, mà nhiều nguồn tin nói là xảy ra vào lúc sáng sớm với lực lượng an ninh hùng hậu, khiến ít nhất 4 người tử vong.
Bà Battu-Henriksson cho hay thêm rằng Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam đã "đề nghị" có "cuộc gặp cụ thể với Thứ trưởng Bộ Công an", đồng thời sẽ "tiếp tục theo dõi tình hình".
Hiện chưa rõ là phía Việt Nam hồi đáp như thế nào về yêu cầu này, cũng như thứ trưởng nào của Bộ Công an sẽ gặp đại diện của Liên Hiệp Châu Âu.
Hôm 14/1, 5 ngày sau cuộc đụng độ gây tranh cãi, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã có buổi họp báo mà truyền thông trong nước đăng tải chi tiết, trong đó cáo buộc ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, "cầm lựu đạn", nhưng không trích dẫn ý kiến của thân nhân người được coi là "thủ lĩnh tinh thần" của làng Đồng Tâm.
Trong một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội mới đây, đúng ngày gia đình tổ chức lễ tang cho ông Kình, bà Dư Thị Thành, vợ ông, kể lại chuyện bà bị "bắt phải khai cầm lựu đạn" lúc bị công an tạm giữ : "Tôi bảo tôi không biết quả lựu đạn là thế nào, bom xăng là thế nào thì tôi không khai được. Thế là cứ thế nó tát, nó đá. Tát suốt, cứ hết bên nọ sang bên kia. Thế xong rồi nó đá vào hai ống chân". VOA tiếng Việt chưa rõ bà Thành bị thẩm vấn ở đồn công an nào.
Cuối năm ngoái, nhân ngày Nhân quyền Thế giới, Trưởng phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu ở Hà Nội đã ra thông cáo, trong đó tuyên bố rằng "EU cam kết mạnh mẽ với việc bảo vệ các nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam và trên toàn thế giới".
"EU và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các vấn đề chính trị và an ninh, những thách thức toàn cầu, thương mại và phát triển", thông cáo đăng ngày 11/12/2019 có đoạn. "Tôn trọng quyền con người là một phần cơ bản trong các mối quan hệ của EU với các nước đối tác và các thể chế quốc tế".
Chính quyền Hà Nội từng cho biết rằng EU là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Giữa năm ngoái, sau nhiều năm đàm phán, quốc gia nằm ở Đông Nam Á và Liên Hiệp Châu Âu đã ký Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư mà hai phía nói rằng "sẽ đặt một cột mốc trong quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên".
Tin cho hay, các hiệp định này cần phải được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU thông qua trước khi có hiệu lực.
Hiện xuất hiện một lời kêu gọi biểu tình trước Nghị viện Châu Âu ở Bỉ ngày 21/1, đúng ngày Ủy ban Thương mại Quốc tế của cơ quan lập pháp này được cho là "nhóm họp để quyết định xem có phê chuẩn các điều khoản của EVFTA hay không".
***************
Chính phủ Việt Nam tổng tấn công ngăn chặn thông tin vụ Đồng Tâm ra bên ngoài (RFA, 15/01/2020)
Sau vụ đụng độ giữa công an và người dân xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội vào rạng sáng ngày 9/1, vào cuối tuần qua, một loạt các trang Facebook và YouTube có nhiều người theo dõi và đưa tin về Đồng Tâm bị đồng loạt báo cáo, đánh sập, trong đó có cả kênh YouTube của Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Cổng chào làng Hoành, xã Đồng Tâm. RFA Edited
Khoảng 2 ngày sau vụ đụng độ, kênh YouTube của RFA bị một "gậy cộng đồng" từ YouTube khiến một playlist đưa tin hàng ngày bị biến mất và kênh bị mất khả năng đăng tin cũng như livestream. YouTube không hề đưa ra bất cứ lời giải thích cụ thể nào về quyết định này.
Trước đó, báo Hà Nội Mới của chính quyền Hà Nội trích lời của đại diện Bộ Thông tin và truyền thông ca ngợi YouTube và Google nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của chính quyền Việt Nam trong việc gỡ bỏ các nội dung được cho là xấu liên quan đến vụ Đồng Tâm.
Khi được hỏi liệu YouTube đưa ra quyết định phạt "gậy cộng đồng" với RFA có phải là do yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam hay không, YouTube đã không trả lời. Nhưng chỉ khoảng 1 ngày sau, YouTube đã nối lại hoạt động bình thường cho kênh của Đài Á Châu Tự Do.
Ngoài RFA, một số trang Facebook được nhiều người theo dõi khác và đưa các thông tin về Đồng Tâm cũng bị báo cáo như Café Ku búa, Thanh Niên Công Giáo…
Vào ngày 10/1/2020 trên fanpage Hồ Sơ Diệt Phản có loan tải một bản thông báo về việc Tổng tấn công các Fanpage Café Ku Búa, Việt Tân, Thân Hữu Việt Tân Úc Châu, RFA… vì lợi dụng vụ việc Đồng Tâm để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động người dân thiếu hiểu biết tạo ra những sự việc không đúng. Ngoài ra, thông báo còn hướng dẫn cụ thể từng bước thực hiện việc tấn công và thời gian cụ thể rõ ràng.
Sau đó, trên trang fanpage Café Ku Búa cũng đã đăng dòng trạng thái nêu rõ "Hiện tại đang có nỗ lực tập thể để report và spam comment page. Vì lý do an toàn cho cộng đồng và các thành viên của ban quản trị, chúng tôi xin off vài ngày cho đến khi mọi chuyện giảm mức độ cực đoan. Cảm ơn các bạn đã theo dõi trong suốt thời gian qua".
Trên trang Facebook có tên Đơn vị tác chiến điện tử, được cho là một trang của dư luận viên sau đó còn có phần hướng dẫn các dư luận viên cách làm thế nào để báo cáo, đánh sập các trang Facebook đưa tin bất lợi cho chính quyền, mà cụ thể là Café Ku Búa vừa được khôi phục lại.
Sau vụ chính quyền Hà Nội điều hàng ngàn quân đến Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1 để bắt giữ những người bị cáo buộc là chống đối chính quyền trong vụ tranh chấp đất đai ở xã này, các thông tin về vụ đụng độ, người bị thương, bị thiệt mạng chủ yếu đến từ các báo của nhà nước. Một số ít các facebooker thường xuyên liên lạc với người dân Đồng Tâm cũng có được một số những thông tin trái ngược hoàn toàn với những gì báo chí nhà nước và Bộ Công an thông báo.
Bộ Công an cho biết đã có ít nhất 4 người thiệt mạng bao gồm 1 dân thường và 3 công an. Đã có khoảng 30 người bị bắt giữ và 22 người bị truy tố với các tội danh giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, báo chí nước ngoài đã xin được tiếp cận Đồng Tâm để đưa tin nhưng chưa được phép.
Việc chính quyền Việt Nam huy động lực lượng dư luận viên tấn công các trang Facebook hoặc báo cáo trực tiếp với các mạng xã hội nước ngoài là điều không mới khi xảy ra những vụ việc gây tranh cãi ở trong nước. Nhất là khi Việt Nam hiện có tới hơn 10.000 người trong lực lượng 47 là lực lượng đấu tranh trên không gian mạng, theo thống kê mới công bố hồi năm ngoái của giới chức Việt Nam.
Nhà báo Lê Trung Khoa chủ trang thoibao.de từ Đức cho biết ông cũng từng bị rơi vào tình trạng tương tự như RFA khi đưa tin về một số vấn đề nóng ở Việt Nam. Ông cho biết các video của ông trên YouTube về sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo chết bất ngờ hồi năm ngoái đã bị YouTube xóa. Theo thông báo của Youtube với ông Khoa, hành động xóa của họ : "là yêu cầu của chính phủ Việt Nam nên chúng tôi bắt buộc phải xóa bản tin Youtube này của Thoibao.de tại Việt Nam".
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng, thành viên nhóm No-U từ Hà Nội chia sẻ với RFA rằng, đối với anh chuyện ngăn chặn như thế vẫn thường xuyên xảy ra nên anh cảm thấy bình thường.
"Đối với tôi nó cũng bình thường vì nó cũng từng diễn ra trong một số vụ việc khác tuy nhiên lần này sự việc Đồng Tâm thì nó quá nghiêm trọng. Ngay bản thân dư luận Việt Nam cũng đang tranh cãi và chia rẻ rất là nhiều. Tất nhiên trong xã hội bao giờ cũng có luồng ý kiến đối chọi nhau trên mạng xã hội vì trên đó cũng khá là tự do, nhưng lần này có đặc điểm là có nhiều cán bộ công chức, thậm chí cả những người trong lực lượng vũ trang, cựu quân dân, cựu công an phản đối việc này nên đương nhiên Việt Nam không muốn để sự việc tiếp tục nóng và họ tìm mọi cách họ bưng bít, ngăn chặn".
Tuy nhiên, anh Thắng cho rằng vụ việc Đồng Tâm thật sự rất lớn, rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính chính danh của chế độ cũng như tạo ra hệ lụy trong các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam. Do đó, chính phủ Việt Nam đã làm mạnh tay hơn :
"Tôi không lạ có một lực lượng rất đông cơ quan nhà nước tham gia vào, cũng như lực lượng do nhà nước tổ chức mà người ta hay gọi là lực lượng 47 là họ report (báo cáo), họ chửi bới, họ lăng mạ, họ đe dọa giết những người blogger bình thường đến các trang fanpage rất là lớn".
Kể từ sau vụ Đồng Tâm, trang Facebook của RFA cũng đột ngột nhận một loạt các nhận xét và lời thóa mạ, đánh giá 1 sao chỉ trong vòng một ngày khiến Facebook phải ngừng việc đưa đánh giá trên trang Facebook của RFA. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đó.
Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết sau vụ việc Đồng Tâm, trang Facebook và YouTube của trang báo do ông phụ trách cũng thường xuyên nhận những lời chửi bới.
"…ngay cả FB và Youtube của Thoibao.de liên tục một thời gian sau vụ Đồng Tâm diễn ra thì bị số lượng người được gọi là Dư luận viên vào chửi bới, nói bậy thì nó tăng lên gấp 10 lần so với bình thường. Chúng tôi cũng liên tục có những biện pháp để ngăn chặn các từ nói tục tĩu của nhiều dư luận viên rất mới. Đây là làn sóng và sự huy động rất rõ ràng của phía Việt Nam khi họ dùng những mạng lưới dư luận viên của họ để tấn công và báo cáo các tài khoản FB mà không như mong muốn, điều đó là hoàn toàn có thật và bằng chứng là chúng tôi cũng đã bị đe dọa giết chết và nhiều hình thức khác nhau".
Ngày 12/1 Facebooker Chung Hoàng Chương với nick FB là Chương May Mắn bị công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ bắt giữ vì đăng tải thông tin liên quan đến vụ đụng độ giữa cảnh sát và người dân Đồng Tâm mà chính quyền cho là xuyên tạc. Ngoài ra, một số facebookers khác cũng bị phía cơ quan chức năng mời lên làm việc vì những thông tin chia sẻ được cho là sai trái.
**************
Ân Xá Quốc Tế : Việt Nam gia tăng đàn áp, kiểm duyệt thông tin trên mạng sau vụ Đồng Tâm (RFA, 16/01/2020)
Ngày 16/1, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo báo chí chỉ trích Việt Nam đã gia tăng đàn áp, bắt bớ và kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội nhằm ngăn chặn những thảo luận về vụ đụng độ ở xã Đồng Tâm giữa cảnh sát và người dân hôm 9/1 vừa qua.
Hình minh họa. Cảnh sát cơ động ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020 Courtesy of FB
Vụ đụng độ nổ ra vào sáng sớm ngày 9/1 khi chính quyền huy động hàng ngàn công an có trang bị vũ khí đến xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, để bắt một số người được cho là chống đối chính quyền trong việc bàn giao đất. Vụ việc đã khiến ít nhất 4 người chết và một người bị thương theo thông báo của Bộ Công an sau đó. Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, người được coi là lãnh đạo tinh thần của những người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất, đã thiệt mạng trong vụ đụng độ này.
Theo Ân Xá Quốc Tế, trong tuần qua, đã có 3 nhà hoạt động bị chính quyền bắt giữ vì đã đăng thông tin về Đồng Tâm lên mạng xã hội. Hàng chục người sử dụng Facebook khác bị giới hạn hoạt động trên Facebook.
Ân Xá Quốc Tế cũng đề cập đến trường hợp trang YouTube của Đài Á Châu Tự Do bị phạt "gậy cộng đồng" mà không có lời giải thích rõ ràng.
Trước đó, vào ngày 11/1, báo Hà Nội Mới của chính quyền Hà Nội trích lời người đại diện của Bộ Thông tin và truyền thông, ca ngợi YouTube và Google đã có phản ứng nhanh đáp ứng yêu cầu của giới chức Việt Nam trong việc gỡ bỏ thông tin, đồng thời lên án Facebook vì đã chậm trễ trong việc đáp ứng đòi hỏi gỡ bỏ thông tin từ phía chính quyền.
"Những nỗ lực mạnh tay của chính quyền Việt Nam nhằm kiểm duyệt những thảo luận về vụ tranh chấp đất đai này là một ví dụ mới nhất về chiến dịch kiểm duyệt các nội dung trên mạng", ông Nicholas Bequelin, Giám đốc Khu vực của Ân Xá Quốc Tế được trích lời trong thông cáo báo chí cho biết.
"Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, ngày càng bị (chính phủ) Việt Nam biến thành vũ khí để tấn công những người nói lên ý kiến của mình một cách ôn hòa. Đây là một tấn công vào tự do biểu đạt không thể chấp nhận được và là một nỗ lực rõ ràng đối với ý kiến trái chiều", ông Bequelin nhận định.
Ân Xá Quốc Tế cũng đồng thời nêu quan ngại về việc hàng chục người Đồng Tâm khác đang bị công an giam giữ, không được tiếp xúc với bên ngoài, và có nguy cơ bị tra tấn, đối xử tàn tệ.
Ân Xá Quốc Tế yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải giảm căng thẳng và cung cấp bằng chứng, thông tin về những gì thực sự đã xảy ra hôm 9/1, đặc biệt là đối với những cáo buộc tra tấn do bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, nói trên video clip được đăng tải trên Facebook hôm 13/1 vừa qua.
****************
Thực hư việc ‘nhân dân xã Đồng Tâm’ viếng 3 công an hôm 16/1 ? (VOA, 16/01/2020)
Các báo Việt Nam trong đó có Soha và VTC đưa tin một đoàn "cán bộ, nhân dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức" đến viếng 3 sĩ quan cảnh sát "hy sinh khi làm nhiệm vụ" tại xã Đồng Tâm. Nhưng một nhà hoạt động bác bỏ thông tin này.
Một số người được cho là từ Đồng Tâm đến viếng lễ tang 3 viên công an thiệt mạng trong vụ 9/1
Sự kiện Đồng Tâm xảy ra hôm 9/1, được Bộ Công an mô tả lần gần đây nhất vào hôm 14/1 là cuộc "trấn áp các đối tượng". Trong vụ này, 3 viên cảnh sát thiệt mạng, một người dân là ông Lê Đình Kình bị bắn chết. Bối cảnh dẫn đến cái chết của 4 người vẫn còn chưa sáng tỏ.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ việc là tranh chấp "đất quốc phòng" nằm sát sân bay Miếu Môn giữa người dân với nhà chức trách kéo dài nhiều năm nay.
Tường thuật về lễ tang "3 liệt sĩ hy sinh ở Đồng Tâm", báo chí Việt Nam cho hay Bộ Công an "tổ chức trọng thể theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân" tại Nhà tang lễ Quốc gia ở Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và "nhiều lãnh đạo các ban đảng, các tổ chức" đến dự tang lễ 3 viên cảnh sát, các bản tin cho hay.
Cũng có mặt tại lễ viếng là "cán bộ lãnh đạo và đại diện nhân dân xã Đồng Tâm", vẫn theo tin trên các báo nhà nước.
Tuy nhiên, nhà hoạt động chống bất công về đất đai Trịnh Bá Tư trong cùng ngày 16/1 đăng bài trên Facebook cá nhân bác bỏ thông tin nêu trên.
Từ Dương Nội, một nơi khác ở Hà Nội cũng có tình trạng người dân phải đấu tranh để giữ đất, ông Trịnh Bá Tư viết rằng trong nhóm đi viếng được cho là người Đồng Tâm thực ra có "4 cán bộ xã Thượng Lâm, một xã giáp ranh với Đồng Tâm".
Ông Tư cho biết người dân Đồng Tâm giúp ông nhân diện và nêu tên 4 người mà ông gọi là "giả dạng người dân thôn Hoành", đồng thời cho biết thêm họ nắm các chức vụ là "chủ tịch cựu chiến binh", "trưởng công an", "phó công an" và "bí thư đoàn" của xã bên cạnh.
Cảnh sát cơ động có mặt từ sáng sớm ngày 9/1/2020 ở Đồng Tâm (Dong Tam TV)
Tình huống chết người ở Đồng Tâm còn chưa rõ
Một sĩ quan công an cấp cao đã nghỉ hưu song vẫn được tiếp cận thông tin trong ngành mới đây cho VOA biết 3 sĩ quan cảnh sát thiệt mạng ở Đồng Tâm hôm 9/1 trong bối cảnh họ đang bao vây nhà ông Lê Đình Kình, không phải "đang truy đuổi tội phạm".
Cựu sĩ quan đề nghị giấu tên nói : "Mấy anh cảnh sát ấy bị rơi xuống hố là do leo lên nóc nhà ông Kình, rồi nhảy sang nhà bên cạnh. Cả ba cùng nhảy. Nhưng mái tôn nhà bên cạnh quá yếu, bị sụp, thế là ba người rơi xuống hố nằm giữa hai nhà".
Những tiếng động lớn đã kích thích "con cháu ông Kình" phản ứng giữa lúc họ đang bị bao vây, dẫn đến việc họ "ném chai xăng cháy xuống hố", cựu sĩ quan công an nói.
"Thế là Cảnh sát cơ động bên ngoài dùng thuốc nổ phá tung tường nhà ông Kình, rồi lao vào bắn chết ông ấy…", nguồn tin giấu tên nói với VOA.
"Trong vụ này, Cảnh sát cơ động thể hiện rằng họ vừa trinh sát kém vừa có nghiệp vụ khá tệ, chỉ ỷ vào sức mạnh", vị cựu sĩ quan nhận xét.
VOA cố gắng liên lạc Bộ Công an để kiểm chứng thông tin nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Trong những ngày qua, Bộ Công an lần lượt đưa ra những mô tả không nhất quán về sự kiện Đồng Tâm.
Hôm 14/1, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, nói công an bố trí lực lượng bảo vệ từ xa cho việc xây tường quanh khu đất trong vòng tranh chấp, và "nhóm chống đối" đã tấn công vào cảnh sát đóng tại một chốt ở cổng thôn Hoành hôm 9/1.
"Khi đó đã xảy ra phạm pháp quả tang, lực lượng chức năng được tiến hành các biện pháp cần thiết", trung tướng Lương Tam Quang nói, bao gồm "trấn áp", "đáp trả các đối tượng" tại thôn Hoành.
Trước đó, trong các hôm 9 và 10/1, Bộ Công an đưa ra thông tin rằng "một số người chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng" khi một số đơn vị của Bộ Quốc phòng "đang trong quá trình xây dựng" tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn.
Hậu quả của vụ việc là "3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết".