Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/04/2017

Chính quyền bất chấp dư luận cho Formosa hoạt động trở lại

Tổng hợp

"Cho Formosa hoạt động trở lại là vô trách nhiệm !" (RFA, 10/04/2017)

Đoàn công tác Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam vào hôm 5/4 kết luận rằng nhà máy thép Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi, chỉ còn một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô mà dự tính sẽ được hoàn thành vào năm 2019.

formosa1

Những người phản đối biểu tình chống lại tập đoàn Formosa xả thải độc hại ra biển tại Hà Nội vào ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Dập cốc ướt, dập cốc khô là gì ?

Dập cốc khô và ướt về cơ bản khác nhau như thế nào và nếu Formosa vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ dập cốc ướt đến tận năm 2019 sẽ gây những tác động gì đến môi trường ?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dập cốc ướt là công nghệ cổ điển khi đó cốc nóng từ 1200-1300 độ được hạ xuống nhiệt độ 200-300 độ bằng nước lạnh. Phương pháp này sinh ra rất nhiều hóa chất độc hại, trong đó có phenol, cyanua, amoniac… vô cùng nguy hại cho con người và môi trường.

Dập cốc khô là khi cốc nóng đỏ được dập khô bằng khí trơ trong hệ kín. Dập khô có hai lợi ích lớn là thu được nhiệt để vận hành máy phát điện và không tạo ra phenol, cyanua và các hợp chất công nghiệp khác nên khá thân thiện với môi trường.

Kỹ sư Lê Quốc Trinh, hiện đang hành nghề tại Canada, người đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về luyện kim, cho chúng tôi biết thêm :

Luyện ướt sẽ làm ô nhiễm về sông ngòi, luyện khô làm ô nhiễm vấn đề không khí. Luyện khô không cần nước, nghiền ra rất nhuyễn nhưng nó sẽ bay thành bụi trong không khí, gây ra rất nhiều vấn đề về da, hơi thở, phổi,… Còn luyện ướt thải chất thải ra sông sẽ làm ô nhiễm sông.

Giữa năm 2016, Tổng cục Môi trường (Bàào Tài nguyên và môi trường) khẳng định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt cho Formosa thì công nghệ cốc là công nghệ dập cốc khô. Tuy nhiên trong quá trình vận hành Formosa đã tự ý chuyển sang công nghệ cốc ướt để tiết kiệm chi phí.

Cũng trong ngày 5/4, Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sau quá trình sửa đổi các lỗi vi phạm gây ảnh hưởng môi trường, Formosa hiện tại đã đủ điều kiện để vận hành lò cao số 1 và hiện tại đang chờ phê duyệt của Chính phủ. Tuy nhiên thông tin này đã gây hoang mang trong dân chúng, họ lo ngại nếu Nhà nước cho Formosa tiếp tục hoạt động khi hệ thống dập khô chưa được thiết lập sẽ lại một lần nữa bức tử môi trường biển.

Hãng tin Reuters hôm 6/4 trích lời linh mục Nguyễn Thanh Tịnh cho biết nếu nhà nước phê duyệt cho Formosa hoạt động trở lại với phương pháp dập cốc ướt sẽ là một hành động vô trách nhiệm và những người dân như ông sẽ còn đấu tranh đến cùng để bảo vệ môi trường.

Không thể không xả thải

VIETNAM-TAIWAN-ENVIRONMENT-POLLUTION-PROTEST

Những người phản đối biểu tình chống lại tập đoàn Formosa Đài Loan ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Kỹ sư Lê Quốc Trinh nhận định nếu từ giờ đến năm 2019 Formosa tiếp tục sử dụng phương pháp dập ướt thì còn gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đặc biệt là môi trường biển :

Luyện kim ướt sẽ còn thải ra dưới dạng ướt, dạng đó phải thải ra biển và sẽ còn tiếp tục thôi nhưng họ giấu như thế nào thì tôi không biết. Chắc chắn nó còn tiếp tục xả thải chứ làm sao mà ngưng xả thải được. Không có nhà máy nào trên thế giới ngưng xả thải hết. Chỉ là họ giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người. Còn Formosa giải quyết như thế nào với các chất độc trong nước thải tôi không nắm rõ vì tôi không có những họa đồ, tài liệu kỹ thuật.

Chắc chắn 100% từ giờ đến năm 2019 họ vẫn tiếp tục xả thải mà chất thải của họ đâu chỉ có mỗi về luyện cốc hay luyện kim đâu. Còn 4 thứ khác nữa cơ ! Những nhà máy đồ sộ, nhìn những cơ ngơi nhà xưởng họ xây chứa khoảng hơn 10.000 - 20.000 người.

Chỉ nội 20.000 người đó ăn uống rồi tiểu tiện, đại tiện thôi cũng là một nguồn ô nhiễm mà phải xử lý. Thứ 2 là các chất thải từ các nhà máy hóa học của họ. Tôi biết chắc chắn một điều Formosa bắt nguồn từ một nhà máy hóa học chứ không phải là luyện kim. Nó có rất nhiều nhà máy hóa học ở trong đó nhưng không nói ra. Tôi phân tích những hình ảnh của họ thấy phóng sắt chảy ra rất nhiều.

Ông Lê Quốc Trinh cũng cho chúng tôi biết thêm rằng hiện tại còn rất nhiều nhà máy luyện kim trên thế giới, thậm chí ở những quốc gia hiện đại phát triển còn sử dụng phương pháp luyện ướt. Tuy nhiên quá trình sàng lọc chất thải trước khi xả ra môi trường của họ rất bài bản và được thực hiện cẩn thận. Chất thải khi ra đến sông ngòi chỉ còn phần lớn là nước, và những chất không độc hại như cát, bụi. Sau đó hàng năm người ta lại múc lượng cát, bụi, tạp chất dưới sông lên để xử lý bằng cách trộn với nhựa đường thành nguyên liệu làm đường đi.

Ông đã làm việc trực tiếp mấy chục năm nay với một nhà máy luyện kim lớn ở Quebec, Canada sử dụng phương pháp luyện ướt này và họ chưa từng gây ra điều tiếng gì, hay những nguy hại gì cho môi trường.

Như vậy theo những tài liệu chúng tôi tìm hiểu cùng những phân tích của chuyên gia Lê Quốc Trinh thì hệ thống dập cốc ướt bản thân nó cũng vẫn tiềm ẩn những hiểm họa ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nếu các nhà máy nói chung, trong đó có Formosa, không có kế hoạch xử lý cụ thể từ bước đầu.

Formosa tháng trước cho biết sẽ đầu tư khoảng 350 triệu USD trong dự án cải thiện các biện pháp an toàn môi trường với hy vọng có thể hoạt động trở lại vào quý IV năm nay.

Tháng 4 năm ngoái, nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh đã xả thải trực tiếp ra biển làm cá chết hàng loạt nổi trắng xóa dọc ven biển các tỉnh bắc Trung bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế. Các chuyên gia đã phân tích và cho biết việc Formosa sử dụng phương pháp dập cốc ướt là thủ phạm chính gây ra hiện tượng cá chết.

Lan Hương, phóng viên RFA

*********************

Lo sợ dân biểu tình, nhà cầm quyền Nghệ An gửi công văn hỏa tốc cho các linh mục (TMCNN, 09/04/2017)

formosa3

Công văn hỏa tốc của UBND tỉnh Nghệ An gửi các linh mục quản xứ huyện Quỳnh Lưu. Ảnh : TMCNN

Do lo sợ những cuộc tập trung phản đối đông người để đòi quyền được đi tham dự thánh lễ, ban ngành các cấp tỉnh Nghệ An đã gửi nhiều công văn hỏa tốc tới các linh mục trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu để đề phòng nguy cơ trên.

Thông tin cho biết Hôm nay ngày 08/04/2017 Lm Anthony Đặng Hữu Nam đã nhận được các công văn trả lời từ phía chính quyền cho công văn phản hồi của các Linh mục đang hoạt động trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu về công văn 333/UBND-NV.

Trong số này có công văn của UBND tỉnh, và công an tỉnh Nghệ An ; công văn của huyện ủy và công an huyện Quỳnh Lưu.

Cụ thể gồm : 

– công văn hỏa tốc của UBND tỉnh Nghệ An (2271/UBND-NC)

– công văn 664/CAT-VP24, 663/CAT-VP24 của công an tỉnh Nghệ An.

– công văn 667-CV/HU của huyện ủy Quỳnh Lưu.

– công văn 190/CV-CAH của công an huyện Quỳnh Lưu.

Những công văn này đều ký ngày 07/04/2017 thông báo về việc đã nhận công văn của các Linh mục và báo đã chuyển đến chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu xem xét và giải quyết !

Riêng công văn 464/UBND.TTR của UBND huyện Quỳnh Lưu đề ngày 6/4/2017 lại chỉ nói đến yêu cầu của các Linh mục về "quyền tự do biểu tình" mà không đả động đến "quyền tự do tôn giáo".

Cũng cần nhắc lại hôm 06/04/2017 linh mục Anton Đặng Hữu Nam và Jb Nguyễn Đình Thục đã đến tận trụ sở huyện Quỳnh Lưu để đại diện nạp đơn phản đối của tất cả các linh mục trên địa bàn huyện phản đối công văn 333/UBND-NV của ông Hồ Ngọc Dũng, phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu.

Phía nhà cầm quyền cho rằng người dân và linh mục cần trình báo với cấp huyện nếu muốn tham dự và dâng lễ tại nhà thờ khác nơi mình sinh sống và quản nhiệm.

Các linh mục trong hạt Thuận Nghĩa cho rằng công văn này vi phạm nghiêm trọng Quyền tự do tôn giáo của công dân qua một văn thư phúc đáp.

Trong ngày 06/04/2017 khi đi nạp đơn đã có hàng ngàn công an, an ninh và cảnh sát cơ động được điều tới để đối phó với người dân đi nạp đơn nhưng cuối cùng chỉ đón phái đoàn đại diện gồm 7 người.

Việc đáp trả nhanh chóng từ phía hữu chức thể hiện một sự lo sợ đối với sức mạnh của hàng chục ngàn người dân trong giáo hạt Thuận Nghĩa.

Cách riêng là nhà cầm quyền lo sợ sẽ có những cuộc biểu tình dưới sự dẫn đầu của hai linh mục can đảm là cha Nam và cha Thục.

formosa4

Công văn của Công an tỉnh Nghệ An gửi các linh mục ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh : TMCNN

Nói về những suy nghĩ khi nhận các công văn hỏa tốc, Linh mục Anton Đặng Hữu Nam cho biết : mới nhìn sơ qua đã thấy có nhiều điểm bất hợp lý trong những công văn này. Có một điều dễ nhận thấy là nhà cầm quyền đang cố lèo lái dư luận qua một hướng khác khi cố tình coi đây như các cuộc biểu tình chứ không phải là vấn đề tôn giáo. Chúng tôi sẽ sớm có phản ứng phù hợp.

Minh Nhật, GNsP

Quay lại trang chủ
Read 628 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)