Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/04/2017

Chuyện lạ Việt Nam : Giáo sư giả kiểm tra Giáo sư thật

Tổng hợp

Giáo sư 'rởm' xét duyệt giáo sư thật : Lời người trong cuộc (Đất Việt, 10/04/2017)

Ngành xã hội có những đặc thù riêng. Nếu quy định Giáo sư phải có bài đăng trên tạp chí quốc tế thì có khoảng 50% Giáo sư Việt Nam không đạt tiêu chuẩn.

Ngành khoa học xã hội đặc thù khác

Chất lượng của các hội đồng ngành trong việc xét công nhận Phó Giáo sư, Giáo sư đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Trong một cuộc tọa đàm ngày 5/4, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật bày tỏ thất vọng về bản dự thảo tiêu chuẩn bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư mà Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước vừa công bố.

Theo ông Châu, vấn đề khiến nhiều người băn khoăn hiện nay là Giáo sư của Việt Nam không đạt chuẩn quốc tế, không có kinh nghiêm nghiên cứu và công bố quốc tế lại đi thẩm định cho ứng viên đạt chuẩn quốc tế. Điều này dẫn đến một nghịch lý là Giáo sư “rởm” xét cho ứng viên Giáo sư thật.

gs1

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chí Quế cho rằng tùy từng ngành cụ thể để đưa ra quy định Giáo sư phải có bài đăng trên tạp chí quốc tế

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chí Quế, Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Văn học thừa nhận các tiêu chuẩn Phó Giáo sư, Giáo sư vừa được Bộ Giáo dục Đào tạo công bố đang có nhiều ý kiến tranh luận.

Giáo sư Quế khẳng định, về nguyên tắc, những người giữ chức vụ ủy viên Hội đồng Giáo sư phải đạt chuẩn quốc tế, có bài đăng ở ISI, Scopus thì mới có cơ sở thẩm định hồ sơ của người khác.

“Giáo sư của Việt Nam khác với Giáo sư của Mỹ, không có tiêu chuẩn chung. Chúng ta cứ nói trên lý thuyết rằng Giáo sư phải có bài đăng trên tạp chí quốc tế của Mỹ mới có thể thẩm định được cho người khác. Tuy nhiên phải tùy từng ngành, không phải ngành nào cũng đăng được”, ông Quế nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo vị Giáo sư, ngay cả lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng chỉ có 1 số ngành như toán, vật lý lý thuyết với những khái niệm thống nhất toàn thế giới mới có bài đăng trên ISI, Scopus chứ không phải tất cả đều có.

“Chúng ta phải hiểu rằng, ISI, Scopus là tạp chí của Mỹ, nên có những tài liệu họ đồng ý đăng, có cái không đăng. Tại Việt Nam những ngành đặc thù như Triết học Mác – Lê Nin, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành an ninh, quân sự... bài của họ không bao giờ đăng trên ISI, Scopus”, Giáo sư Quế trải lòng.

50% Giáo sư không đáp ứng tiêu chuẩn

Vị Giáo sư chia sẻ thêm, tạp chí ISI, Scopus cũng có những tiêu chí rất rõ ràng khi một cá nhân, tập thể nào đó muốn đăng bài.

Đầu tiên, bài viết phải có nguồn gốc rõ ràng, viết bằng tiếng Anh và gửi qua cho các tạp chí trên để đánh giá.

Thứ hai, nếu muốn đăng bài thì các cá nhân, tập thể phải gửi tiền để họ đưa đi phản biệt. 1 bài viết thông thường sẽ có 2 người phản biện. Một phản biện như vậy có giá khoảng 2.000 USD và 2 phản biệt hết 4.000 USD. Tất cả những kinh phí đó người viết phải chi trả.

“Trong dự thảo hiện nay Bộ Giáo dục có đưa ra tiêu chí cụ thể cho từng nhóm ngành cụ thể. Với ngành Khoa học tự nhiên thì phấn đấu đến năm 2019 thì có được 2 bài đăng tạp chí quốc tế. Các ngành về công nghệ ứng dụng thì có 1 bài đăng tạp chí ISI, Scopus còn ngành khoa học xã hội chưa đề cập đến.

Tôi ở bên ngành khoa học xã hội nên biết tính phức tạp của nó. Quan điểm của tôi là phải tùy từng ngành đưa ra những quy định đó.

Trong các cuộc họp, nhiều lần tôi đã phát biểu rồi. Nếu như đưa chuẩn đó ra thì có khoảng trên 50% Giáo sư Việt Nam không đạt tiêu chuẩn, phải rút ra khỏi Hội đồng. Tôi không chạnh lòng gì cả. Do đặc thù ngành của chúng tôi như thế nên nhiều Giáo sư không có bài đăng”, ông Quế chia sẻ.

Hoàng Hà

*******************

Chuyện chỉ có ở Việt Nam : Giáo sư "rởm" xét duyệt ứng viên giáo sư "thật" (Tiền Phong, 08/04/2017)

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam vừa đưa ra những nghịch lý về giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam.

gs2

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Châu phát biểu tại hội thảo.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Châu, nghịch lý thứ nhất là : Bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư để lấy danh hay vinh danh một người chứ không phải để người được bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư thực thi nhiệm vụ nghiên cứu giảng dạy. Vì việc bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư không xuất phát từ nhu cầu của Trường ĐH, Viện nghiên cứu.

Thứ hai, Việt Nam có số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư được bổ nhiệm vào loại nhiều ở các nước Châu Á, đặc biệt so với các nước Đông Nam Á, nhưng vẫn không có ĐH nào được xếp hạng top 300 của Châu Á (Theo Higher Education, 2017). Trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, thậm chí Philippines đều có ĐH xếp hạng top 300 Châu Á.

Thứ ba, Giáo sư, Phó Giáo sư ở Việt Nam mang danh cả đời. Các nước trên thế giới, Giáo sư, Phó Giáo sư chỉ là vị trí giảng dạy, nghiên cứu, khi về hưu hoặc chuyển sang việc khác thì thôi chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.

Thứ tư, nhiều người không dạy cũng chẳng nghiên cứu vẫn mang hàm Giáo sư, Phó Giáo sư

Thứ năm, về hưu vẫn đăng ký Giáo sư, Phó Giáo sư – chuyện lạ chỉ có ở Việt Nam.

Thứ sáu, nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư được bổ nhiệm nhưng chỉ 30% có thể đạt chuẩn quốc tế (theo Giáo sư Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước. Thực tế nếu tính chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư quốc tế phải có 50-100 công bố trên tạp chí thuộc danh sách ISI thì còn ít hơn nhiều.

Thứ bảy, nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư nhưng ít sản phẩm khoa học. Ở các nước mỗi năm Giáo sư, Phó Giáo sư thường có trung bình 10 công bố/sáng chế ở Việt Nam trung bình mỗi năm 5-10 Giáo sư/Phó Giáo sư mới có 1 công bố ISI.

Thứ tám, yêu cầu nhiều chuẩn nhưng chất lượng vẫn thấp. Quy định chuẩn xét đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ở Việt Nam vào loại nhiều chuẩn và phức tạp nhất thế giới nhưng mỗi năm xét được 500-600 Giáo sư, Phó Giáo sư mà đa số không đạt chuẩn quốc tế.

Nếu áp đúng tiêu chí Giáo sư, Phó Giáo sư Việt Nam thì Giáo sư Ngô Bảo Châu chắc chắn cũng không đạt chuẩn Giáo sư Việt Nam (vì ông đâu có đủ ít nhất 20 điểm công trình quy đổi, chưa đủ hướng dẫn chính thành công 2 tiến sĩ, chưa có sách, cũng chưa đủ thâm niên và số giờ dạy mỗi thâm niên)

Mặt khác, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Châu cũng cho rằng chỉ ở Việt Nam mới xét Giáo sư, Phó Giáo sư bằng tổng những số vô cảm : Điểm bài báo + Điểm sách + Điểm hướng dẫn nghiên cứu sinh + Số giờ giảng dạy + Thâm niên giảng dạy + Tỷ lệ phiếu yêu/ghét. Tất cả xếp hàng ngang chỉ cần một trong các tiêu chí trên không đủ theo quy định thì không đạt Giáo sư, Phó Giáo sư.

Cùng một bài báo trên một tạp chí nhưng tính điểm khác nhau ở các Hội đồng khác nhau.

Để được xét Giáo sư, Phó Giáo sư các ứng viên phải chuẩn bị 3 bộ hồ sơ xét đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư Đối với các ứng viên có nhiều bài báo công bố, nhiều sách, nhiều đề tài, nhiều hợp đồng giảng dạy, v.v... thì bộ hồ sơ có thể nặng đến 50 kg.

Để được xét Giáo sư, Phó Giáo sư các ứng viên phải vượt qua 3 cấp hội đồng : Hội đồng chức danh Giáo sư cơ sở, Hội đồng chức danh Giáo sư ngành / liên ngành và Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước.

Giáo sư ‘rởm" xét cho ứng viên Giáo sư thật. Giáo sư "rởm" ở đây là giáo sư không đạt chuẩn quốc tế, không có kinh nghiệm nghiên cứu và công bố quốc tế lại đi thẩm định cho ứng viên đạt chuẩn quốc tế.

Nghiêm Huê

Quay lại trang chủ
Read 592 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)