Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/03/2020

Kinh tế Việt Nam sẽ ra sao khi đại dịch Covid-19 chấm dứt ?

RFA tiếng Việt

Doanh nghiệp Việt có thể tồn tại qua dịch Covid-19 ? (RFA, 09/03/2020)

Phòng, chống dịch : ưu tiên hàng đầu !

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, vào ngày 9 tháng 3 nói với RFA về đường hướng phải hi sinh phát triển kinh tế để dập tắt dịch Covid-19.

eco1

Công nhân trong một xưởng dệt may tại Hà Nội AFP

"Đây là giải pháp tốt nhất, vì nếu để dịch bệnh lây lan ra như Trung Quốc, thì không chỉ sản xuất kinh doanh không được, mà còn bị tốn kém chi phí cách li và chi phí về phòng chữa bệnh. Vì thế mà sự tăng trưởng kinh tế có cao hay thấp thì nó không quan trọng lắm bằng việc làm thế nào dập tắt được dịch bệnh với chi phí thấp nhất".

Đồng tình, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, một chuyên gia kinh tế khác mà RFA đã có cuộc phỏng vấn cùng ngày, khẳng định tính mạng con người là trên hết.

"Đây là bệnh dịch rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh mạng. Chính phủ xem tính mạng con người là số một, nên có thể nói sẵn sàng đánh đổi kinh tế để bảo toàn sinh mạng cho con người".

eco2

Tiền hành khử trùng máy bay của Vietnam Airlines sau khi có hành khách xét nghiệm dương tín với Covid-19 - AFP

Ông Long cho biết thêm, dịch bệnh xảy ra làm hao tổn chi phí đến các nguồn lực về mặt tài chính và tất cả các nguồn lực khác để phục vụ cho việc kiểm soát bệnh dịch. Từ đó làm cho sản xuất đình trệ và hệ quả theo nhận định của Ông Ngô Trí Long :

"Mà nếu sản xuất đình trệ thì cùng lúc 2 thiệt là thiệt kép. Mong mỏi của chính phủ là gì ? Là vừa kiểm soát được dịch bệnh và đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế, điều đó hoàn toàn rất khó khăn. Cùng lúc không thể thực hiện được nhiệm vụ kép đó, theo quan điểm cá nhân của tôi. Vì qua quá trình kiểm soát dịch bệnh phải tổn hao người, tiền bạc, của cải, vật chất, tất cả".

Thực tế và cơ hội ?

Báo cáo 2 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho thấy ngành xuất khẩu vẫn tăng trưởng, ước đạt gần 40 tỷ USD, tăng 2.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, ông Thịnh cho rằng phương diện phát triển và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, nhưng không đến mức độ nghiêm trọng.

Dựa trên cơ sở đó, ông Thịnh nhận định rằng nguy hại của dịch Covid-19 lại tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xem xét và định hướng lại chiến dịch kinh doanh của mình, nhất là vào khâu xuất khẩu.

"Đây là hướng các chuyên gia kinh tế mong muốn và khuyến khích, đó là nhập các công nghệ và nguyên liệu từ các nước hiện đại, tiên tiến ; có thể đắt một chút, nhưng nó sản xuất ra các sản phẩm tốt. Dù các nguyên nhiên vật liệu và linh phụ kiện đắt hơn, nhưng mà có thể đáp ứng được sản xuất sản phẩm chất cao, từ đó có thể xuất khẩu vào các nước liên minh Châu Âu và các nước phát triển nói chung. Đồng thời, trên cơ sở đó có thể đẩy mạnh các quan hệ giữa Việt Nam với các nước phát triển".

Trong khi đó ngành du lịch Việt Nam là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Cùng ngày, RFA cũng có buổi phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch hội đồng thành viên thuộc công ty Du Lịch Lửa Việt, tình hình hiện tại của ngành hết sức khó khăn. Sau sự việc của bệnh nhân thứ 17 từ London trở về Hà Nội, đã dẫn đến đảo lộn rất nhiều dự tính của chính phủ Việt Nam.

"Ngay cả công ty du lịch Lửa Việt khi bắt đầu có khách trở lại, chúng tôi bắt đầu chương trình cho ngày 8 tháng 3 về Bến Tre. Nhưng sau khi công bố chính thức có thêm nạn nhân ngày ngày 7 tháng 3, thì số lượng khách hàng đăng ký tham gia chương trình này đã giảm xuống. Chỉ trong 1 ngày, mất khoảng chừng 30% khách. Chúng tôi có chương trình khuyến mãi đăng ký gần 200 khách, thì thông tin này đã kéo xuống của chúng tôi khoảng 40 khách... Đây là tác đông dây chuyền. Cùng một lúc, từ ngày 15 tháng 1 đến ngày 5 tháng 3 chỉ có 16 ca, mà từ ngày 5 tháng 3 đến nay đã từ 16 lên đến 31 ca nhiễm. Hết sức bất ngờ và lúng túng, nên đã tạo thêm hoang mang cho người dân".

Yêu cầu tồn tại !

Khi được hỏi về giải pháp để các doanh nghiệp trong nước có thể vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, ông Mỹ cũng cho biết thêm :

"Trước hết phải tồn tại thì mới đến phát triển được. Thứ nhất, hậu quả của Covid-19 là nó không có biệt lệ và không loại trừ ai cả ; không ai đứng ngoài cuộc cả. Ngay cả các ngành không ai nghĩ sẽ bị ảnh hưởng vì không có tính chất liên quan như giáo dục và quân đội cũng phải vào cuộc. Cho nên để vượt qua, thì phổ biến nhất là các công ty phải cắt giảm biên chế. Thứ 2, thuyết phục nhân viên nghỉ không lương. Thứ 3, giảm lương để được tồn tại".

eco3

Du khách nước ngoài tham quan Hà Nội trong mùa dịch Covid-19 AFP

Riêng trong ngành du lịch, ông Mỹ cho biết công ty Lửa Việt đã tiến hành các tour đi về các vùng nắng gió, nơi mà dịch bệnh theo ông là khó phát triển, như vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

"Những vùng nắng gió, thì điều khí hậu tối kỵ cho phát tán virus Covid-19, thì nhớ đó chúng tôi tìm cách có thêm nguồn thu để duy trì hoạt động, tạo tâm lý không chỉ cho khách hàng họ tin tưởng mà còn từ nhân viên. Cứ ngồi than vãn mà chờ thì càng nguy hại".

Trong lĩnh vực sản xuất, Ông Thịnh cho biết thêm, đã đến lúc Việt Nam dừng việc làm thuê gia công cho các thương hiệu nổi tiếng và các tập đoàn lớn ở nước ngoài. Đến thời điểm này, Việt Nam đã tích lũy các kinh nghiệm và có các hiểu biết nhất định về thị trường và sản phẩm nhất định.

"Dựa trên cơ sở đó, các nhà khoa học và các nhà thiết kế phải là người tiên phong dám nghĩ dám làm, để tự thiết kế mẫu mã của chính mình để không phải mượn các mẫu mã của nước ngoài để làm thuê. Nhờ đó mà có được lợi nhuận cao hơn và chi phí giảm đi... Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết, liên doanh lại để giảm thấp các chi phí về quản lý, tiếp cận thị trường, và chi phí về nghiên cứu để có thể có các thương hiệu riêng của riêng mình. Có những mẫu mã và hình thức riêng, những sản phẩm riêng của người Việt Nam".

Theo hi vọng của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong sự bùng phát dịch Covid-19 này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có được những chuyển biến cả về mặt chất lượng và cũng như cả về các cách thức.

******************

Các doanh nghiệp Việt cần chạy đua để đáp ứng yêu cầu của EVFTA (RFA, 09/03/2020)

Liên Hiệp Châu Âu cho rằng thỏa thuận mậu dịch tự do EVFTA với Việt Nam là một trong những thỏa thuận thương mại tham vọng nhất mà khối này đạt được với một nước đang phát triển. Theo đó, khoảng 99% thuế hàng xuất khẩu của cả hai phía sẽ được cắt giảm.

eco4

Minh họa : công nhân làm việc trong một nhà máy may ở Hà Nội. AFP

Fiber2fashion cho biết EVFTA có thể chính thức bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 7 tới đây.

EVFTA được nhận định sẽ là cơ hội lớn để mở rộng cho các doanh nghiệp Việt Nam và nhiều sản phẩm mà Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU, bao gồm cả hàng dệt may, cà phê và giày dép. Song song đó là những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.

Trao đổi với RFA tối ngày 9/3, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương cho biết bên cạnh những ưu đãi về thuế quan mà EVFTA mang lại, sản phẩm xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối mặt rất nhiều yêu cầu rõ ràng và khắt khe, đặc biệt đối với mặt hàng dệt may :

"Yêu cầu thứ nhất là hàm lượng nội địa của hàng dệt may phải đạt hàm lượng tối thiểu nhất định mới được đánh giá là hàng sản xuất tại Việt Nam, made in Vietnam. Hiện nay hàng dệt may của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều những sản phẩm đầu vào như vải sợi, phụ liệu khác nhập khẩu từ Trung Quốc vì rẻ hơn rất nhiều. Tuy vậy, tình hình dịch cúm covid-19 đã làm cho nhiều nguồn cung ứng bị đứt đoạn nên các doanh nghiệp Việt Nam đang phải tìm các nguồn thay thế từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Bangladesh. Điều này không thể một sớm một chiều có thể làm được.

Điều thứ hai là Hiệp định EVFTA nêu ra rất rõ điều kiện về lao động, công khai minh bạch, trách nhiệm đối với môi trường, bảo vệ môi trường. Vì vậy, tôi nghĩ đấy là cơ hội cũng là những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực đáp ứng các yêu cầu này".

Theo nhiều báo cáo được báo trong nước trích dẫn, ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào máy móc và nguyên liệu nhập khẩu.

Giải thích nguyên nhân vì sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thành phần nước ngoài, ông Nguyễn Đình Trường, Tổng Giám Đốc dệt may Việt Tiến, một công ty thành viên Hiệp Hội Dệt May Việt Nam cho hay :

eco5

Hình minh họa. Đại diện Thương mại của EU Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp của Romanie Stefan Radu Oprea cùng Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh dự lễ ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019 Reuters

"Mỗi một năm trong nước chỉ sản xuất có một tỷ mét vải thôi, còn trong đó là nhập rất nhiều tỷ mét vải nên 60 đến 70%. Báo người ta đưa là chính xác. Vấn đề bây giờ Hiệp Định EVFTA yêu cầu muốn xuất đi EU phải có xuất xứ ở Việt Nam mới được ưu đãi thuế quan. Chúng ta phải độc lập tự chủ bằng nội lực của mình, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp trong nước liên kết với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tạo thị trường vải vóc cho ngành may mặc Việt Nam bớt phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài".

Không bị ảnh hưởng mạnh như ngành dệt may do phía Châu Âu chỉ yêu cầu khoảng trên dưới 40% giá trị xuất sang Châu Âu phải tạo từ Việt Nam, nhưng ngành da giày vẫn vướng phải một số trở ngại nhất định, như lời ông Diệp Thành Kiệt, Chủ tịch Hiệp hội da giày nhận định :

"Thứ nhất là không phải tất cả các dòng sản phẩm mà Việt Nam đang sản xuất sẽ được miễn thuế bằng 0 ngay ở năm đầu mà Châu Âu chia ra nhiều nhóm : nhóm A tức nhóm được hưởng thuế suất bằng 0 ngay khi Hiệp định có hiệu lực, hoặc nhóm nào có mã số B3 sẽ được giảm thuế trong vòng 3 năm và nhóm B7 là giảm thuế trong vòng 7 năm.

Theo thống kê của tổ chức Budrop trong 4-5 năm, chỉ khoảng 43% sản phẩm xuất từ Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0 ngay. Số còn lại phải tiếp tục chờ trong vòng 3 năm hoặc 7 năm mới được đưa về bằng 0.

Khó khăn thứ 2 của chúng ta là nếu chúng ta không đạt được điều kiện về quy chế xuất xứ để hưởng thuế suất bằng 0 thì phải chịu thuế MFN bình quân 12%, trong khi thuế GSP mà chúng ta đang hưởng từ 2014 tới giờ xấp xỉ trên dưới 8%. Như vậy nếu không đáp ứng yêu cầu phải chịu mức thuế cao nhất".

Tuy vậy, ông Diệp Thành Kiệt vẫn lạc quan cho rằng những khó khăn đó sẽ phần nào được giải quyết nếu các doanh nghiệp chịu nghiên cứu xem dòng sản phẩm nào nằm trong nhóm A, B3 hay B7 để từ đó đưa ra đối sách phù hợp. Vẫn theo ông Kiệt, nhìn về mặt sáng, ta sẽ thấy được EVFTA đem lại thuận lợi trong mặt cạnh tranh khá cao :

"Có điều kiện mở rộng thị trường bằng cách lấn các đơn hàng của những nước hiện chưa được hưởng quy chế thương mại tự do như Trung Quốc, Indonesia, hay một số nước khác".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng những bất lợi trước mắt của các ngành công nghiệp khi tham gia EVFTA sẽ nhanh chóng được giải quyết vì chính phủ sẽ hỗ trợ và các doanh nghiệp cũng đang đầu tư thêm để đảm bảo nguồn hàng có xuất xứ từ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của EVFTA.

Bộ Công Thương cho biết các cơ chế và chính sách về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục được xem xét theo các nội dung của EVFTA để tạo điều kiện cho các ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam cũng sẽ được cải thiện nếu Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam được thực hiện tốt, theo lời Tiến sĩ Lê Đăng Doanh :

"Lợi nhuận đối với Việt Nam có thể tăng lên đáng kể nếu Việt Nam tận dụng được các cơ hội. Về lâu về dài có thể giúp Việt Nam tăng khoảng 1-2% GDP nếu tốc độ gia tăng và Việt Nam thực hiện được các cơ hội".

Mạng báo Fiber2fashion dẫn nguồn từ Bộ Công Thương Việt Nam rằng chính sách và cơ chế về phát triển các ngành phụ trợ tại Việt Nam đang được rà soát lại. Tất cả được thực hiện cho phù hợp với nội dung của EVFTA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận mậu dịch tự do này.

Tuy nhiên cải cách tại Việt Nam hiện nay bị nhiều người chỉ ra vẫn chậm chạp chưa bắt kịp được thực tế phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất gặp bao trở ngại và nay còn có dịch bệnh Covid-19 đang gây nên khủng khoảng khắp nơi trên thế giới.

*****************

"Ông trùm" tín dụng đen cả nước bị bắt giữ (RFA, 09/03/2020)

Công an tỉnh Thanh Hóa vào sáng ngày 9/3 thông báo cho biết đã bắt được người bị cho là "ông trùm" tín dụng đen với qui mô hoạt động trên 63 tỉnh thành cả nước.

eco6

Ông Nguyễn Cao Thắng (ảnh nhỏ). Courtesy of Người Lao Động/ RFA Edited

Trước đó, vào ngày 7/3 Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cùng với thành phố Hồ Chí Minh phối hợp bắt giữ ông Nguyễn Cao Thắng, sinh năm 1984. Ông Thắng là chủ tịch hội đồng quản trị công ty tài chính Nam Long được cho là chuyên hoạt động tín dụng đen trên qui mô cả nước.

Theo thông tin được truyền thông trong nước loan đi, ông Nguyễn Cao Thắng cùng với một người khác là Nguyễn Đức Thành (1988) đã thành lập Tập đoàn Tài chính Nam Long và trụ sở tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh nhưng không có đăng ký giấy phép kinh doanh. Hiện công ty Nam Long có 26 chi nhánh tại 23 tỉnh thành nhưng các chi nhánh hoạt động phạm vi cả nước.

Đến tháng 9/2018, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá và đánh sập đường dây "tín dụng đen" này và ra quyết định khởi tố về tội " Cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", đồng thời khởi tố 9 bị can liên quan. Riêng ông Nguyễn Cao Thắng bị khởi tố về tội cho vay nặng lãi nhưng ông Thắng đã bỏ trốn và bị truy nã.

Đến đầu tháng 3/2020 công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ ông Nguyễn Cao Thắng và di lý về Thanh Hóa để phục vụ cho công tác điều tra vụ án.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 511 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)