Việt Nam phạt nặng đầu cơ, tăng giá khẩu trang (RFI, 02/02/2020)
Sau khi phát hiện ba trường hợp người Việt Nam bị nhiễm virus corona mới ngày 30/01/2020 sau khi đi tập huấn hai tháng từ Vũ Hán trở về, người dân bắt đầu lo ngại và đổ đi mua khẩu trang phòng lây nhiễm virus.
Học sinh một trường trung học cơ sở ở Hà Nội đeo khẩu trang trong lớp học đề phòng lây nhiễm virus corona, ngày 31/01/2020. Reuters/Kham
Ngay ngày 30/01, khẩu trang dùng một lần trên thị trường Hà Nội và ở một số tỉnh lân cận đã cháy hàng. Chỉ trong sáng 31/01, tại một hiệu thuốc ở trung tâm Hà Nội đã có hơn 500 người đến hỏi mua khẩu trang.
Một số cửa hàng, hiệu thuốc còn mặt hàng này đã tăng giá chóng mặt. Theo một số người tiêu dùng, một hộp khẩu trang giá rẻ, thường ngày chỉ có giá 40.000 đồng đã bị "thổi" lên thành 150.000 đồng ; loại tốt hơn có giá từ 80.000 đến 90.000 đồng/hộp đã bị nâng lên thành 250.000 đồng, thậm chí 290.000 đồng/hộp.
Nhiều người bất ngờ và phẫn nộ về việc nhiều cơ sở, tư nhân lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Trong mục "Góc nhìn" của VnExpress, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu lấy làm tiếc về đạo đức, lương tâm của những con người "đục nước béo cò" : "Không có điều luật nào xử được cái tâm của con người, không một chính quyền nào xử phạt hết những hành vi phi đạo đức bằng các điều luật".
Tuy nhiên, ngay chiều 31/01, sau khi được người dân phản ánh, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh khẩu trang y tế, phát hiện hành vi găm hàng, tăng giá. Ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng "không niêm yết cũng bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ bị phạt nặng hơn, 10-15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng", chiểu theo nghị định 109/2013 ngày 24/09/2013.
Hện tượng khan hiếm khẩu trang được chính phủ giải thích là do nguyên liệu của 46 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trong nước phụ thuộc vào Trung Quốc, thêm vào đó hoạt động sản xuất bị tạm ngừng dịp nghỉ Tết nguyên đán. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang đề nghị nhập khẩu trang từ Việt Nam để đối phó nạn dịch virus Vũ Hán.
Hiện tại, học sinh và giáo viên các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Hà Nội được yêu cầu đeo khẩu trang trong lớp học. Chính phủ Việt Nam trấn án có đủ khẩu trang dự phòng và dự kiến phát khẩu trang miễn phí cho người dân trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi chờ đợi, nhiều cá nhân và hiệp hội ở cả ba miền đã cấp khẩu trang miễn phí cho những ai có nhu cầu.
Thu Hằng
*******************
Sau một tuần đắn đo, Việt Nam chính thức công bố dịch bệnh Corona (Người Việt, 01/02/2020)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam do chủng mới của virus Corona gây ra, sau thời gian chần chừ hơn một tuần kể từ lúc dịch bệnh xảy ra với nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức thừa nhận dịch bệnh virus Corona ở Việt Nam. (Hình : Quang Hiếu/Zing)
Theo báo Zing cho biết ngày 1/12/2020, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công bố "Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV)".
Đây là dịch truyền nhiễm xảy ra tại Việt Nam từ 23/1, thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh ở Việt Nam. Cho tới nay, địa điểm và quy mô xảy ra dịch được xác định ở các tỉnh : Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và Việt Nam hiện đã có sáu trường hợp mắc bệnh.
Dịch bệnh do virus Corona gây ra được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Theo quyết định trên "các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, bệnh viện trong ngành công an, quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện. Đặc biệt, bệnh viện dã chiến sẽ được huy động khi cần thiết".
Người dân lo sợ chen lấn mua khẩu trang để phòng dịch Corona. (Hình : Việt Linh/Zing)
Sáng cùng ngày ông Vũ Đức Đam, phó thủ tướng kiêm trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng Virus Corona Mới", chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương yêu cầu "phải chuẩn bị phương án xấu nhất để giảm thiểu thiệt hại".
Để chống dịch bệnh, nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã thực hiện theo cách riêng của mình tùy vào lãnh đạo của từng tỉnh.
Cụ thể ông Lê Quang Mạnh, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, đã đồng ý với đề nghị của Sở Y tế cho 500.000 học sinh, sinh viên lùi thời gian nhập học một tuần để "chuẩn bị tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh virus Corona".
Theo đó ông Cao Minh Chu, giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết khi lùi thời gian nhập học, ngành y tế sẽ khử khuẩn, khử trùng tại các trường học, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên, phụ huynh về phòng, chống dịch.
"Sắp tới, thời tiết có khả năng nắng nóng, môi trường này sẽ không thích hợp cho virus Corona phát triển. Ngành y tế khuyến cáo chậm thời gian nhập học trở lại là để chuẩn bị chu đáo hơn, bảo vệ con em chúng ta", ông Chu nói.
Trong khi đó, cuối giờ chiều 31/1, bà Lê Thị Bích Thuận, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đà Nẵng đã ký văn bản số 215/SGDĐT-CTrTT gửi các trường học "đôn đốc đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV)" bằng cách tổng dọn vệ sinh trường học, phun thuốc khử trùng và yêu cầu các đơn vị, trường học tạm dừng việc tổ chức các hoạt động, các sự kiện đông người.
"Sở Giáo dục và đào tạo chỉ quyết định cho học sinh nghỉ khi có khuyến cáo của các cơ quan hữu trách, đặc biệt là Sở Y tế", bà Thuận cho biết.
Tương tự, cùng ngày Sở Giáo dục và đào tạo Sài Gòn đã ra thông báo "chỉ đạo khẩn" cho các trường vẫn để học sinh đi học trở lại vào ngày 3/12/nhưng "không tính vào ngày nghỉ đối với những học sinh nghỉ học khi có biểu hiện viêm đường hô hấp do virus Corona gây ra".
Tại Nghệ An, theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, để "chống dịch" ông Bùi Đình Long, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ký công văn "hỏa tốc" gửi gửi Sở Văn hóa và thể thao, Sở Thông tin và truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã yêu "cầu người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động tại lễ hội, di tích và tạm dừng tổ chức các lễ hội chưa khai mạc".
Báo Zing dẫn số liệu cập nhật về tình hình dịch Corona đến 4 giờ chiều ngày 1/12/cho thấy trên toàn thế giới có 12,002 trường hợp mắc bệnh, 259 người tử vong.
Việt Nam đến nay đã có sáu trường hợp mắc virus Corona. Trong đó, hai cha con người Trung Quốc (một người đã khỏi), ba công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, (Trung Quốc) và trường hợp mới nhất là nữ lễ tân khách sạn có tiếp xúc gần với hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm bệnh. (Tr.N)