Bộ trưởng Công an : Xử nghiêm đối tượng biểu tình vi phạm pháp luật (VietnamNet, 10/04/2017)
Bộ trưởng Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý kịp thời không để xảy ra các vụ việc tụ tập đông người, chặn quốc lộ gây ách tắc giao thông, tuần hành gây rối an ninh trật tự như thời gian vừa qua.
Sáng nay, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo công an một số đơn vị, địa phương để bàn các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự (an ninh trật tự) trong dịp lễ kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và ngày Quốc tế lao động (1/5).
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh : CAND
Thượng tướng Tô Lâm đánh giá thời gian qua dưới sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Ban bí thư TƯ Đảng, Chính phủ ; với vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng CAND các cấp, tình hình an ninh trật tự trong cả nước cơ bản được bảo đảm, góp phần phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình an ninh trật tự nổi lên là tại các tỉnh miền Trungliên tục xảy ra một số vụ việc giáo dân tập trung đông người tuần hành biểu tình, chặn đường quốc lộ cản trở giao thông ; chống người thi hành công vụ.
Tấn công lực lượng công an làm nhiệm vụ ; quay phim, chụp ảnh tán phát trên internet tuyên truyền xuyên tạc về công tác đền bù, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường và chủ trương giải quyết vấn đề Formosa của Chính phủ. Tụ tập đông người kéo vào trụ sở UBND huyện… gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng trên địa bàn.
Để chủ động triển khai các mặt công tác công an bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự từ nay đến dịp 30/4, 1/5 và thời gian tiếp theo, Thượng tướng Tô Lâm chỉ đạo Thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư TƯ Đảng, Thủ tướng và của Bộ Công an.
Chủ động công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý kịp thời không để xảy ra các vụ việc tụ tập đông người, chặn quốc lộ gây ách tắc giao thông, tuần hành gây rối an ninh trật tự như thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, tăng cường bảo đảm trật tự công cộng, bảo vệ tuyệt đối an toàn các trụ sở chính quyền, công an ở địa bàn trọng điểm, phức tạp, đồng thời bảo đảm việc hoạt động bình thường của các tổ chức, cơ quan các cấp.
Kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng tham gia hoạt động tuần hành, biểu tình thời gian qua tại một số tỉnh miền Trung có hành vi vi phạm pháp luật như : Tuyên truyền chống Nhà nước, xúc phạm Quốc kỳ, gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản...
Theo VGP
***************
Việt Nam dọa truy tố những người biểu tình phản đối Formosa (RFI, 10/04/2017)
Chính phủ Việt Nam ngày 10/04/2017 thông báo có thể truy tố những người ngăn chặn một đường cao tốc chính trong đợt biểu tình hồi tuần trước, nhằm phản đối cách xử lý thảm họa môi trường do tập đoàn Formosa gây ra cách nay đúng một năm.
Người biểu tình Đài Loan phản đối tập đoàn Đài Loan Formosa, Hà Nội ngày 01/05/2016. HOANG DINH NAM / AFP
Theo Reuters, khoảng 100 người đã chặn đường cao tốc 1A hồi tuần trước bằng lưới cá, gạch và đá làm tắc nghẽn giao thông. Thông báo chính phủ của Việt Nam cho biết những người được nhận diện có thể bị truy tố với tội danh "gây rối trật tự công cộng".
Song song đó, một cuộc điều tra cũng được mở nhắm vào những người nào đã chửi rủa, lăng mạ, ném gạch đá vào lực lượng an ninh bất chấp lời kêu gọi giải tán đám đông. Thông báo của chính phủ Việt Nam cảnh cáo sẽ có các biện pháp nghiêm khắc trước bất kỳ một cuộc tụ tập nào trong tương lai.
Vào thứ Sáu 07/04, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại một số nơi dọc theo bờ biển Việt Nam đánh dấu một năm xảy ra thảm họa môi trường Formosa. Nhà máy sản xuất thép này, do Đài Loan đầu tư, đã xả thải các chất độc hại ra biển gây thiệt hại môi trường và sinh kế của người dân.
******************
Diễu hành tưởng niệm thảm họa môi trường Formosa bị chặn (BBC, 10/04/2017)
Cuộc diễu hành xe đạp tưởng niệm một năm thảm họa môi trường Formosa do một nhóm hoạt động vì môi trường đã bị chính quyền cản trở, có người bị câu lưu.
Hầu hết tất cả những người đạp xe đạp ngang qua Bộ Tài nguyên-Môi trường đều bị chặn và kiểm tra
Nhóm Green Trees dự định tổ chức cuộc tuần hành đạp xe từ 9 giờ sáng Chủ nhật 9/4 đi từ trụ sở Bộ Tài Nguyên và Môi trường đến Văn phòng Quốc Hội, ông Nguyễn Anh Tuấn - một thành viên của nhóm, cho biết.
"Hầu hết những gương mặt từng xuống đường tham gia các cuộc biểu tình diễu hành trước đây đều bị chặn cả. Chỉ có rất ít người xuất hiện ở điểm hẹn gặp", ông Tuấn nói.
"Cả hai đầu phố đều có lực lượng dân phòng, cảnh sát giao thông, an ninh. Hầu hết những ai đi xe đạp đều bị mời về đồn công an", ông nói thêm.
Sau khi kế hoạch tuần hành buổi sáng không thành công, nhóm vẫn dự định tập họp vào buổi chiều tại một địa điểm khác nhưng bị lộ thông tin.
"Chúng tôi chưa kịp đến địa điểm mới thì an ninh họ đã phục sẵn ở đó. Có thể là một trong nhóm không đáng tin cậy hoặc một số người bị bắt từ sáng thì thông tin trên điện thoại của họ đã không được bảo mật".
Ông Tuấn nói ông cùng một số người khác bị đưa lên đồn công an vào tầm chiều.
Người tham gia diễu hành bị câu lưu
"Họ lấy điện thoại, tước quyền tự do đi lại, tài sản cá nhân cho nên khi tôi cố cáo hành vi bắt bớ tù đày, họ không thể trả lời được", ông Tuấn cho biết.
"Mục tiêu của buổi tuần hành là để thúc đẩy việc xử lý giải quyết thảm họa môi trường do Formosa gây ra, nhưng buổi tuần hành đã thất bại".
"Tuy nhiên còn cả một lộ trình dài phía trước, có thành có bại, nên việc thất bại lần này không ảnh hưởng quá lớn đến quyết tâm chung của nhóm hay cá nhân nào", ông Tuấn nói.
Một người khác trong nhóm cũng bị đưa lên đồn là ông Đặng Vũ Lượng thì nói cuộc tuần hành là để thảm họa môi trường do Formosa gây ra không bị quên lãng, rất nhiều vấn đề vẫn còn tồn đọng, nhất là những người dân chưa được đền bù thỏa đáng.
Ông Lã Việt Dũng cho BBC biết ông bị chặn từ 6 giờ sáng hôm 9/4 đến tận gần 4 giờ chiều.
"Nhà tôi có hai đường, từ 6-10 người đứng đông ở hai ngõ, tầm 3 giờ rưỡi tôi có việc thì họ chặn xe, họ đưa giấy mời tôi lên phường", ông Dũng nói.
"Họ làm quyết liệt như vậy vì họ sợ người dân, họ không muốn người dân nói lên những vấn đề tiêu cực trong xã hội", ông nói thêm.
*********************
Chính quyền Việt Nam cứng rắn hơn với việc chặn quốc lộ biểu tình (VOA, 10/04/2017)
Một vụ biểu tình chặn quốc lộ gần nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh (ảnh tư liệu, 2/2017)
Tại một cuộc họp của ngành công an hôm 10/4, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm chỉ đạo cấp dưới "kiên quyết" không để xảy ra các vụ "tụ tập đông người, chặn quốc lộ" như đã xảy ra ở miền trung trong thời gian gần đây.
Theo tin được loan trên báo chí nhà nước, cuộc họp do Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì bàn về việc công an phải "bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự từ nay đến dịp 30/4, 1/5 và thời gian tiếp theo".
Trong các năm qua, thỉnh thoảng xảy ra những vụ người dân chặn Quốc lộ 1 để biểu tình khi họ bất bình cao độ về các vấn đề xã hội.
Nhưng các vụ biểu tình như thế này đã diễn ra thường xuyên hơn trong vòng gần 1 năm nay, sau vụ hãng Formosa Đài Loan gây thảm họa môi trường ở miền trung. Hãng này đã nhận trách nhiệm và bồi thường cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla, song người dân bị ảnh hưởng cho là họ chưa được đền bù thỏa đáng.
Tại cuộc họp hôm 10/4, ông Tô Lâm lưu ý rằng gần đây ở các tỉnh miền trung "liên tục" xảy ra một số vụ "giáo dân" biểu tình, chặn đường quốc lộ, hoặc "tụ tập đông người" kéo vào trụ sở chính quyền địa phương. Ông gọi việc làm của họ là "cản trở giao thông", "chống người thi hành công vụ" hoặc "gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng".
Báo chí Việt Nam không cho biết chi tiết nhưng dường như điều Bộ trưởng Tô Lâm đề cập đến là hai vụ cùng xảy ra cách đây một tuần ở Hà Tĩnh.
Hôm 3/4, khoảng 150-200 người đã mang ngư cụ chặn quốc lộ ở Đèo Con, thị xã Kỳ Anh, từ sáng đến tối. Cùng ngày, hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào trụ sở chính quyền huyện Lộc Hà và ở lại đó từ sáng đến chiều. Cả hai vụ đều có nguyên nhân là những bất bình của người dân về thảm họa của Formosa cũng như cách hành xử của chính quyền với dân về vấn đề này.
Thượng tướng Công an Tô Lâm chỉ đạo cấp dưới trong bộ và ở các địa phương phải "ngăn chặn, kiên quyết xử lý kịp thời" không để xảy ra việc tụ tập đông người, chặn quốc lộ, tuần hành gây rối an ninh trật tự như thời gian vừa qua.
Ông Lâm nhấn mạnh việc "kiên quyết xử lý nghiêm" sẽ nhắm đến những người biểu tình vừa qua ở miền trung có hành vi như "tuyên truyền chống nhà nước, xúc phạm quốc kỳ, gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông, chống người thi hành công vụ".
Một ngày trước cuộc họp của Bộ Công an, Công an thị xã Kỳ Anh đã quyết định khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng" đối với vụ dân chặn quốc lộ hôm 3/4. Phía công an thị xã nói họ đang tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ về vi phạm của "một số đối tượng" nhưng không nói cụ thể sẽ "xử lý" bao nhiêu người và danh tính của họ.
Giới hoạt động vì môi trường và tiến bộ xã hội ở Việt Nam cho rằng những diễn biến mới này cho thấy chính quyền đang có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với các hoạt động phản kháng vì môi trường.
Người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh liên tiếp biểu tình đòi bồi thường từ vụ Formosa (2/2017)
Về quyết định khởi tố vụ chặn quốc lộ mới đây, một ngư dân đề nghị giấu tên ở Kỳ Anh nói với VOA là bất đắc dĩ người dân mới phải chặn đường khi những cách thức khác hợp pháp và ôn hòa đã tỏ ra không có hiệu quả :
"Cảm thấy là thảm họa môi trường rồi thì người dân bị thiệt hại trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thì người dân phải đứng ra diễu hành để đòi tiền của Formosa bồi thường cho người dân thiệt hại, để đòi nhà nước mình trả tiền bồi thường thiệt hại đó cho người dân. Nhiều khi nó chậm trễ, nhiều khi nó chưa trả hay cách nào đó, thì người dân cảm thấy không đúng, họ ra đường họ diễu hành thôi. Formosa bồi thường thì nhà nước mình chưa trả, cái trả cái không, thì người dân muốn đòi hỏi thứ nhất là trả lại môi trường trong sạch, thứ hai là tiền Formosa bồi thường thì trả lại cho người dân thôi. Người dân chỉ đòi hỏi từng đó, chẳng ai làm gì trái pháp luật cả".
Với góc nhìn là một luật sư, ông Trần Vũ Hải ở Hà Nội bình luận rằng việc người dân phải tìm đến biện pháp gây xáo trộn trật tự có nguyên nhân là chính quyền địa phương né tránh giải quyết qua đường pháp lý :
"Đây là một sai lầm của chỗ chính quyền, ở chỗ tòa án. Lẽ ra họ phải chấp nhận các biện pháp pháp lý và hòa bình. Họ lại rất là ngại người dân sử dụng các biện pháp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị hay khởi kiện đó. Và đây là một trong nguyên căn của rất nhiều vụ việc mà tôi chứng kiến ở Việt Nam, không chỉ liên quan đến vụ Formosa. Có rất nhiều vụ việc như vậy, thì đây là lỗi của chính quyền. Mà thực tế là hàng ngàn vụ án gọi là ‘gây rối trật tự công cộng’ hay ‘chống người thi hành công vụ’ đều xuất phát từ việc chính quyền họ không giải quyết thỏa đáng, hoặc là chậm trễ và từ chối rất nhiều vụ việc mà người dân đưa đến, làm cho người dân ức chế".
Luật sư Hải gợi ý hướng giải quyết là chính quyền cần phải tiếp nhận các đơn khiếu kiện, trả lời minh bạch về thời gian xử lý đơn, trong trường hợp từ chối hay trả lại đơn phải cho biết lý do đơn chưa đúng, chưa đủ ở những điểm nào, căn cứ vào các luật nào để bác đơn. Ông Hải nói thêm nếu các luật sư được mời tham gia các vụ khiếu kiện, họ cũng phải có cơ hội được phản biện việc chính quyền hay tòa án viện dẫn luật để bác đơn của người dân.