Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/03/2020

Phong trào đàn áp người thiểu số miền Bắc không giảm trong mùa dịch

RFA tiếng Việt

Hai người H’mong bị kết án tù chung thân vì cáo buộc lật đổ chính quyền (RFA, 19/03/2020)

Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên hôm 18/3 đã tuyên án tù chung thân đối với 2 người H’mong với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 19/3.

danap1

Những bị cáo người H'mong tại Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên hôm 18/3/2020 - Courtesy of TTXVN

Hai người bị kết án là Sùng A Sính (sinh năm 1982) và Lầu A Lềnh (sinh năm 1970). Cả hai người bị cáo buộc chủ mưu, đóng vai trò cầm đầu trong việc lôi kéo những người khác cùng tham gia tổ chức lập nhà nước Mông tại huyện Mường Nhé từ tháng 8/2018 đến /3/2019. Riêng Lầu A Lềnh còn phải chịu án 7 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tổng hợp hình phạt là chung thân.

Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng kết án từ 24 tháng đến 20 năm tù 12 người H’mong khác về tội che giấu tội phạm và hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Theo cáo trạng được báo chí trong nước trích đăng, Lầu A Lềnh đã tham gia tổ chức lập nhà nước Mông, truyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 2010, bị khởi tố nhưng đã bỏ trốn.

Cáo trạng cáo buộc việc đòi lập nhà nước Mông là nhằm mục đích cướp đất, cướp chính quyền tại huyện Mường Nhé, thay thế chính quyền bằng một chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy tổ chức, công an, quân đội, chữ viết… riêng.

Ngoài hai bị cáo bị kết án chung thân, những bị cáo khác bị cáo buộc đã giúp đỡ, cung cấp lương thực cho những người bị bỏ trốn sau khi bị khởi tố, cản trở quá trình điều tra.

Trong những năm qua, chính quyền Việt Nam đã vài lần phải đối phó với những cuộc tập trung, phản đối của người H’mong, trong đó có vụ dẫn đến đổ máu

Vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011, hàng ngàn người H’mong đã tham gia một cuộc biểu tình được coi là lớn nhất từ trước tới nay của người H’mong ở Điện Biên. Chính quyền địa phương đã phải huy động một lực lượng lớn công an, quân đội đến để giải tán. Truyền thông trong nước cáo buộc những người H’mong này biểu tình để đòi lập nhà nước riêng. Một số người H’mong bỏ trốn sang Thái Lan xin tị nạn chính trị sau đó cho Đài Á Châu Tự Do biết họ chỉ đòi có nhà thờ Tin Lành riêng cho người H’mong mà không phải cầu nguyện tại nhà. Người H’mong cũng đòi phải được có chữ viết riêng và Kinh Thánh dịch ra tiếng H’mong.

Những người H’mong trốn thoát sau đó cho biết họ đã bị từng bị bắt giữ và tra tấn dã man sau vụ năm 2011.

********************

3 người của đạo Hà Mòn bị bắt (RFA, 19/03/2020)

Ba người theo đạo Hà Mòn sống lẩn tránh trong rừng sâu nhiều năm qua vừa mới bị Công an Gia Lai bắt giữ.

danap2

3 đối tượng cuối cùng lẩn trốn ngoài rừng theo tà đạo Hà Mòn vừa bị lực lượng Công an bắt giữ - Courtesy of Laodong

Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 19 /3. Theo đó vào sáng 19/3 Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Công an huyện Mang Yang và Bộ Công an đã bắt giữ ba người có tên Jư, Lúp và Kưnh cùng trú tại xã H’ra, thu giữ nhiều tài liệu bị cho là chống phá, tuyên truyền trái pháp luật.

Công an Gia Lai cho biết cả 3 người này theo đạo Hà Mòn và bị bắt khi đang lẩn trốn trong hang sâu thuộc vùng rừng giáp ranh giữa hai xã H’ra và Pơ Lang huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Tin cho rằng, cả 3 sống trong rừng sâu dựng lều săn bắn để sinh sống đồng thời mang theo phương tiện liên lạc để hoạt động lôi kéo, xúi giục người khác tham gia đạo Hà Mòn trong suốt 8 năm nay.

Theo cơ quan điều tra thì từ năm 2012, nhiều người theo tà đạo Hà Mòn tuyên truyền những luận điệu sai lệch trong đời sống như theo đạo này đau không cần uống thuốc, vay tiền không phải trả…Công an Gia Lai đã vào cuộc xử lý những người theo đạo này nhưng 3 người nói trên đã lẩn trốn đến nay mới bị bắt.

Theo thông tin từ Website của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam thì "Hà Mòn" ra đời cũng giống như các hiện tượng tôn giáo mới, tôn giáo lạ ở Việt Nam, ra đời trong bối cảnh đời sống kinh tế, xã hội, tôn giáo khu vực Tây Nguyên có nhiều thay đổi : Hoạt động tôn giáo cởi mở, đời sống người dân còn nghèo và cũng bị xáo trộn, ảnh hưởng bởi một số công trình đang đầu tư xây dựng, phân hóa giầu nghèo ngày càng cao. Khu vực Tây Nguyên là nơi tập trung nhiều tín ngưỡng dân gian ; hoạt động của các phần tử cực đoan, Fulro... là cơ sở quan trọng của sự ra đời và phát triển "hiện tượng Hà Mòn".

Theo chính quyền Việt Nam, "Hà Mòn" ra đời từ đạo Công giáo nhưng lại biến tướng thành một thứ tôn giáo mang màu sắc dị đoan, mê tín thể hiện : người sáng lập, điều hành và đối tượng theo chủ yếu là tín đồ đạo Công giáo ; nội dung tuyên truyền được lấy từ Kinh thánh, giáo lý, giáo luật và những tín điều Công giáo nhưng biên soạn lại với những điều mê tín, lừa mị.

Hoạt động của đạo Hà Mòn bị cho vi phạm pháp luật về tôn giáo, là một tổ chức không được Nhà nước công nhận.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) trong những năm qua đã có một số báo cáo lên án tình trạng đàn áp tự do tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt đối với người Thượng ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành và đạo Công giáo Hà Mòn. HRW cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt những người Thượng theo các tôn giáo này phải bỏ đạo, tổ chức các buổi đấu tố bắt những người theo đạo Hà Mòn phải công khai nhận sai và bỏ tà đạo

Quay lại trang chủ
Read 438 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)