Việt Nam xác nhận ca Covid-19 thứ 47, Thủ tướng kêu gọi dân làm ‘pháo đài’ chống dịch (VOA, 13/03/2020)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người dân phải là "pháo đài" phòng chống dịch bệnh giữa bối cảnh số ca nhiễm virus corona được xác nhận tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong một tuần qua, lên đến 47 người tính đến tối 13/3.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong số 3 ca nhiễm mới được Bộ Y tế Việt Nam xác nhận vào ngày 13/3, có 2 ca ở Hà Nội (1 người là tiếp viên hàng không trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam, 1 người là giúp việc của bệnh nhân thứ 17) và 1 ca ở Thành phố Hồ Chí Minh (là nam thanh niên có tiếp xúc với bệnh nhân số 34 tại Bình Thuận).
"Pháo đài"
Tại cuộc họp ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lại tuyên bố trước đó của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, nói rằng Việt Nam đã bước vào "giai đoạn 2" của việc phòng chống dịch, sau khi giai đoạn 1 được các lãnh đạo đánh giá là "giành chiến thắng", với toàn bộ 16 ca nhiễm bệnh đều được chữa trị thành công và xuất viện.
"Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, đồng thời cảnh báo thêm rằng nếu chậm trễ, "dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta".
Lời kêu gọi của ông Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra khi Việt Nam chỉ trong vòng một tuần qua đã công bố thêm 31 ca nhiễm bệnh, tăng gần gấp đôi so với 16 ca bệnh được xác nhận trước đó kể từ đầu dịch.
Ca bệnh thứ 17 được xác nhận khi Việt Nam đã bước sang ngày thứ 22 không có ca nhiễm mới và chuẩn bị để công bố "hết dịch".
Nhận định về nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc phòng chống dịch Covid-19, blogger Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội cho rằng giới hữu trách đã "làm hết khả năng" của mình, duy chỉ có một điều là thông tin trong giai đoạn trước khi công bố ca nhiễm thứ 17, theo ông, là "không rõ ràng, minh bạch".
Ông Nguyễn Chí Tuyến giải thích thêm với VOA :
"Cứ đứng mãi ở con số 16. Nhiều người dân nói rằng tình hình dịch bệnh không thể nào cứ đứng mãi thế được. Nhiều người nói thẳng là có những người có thể có rất nhiều khả năng [mắc bệnh], ví dụ có những người đột tử, thậm chí là đột tử giữa đường. Nôm na người ta nói rằng chính phủ vẫn chưa công khai minh bạch, rõ ràng tất cả, đầy đủ cho dân cùng biết".
Thu phí điều trị với người nước ngoài
Cũng trong cuộc họp ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ thu phí điều trị Covid-19 đối với người nước ngoài, sau khi có một số ý kiến trên mạng vào tuần trước tỏ ý lo ngại rằng Việt Nam có thể trở thành "bệnh viện miễn phí" cho dân của những nước giàu nếu như vẫn tiếp tục áp dụng chính sách chữa trị miễn phí cho tất cả những người bị nhiễm dịch bệnh Covid-19.
"Việt Nam không khéo sẽ trở thành vùng trũng của những người ngoại quốc đến trốn bệnh và chữa bệnh không mất tiền", nhà báo Nguyễn Công Khế viết trên trang Facebook cá nhân.
Đề cập đến chính sách này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 13/3 khẳng định người nước ngoài nếu mắc bệnh thì phải trả phí điều trị, nhưng không phải trả chi phí cách ly và xét nghiệm. Trong khi đó, người dân Việt Nam vẫn được hưởng chính sách miễn phí điều trị Covid-19.
"Tôi hoàn toàn đồng ý như thế", blogger Nguyễn Chí Tuyến nói. "Ngay cả các nước như Mỹ, Châu Âu... thì không phải nước nào cũng miễn phí hết cho công dân và người nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam đâu phải là nước giàu có gì, cho nên trong thời gian tới, nhiều khả năng sẽ có rất nhiều bệnh nhân, trong đó có người nước ngoài, nên một số dịch vụ sẽ phải tính tiền".
Tính cho đến ngày 13/3, Việt Nam hiện đang theo dõi, cách ly gần 29.000 người, trong đó có 440 người cách ly tại bệnh viện, hơn 11.500 người cách ly tập trung tại các cơ sở và gần 17.000 người cách ly tại nhà và nơi lưu trú.
*******************
Việt Nam : Số ca nhiễm tiếp tục tăng, một du thuyền bị cấm cập bến Sài Gòn (RFI, 13/03/2020)
Kể từ khi phát hiện ca nhiễm thứ 17 cách nay đúng một tuần, không ngày nào mà Việt Nam không có thêm ca nhiễm mới được phát hiện. Theo số liệu chính thức tính đến trưa ngày 13/03/2020, Việt Nam đã có tổng cộng 45 ca nhiễm virus corona, tăng thêm 29 ca so với con số 16 ca ban đầu tính đến ngày 06/03.
Ảnh minh họa : Một du thuyền thuộc hãng Royal Caribbean International. Michael Coghlan/Flickr
Trong bối cảnh nỗi lo ngại virus lan rộng ngày càng tăng, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã quyết định không cho một du thuyền có hơn 800 người cập bến.
Theo hãng tin Anh Reuters, chiếc du thuyền bị từ chối mang tên Silver Spirit, treo cờ Bahamas, thuộc công ty Royal Carribean Cruises, có một thủy thủ đoàn và nhân viên phục vụ gồm 403 người, chở theo 423 hành khách. Trong đoàn thủy thủ có một số người đến từ Ý.
Theo báo chí trong nước, sau khi có khuyến cáo từ sở Y Tế thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo không cho phép chiếc Silver Spirit vào cảng "nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào thành phố".
Biện pháp dự phòng của thủ phủ kinh tế của Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh ngay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, chính thức chỉ có 4 ca nhiễm Covid 19, trong đó có 3 ca đã được chữa khỏi và xuất viện, và 1 ca đang được chữa trị.
Trên bình diện cả nước, để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, rất nhiều tỉnh thành đã quyết định cho đóng cửa trường học.
Tính đến hôm nay, 13/03, đã có đến 30 tỉnh, thành cho học sinh các cấp nghỉ học cho đến cuối tháng 3 hay cho đến khi có lệnh mới. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh thì cho nghỉ hẳn đến ngày 05/04.
Trọng Nghĩa
****************
Virus corona : Hàng chục du khách bị cách ly ở Việt Nam (RFI, 12/03/2020)
Theo hãng tin AFP hôm nay, 12/03/2020, hàng chục du khách, trong đó có một nhóm 25 du khách Hà Lan, đã bị cách ly ở Việt Nam, do chính phủ thi hành những biện pháp gắt gao hơn nhằm ngăn chận đà lây lan của dịch Covid-19.
Nhân viên khử trùng máy bay của hàng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, ngày 21/02/2020. Reuters/Kham
Hiện không có số liệu chính thức nào được công bố về những du khách ngoại quốc đang bị cách ly ở Việt Nam. Báo chí chính thức có nêu con số hàng chục du khách, trong đó có một số đến từ Hàn Quốc, một trong những quốc gia bị dịch nặng nhất thế giới.
Một nhóm 25 du khách Hà Lan, đi cùng chuyến bay với một người có thể bị lây nhiễm virus corona, hôm Chủ Nhật vừa qua đã bị cách ly trong 14 ngày tại một trường học ở Hội An.
Mười ba du khách gồm người Bỉ, Ireland, Thụy Sĩ và Phần Lan cũng đã bị cách ly tại Hội An. Các du khách Pháp thì bị cách ly trên một đảo ở miền nam Việt Nam.
Tính từ đầu/2, ở Việt Nam, gần 25 000 người đã bị cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Để ngăn chận dịch Covid -19, chính quyền Việt Nam đã tạm đóng nhiều địa điểm du lịch, trong đó có Vịnh Hạ Long nổi tiếng, mỗi năm vẫn tiếp đón hàng triệu du khách. Hà Nội cũng đã tạm ngừng miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân của 7 nước Liên Hiệp Châu Âu (Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Anh), sau khi đã áp dụng biện pháp này với Ý từ cách đây nhiều ngày.
Thanh Phương
*******************
Thành phố Hồ Chí Minh : 99% khách du lịch hủy tour đi miền Trung, miền Bắc (RFA, 13/03/2020)
Báo cáo từ các doanh nghiệp lữ hành gửi sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hầu hết lượng khách liên hệ với các doanh nghiệp này trong tuần qua là để hủy những chương trình du lịch đã đặt trước. Trong đó, những tour đi miền Trung và miền Bắc bị hủy đến 99%.
Khách du lịch đeo khẩu trang vì lo ngại dịch Covid-19 tại Thủ đô Hà Nội ngày 28/2/2020. AFP
Theo nhận định được truyền thông trong nước loan đi dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến khách du lịch hủy tour đồng loạt. Hậu quả doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề và giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lượng khách du lịch Nhật Bản giảm 76%, khách Đức giảm 54% so với tuần trước. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú giảm hơn 58%, kinh doanh hội nghị giảm 60,8%, kinh doanh nhà hàng, tiệc và loại hình khác giảm 60,1%.
Theo thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, lượng khách quốc tế trong/2/2020 đạt 1,1 triệu lượt, giảm 52% so với cùng kỳ. Doanh thu toàn ngành du lịch thành phố trong/2 đạt 8100 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ, giảm 37% so với tháng 1/2020.
Để tránh dịch bệnh lây lan mạnh, nhiều địa điểm du lịch của Việt Nam trong các ngày qua đã ra thông báo tạm đóng cửa, ngừng đón du khách. Tỉnh Ninh Bình vào ngày 12/3 đã có văn bản chính thức tạm ngừng đón khách tham quan. Thời gian mở cửa chưa thông báo, sẽ tuỳ theo diễn biến của dịch và khi điều kiện cơ sở được đảm bảo.
Trước đó, vào ngày 11/3, tỉnh Quảng Ninh cũng quyết định tạm dừng hoạt động du lịch trên địa bàn. Cụ thể, dừng dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, tạm dừng đón khách tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, đảo Cô Tô, Vân Đồn, khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử và các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Thời gian là từ ngày 12/3 đến hết ngày 26/3.
Tại khu vực miền nam, Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Tiền Giang cũng đã thông báo ngừng đón khách du lịch quốc tế từ ngày 12/3.Nhiều khu du lịch tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cũng thông báo đóng cửa vì lượng khách đến tham quan giảm mạnh đến 70-80%.
********************
Cơ hội cho lao động Việt bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong mùa dịch Covid-19 (VOA, 13/03/2020)
Ngay trong cơn bùng phát dịch Covid-19, hàng ngày lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tưởng chừng như bế tắc thì may thay họ tìm thấy một cơ hội tốt để được về nước tránh nạn và còn có thể được nhập cảnh hợp pháp sau này.
Người dân xếp hàng mua khẩu trang ở Seoul.
Vào tháng 12/2019, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ban hành chính sách nhằm khuyến khích người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này quay về đất nước của họ.
Theo đó, lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện khai báo và về nước trong khoảng thời gian từ ngày 11/12/2019 đến hết ngày 30/6 sẽ không bị phạt tiền, được ở lại thêm tối đa 03 tháng.
Với quy định này, người nước ngoài đã cư trú bất hợp pháp và xuất cảnh trong thời gian nêu trên có thể tái nhập cảnh Hàn Quốc với thị thực du lịch ngắn ngày sau từ 03 đến 06 tháng kể từ ngày xuất cảnh.
Riêng đối với người lao động theo visa E-9 đã hết hạn hợp đồng và lưu trú bất hợp pháp nếu khai báo trong thời gian từ 11/12/2019 đến 31/3/2020 ; được ở lại thêm tối thiểu 03 tháng và nếu về nước trong thời gian ở thêm sẽ được hưởng các chính sách ân xá như được cấp visa du lịch C/3 01 lần để tái nhập cảnh.
Bên cạnh đó, nếu về nước trong thời gian này, lao động sẽ được đăng ký dự thi tiếng Hàn để tiếp tục dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS).
Một lao động quê ở Quảng Bình vừa xin xong chế độ tự nguyện về nước, cho VOA biết hôm 4/3 : "Theo tôi nghĩ Hàn Quốc làm như vậy là tốt để những người cư trú bất hợp pháp có thể về nước tránh dịch và sau này có thể quay lại Hàn Quốc".
Anh Nguyễn Đăng Cự, một tình nguyện viên ở Daegu hướng dẫn các lao động bất hợp pháp người Việt làm giấy tờ khai báo.
"Đây chính là chương trình ân xá của Bộ Tư pháp rơi đúng vào dịp có dịch Covid-19, là chính là cơ hội cho anh chị em bất hợp pháp có thể về Việt Nam và quay lại Hàn Quốc theo visa C/3.
"Các anh chị vừa có thể về để tránh dịch mà vừa có thể hợp thức hóa, chuyển từ trạng thái bất hợp pháp sang hợp pháp".
Anh Nguyễn Đặng Cự cho biết thêm :
"Đây là một sự trùng hợp - chính sách này được áp dụng ngay vào giữa đợt dịch Covid-19. Đó là một điều may mắn cho anh chị em bất hợp pháp đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc".
Trên mạng xã hội cũng tranh cãi về chính sách này của Hàn Quốc, cho rằng chính sách ưu đãi áp dụng cho việc tự nguyện khai báo và về nước chính là cơ sở để sau đó Hàn Quốc tiến hành các chiến dịch truy quét quy mô lớn đối với đối với người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp, khiến họ càng hoang mang hơn.
Báo Tuổi Trẻ dẫn số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của Việt Nam cho biết đến cuối năm 2019 số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp lại Hàn Quốc là hơn 12.000 người, chiếm tỷ lệ 31% lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.
Truyền thông Việt Nam trích lời Cục cho biết, từ ngày 11/3 Hàn Quốc sẽ áp dụng chính sách khai báo online đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này tự nguyện về nước.
Cục này khẳng định rằng lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc được khám, điều trị Covid-19 không phân biệt và khi đến khám, điều trị bệnh, người cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc không bị truy cứu trách nhiệm cũng như truy cứu về vấn đề bất hợp pháp.