Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/02/2020

Chống coronavirus :Việt Nam bịt miệng thông tin và hạn chế sinh hoạt

RFA tiếng Việt

Phạt tiền người đăng video hàng trăm người Trung Quốc vào Việt Nam qua biên giới (RFA, 03/02/2020)

Facebooker đăng video chiếu cảnh hàng dài người Trung Quốc xếp hàng trước cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn để vào Việt Nam, vừa bị phạt tiền hơn 12 triệu đồng.

vn1

Những người Trung Quốc xếp hàng để nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn hôm 2/2/2020 - Courtesy of Them Ly

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn hôm 3/2 nói với báo chí trong nước rằng : "Thông tin ùn ùn người Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị là sai sự thật".

Trước đó, hôm 2/2, Facebooker Them Ly đăng trên tài khoản Facebook cá nhân của mình 2 đoạn video ngắn cho thấy hàng dài người Trung Quốc đeo khẩu trang đang chờ nhập cảnh vào Việt Nam ở cửa khẩu Hữu Nghị.

Báo chí trong nước sau đó đồng loạt đưa tin khoảng 500 người Trung Quốc tập trung về cửa khẩu này để xin nhập cảnh vào Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn được báo chí trong nước trích lời cho biết : "Gần 500 người Trung Quốc được chúng tôi vận động, thuyết phục quay trở về đất nước để tránh dịch bệnh lây lan. Với những người vẫn tiếp tục qua Việt Nam, chúng tôi sẽ yêu cầu kiểm tra y tế cũng như thực hiện việc cách ly 14 ngày theo quy định".

Ông Thưởng cũng cho biết giới chức địa phương đã vận động những người Trung Quốc quay về, không vào Việt Nam và nhiều người đã nghe theo.

Trong trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Nguyễn Công Trưởng nói rằng : "Qua xác minh thông tin thì đây là hình ảnh ở bên phía nước bạn và số khách này chưa nhập cảnh vào Việt Nam. Việc đăng thông tin sai sự thật như vậy gây hoang mang dư luận. Chúng tôi đã giao lực lượng công an triệu tập đối tượng và yêu cầu gỡ thông tin sai sự thật. Đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 12 triệu đồng".

Giới chức tỉnh Lạng Sơn hôm 3/2 cho biết tạm thời chưa cho phép nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam và đã dừng toàn bộ việc xuất nhập cảnh ở tất cả cửa khẩu phụ, đóng đường mòn lối mở.

Hôm 2/2, sau khi video ở cửa khẩu được nhiều người chia sẻ và được báo chí đăng tin, Facebooker Them Ly đã rút video khỏi trang cá nhân đồng thời khẳng định : "2 video của mình đăng sáng nay là đúng sự thật tuy nhiên nó là ở bên cửa khẩu Trung Quốc, chứ không phải ở bên cửa khẩu Việt Nam. Mình đăng bài đã không giải thích rõ ràng gây cho các bạn hiểu nhầm và hoang mang trong dư luận".

vn2

Đoạn status trên trang Facebook cá nhân của Them Ly sau khi đăng 2 video ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn hôm 2/2/2020 Courtesy of FB Them Ly

Công an Việt Nam trong những tuần qua đã gia tăng việc theo dõi, mời làm việc và xử lý nhiều trường hợp Facebooker đưa tin về dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra. Các Facebooker này thường phải nộp phạt và phải rút các bài, video đã đăng tải vì bị chính quyền xác định là không đúng sự thật, gây hoang mang trong người dân.

Bộ Thông tin và truyền thông mới đây đã ban hành công văn khuyến cáo báo chí không đưa tin giật gân làm hoang mang dư luận xã hội và ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với các nước.

Dịch viêm phổi cấp xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hiện đã lan ra nhiều nước. Thống kê tính đến ngày 3/2, toàn thế giới đã có hơn 17 ngàn ca mắc bệnh và hơn 300 người tử vong, phần đông là ở Trung Quốc. Một số nước đã hạn chế thậm chí ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc, ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Một số quốc gia láng giềng với Trung Quốc đã đóng cửa biên giới vì sợ virus lây lan.

******************

Xử phạt các đối tượng bị cho là tung tin thất thiệt về dịch virus corona (RFA, 03/02/2020)

Một người ở Vĩnh Long và một người ở Gia Lai vừa bị cơ quan chức năng xử phạt với cáo buộc ‘ tung tin thất thiệt’ về dịch virus corona nCoV.

vn3

Hôm 3/2, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Vĩnh Long quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng, một chủ tài khoản Facebook ở Vĩnh Long là Nguyễn Nhựt Tân, sống tại huyện Mang Thít, với cáo buộc ‘tung tin thất thiệt’ về dịch corona tại Cần Thơ. Courtesy TP

Truyền thông trong nước loan tin hôm 3/2/2020 cho biết cụ thể, Công an tỉnh Gia Lai đang xử lý bà P.N.H. ở phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku, Gia Lai. Theo đó bà H. dùng tài khoản facebook tên "Phạm" đăng tải hình ảnh cùng nội dung "Chiều nay Hà Nội sẽ công bố phát dịch corona, tối nay thời sự sẽ đưa tin về việc đêm nay nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau k nên ra đường trong khung giờ từ 4-7h30 sáng mai 1/2/2020. Mọi người ra đường nhớ đeo khẩu trang với kính cẩn thận nhé".

Theo thuật lại của truyền thông trong nước thì bà H. sau đó đã thừa nhận, đăng để "câu like" chứ không ý thức được thông tin trên đúng hay sai. Bà H. đã gỡ bỏ bài viết, nhận lỗi, đính chính thông tin và cam kết không tái phạm.

Hôm 3/2, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Vĩnh Long cũng quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng, một chủ tài khoản Facebook ở Vĩnh Long là Nguyễn Nhựt Tân, sống tại huyện Mang Thít, cũng với cáo buộc ‘tung tin thất thiệt’ về dịch corona tại Cần Thơ.

Theo cơ quan chức năng, quyết định xử phạt căn cứ theo qui định về hành vi "Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật", theo khoản 3, điều 64, Nghị định 174 của Chính phủ, trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Vừa qua công an tại một số tỉnh như Bà Rịa- Vũng Tàu, Thừa Thiên- Huế … cũng tiến hành triệu tập và phạt một số người vì cho rằng họ thông tin về dịch virus corona không đúng sự thật.

********************

Dịch bệnh coronavirus : Dân vẫn chưa tin 100% các biện pháp phòng, chống của Chính phủ (RFA, 03/02/2020)

Công bố dịch và triển khai hàng loạt biện pháp

Phó Giáo sư Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp, thuộc Bộ Y tế, được truyền thông trong nước dẫn lời sau hai ngày Việt Nam công bố dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, rằng đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ Hà Nội công bố dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra ở Việt Nam và việc công bố dịch nhằm để áp dụng các biện pháp phòng, chống cần thiết ; trong đó có những biện pháp bắt buộc với cả chính phủ và người dân theo luật định.

vn4

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát bệnh viện cách ly đặc biệt tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Courtesy : Ảnh chụp màn hình zing.vn

Đài RFA ghi nhận một trong những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra là sẵn sàng vận hành các bệnh viện cách ly đặc biệt chống virus corona qua việc thành lập bệnh viện cách ly đặc biệt tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với quy mô 500 giường bệnh cùng các thiết bị y tế tốt nhất.

Tại thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), nơi tiếp nhận và điều trị hai ca nhiễm bệnh virus corona đầu tiên, báo giới quốc nội vào ngày 3/2 dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu Chính quyền thành phố lên kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến để đối phó trong trường hợp người mắc bệnh tăng cao.

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng được báo giới dẫn lời rằng Việt Nam tính đến chiều ngày 3/2 có 8 trường hợp bị nhiễm virus corona và Việt Nam có biên giới với Trung Quốc khá dài nên được xếp vào nhóm có nguy cơ cao.

Phản ánh của người dân

Ông Nguyễn Văn Khánh, một cư dân ở Hà Nội vào tối ngày 3/2 nêu lên ghi nhận của ông với RFA về sự phản ứng trong ứng phó với dịch bệnh virus corona của Chính phủ Việt Nam :

"Chúng tôi ghi nhận một sự tiến bộ rất lớn trong đợt dịch này của Bộ Y tế. Trước hết là họ cung cấp thông tin qua zalo và họ thiết lập đường dây nóng. Tôi có gọi đến mấy lần nhưng cũng chưa kết nối được, có thể họ nại lý do là quá tải. Nói chung, mặc dù ghi nhận Bộ Y tế và Chính phủ cũng rất quan tâm và có cách giải quyết để người dân bớt hoang mang nhưng độ tin cậy rất thấp".

Ông Nguyễn Văn Khánh lý giải về sự tin cậy của người dân không được cao là do :

"Tôi khẳng định một điều là hoàn toàn lo lắng. Trước hết là lượng du khách người Trung Quốc hiện nay đang ở lại Việt Nam rất nhiều. Thứ hai nữa, chúng tôi nhận thấy chính phủ đưa ra những biện pháp rất chậm chạp, dường như là họ vừa đưa ra và vừa nghe ngóng. Chẳng hạn như có rất nhiều biện pháp khác nhau có thể chế tài mạnh hơn nhưng họ không làm được. Ví dụ như trường hợp 400 công dân Trung Quốc đang có mặt ở cửa khẩu Hữu Nghị mà chính quyền lại đưa ra giải pháp là vận động và thuyết phục. Như thế là không đúng vì cần phải có chế tài để bảo vệ công dân Việt Nam. Do đó không cho họ nhập cảnh là hoàn toàn có thể trong tầm tay".

Từng làm việc trong một cơ quan báo chí nhà nước, ông Nguyễn Văn Khánh theo dõi sát sao các thông tin liên quan công tác ứng phó với dịch bệnh virus corona của Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh người dân không được trấn an bởi do thông tin thì nhiều, nhưng trong thực tế không được song hành. Ông Nguyễn Văn Khánh đưa ra một ví dụ :

"Như hôm nay nói rằng là đã chữa khỏi cho một bệnh nhân ở Thanh Hóa. Tôi có gọi điện cho ông Nguyễn Đình Xứng, là ông Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thì ông trả lời là hiện nay ông chưa nắm được thông tin chuyện đấy".

vn5

Phát khẩu trang miễn phí tại thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy : Ảnh chụp màn hình zing.vn

Cô Phượng, hiện đang sinh sống ở Sài Gòn vào tối ngày 3/2 chia sẻ với RFA rằng trong mấy ngày nghỉ Tết Canh Tý, cô nhận được tin một người quen biết ở Kiên Giang được bác sĩ thông báo bị nhiễm virus corona. Tuy nhiên, cô Phượng không thấy trường hợp này được ghi nhận và thông báo đến công chúng. Cô Phượng nói :

"Không dám nói ra hoặc tiết lộ thông tin đó ra ngoài vì không biết trước sau có việc gì xảy ra với mình hay không như bị xử lý hành chính, bị cho là tung tin đồn nhảm hay hông… Do đó, bây giờ mọi người biết gì thì chỉ thông tin nội bộ tức là trong nhóm nhỏ với nhau, trong bạn bè hoặc người thân. Hôm nay thêm thông tin nữa là Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị dựng bệnh viện khẩn cấp để cách ly dịch corona. Vậy thì thông tin chính xác bao nhiêu người đang mắc phải thì người dân hoàn toàn không biết".

Không chỉ ông Nguyễn Văn Khánh hay cô Phượng mà không ít người dân tại Việt Nam bày tỏ với RFA rằng tình trạng người Trung Quốc đến và đi lại trong Việt Nam hàng ngày qua cả đường bộ và đường sắt, kể cả các chuyến bay sẽ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh rất nhanh và càng lan rộng hơn nữa.

Làm sao tự phòng, chống dịch bệnh ?

Theo ghi nhận của ông Nguyễn Văn Khánh thì người dân Hà Nội rất ý thức trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng trong dịch bệnh virus corona đang xảy ra :

"Trong mấy ngày hôm nay ra đường, trước hết tôi thấy họ đều sử dụng khẩu trang và họ rất hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người hay ở chợ búa…Tôi có một số người bạn mở cửa hàng thuốc cũng có nói rằng người dân đến mua một số các loại các dung dịch xịt, rửa dùng trong y tế để giữ gìn sức khỏe".

Báo VnExpress Online vào ngày 3/2 dẫn lời của Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo nên trước mắt người dân vẫn thực hiện các biện pháp của Bộ Y tế như mang khẩu trang, giữ vệ sinh và truyền thông.

Thế nhưng, cô Phượng cho rằng bản thân cô cũng như bè bạn, người thân mong muốn những thông tin mà Bộ Y tế hay Chính phủ đưa ra cần phải chi tiết hơn để giúp cho người dân phòng, chống dịch bệnh :

"Bây giờ cần có những cảnh báo như phải đeo khẩu trang và dùng xong một lần là phải vứt hay dùng khẩu trang giặt đi giặt lại được thì phải giặt với nước nóng…Phải chi tiết cụ thể thì tốt hơn. Và cần có những con số thực tế ở các vùng để biết xung quanh mình có hay không. Tôi thấy như vậy là cần thiết. Ví dụ như mọi người cần khai báo đã đi đâu trong dịp tết vừa rồi và phải xác thực phòng khi có một trường hợp nào xảy ra gần tại khu vực mình qua thông báo phường đó, quận đó…có người dương tính với virus corona thì để khoanh vùng lại".

Bác sĩ Lê Văn Dũng, từng làm việc trong Viện Y tế Dự phòng cho RFA biết theo kinh nghiệm làm việc của ông trong phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam thì :

"Về nguyên tắc vĩ mô trong phòng, chống dịch là phải khoanh vùng và dập dịch, không để lây lan ra. Đầu tiên là phải đóng cửa biên giới, không cho những con bệnh mới hoặc người có nguy cơ nhiễm mới đi vào và truyền sang trong đất nước mình. Thứ hai ở cấp độ các tỉnh, nơi nào có dịch là phải khoanh vùng lại và điều tra ai có nguy cơ thì tập kết lại để khoanh lại, không cho phát tán ra nữa".

Còn về phía người dân lẫn ở mức độ các cơ sở cộng đồng, Bác sĩ Lê Văn Dũng cho rằng cần phải phun, xịt dung dịch Cloramine B 10%-20% và cần rửa tay với dung dịch này. Thêm vào đó, cần đặt các đèn UV diệt khuẩn để tiêu diệt các loại virus có thể phát tán.

******************

50 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học tránh dịch nCoV (RFA, 03/02/2020)

Theo thông báo mới nhất của Bộ Giáo dục Đào tạo (Giáo dục và đào tạo), vừa được truyền thông trong nước cập nhật vào ngày 3/2, hiện đã có 50 tỉnh, thành phố học sinh đã được nghỉ học để phòng bệnh do chủng viruscorona mới (nCoV) gây ra.

vn6

Hình minh họa. Học sinh đeo khẩu trang trong lớp ở trường cấp 2 Định Công, Hà Nội hôm 31/1/2020 - AP

Theo đó, học sinh sẽ nghỉ học từ 3/2 đến hết ngày 9/2. Riêng ở Hà Tĩnh, học sinh nghỉ từ ngày 4/2 đến khi trường có thông báo mới. Hai tỉnh Hải Dương và Quảng Bình học sinh được nghỉ từ 4/2 đến 11/2.

Song song với việc cho học sinh nghỉ học đề phòng ngừa dịch, Bộ Giáo dục và đào tạo đồng thời gửi công văn gửi yêu cầu các địa phương có biện pháp quản lý học sinh khi các em tạm nghỉ học ; tiến hành tẩy trùng 100% trường lớp, các thiết bị dạy học và đồ chơi của trẻ nhỏ.

Cũng trong ngày 3/2, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, sau khi kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV tại một số trường học và doanh nghiệp trên địa bàn, đã quyết định điều chuyển công tác hiệu trường trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi do Ban giám hiệu Nhà trường lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, trường Mạc Đĩnh Chi chưa dọn dẹp, tổng vệ sinh tại khu vực lớp học, bàn ghế chưa được lau chùi, bề mặt sàn các lớp học nhếch nhác, bụi bẩn…

Trước đó (ngày1/2), Bộ Giáo dục và đào tạo đã có công văn gửi Thủ tướng xin ý kiến về việc cho phép học sinh ở Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa nghỉ để phòng chống dịch. Đến chiều 2/3 đã có 26 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ và đến nay gần như cả nước học sinh, sinh viên đều được nghỉ học để phòng, chống dịch nCoV.

*******************

Việt Nam yêu cầu ngưng các lễ hội trong đợt bùng phát dịch virus corona mới (RFA, 03/02/2020)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vào ngày 3/2 ra công điện mới về lễ hội trên cả nước.

vn7

Một lễ hội vào ngày Tết ở Hà Nội ngày 9/2/2019. AFP

Công điện đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc, tại các tỉnh đã công bố dịch.

Đây là yêu cầu mới nhất từ bộ này về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Theo đó, tất cả các lễ hội chưa khai mạc thì phải dừng, còn các lễ hội tại những tỉnh chưa công bố dịch mà đã khai mạc phải giảm quy mô, thời gian tổ chức, giảm các hoạt động nhằm đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công điện cũng nêu rõ, yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động tại lễ hội, di tích văn hóa.

Một loạt các lễ hội lớn sắp diễn ra như lễ hội khai ấn Đền Trần ở Nam Định, lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử ở Bắc Giang, lễ hội Phết Hiền Quan (lễ hội cướp phết) ở Phú Thọ đã thông báo dừng tổ chức.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã cho dừng việc tổ chức các hoạt động thể thao chào mừng xuân Canh Tý 2020 như Yên Bái dừng tổ chức Hội thi thể thao "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước, quê hương đổi mới" ; Hải Dương tạm hoãn Giải đua thuyền canoeing mừng Đảng - mừng năm mới 2020 ; Đồng Nai tạm dừng tổ chức Giải đua thuyền truyền thống mở rộng mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý năm 2020 ; Thừa Thiên Huế tạm dừng tất cả các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao, các hội nghị, hội thảo tập trung đông người.

****************

Việt Nam xác nhận trường hợp thứ 8 nhiễm virus Corona đang điều trị tại Hà Nội (RFA; 03/02/2020)

Bộ Y tế Việt Nam hôm 3/2/2020 xác nhận ca dương tính với nCoV là một nữ công nhân ở Vĩnh Phúc đang được điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội.

vn8

Hình minh họa. Hình chụp hôm 2/2/2020 : khách đeo khẩu trang đến sân bay Nội Bài, Hà Nội - AFP

Như vậy, Việt Nam đã có 8 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trong đó có 5 người Việt, 2 người Trung Quốc và một công dân Mỹ gốc Việt.

Bệnh nhân nữ V. H. L (29 tuổi) đã từng đến thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cùng nhóm 3 công nhân người Việt đã xác nhận bị nhiễm virus Corona chủng mới trước đó.

Theo báo Sức khỏe đời sống, chị H có tiền sử dịch tễ đi cùng 7 người Việt Nam khác do Công ty trách nhiệm hữu hạn Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và cùng trở về Việt Nam ngày 17/1 trên chuyến bay số hiệu CZ8315 của hãng Southern China.

Ngày 17/2, khi về đến phi trường Nội Bài, những người này được công ty đón bằng xe công ty di chuyển về trụ sở doanh nghiệp.

Công ty ngay sau đó tổ chức họp (bao gồm 8 người trở về từ Vũ Hán), sau đó di chuyển về nhà riêng cùng một đồng nghiệp trên cùng chuyến xe.

Đến 30/1, 3 người trong nhóm công nhân được Bộ Y tế xác nhận là nhiễm virus Corona chủng mới.

Đến ngày 31/1, đoàn công tác chống dịch của Bộ Y tế xuống ổ dịch tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để chỉ đạo, kiểm tra công tác chống dịch.

Qua việc kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy trường hợp chị V. H. L là một trong 8 người trở về từ Vũ Hán trên cùng một chuyến bay, trong đó có 3 người đã xác định mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Sáng 3/2, bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiễn nữ bệnh nhân N.T.Tr ra viện. Cô Tr là một trong nhóm 3 người Việt Nam dương tính với nCoV trước đó.

Cô Tr nhập viện và điều trị từ trưa ngày 24/1, cho đến chiều ngày 28/1 thì bệnh nhân hết sốt, không khó thở, giảm ho, các chỉ số sinh tồn đều trong giới hạn bình thường.

Đến chiều ngày 30/1/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông báo kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với vi rút nCoV.

Tuy nhiên đến sáng 31/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm vi rút nCoV lần 2 và đến chiều ngày 2/2/2020 có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.

Vào ngày 3/2, Bệnh Viện Chợ Rẫy tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông báo ca nhiễm nCoV được điều trị tại bệnh viện này sẽ được cho xuất viện vào ngày 4/2 .

Đó là ông Li Zichao, 28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc nhập viện Chợ Rẫy vào ngày 21/1 do nhiễm nCoV. Người cha cũng phải điều trị bệnh và kết quả kiểm nghiệm lần đầu được nói cũng âm tính ; tuy nhiên vẫn phải được theo dõi tiếp.

Truyền thông trong nước vào ngày 3/2 loan tin tổng cộng số ca nghi nhiễm nCoV tại Việt Nam là 236 trường hợp. Trong số này có 163 ca kết quả xét nghiệm âm tính, 73 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi để ngăn lây nhiễm ra cộng đồng.

Tại Hoa Lục tính đến chiều ngày 3/2, thống kê chính thức từ Ủy Ban Y Tế Nhà nước Trung Quốc cho thấy có 361 trường hợp tử vong do nCoV. Số này tăng thêm 57 trường hợp so với một ngày trước đó. Tổng số ca nhiễm nCoV tại Trung Quốc là hơn 17.200 trường hợp.

Trường hợp tử vong đầu tiên do nCoV bên ngoài Trung Quốc được thông báo là ở Philippines.

*********************

Nông nghiệp bị tổn hại nặng do virus corona (RFA, 03/02/2020)

"Nông nghiệp là ngành tổn hại nặng nhất bởi dịch virus corona".

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói trong buổi hội nghị ‘Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh corona’ được tổ chức ngày 3/2 và được báo trong nước loan tin cùng ngày.

vn9

Hình minh họa. Nhân viên y tế phun khử trùng ngoài khu vực Bệnh viện các bệnh nhiệt đới ở Hà Nội hôm 30/1/2020 - AFP

Theo dự đoán của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thương mại nông lâm thủy sản của Việt Nam và Trung Quốc sẽ bị tác động theo hướng tiêu cực trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch viêm phổ cấp. Cả hai nước sẽ diễn ra tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ do hạn chế giao dịch tại các chợ biên giới.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc xuất khẩu các sản phẩm sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết bên cạnh đối phó với virus corona, hiện Cục bảo vệ thực vật, Cục Thú y cùng các lực lượng chức năng tại biên giới còn phải tăng cường kiểm dịch động thực vật chống H5N1…

Nếu dịch bùng phát nhiều tháng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các ban ngành thúc đẩy đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn, ưu tiên thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chỉ đạo địa phương nghiên cứu điều chỉnh một số cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế của từng địa phương.

Trong cùng ngày 3/2, Việt Nam đã thông quan 60 xe chở hàng, xuất khẩu hơn 1.200 tấn nông sản qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị ở Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn.

Đây là lô hàng đầu tiên bị tồn được thông quan trong những ngày qua.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 455 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)