Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/04/2017

Biến động lãi suất, tỷ giá : Đằng sau những cơn sóng

VietnamNet

Tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, lãi suất huy động tăng mạnh ở kỳ hạn dài ở một số ngân hàng... Nhưng, đây chỉ là các con sóng trên bề mặt, mặt bằng lãi suất và tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục ổn định.

Đầu năm khác lạ

Khác với xu hướng của các năm gần đây, tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm ; đến 23/3/2017 tăng 3,14% so với cuối năm 2016 (chỉ tăng 1,79%) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%.

Trong quý 1/2017, lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng bất ngờ tăng khá nhanh. Một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài 3-5 năm với lãi suất lên tới 8-9%, một kỷ lục mới sau nhiều năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng tăng ở một số ngân hàng thương mại.

Tỷ giá trung tâm tăng thêm 138 đồng, từ mức 22.159 đồng/USD hồi cuối năm 2016 lên 22.297 đồng/USD vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND ở các ngân hàng thương mại lại giảm khoảng 20-40 đồng, tỷ giá USD trên thị trường tự do cũng giảm khá nhiều so với cuối 2016. Trên thế giới, đồng USD cũng suy yếu sau một đợt tăng mạnh trong gần 2 tháng cuối năm trước.

laisuat1

Nhiều chuyên gia tin rằng sẽ không có cuộc chạy đua lãi suất.

Đây là những diễn biến rất khác lạ so với các năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm khiến nhiều người lo ngại mục tiêu lạm phát 4% có thể bị lung lay, lãi suất huy động tăng có thể đe dọa tới mặt bằng lãi suất cho vay,...

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước cũng như đại diện của nhiều ngân hàng, trong đó có 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, không có áp lực về vấn đề lãi suất và tỷ giá. Cả 4 ngân hàng này đều không có điều chỉnh lãi suất kể từ cuối năm 2016 đến nay. Mặt bằng lãi suất thậm chí có thể còn giảm trong thời gian tới.

Theo báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 3 tháng đầu năm của Ngân hàng nhà nước, nhờ điều tiết hợp lý, chính sách tiền tệ được giữ ổn định, giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo, đến ngày 23/3/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,36% so với cuối năm 2016 ; huy động vốn tăng 3,07% so với cuối năm 2016, thanh khoản VND của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.

Về hoạt động tín dụng, Ngân hàng nhà nước cho rằng, khác với xu hướng của các năm gần đây, tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm ; đến ngày 23/3/2017 tăng 3,14% so với cuối năm 2016.

Mặt bằng lãi suất thị trường trong quý 1/2017 diễn biến tương đối ổn định. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,8-5,4%/năm ; 5,6-6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ; Kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7-7,4%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn ; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

laisuat2

Mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ổn định, không ảnh hưởng tới người vay tiền.

Giữ vĩ mô ổn định, hướng tới giảm lãi suất

Trong quý 1, mặc dù có diễn biến trái chiều giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại các ngân hàng thương mại, nhưng thị trường khá ổn định. Ngân hàng nhà nước đã điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm và điều tiết VND hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá, nhờ đó tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần, từ giữa tháng 3 bắt đầu giảm và ổn định.

Về tín dụng liên quan tới gói 100.000 tỷ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo chỉ đạo Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ ban hành hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường trong tháng 4/2017.

Định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng nhà nước khẳng định, mục tiêu vẫn là ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu nếu có điều kiện thì giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Về tỷ giá, Ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành theo hướng linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần có biến động tăng lãi suất hay phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao gần đây cũng chia sẻ, việc tăng lãi suất là hoạt động bình thường nhằm mục tiêu hoạt động và điều hành, chứ không có áp lực về thanh khoản hay vấn đề lãi suất.

Trong cuộc họp với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc guyễn Thị Hồng đánh giá thị trường không có nhiều biến động và khẳng định mục tiêu nhất quán là : Ngân hàng nhà nước sẽ điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu nếu có điều kiện thì giảm mặt bằng lãi suất cho vay và có thực hiện giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

M. Hà

Quay lại trang chủ
Read 637 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)