Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/01/2020

Hà Nội không thể che giấu tội ác giết cụ Lê Đình Kình ngay trong nhà

Tổng hợp

Xuất hiện những hình ảnh mới về cụ Lê Đình Kinh với nhiều vết thương (RFA, 18/01/2020)

Hôm 18/1, trên mạng xã hội xuất hiện thêm những hình ảnh và video về xác của cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, người vừa thiệt mạng trong vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, hôm 9/1 vừa qua.

giet1

Những hình ảnh mới về cụ Lê Đình Kình và căn phòng của cụ ở Đồng Tâm sạu vụ đụng độ hôm 9/1/2020 - Courtesy of FB

Trong video trước đó khoảng 1 tuần khi gia đình tiếp nhận xác cụ Kình từ chính quyền, người ta thấy xác cụ có một vết giống như đạn bắn trên ngực và giữa bụng có vết mổ dài giống như mổ tử thi.

Trong video và những hình ảnh mới, người ta thấy lưng cụ Kình có nhiều vết bầm tím giống như bị đánh, chân trái bị đứt lìa từ phần đầu gối và đầu có vết máu.

Cụ Kình được coi như một thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm trong việc bảo vệ 59 ha đất đồng Sênh trong xã mà chính quyền khẳng định là đất quốc phòng. Người dân xã Đồng Tâm một mực khẳng định đây là đất nông nghiệp mà họ đã canh tác từ nhiều đời nay.

Sau vụ tấn công của công an vào xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1, Bộ Công an cho biết đã có 4 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Trong số 4 người có 1 người là dân thường và 3 người là công an.

Bộ Công an nói 3 viên công an bị ngã xuống giếng trời nhà cụ Kình khi truy đuổi những kẻ tấn công lực lượng chức năng và bị người dân ném xăng xuống đốt.

Tuy nhiên, cho đến giờ Bộ Công an chưa hề đưa ra lời giải thích cụ thể nào về cái chết của Kình mà chỉ nói cụ Kình chết khi trong tay có trái lựu đạn. Bộ Công an cũng chưa có lời giải thích nào về những vết thương và gãy chân của Kình.

Những hình ảnh mới từ Đồng Tâm gửi ra cũng cho thấy phòng của cụ Kình bị xáo trộn và có nhiều vết máu.

Trong một diễn biến khác có liên quan, sau khi Bộ Công an ra lệnh cho ngân hàng Vietcombank phong tỏa tài khoản nhận tiền phúng điếu cụ Kình với số tiền hơn 500 triệu đồng, một trang gofundme đã được mở ra để tiếp nhận tiền phúng điếu giúp cụ Kình. Chỉ trong vòng 1 ngày, trang này đã nhận được khoảng 11.000 đô la Mỹ trong mục tiêu nhằm đạt 20.000 đô la. Những người mở trang này nói họ muốn giúp đỡ gia đình cụ Kình hiện chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Những người đàn ông khác trong gia đình hiện đã bị công an bắt giữ.

Sau vụ tấn công, Bộ Công an cho biết đã bắt giữ 22 người chống đối và truy tố họ về tội giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.

Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sau đó đã chiếu những đoạn phim trong đó con trai và cháu cụ Kình thú tội. Đoạn video bị nhiều người chỉ trích là không thật vì những người thú tội có thể đã bị ép cung.

Nguồn : RFA, 18/01/2020

*******************

Dân biểu Liên bang Úc lên tiếng về vụ Đồng Tâm và cái chết của ông Lê Đình Kình (RFA, 17/01/2020)

Dân biểu Liên bang Úc, Chris Hayes, vào ngày 16/1 lên tiếng về trường hợp ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị giết chết trong vụ công an tấn công nhắm vào tư gia ở xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, hôm 9/1 vừa qua.

giet2

Dân biểu Liên bang Úc, Chris Hayes, lên tiếng về trường hợp ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị giết trong vụ công an tấn công nhắm vào tư gia ở xã Đồng Tâm ngày 9/1 - Ảnh minh họa

Vị dân biểu liên bang Úc Châu này nói rõ ông hiểu vào ngày hôm ấy tình trạng xung đột về quyền đất đai bùng nổ giữa lực lượng cảnh sát và những nhà hoạt động giữ đất tại làng Đồng Tâm. Trong bức thư của mình, ông cũng nói đến thông tin có gần 3 ngàn viên chức thuộc công an, cảnh sát chống bạo động và các lực lưỡng vũ trang đã tấn công vào làng.

Kết quả được thông báo là vị thủ lĩnh của dân làng, ông Lê Đình Kình, và ba công an bị thiệt mạng. Trên 30 dân làng bị bắt.

Ông Chris Hayes nhìn nhận làng Đồng Tâm bị phong tỏa và không có cơ quan truyền thông độc lập nào được cho phép tiếp cận khu vực vừa nêu. Vấn đề trưng thu đất cho mục đích kinh tế tại khu vực Đồng Tâm là một vấn đề tồn tại lâu nay ; việc lấy đất một cách tùy tiện, thiếu công bằng là một vấn đề lớn tại Việt Nam.

Ông Chirs Hayes kêu gọi chính phủ Úc sử dụng ghế trong Hội Đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc của Canberra để yêu cầu Việt Nam tiến hành một cuộc điều tra minh bạch và khẩn cấp về vụ việc tại Đồng Tâm như vừa nêu.

Theo vị dân biểu liên bang Úc Chris Hayes thì cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục gây áp lực đối với Việt Nam để bảo đảm buộc những ai gây nên vụ việc phải chịu trách nhiệm.

****************

Đồng Tâm được đề cập trong cuộc gặp giữa phái đoàn ngoại giao nước ngoài với Hội đồng Liên tôn (RFA, 17/01/2020)

Một phái đoàn ngoại giao các nước vào ngày 16/1 đến gặp đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Chùa Giác Hoa ở Sài Gòn để tìm hiểu về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

giet3

Đại diện ngoại giao các nước gặp Hội đồng Liên tôn hôm 16/1/2020 ở chùa Giác Hoa, Sài Gòn - Courtesy of FB Thich Khong Tanh

Vào chiều ngày 17/1, Hòa thượng Thích Không Tánh, đồng chủ tịch Hội đồng Liên tôn, đại hiện Phật giáo Việt Nam thống nhất, xác nhận với Đài Á Châu Tự Do về cuộc gặp. Ông cho biết có 10 vị đại diện các nước gồm Canada, Úc, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý Anh, Đức và Liên Hiệp Châu Âu.

Cuộc gặp lần này diễn ra chỉ khoảng 1 tháng trước Đối thoại nhân quyền Việt Nam Eu dự định diễn ra vào ngày 17 tháng 2 tới.

Mục tiêu của cuộc gặp được Hòa thượng Thích Không Tánh nhắc lại là các nước tiếp tục tìm hiểu về vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam từ phía những giáo hội không chịu sự chỉ đạo, quản lý của chính quyền Hà Nội từ năm 1975 cho đến nay.

Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết cụ thể :

"(Họ) là những nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nên họ cần tìm hiểu sự thật. Họ mong muốn cho biết hiện tình để họ tìm hiểu. Họ rất chú ý, ghi nhận những đề đạt của Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Họ đánh giá những điều mà Hội đồng Liên tôn trình bày là hết sức quan trọng và thiết yếu. Họ nói lúc nào cũng đứng về phía tự do tôn giáo- tín ngưỡng".

Tại cuộc gặp lần này, đại diện Hội đồng Liên tôn đã trình bày thực tế tình hình vi phạm nhân quyền và vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam. Vụ việc xung đột giữa công an và người dân ở xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, hôm 9/1 vừa qua cũng được đề cập trong cuộc gặp.

Thông thường trước đây khi có những cuộc gặp giữa những nhà đại diện ngoại giao nước ngoài với Hội đồng Liên tôn, một số vị chức sắc bị lực lượng an ninh ngăn chặn. Qua kinh nghiệm những lần trước, những vị chức sắc lần này được thông báo sớm và phải chuẩn bị trước từ hai đến ba hôm để không gặp trở ngại.

*****************

Báo South China Morning Post nói về vụ Đồng Tâm (RFI, 15/01/2020)

Ngày 15/01/2020, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post có bài tổng hợp thông tin về vụ mà một số người Việt Nam nay gọi là "Thảm sát Đồng Tâm", xảy ra ngày 09/01, khiến 4 người chết, gồm 3 công an và ông Lê Đình Kình, người đứng đầu nhóm dân khiếu kiện về tranh chấp đất đai với chính quyền.


giet4

Năm 2018, Việt Nam đã thông qua một bộ luật hình sự mới có chứa các quyền hạn rộng lớn để truy tố các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến. Ảnh minh họa : Reuters

Theo South China Morning Post, một nhóm độc lập đã yêu cầu chính phủ tiến hành điều tra để làm rõ sự thật về vụ Đồng Tâm, vì cho tới nay có rất ít thông tin về vụ này được công bố.

Tờ báo nhắc lại là hôm 14/01, bộ Công An khẳng định chính dân làng đã gây ra bạo động và nhóm của ông Kình đã ném lựu đạn và phóng hỏa giết chết ba công an, khiến công an phải nổ súng và bắt giữ hàng chục người. Trong số những người bị bắt, 20 người sẽ bị truy tố về tội giết người và có thể lãnh án tử hình vì tội danh này.

Nhưng tờ nhật báo Hồng Kông trích lời nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết lực lượng của chính quyền đã dùng hơi cay, đạn cao su và đạn thật để tấn công dân Đồng Tâm. Theo các nhà hoạt động, trong thời gian diễn ra cuộc bố ráp, mọi ngả đường đều bị chặn, mạng điện thoại và mạng Internet đều bị cắt. Theo tường thuật live stream của nhà hoạt động Trịnh Bá Tư, ông Lê Đình Kình đã bị bắn hai viên đạn vào đầu, một viên vào ngực và một viên khác vào chân, và bị bắn ở nhà ngay trước mặt vợ.

Trước những thông tin trái ngược nhau như vậy, một nhóm mang tên Luật Khoa Tạp Chí ngày 11/01 đã gởi cho bộ trưởng Công An Tô Lâm nhiều câu hỏi, đề nghị cung cấp thông tin về vụ Đồng Tâm, chẳng hạn như : cơ sở pháp lý của việc sử dụng vũ khí, vũ khí mà hai bên sử dụng, vì sao phải cắt điện thoại và Internet, tổng số thiệt hại nhân mạng là bao nhiêu.

South China Morning Post trích lời phó giám đốc ban Á Châu của Human Rights Watch Phil Robertson : "Tranh chấp đất đai giữa nông dân địa phương và chính quyền ở Đồng Tâm đã kéo dài từ nhiều năm qua. Việc trưng thu đất đai một cách độc đoán và bất công cho các dự án kinh tế đã là một vấn đề lớn ở Việt Nam trong vòng hai thập niên qua".

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 904 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)