Kinh tế Việt Nam : Thành tích, triển vọng & thách thức (VOA, 25/01/2020)
Nền kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tích đáng nể trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng GDP thuộc hạng cao nhất trong ASEAN, trong khi nợ công giảm và thương mại thặng dư liên tiếp trong 4 năm. Tuy nhiên, Ngân Hàng Thế giới khuyên Việt Nam nên thực hiện những cải cách cần thiết nếu muốn cởi trói tiềm năng của các thị trường vốn.
Minh họa : Kinh tế Vietnam. Ảnh chụp ở Hà Nội, ngày 15/11/2017. Reuters/Kham
Thành tích
Nền kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tích lớn trong năm 2019, và trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ngày càng tăng, Việt Nam có khả năng sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Tỷ lệ này nhanh hơn gần ba lần so với mức trung bình của thế giới là 2,6%, và cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với mức trung bình ở Đông Á Thái Bình Dương, theo phúc trình về Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB.
Báo điện tử của chính phủ Việt Nam trích dẫn số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê cho biết GDP, Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam năm 2019 là 7.02%, vượt chỉ tiêu (từ 6,6-6,8%), và đây là năm thứ hai liên tiếp, tăng trưởng kinh tế vượt mức 7%.
Vẫn theo Tổng cục Thống kê, thì động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2019 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, và các ngành dịch vụ thị trường. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%, và khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.
Đó là những thành tích rất ấn tượng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Triển vọng
Ngân Hàng Thế giới cho rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn vẫn tích cực, với tăng trưởng dự báo khoảng 6,5% trong vài năm tới.
WB nhận định rằng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng, tuy nhiên Việt Nam vẫn bị tác động bởi các cú sốc bên ngoài, với nguy cơ tăng trưởng xuất khẩu giảm, và Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm.
Phúc trình của Ngân Hàng Thế giới khuyến nghị rằng để giảm thiểu tác động của những cú sốc bên ngoài, Việt Nam cần phải ưu tiên việc phát triển một khu vực tư nhân vững mạnh và năng động. Khu vực này theo Ngân Hàng Thế giới, đang phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn, đặc biệt là khả năng tiếp cận tín dụng, và do đó cần phát triển các thị trường vốn để làm nền tảng cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.
Thách thức
Bà Penelopi Goldberg, Phó Chủ tịch/ Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới, nhận định trên trang blog của bà rằng mặc dù đã đạt được những bước tiến ngoạn mục, nhưng ‘mô hình phát triển của Việt Nam hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức quan trọng’. Bà liệt kê một số chương trình hành động mà Việt Nam có thể thực hiện để giải quyết những thách thức nội tại và ngoại vi.
"Cải cách chính sách trong nước sâu hơn ; đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy kết nối ; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ; cải thiện, tái đào tạo và duy trì nguồn nhân lực ; xây dựng khuôn khổ hợp tác cho các giải pháp đối phó với thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long".
Việt Nam còn cần thúc đẩy các chương trình kinh tế bền vững và chia sẻ thịnh vượng. Kinh tế gia trưởng của Ngân Hàng Thế giới nói nếu muốn trở thành một nền kinh tế hiện đại, Việt Nam cần phải nhìn xa hơn vấn đề tăng trưởng mà phải xoay sang chú ý tới các chương trình về dân tộc thiểu số, bình đẳng giới, ô nhiễm không khí, thích ứng biến đổi khí hậu…
Tại Hội nghị tổng kết Công tác năm 2019, Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ‘nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển là thể chế, nút thắt về tư duy’. Trang mạng Kinh tế Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói :
"Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì dẫu có điều chỉnh thể chế cũng vẫn là thể chế cũ, là "bình mới rượu cũ", không thể có đột phá".
https://youtu.be/ITDcpVCbfn0
******************
Indonesia ghen tị vì Việt Nam tận dụng cơ hội thương chiến Mỹ-Trung tốt hơn (VOA, 24/01/2020)
Đông Nam Á được lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Khu vực này đón nhận một làn sóng các nhà máy mới dọn đến, khi các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ.
Indonesia không được hưởng lợi nhiều từ thương chiến Mỹ-Trung
Nhưng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia đã phải vật lộn để thu hút đầu tư mới. Điều này có một phần lý do là vì sự quan liêu của nước này.
Pegatron, một trong những hãng cung cấp linh kiện lớn nhất cho Apple, sắp mở nhà máy ở Indonesia. Đó là một phần trong nỗ lực của hãng nhằm bảo vệ họ khỏi bị dính vào thuế quan của Mỹ đánh vào Trung Quốc.
Nhưng không có nhiều công ty dọn đến Indonesia như vậy.
Mook Sooi Wah, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Batamindo, nói với VOA : "Mọi người đều biết rằng Việt Nam là nơi mà hầu hết các nhà sản xuất đều dọn đến. Tất nhiên đó là một vấn đề đáng lo ngại. Nếu Indonesia chúng tôi không cạnh tranh như các nước khác, tất nhiên chúng tôi lo ngại".
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới cho biết trong số 33 công ty đang chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, 23 công ty chuyển đến Việt Nam. Không công ty nào chuyển đến Indonesia.
Một trong những lý do quan trọng là khởi sự kinh doanh ở Indonesia thật là khó khăn. Đôi khi, chỉ có xin giấy phép kinh doanh thôi cũng phải mất nhiều năm - lâu hơn nhiều so với các nước toàn trị nhưng thường rất hiệu quả như Việt Nam chẳng hạn.
Edy Irawady, cựu lãnh đạo Batam BP, nói với VOA : "Việt Nam à, họ dễ dàng hơn so với các nơi khác. Bởi vì, bạn biết đấy, chính phủ của họ rất mạnh mẽ. Nhưng về phần Indonesia, chúng tôi đang trong quá trình dân chủ".
Trong suốt ba thập kỷ cai trị của nhà độc tài Indonesia, ông Suharto, nền kinh tế đã có mô hình kế hoạch hóa tập trung.
Nhưng khi ông từ chức sau các cuộc biểu tình rầm rộ năm 1998, quyền lực đã bị phân tán thành nhiều tầng nấc chính quyền.
Và ở một đất nước rộng lớn như Indonesia, những tầng nấc đó không phải lúc nào cũng hoạt động khớp với nhau.
Một vấn đề khác là tham nhũng. Dĩ nhiên, các quốc gia khác cũng gặp vấn đề này. Nhưng ở Indonesia, giờ đây người ta phải hối lộ nhiều quan chức hơn.
Nhà phân tích Bhima Yudhistira, thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính, nói với VOA : "Có một số chi phí tốn kém phải bỏ ra vì bạn cần phải hối lộ không chỉ vài người trong chính quyền trung ương, mà cả những người ở chính quyền địa phương. Và chuyện này gây ra sự kém hiệu quả về mặt đầu tư".
Chính phủ mới của Indonesia đang cố gắng giải quyết vấn đề. Họ đang giảm các giấy phép cũng như giảm các điều kiện để đạt được các giấy phép đó.
Nhưng vào thời điểm Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cố gắng giải quyết ổn thỏa cuộc chiến thương mại của họ, có những người ở Indonesia lo rằng Indonesia đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mất rồi.
William Gallo
*********************
Hoa Tết : nỗi lòng người bán ! (RFA, 24/01/2020)
Mỗi dịp xuân về, các chợ hoa được mở ra tại các công viên, bãi đất lớn để cung cấp cho nhà nhà. Người Việt mua hoa vể để chưng trên bàn thờ tổ tiên cũng như trang trí nhà cửa để đón xuân sang. Người có tiền thì mua hoa sớm, trong khi đó những nhà nghèo chờ đến những ngày giáp tết, thậm chí đến ngày cuối cùng mới mua. Lý do vì càng cận tết, giá hoa được giảm. Tuy nhiên gần đây, nhiều người bán hoa thà chặt bỏ hoa vào ngày 30 Tết chứ nhất quyết không bán rẻ.
Người bán đập bỏ cây mai, giữ gốc về trồng cho Tết năm sau. RFA
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nguyên nhân việc người bán hoa kiên quyết không hạ giá dù phải hủy bỏ hoa của họ trước khi dọn dẹp để về nhà đón Tết :
"Việc cung cầu về hoa trong những ngày giáp Tết là một cân bằng rất biến động và khó dự báo. Tình hình chợ hoa như vậy là một vấn đề phức tạp đối với việc mua bán và đây cũng là một trường hợp đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. Khi giá không đáp ứng yêu cầu thì người bán hoa không sẵn sàng thích nghi. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những trường hợp rất đặc biệt vì những người bán hoa cho rằng nhu cầu người mua hoa ngày Tết là bất khả kháng, người nào cũng phải mua, vì vậy họ tin rằng việc họ giữ giá là đúng".
Nỗi lòng người bán hoa Tết
Tại chợ hoa trung tâm Sài Gòn, một bạn trẻ bán mai cho biết tình hình buôn bán năm nay ế nhiều so với năm ngoái. Cụ thể, bạn đem nhiều cây để trưng bán nhưng tính đến tối 29 Tết mà mới chỉ bán được 5, 6 cây.
"Bị ép giá nhiều lắm nhưng mà giảm cũng chừng mực rồi dừng lại chứ không bán lỗ quá thì năm sau người ta vẫn canh giờ đó lại mua, không có lời".
Một người đàn ông trung niên bán tắc gần đó cũng cho biết tình hình chợ hoa Tết Canh Tý không khởi sắc cho lắm, nên ông phải điều chỉnh giá theo thời cuộc :
"Có người trả nhiệt tình mua, còn số khác trả qua loa chờ giờ chót, cứ tái diễn vậy hoài mỗi năm. Giờ chót người nhà vườn cần bán lấy sở phí nên bán nhưng nếu bán như vậy hết thì sẽ ‘lỗ chết’. Nhằm người bán vớt vát được chút nào đỡ chút nấy, còn một số người bán không bao nhiêu mà cứ bị tái diễn ép giá hoài thì thà họ chặt bỏ. Theo tôi bán giờ chót còn một số ít mà cây cũng xấu nên bán giá rẻ rồi về lẹ".
Phóng viên RFA có trao đổi với một anh bán hoa từ quận 12 và được anh chia sẻ :
"Từ 21 (âm lịch) tới nay là 8, 9 ngày rồi, ngày nào cũng muỗi cắn, nằm lê lết mà dân thì chỉ đi xem. Mấy ngày cỡ 23, 24, 25 thì khách thường không đi mua, chờ đến 28, 29 ra trả giá rẻ, nhà vườn làm cả năm cực khổ mà bị ép giá. Ví dụ cây đó 1 triệu, ngày 23, 24 trả 800.000 có thể bán, nhưng chờ 28, 29 ra hỏi 200-300.000/ cây. Trong khi đó ăn, ngủ thì nằm lê lết, ăn cơm tiệm. Nói chung giá cả cây năm nay không đạt như mấy năm trước, mà dân lại trả giá kiểu cho không, mình thấy cuộc sống anh em làm hoa Tết như vậy ngày càng cực khổ, ép giá kiểu này chắc năm sau làm ít lại, không làm nhiều nữa. Đừng nói Tết bán hoa có lời, không có, nhiều lúc lỗ nhiều lắm, như bây giờ 29 Tết mà hoa còn đầy đồng, khoảng 800 chậu mà chỉ bán được 200 mấy, 300 chậu, chưa tới phân nửa".
Hoa trang trí Tết Canh Tý tại một công viên ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 20/1/2020. AFP
Vẫn theo anh, nếu tới giờ chợ hoa đóng cửa mà anh vẫn chưa bán hết, buộc lòng anh phải bỏ cây :
"Cúc, tắc, hướng dương bỏ hết, không xài được, chỉ có mai đem về chăm lại thì được".
Không chỉ riêng Sài Gòn, những người bán hoa tại các chợ Tết ở Đà Nẵng cũng chịu chung tình trạng buôn bán khó khăn.
Vào tối 30 Tết, phóng viên chúng tôi bắt gặp một người bán mai quê ở Bình Định mang mai lên chợ hoa Đà Nẵng bán đang nhanh tay cắt cành những chậu mai. Anh tâm sự :
"Bán mai rẻ quá mà không ai mua, mình cũng nôn về Bình Định nên phải cắt cành để đem gốc về nuôi lại vì gốc này về quê mình mua 800.000 không có để nuôi, mà ở đây bán 800.000 không ai thèm mua".
Còn anh Đặng Văn Tùng, cũng là người Bình Định cho biết thị trường hoa Tết tại Đà Nẵng năm nay tiêu thụ chậm, giá đấu thầu lô cao, cộng thêm việc bốc vác tự ý tăng giá không đúng hợp đồng lại càng khiến người bán chịu nhiều thiệt thòi :
"Ở phường nói 1,2 triệu/ xe nhưng ra chợ hoa họ muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Dân buôn bán thua lỗ nên nhờ Ủy ban Nhân dân phường Thạch Cầm, quận Hạ Châu năm tới làm sao chứ dân Bình Định ra là phải bán sổ đỏ trả nợ".
Đồng ý với anh Tùng, anh Nhật, một người bán tắc gần đó cũng bày tỏ mong muốn các chi phí giảm bớt lại, tiền bốc vác nên xoay quanh đơn giá quy định và chính quyền cần quan tâm hơn nữa :
"Phản ánh họ tới nhưng sợ vấn đề người bán thù vặt, người bốc vác tập hợp nhiều thành phần nên mình không lường trước được, ở quê ra đây bán không biết ai".
Vào tối muộn 30 Tết, phóng viên RFA bắt gặp cảnh nhiều người chủ thoăn thoắt đập phá cây, một số khác lại ngồi buồn một góc như ông Ngô Minh Nhật, một người bán quất ở Đà Nẵng :
"Tình hình bán rất chậm, tuột giá, tất cả những người buôn bán ở đây đều chấp nhận thua lỗ vì mặt bằng giá rất cao, 46 triệu/ bãi nhưng chứa chưa tới 150 cây mà giờ vẫn còn 70 cây, chưa tiêu thụ hết một nửa. Bây giờ phải chấp nhận phá bỏ toàn bộ để tránh tình trạng đêm 30 họ mới ồ đi mua, như vậy thành thói quen và bà con nông dân luôn luôn bị mất giá, không có hiệu quả".
Trước tình trạng này, ông Nhật đề nghị chính quyền Đà Nẵng nên xem xét để giúp giảm thiểu thiệt hại cho những tiểu thương này :
"Đóng tiền hết rồi nhưng bán không được, tất cả đều thua lỗ, đề nghị thành phố Đà Nẵng giải quyết cho bà con đấu lô trúng phải giảm 50% để giảm bớt phần thua lỗ của bà con đã đấu lô ở đây".
Giải pháp
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải nắm vững hơn nữa tình hình cung – cầu và có các đơn vị lớn để bảo đảm cung ứng với một giá nhất định, đặc biệt trong năm nay khi các tiểu thương còn liên kết giữ giá và nhất định không giảm giá với người mua.
Tuy nhiên, nhiều người trên mạng xã hội cũng chia sẻ kêu gọi những người có điều kiện không nên đi mua hoa những ngày cận Tết rồi ép giá người bán, đặc biệt sau khi những hình ảnh, video người bán thà đập bể, chặt nát chậu cây còn hơn bán giá rẻ để thành thông lệ được lan truyền rộng rãi. Như lời một người mua hoa ở chợ Tết Sài Gòn đề nghị :
"Nhiều người vậy thôi chứ mình muốn chơi hoa phải bỏ tiền ra phù hợp công sức người trồng. Người ta bỏ công sức, mồ hôi, nước mắt mới trồng, chăm được cây hoa, nếu mình muốn chơi hoa để có không khí Tết thì không đáng bao nhiêu, nhịn bữa sáng là đủ (tiền) mà".