Việt Nam có nên đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn corona ? (VOA, 10/02/2020)
Hiện có những tranh cãi liệu Việt Nam có nên đóng cửa biên giới với Trung Quốc hay không, sau khi các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga… tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh corona, dẫn tới lời kêu gọi Việt Nam thực hiện hành động tương tự. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ý kiến khác nhau về việc Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Đinh Đức Long, cho VOA biết nhận định của ông :
"Nếu được thì nên đóng cửa biên giới một cách kịp thời. Đóng cửa biên giới vì lợi ích dân tộc và lợi ích sức khỏe.
"Đóng cửa vẫn tốt hơn là để cho người ta vào, lại phải kiểm tra người ta xem có lây nhiễm không, nếu có lại phải cách ly 14 ngày.
"Họ vào chẳng giải quyết được cái gì, cách ly họ thì mình lại bị tốn tiền chăm sóc cho họ.
"Nhà nước cũng đã lường hết cả rồi, họ phải cân nhắc thiệt hơn. Nhưng rõ ràng là chưa đóng cửa biên giới có rủi ro cao hơn là đóng cửa".
Việt Nam có đường biên dài 1.449km dọc theo 7 tỉnh phía bắc với Trung Quốc – quốc gia phát tán dịch virus corona ra 27 nước trên thế giới, khiến hơn 40 ngàn người nhiễm bệnh, và hơn 900 người tử vong.
Tính đến này 10/2, Việt Nam đã có 14 ca nhiễm corona, đa phần do lây nhiễm từ trung tâm bùng phát dịch corona ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
"Không có bất kỳ lý do gì để chúng ta chậm chạp hoặc thỏa hiệp trên tính mạng của nhân dân", Steven Nguyễn viết trên trang Viet Star USA.
Từ Sydney, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, một chuyên gia hàng đầu trong cộng đồng người Việt ở Úc về dịch tễ học, nói với VOA :
"Nhiều người, kể cả cư dân mạng đòi Việt Nam nên đóng cửa biên giới. Nhưng khách quan mà nói, dựa vào các mô hình dịch tễ học sử dụng các giả định với các tham số khác nhau thì nếu đóng cửa biên giới thì giảm được bao nhiêu ca…
"Dựa vào các tính toán này, bất cứ chuyên gia dịch tễ học nào, cũng cho rằng việc đóng cửa biên giới không hiệu quả trong việc ngăn ngừa dịch bệnh như chúng ta tưởng".
Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định rằng lý do chính trị trong mối quan hệ mật thiết giữa Bắc Kinh và Hà Nội có thể là nguyên nhân chính khiến biên giới hai bên chưa thể đóng lại trong giai đoạn bùng phát dịch corona :
"Nga, Mông Cổ, và Hoa Kỳ họ đã làm mà sao mình chưa làm… có lẽ là do yếu tố chính trị quyết định.
"Nhiều khi ở Việt Nam, cương lĩnh của Đảng đặt cao hơn Hiến pháp và pháp luật.
"Xét về Luật thì Luật cho phép làm điều đó. Nhưng họ không làm hoặc chưa làm. Điều này không ai biết nhiều hơn những người lãnh đạo quốc gia".
Tuy nhiên, ở góc nhìn khoa học, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết :
"Theo sự tính toán của tôi – tất nhiên, tôi tính toán đơn giản thôi vì tôi không có nhiều dữ liệu – thì tôi nghĩ cũng vậy [không nên đóng cửa biên giới]. Cho dù mình có đóng cửa biên giới đi chăng nữa thì số ca thì số ca giảm được dao động từ 10-25% mà thôi.
"Tất nhiên đối với công chúng thì con số này cũng là tốt rồi. Nhưng đối với dịch bệnh thì con số này không đáng kể.
"Ngoài ra, cũng có những lý do về chính trị ; những người cầm quyền cần phải làm cái gì đó để hài lòng người dân.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói : "Một số nước như Mỹ, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Nga… đã đóng cửa biên giới. Các cách họ làm không dựa vào khoa học, mà có lẽ là dựa vào các lý do chính trị thì đúng hơn".
Trong khi đó, các quốc gia không có chung biên giới với Trung Quốc như Đài Loan, Singapore, Philippines, Malaysia,… cũng dừng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc.
Hiện tại Việt Nam chỉ áp dụng biện pháp cách ly đối với người quá cảnh hay nhập cảnh từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày, ngoài việc tạm thời không giải quyết cấp thị thực du lịch vào Việt Nam đối với những người đến từ vùng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
An Hải
*********************
Bộ Công thương khuyến cáo hạn chế giao thương qua biên giới trong dịch bệnh coronavirus (RFA, 10/02/2020)
Bộ Công thương Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu và địa phương tránh đưa hàng hóa qua biên giới khi dịch bệnh virus corona đang diễn biến phức tạp.
Hơn 200 xe chở thanh long bị ùn ứ tại tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh chụp ngày 04/02/2020. Courtesy : haiquanonline.com.vn
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 10/2, dẫn thông báo từ Bộ Công thương cho biết đề nghị của Bộ này được đưa ra ngay sau khi Chính quyền tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc thông báo tiếp tục lùi thời gian thông quan hàng hóa tại các chợ biên giới và tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới cho đến cuối tháng 2, thay vì ngày 10/2 như đã thông báo trước đó.
Bộ Công thương dự báo Chính quyền tỉnh Vân Nam của Trung Quốc cũng có thể sẽ ra quyết định tương tự.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu được báo giới dẫn lời cho biết một trong những biện pháp điều tiết hàng hóa tránh ùn ứ tại các cửa khẩu với Trung Quốc là thực hiện theo đề nghị của Bộ Công thương, qua thông báo tránh đưa hàng lên biên giới trong thời điểm giao thương còn bị hạn chế.
Bộ Công thương cho biết sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới. Bên cạnh đó, Bộ Công thương kêu gọi các doanh nghiệp hậu cần giảm các chi phí để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và nông dân.
Bộ Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu…giúp cho nông dân trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh virus corona.
*******************
Thêm ba trường hợp nhiễm nCoV tại Việt Nam được xuất viện (RFA, 10/02/2020)
Ba bệnh nhân viên đường hô hấp cấp do nCoV điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 của Việt Nam được thông báo khỏi bệnh và cho xuất viện vào chiều ngày 10 tháng 2.
Hình minh họa. Một phụ nữ bế một đứa trẻ xuống sân bay Vân Đồn, sau khi về từ Vũ Hán hôm 10/2/2020 - AFP
Truyền thông trong nước cho biết cả 3 trường hợp đều là những công dân Việt Nam trong nhóm người từ Vũ Hán trở về trong tháng 1 vừa qua. Những bệnh nhân này đều là người tỉnh Vĩnh Phúc gồm hai nữ và một nam.
Các bệnh nhân này được điều trị từ 9 đến 15 ngày tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 (Hà Nội), đến chiều ngày 10 tháng 2 được xuất viện.
Đến nay Việt Nam đã điều trị khỏi bệnh cho 7 trên 14 trường hợp nhiễm virus nCoV. Đây là chủng virus mới gây nên dịch bệnh viêm phổi cấp, xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và lây lan mạnh ở Hoa Lục cũng như sang nhiều nước khác trên thế giới như hiện nay.
Tin từ truyền thông trong nước vào ngày 10 tháng 2 nói ba trường hợp khác được điều trị khỏi nCoV tại Việt Nam gồm hai cha con người Trung Quốc tại Bệnh viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh, và một nữ bệnh nhân tại Bệnh Viện Đa Khoa Thanh Hóa.
Vào tuần trước, truyền thông trong nước cũng loan tin một nhân viên lễ tân khách sạn tại Thành phố Nha Trang, người có tiếp xúc với hai cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh vừa nêu, mắc nCoV được khỏi bệnh và xuất hiện vào chiều ngày 4 tháng 2.
An Hải
********************
Dịch nCoV : Vĩnh Phúc là tâm điểm vì nhiều người dính bệnh ở Trung Quốc ? (VOA, 10/02/2020)
Tỉnh Vĩnh Phúc giáp ranh thủ đô Hà Nội đang thu hút sự chú ý của công luận khi các con số thống kê chính thức cho thấy tỉnh này có đến 9 ca nhiễm virus corona chủng mới trong tổng số 14 ca ở Việt Nam.
Tỉnh Vĩnh Phúc có số ca nhiễm nCoV nhiều nhất Việt Nam tính đến ngày 10/2/2020
Loại virus nguy hiểm có tên gọi tắt là nCoV đến nay làm chết hơn 910 người và khoảng 40.300 người nhiễm trên thế giới, trong đó đại đa số là ở Trung Quốc, với thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, là tâm dịch.
Nhà chức trách Việt Nam cho hay 3 ca nhiễm đầu tiên ở Vĩnh Phúc là những người trong đoàn 8 công nhân đi tập huấn ở Vũ Hán, Trung Quốc, rồi trở về hôm 17/1.
Trong những ngày sau đó kéo dài cho đến gần đây, thêm 2 người trong đoàn công nhân và 3 người thân, 1 người hàng xóm của công nhân có tên viết tắt là N.T.D cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.
Báo chí Việt Nam dẫn lời các cơ quan y tế tường thuật rằng 2 ca mới nhất được phát hiện có những điều đặc biệt là một người không có biểu hiện bệnh nhưng xét nghiệm vẫn dương tính, còn một người có thời gian gặp gỡ rất ít, không ở cùng nhà với bệnh nhân đã nhiễm bệnh.
Điều này "gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bùng dịch tại Vĩnh Phúc", theo báo Tuổi Trẻ. Tờ báo lập luận rằng có thể trong cộng đồng "sẽ có thêm bệnh nhân nhiễm bệnh" vì có những người tiếp xúc với các công nhân kể trên ở giai đoạn họ không có dấu hiệu đau ốm, nên đã không phòng tránh.
Một bệnh nhân ra viện ở Thanh Hóa sau khi được điều trị khỏi nCoV
Dẫn ý kiến của giới chuyên môn, Tuổi Trẻ viết rằng "cần cách ly cả một khu vực địa lý là nơi bệnh nhân N.T.D. từng ở, khu vực đó rộng bao nhiêu phụ thuộc vào những nơi D. đã đi lại trong thời gian từ ngày 17/1 đến khi được cách ly".
Tin cho hay Bộ Y tế nói với Tuổi Trẻ vào ngày 9/2 rằng bộ "đang xem xét những biện pháp chống dịch mạnh hơn tại Vĩnh Phúc", nhưng không đề cập đến khả năng phong tỏa một phần hoặc toàn bộ tỉnh.
Do tình hình dịch bệnh ở Vĩnh Phúc "diễn biến phức tạp", tỉnh này "đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng chống theo phương châm không chủ quan, không bị động, không hoang mang", lãnh đạo tỉnh báo cáo khi họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 10/2, được trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam tường thuật lại cùng ngày.
Trang Thông tin Chính phủ nói tỉnh "tiến hành thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường" và "trưng dụng Trường Quân sự tỉnh" với sức chứa 500 người để làm khu giám sát tập trung những người tiếp xúc gần với người bệnh.
Ngay lập tức, cơ sở nêu trên đã được Sở Y tế Vĩnh Phúc sử dụng khi họ "giám sát y tế tập trung thêm 103 người" do đã tiếp xúc gần bệnh nhân dương tính nCoV, nâng tổng số người bị giám sát ở tỉnh lên thành 249 người vào ngày 10/2, vẫn theo Thông tin Chính phủ.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh "theo dõi y tế" hàng nghìn người
Theo quan sát của VOA, tin tức phát đi từ Vĩnh Phúc gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội, nhiều người lo ngại về khả năng virus lây lan sang thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, giới chức y tế Hà Nội được trang tin Zing dẫn lời cho hay hôm 10/2 rằng ở thủ đô của Việt Nam "chưa có ca nghi ngờ mới" và hiện "chỉ còn 896 người phải giám sát y tế" là những người đến từ vùng dịch.
Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất đồng thời là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, 2.106 người đang thuộc diện bị "giám sát và cách ly y tế" do họ nhập cảnh từ hoặc đi qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày, các báo trong nước đưa tin hôm 10/2. Đến nay, trong số nhữngngười này "chưa có trường hợp nào phát hiện triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh", các báo cho biết.
Trên toàn Việt Nam, về mặt thống kê, tổng số ca dương tính với nCoV hiện là 14, gồm các ca ở Vĩnh Phúc, 2 người Trung Quốc và 1 Việt kiều Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh, 1 người ở Khánh Hòa và 1 người ở Thanh Hóa.
Nhưng trên thực tế, 6 người đã khỏi bệnh, bao gồm 3 người ở Vĩnh Phúc, 1 người ở Thanh Hóa, 1 người ở Khánh Hòa và 1 người Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh, trang Thông tin Chính phủ cho biết.
Như vậy, con số thực sự những người còn đang được điều trị chỉ là 8, gồm 6 người ở Vĩnh Phúc, bên cạnh 1 Việt kiều Mỹ và 1 người Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà chức tránh tiếp nhận công dân Việt Nam ở sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, 10/2
Việt Nam sơ tán đợt đầu công dân từ Vũ Hán
Cũng liên quan đến dịch nCoV, trang Thông tin Chính phủ loan báo rằng 30 công dân Việt vừa được nhà chức trách Việt Nam sơ tán khỏi tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc, và đưa về nước.
Tin cho hay chuyến bay của hãng Vietnam Airlines chở các công dân kể trên hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, vào sáng sớm ngày 10/02. Nhà chức trách "khử trùng và kiểm tra y tế" 30 công dân, sau đó cách ly họ và theo dõi y tế.
"Hiện nay, toàn bộ số công dân nêu trên - đặc biệt là một nữ hành khách đang mang thai 8 tháng - có tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần tốt", trang Thông tin Chính phủ nói.
Vẫn còn ít nhất là 400 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch tại Trung Quốc, theo lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/2, và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc "giữ liên hệ chặt chẽ" với các công dân này.
Trước khi đưa 30 người Việt hồi hương, máy bay của Vietnam Airlines đã vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế của chính phủ, nhân dân và Hội chữ thập đỏ Việt Nam tặng Trung Quốc, ngoài ra, chuyến bay đó cũng giúp đưa 11 người Trung Quốc về Vũ Hán, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam tường thuật.
Các bài tường thuật của báo trong nước, trong đó có Zing và Tuổi Trẻ cho biết phía Trung Quốc xác nhận họ đã nhận được số hàng viện trợ và cảm ơn Việt Nam qua phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tại một cuộc họp báo hôm 10/2.
*******************
Mỹ ‘tự hào hỗ trợ Việt Nam đối phó’ virus corona (VOA, 10/02/2020)
Mỹ ‘tự hào hỗ trợ Việt Nam đối phó’ virus Corona
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho VOA tiếng Việt biết như vậy hôm 10/2, đồng thời cho hay rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam "đang phối hợp chặt chẽ" với chính phủ Việt Nam để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh do chủng virus corona mới (nCoV) gây ra.
Cơ quan ngoại giao này cũng nói thêm rằng CDC "đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực xét nghiệm" cũng như "phát triển và triển khai các công cụ thu thập dữ liệu và phân tích các trường hợp nhiễm nCoV".
"CDC ở Việt Nam đang phối hợp với CDC tại Atlanta, Bộ Y tế Việt Nam và các viện y tế công cộng ở Việt Nam để có được 4.000 bộ xét nghiệm nCoV thông qua trung tâm International Reagent Resource của CDC để phân phối cho các phòng thí nghiệm được chọn trên khắp Việt Nam", Tòa đại sứ Hoa Kỳ cho VOA biết thêm.
Cho đến nay, CDC ở Việt Nam đã hỗ trợ Cục Quản lý Khám chữa bệng (VAMS) thuộc Bộ Y tế Việt Nam "tiến hành đào tạo về lấy mẫu và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm về nCoV đối với 60 người tham gia từ 15 bệnh viện quốc gia và tuyến đầu, bao gồm một bệnh viện tư nhân tại Hà Nội vào ngày 6/2/2020", vẫn theo Tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Nguồn tin này cho hay, vào tuần tới, CDC ở Việt Nam sẽ hỗ trợ đào tạo tương tự cho các bệnh viện tỉnh và các trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật tại 11 tỉnh miền trung và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, CDC ở Việt Nam đang phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam để có được thông tin kịp thời về các ca nhiễm gần đây tại Việt Nam, bao gồm cả với công dân Mỹ, Tòa đại sứ Hoa Kỳ cho biết thêm.
"Dữ liệu được thu thập được sẽ giúp tăng sự hiểu biết của chúng tôi về sự bùng phát dịch bệnh hiện tại, bao gồm cả thời gian ủ bệnh và thời gian lây nhiễm", cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ cho biết.
An Hải
********************
Việt Nam muốn cùng các nước Đông Nam Á chống virus Corona (VOA, 09/02/2020)
Việt Nam mới bày tỏ mong muốn phối hợp với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đối phó và ngăn chặn sự lây lan của chủng virus Corona mới (nCoV).
Lực lượng cảnh sát bán vũ trang gần Quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam cho biết rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn như vậy trong cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 4/2.
Ông Widodo được cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời "đánh giá cao chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp nhanh chóng, đồng bộ để ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh lan rộng" đồng thời bày tỏ "tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và với năng lực ngành y tế đã được minh chứng, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng ngăn chặn thành công dịch bệnh này".
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, trang Facebook chính thức của ông Widodo ngày 4/2 không đề cập tới cuộc điện đàm cũng như đề xuất của Thủ tướng Phúc, nhưng có đề cập tới việc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn cầu vì virus Corona, cũng như việc Indonesia tổ chức sơ tán hơn 230 công dân nước này khỏi thành phố Vũ Hán.
Cổng thông tin chính phủ Việt Nam cho biết, trong cuộc điện đàm với ông Widodo, Thủ tướng Phúc đã "bày tỏ đánh giá cao Indonesia là một trong những nước đã triển khai nhanh các biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virus nCoV".
Tin cho hay, lãnh đạo Việt Nam và Indonesia cho rằng "các nước thành viên của ASEAN cần chủ động phối hợp, điều phối hành động của mỗi quốc gia theo đúng tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng" là chủ đề của ASEAN năm nay, nhằm tìm ra các giải pháp chung, chia sẻ trách nhiệm đối phó với dịch bệnh chung của khu vực".
"Các nước ASEAN đã có kinh nghiệm quý trong phối hợp đối phó với dịch SARS năm 2003, do đó cần tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực đối phó với dịch nCoV lần này", thông báo của chính phủ Việt Nam có đoạn.
Việt Nam hiện đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN cũng như là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo ông Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh "đã gửi thư đến các nước ASEAN" để nêu đề xuất trên.
Trong thư của ông Minh, tin cho hay, Việt Nam "đã đề xuất ASEAN thành lập Nhóm công tác chung cấp Bộ trưởng với sự tham gia của các cơ quan về vận tải, xuất nhập cảnh, kiểm soát biên giới, lãnh sự... và sẽ sớm tổ chức họp trực tuyến để kịp thời chia sẻ thông tin và điều phối hành động của các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN".
Philippines, một thành viên của ASEAN, là nơi mới đây ghi nhận một trường hợp tử vong đầu tiên vì virus Corona ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo được cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời cho biết "hoàn toàn tán thành và đánh giá cao các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc".
Ông Widodo và ông Phúc được cho là đã nhất trí "tăng cường sự phối hợp không chỉ trong ASEAN mà còn giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân các nước ASEAN bị tác động bởi dịch bệnh, nhất là đối với những người còn kẹt ở vùng dịch".