Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thực hư việc Công an Gia Lai nói đã xóa đạo Hà Mòn, chặn việc phục hồi tổ chức phản động

Việc xóa bỏ một "tà đạo" có âm mưu phục hồi hoạt động FULRO, Tin Lành Đề Ga, được Công an tỉnh Gia Lai công bố như một trong số các thành tích nổi bật tại hội nghị tổng kết công tác 2020 và triển khai chương trình công tác 2021.

hamon1

Người Thượng ở Tây Nguyên đang đợi xe của UNHCR khi ra khỏi cánh rừng ở tỉnh Ratanakiri của Campuchia hôm 22/7/2004 - Reuters

Hội nghị diễn ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Kon Tum, nơi đạo Hà Mòn được nghe nói đến lần đầu tiên hồi năm 2013.

Tháng 5/2016, báo Công An của Nhà nước Việt Nam có bài tựa "Sự thật về cái gọi là Đức Mẹ hiện hình tại Hà Mòn hay tà đạo Hà Mòn" ở khu vực Kon Tum, Gia Lai, cáo buộc đây là tổ chức tôn giáo hoạt động trái phép, ảnh hưởng xấu đến nhân dân và gây phức tạp trật tự an ninh địa phương.

Báo đài địa phương khi đó cho rằng một số đối tượng đã bị các thế lực phản động bên ngoài móc nối, chỉ đạo nhằm khôi phục lực lượng FULRO vốn là tổ chức phản động, chuyên phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đi ngược với lợi ích đất nước và dân tộc.

Một người giấu tên thuộc dân tộc R’Ngao nơi xuất phát đạo Hà Mòn, nói với RFA rằng anh ‘may mắn" không bị bắt và cũng không bao giờ dám nhận mình từng tin theo đạo Hà Mòn :

"Nhiều người đã bị bắt rồi, đạo Hà Mòn này là đạo cấm, ai đi theo là bị bắt. Nhiều người trong làng sợ quá chạy trốn vào rừng, nó cũng truy quét, tìm kiếm để bắt đi tù. Theo em đạo Hà Mòn này tốt, không chống phá chính quyền, không phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của nước Việt Nam đâu. Đạo Hà Mòn chỉ thờ Chúa và Đức Mẹ thôi, không chống chính quyền gì hết cả".

Một phụ nữ dân tộc khác giấu tên nói rằng Hà Mòn là đạo hiền, và người dân ở đây rất sợ khi nghe nói đến từ FULRO hay Đề Ga mà họ thực sự không hiểu đó là cái gì và nguy hiểm như thế nào.

Về chi tiết người Hà Mòn cuối cùng đã sa lưới pháp luật như báo Công An đưa tin, người phụ nữ dân tộc này nói nếu báo đài không loan tải thì cũng không ai hay biết gì về chuyện đạo Hà Mòn bị chính quyền xóa sổ. 

RFA đã cố nối kết đường dây viễn liên về công an địa phương huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nhưng lần nào máy cũng phát tín hiệu đường dây bận.

Một người từng ở Sa Thầy, mục sư Aga thuộc nhóm Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, bị cấm đạo nên phải trốn qua Thái Lan và được Hoa Kỳ nhận cho định cư năm 2018, nói về đạo Hà Mòn mà theo ông biết là xuất phát từ một phụ nữ dân tộc R’Ngao tên Ygyin, cư ngụ tại làng Hà Moong, xã Hà Ra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kom Tum. 

"Tức là bà Ygyin thấy Mẹ Maria hiện hình tại nơi bà ở, vì đó bà mới cho dân làng biết. Sau đó họ lập nhóm thờ Mẹ Maria, đặt tên là Công giáo đạo Hà Mòn. Bà Ygyin đã đi rao giảng nhiều nơi ở Kom Tum, sau đó bà đến Gia Lai và Đắc Lắk. Tín đồ của đạo Công giáo Hà Mòn sự thật rất đông đảo".

"Tháng 8/2013 thì chính quyền kết tội bà chỉ có 3 năm tù, những anh em khác có người 8 năm, có người 9 năm, có người 11 năm tù, có người 17 năm tù".

"Chính quyền cho rằng đạo Hà Mòn cấu kết với bọn FULRO lưu vong ở nước ngoài, mục đích là thành lập "Nhà nước Đê Ga tự trị". Thật ra người Công giáo Hà Mòn chỉ tin và thờ phượng Mẹ Maria để được cứu rỗi linh hồn mà thôi".

Vẫn theo nội dung trên mạng VOV Việt Nam ngày 16/5/2016, bà YGyin đã mượn danh tôn giáo, bịa đặt chuyện "Đức Mẹ hiện hình" ở Hà Mòn nhằm tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia tụ tập, cầu nguyện và phản đối việc chính quyền tỉnh Kon Tum di dời đồng bào dân tộc thiểu số về nơi ở mới để tiện cho việc xây đập thủy điện Plei Krông.

Bài báo nói rằng vì không hiểu biết nên nhiều người đã nghe theo mà không chịu dời về khu tái định cư. Họ đã dựng lán, trại ở bờ sông để tụ tập đọc kinh, cầu nguyện.

Trước tình hình đó, VOV nói tiếp, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum phải vạch trần thủ đoạn lừa bịp, sai trái của bà Y Gyin cùng một số đối tượng cầm đầu. 

hamon2

Người Thượng chạy sang lánh nạn tại Campuchia năm 2004. Reuters

Được hỏi người dân tộc theo đạo Hà Mòn có trốn vào rừng rồi vượt biên giới ra khỏi nước, có cấu kết với FULRO để thành lập "Nhà nước Đề Ga tự trị" hay không, mục sư Aga, từng cung cấp thông tin về đạo Hà Mòn cho tổ chức BPSOS ở Hoa Kỳ, nói rằng không chỉ đạo Hà Mòn mà ngay cả Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên của ông cũng bị khép vào tội danh tương tự.

"Chính quyền lại vu cáo là phản động là thành lập nhà nước tự trị này khác. Cái thứ hai là FULRO đâu có còn tồn tại, không còn cái FULRO nào ở đây nữa. Chẳng qua tôn giáo nào không theo ý họ thì họ kiếm đủ mọi thứ để vu cáo. Ngay cả như hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên họ cũng gọi là tà đạo. Không làm theo họ thì họ cho là sai, là xằng bậy, là không đúng".

Về câu hỏi trước giờ có người dân tộc theo đạo Hà Mòn nào chạy sang Thái Lan để tránh bị bắt bớ không, mục sư Aga cho biết :

"Riêng đạo Hà Mòn thì không thấy ai chạy qua Thái Lan. Họ bị đàn áp, bị tra tấn, bị bỏ tù nhưng có điều họ không biết cách phải đi trốn ở đâu cả".

"Cái thứ hai, đạo Hà Mòn tan rã đến ngày hôm nay vì lý do là không có ai có thể giúp đỡ lên tiếng thay cho họ. Vấn đề của Công giáo đạo Hà Mòn hồi đó tôi đã thu thập thông tin nhưng thú thật là chưa đầy đủ chi tiết vì công an ở Đắk Đoa ngăn chặn những anh em của chúng tôi đến xã Hà Ra. Chính vì thế bản báo cáo về đạo Hà Mòn không hoàn thành".

Đạo Hà Mòn, mà báo an ninh Nhà nước gọi là hiện tượng tà đạo Hà Mòn, không manh động chống chính quyền mà thực chất chỉ là phản ứng tự nhiên của người dân tộc thấp cổ bé họng bị mất nơi ở do công trình thủy điện Plei Krông, là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS. Ông là người từng tham gia những buổi điều trần về tự do tôn giáo tại quốc hội Mỹ :

"Đạo Hà Mòn này là nhóm tôn giáo độc lập ở vùng Tây Nguyên. Chính quyền Việt Nam xem đó là tà đạo và tìm mọi cách triệt hạ. Gần đây nhất thì tỉnh Gia Lai khoe rằng họ đã bắt được người cuối cùng theo đạo Hà Mòn"

"Đạo Hà Mòn và chẳng hạn Tin Lành Đê Ga thực sự không dính gì đến FULRO. Đê Ga là một tên khác của Montagnards tức người Thượng Tây Nguyên thôi. Chính quyền Việt Nam, đặc biết là công an, thường chụp cái mũ FULRO cho những nhóm Tin Lành hay Thiên Chúa giáo không nằm dưới sự dẫn dắt của họ".

Sau năm 1975, vẫn lời tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, lực lượng vũ trang FULRO của người dân tộc thiểu số đã không còn hiện hữu :

"FULRO, tức Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh Của Các Sắc Tộc Bị Áp Bức, sau 75 có một nhóm vài trăm người Thượng không chấp nhận đầu hàng và đã vào rừng sống khoảng 20 năm". 

"Cho tới khi có Đội Quân Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc vào Campuchia để chuẩn bị tổng tuyền cử thì họ ra trình diện. Tất cả những người này đều đã đi Mỹ rồi, thành ra không còn phong trào FULRO nữa. Chính phủ Việt Nam cứ vin vào đó để biện minh cho hành động đàn áp người Tây Nguyên, đặc biết người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành".

Năm 2017, Ủy Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, gọi tắt là USCIRF, có vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho quốc hội cũng như hành pháp Mỹ về tình hình tự do tôn giáo các nước trên thế giới, đã phát động một chiến dịch mới có tên Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo, nêu bật những trường hợp đàn áp đức tin hoặc vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tại các nước, qua đó tên Việt Nam được nhắc đến.

Phúc trình thường niên về tự do tôn giáo thế giới của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, kể cả báo cáo của HWR Giám Sát Nhân Quyền, năm nào cũng giữ nguyên Việt Nam ở vị trí một quốc gia tiếp tục chính sách trấn áp đạo giáo và đức tin một cách có hệ thống, nhất là đối với các dân tộc thiểu số miền núi ở trong nước. 

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 22/12/2020

Published in Diễn đàn

Gia Lai : Công an xóa bỏ hoàn toàn đạo Hà Mòn, ngăn chặn phục hồi Tin lành Đê ga của người Tây Nguyên

RFA, 18/12/2020

Công an tỉnh Gia Lai hôm 18/12 cho biết công an đã xóa bỏ hoàn toàn đạo Hà Mòn và ngăn chặn sự phục hồi của Tin lành Đê ga, FULRO của người Tây Nguyên.

taynguyen1

Những người Thượng ở Tây Nguyên theo đạo Hà Mòn nhận lỗi trước người dân buôn làng. Ảnh minh họa

Tin này được công bố trong Hội nghị tổng kết công tác 2020 và triển khai chương trình công tác năm 2021 của công an tỉnh hôm 18/12 ở thành phố Pleiku.

Đạo Hà Mòn và Tin lành Đê ga là những đạo khá phổ biến của người sắc tộc Tây Nguyên theo Thiên Chúa giáo nhưng lại không được chính phủ thừa nhận.

Tổ chức FULRO của người theo đạo Thiên Chúa giáo ở Tây Nguyên là một nhóm du kích có vũ trang thành lập từ năm 1964, được coi là đồng minh của người Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam nhưng đã bị bỏ lại sau khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975.

Theo Chính phủ Việt Nam, đạo Hà Mòn và Tin lành Đê ga là những tà đạo, biến thể từ Thiên Chúa giáo. Khu vực Tây Nguyên là nơi tập trung nhiều tín ngưỡng dân gian ; hoạt động của các phần tử cực đoan, FULRO... là cơ sở quan trọng của sự ra đời và phát triển "hiện tượng Hà Mòn".

Hồi giữa tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh Gia Lai đã bắt giữ 3 người được cho là theo đạo Hà Mòn đang lẩn trốn trong hang sâu thuộc vùng rừng giáp ranh giữa hai xã H’ra và Pơ Lang huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Truyền thông trong nước cho biết công an đã thu giữ từ những người này nhiều tài liệu bí mật bị cho là chống phá, tuyên truyền trái pháp luật.

Trong những năm qua, nhiều người dân theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên đã tìm cách chạy sang các nước láng giềng như Campuchia và Thái Lan xin lánh nạn. Họ cáo buộc chính quyền đã đàn áp họ, bắt họ bỏ đạo.

Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), chính quyền Việt Nam đã bắt những người Thượng theo các tôn giáo này phải bỏ đạo, tổ chức các buổi đấu tố, bắt những người theo đạo Hà Mòn phải công khai nhận sai và bỏ tà đạo.

Trong chương trình tổng kết cuối năm 2020, Công an tỉnh Gia Lai cũng cho biết thành công của công an tỉnh là ngăn chặn tình trạng người vượt biên sang nước khác, đảm bảo an ninh cho địa phương.

********************

Việt Nam thừa khoảng 1,5 triệu nam vào năm 2034

RFA, 18/12/2020

Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 18/12 đưa ra dự báo Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 và sẽ tăng lên tới 2,5 triệu nam giới vào năm 2059.

taynguyen2

Ảnh minh hoạ. Reuters

Truyn thông nhà nước Vit Nam loan tin cùng ngày dn thông tin từ hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 như vừa nêu.

Theo bà Vũ Thị ThuThu, V trưởng Thng kê Dân s và Lao động, tại hội nghị cho biết, trong vòng 30 năm qua mức sinh của Việt Nam đã giảm một nửa, tổng tỷ lệ sinh giảm từ 3,8 con/ phụ nữa vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019.

Bà Thủy còn cho biết, t s gii tính khi sinh năm 2019 là c 100 bé gái thì có 111,5 bé trai và được đánh giá là mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức rất cao. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh theo tự nhiên khoảng 105 bé trai/100 bé gái và năm 2019 cả nước có 45.900 bé gái bị thiếu hụt theo tỷ số này.

Tình trng này phổ biến nhiều ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhất là khu vực nông thôn. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các nhóm có mức sống khác nhau. Ngoài ra, tâm lý ưa thích con trai và nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng, những cặp vợ chồng đã có hai con nhưng chưa có con trai nên khả năng sinh thêm rất cao so với gia đình đã có ít nhất một người con trai.

Tng cc Thng kê cũng d báo, năm 2029 dân số Việt Nam là khoảng 105 triệu người, 2039 lên tới 111 triệu và 117 triệu vào năm 2069. Vào năm 2034 Việt Nam sẽ chấm dứt thời kỳ dân số vàng tồn tại từ năm 2007, khi người trên 65 tuổi chiếm 15% tổng dân số cả nước.

Cũng ti hi ngh, bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) bày tỏ lo ngại dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Năm 2019 cả nước có 11,4 triệu người hơn 60 tuổi chiếm gần 12% tổng dân số. Do đó, bà đề nghị chính phủ Việt Nam cần xây dựng chính sách để cá nhân, cặp vợ chồng có thể tự do lựa chọn về số con, thời gian sinh, khoảng cách giữa các lần sinh thay vì thực hiện chính sách sân số và kế hoạch hóa gia đình như hiện nay.

Published in Việt Nam

Hai người H’mong bị kết án tù chung thân vì cáo buộc lật đổ chính quyền (RFA, 19/03/2020)

Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên hôm 18/3 đã tuyên án tù chung thân đối với 2 người H’mong với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 19/3.

danap1

Những bị cáo người H'mong tại Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên hôm 18/3/2020 - Courtesy of TTXVN

Hai người bị kết án là Sùng A Sính (sinh năm 1982) và Lầu A Lềnh (sinh năm 1970). Cả hai người bị cáo buộc chủ mưu, đóng vai trò cầm đầu trong việc lôi kéo những người khác cùng tham gia tổ chức lập nhà nước Mông tại huyện Mường Nhé từ tháng 8/2018 đến /3/2019. Riêng Lầu A Lềnh còn phải chịu án 7 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tổng hợp hình phạt là chung thân.

Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng kết án từ 24 tháng đến 20 năm tù 12 người H’mong khác về tội che giấu tội phạm và hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Theo cáo trạng được báo chí trong nước trích đăng, Lầu A Lềnh đã tham gia tổ chức lập nhà nước Mông, truyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 2010, bị khởi tố nhưng đã bỏ trốn.

Cáo trạng cáo buộc việc đòi lập nhà nước Mông là nhằm mục đích cướp đất, cướp chính quyền tại huyện Mường Nhé, thay thế chính quyền bằng một chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy tổ chức, công an, quân đội, chữ viết… riêng.

Ngoài hai bị cáo bị kết án chung thân, những bị cáo khác bị cáo buộc đã giúp đỡ, cung cấp lương thực cho những người bị bỏ trốn sau khi bị khởi tố, cản trở quá trình điều tra.

Trong những năm qua, chính quyền Việt Nam đã vài lần phải đối phó với những cuộc tập trung, phản đối của người H’mong, trong đó có vụ dẫn đến đổ máu

Vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011, hàng ngàn người H’mong đã tham gia một cuộc biểu tình được coi là lớn nhất từ trước tới nay của người H’mong ở Điện Biên. Chính quyền địa phương đã phải huy động một lực lượng lớn công an, quân đội đến để giải tán. Truyền thông trong nước cáo buộc những người H’mong này biểu tình để đòi lập nhà nước riêng. Một số người H’mong bỏ trốn sang Thái Lan xin tị nạn chính trị sau đó cho Đài Á Châu Tự Do biết họ chỉ đòi có nhà thờ Tin Lành riêng cho người H’mong mà không phải cầu nguyện tại nhà. Người H’mong cũng đòi phải được có chữ viết riêng và Kinh Thánh dịch ra tiếng H’mong.

Những người H’mong trốn thoát sau đó cho biết họ đã bị từng bị bắt giữ và tra tấn dã man sau vụ năm 2011.

********************

3 người của đạo Hà Mòn bị bắt (RFA, 19/03/2020)

Ba người theo đạo Hà Mòn sống lẩn tránh trong rừng sâu nhiều năm qua vừa mới bị Công an Gia Lai bắt giữ.

danap2

3 đối tượng cuối cùng lẩn trốn ngoài rừng theo tà đạo Hà Mòn vừa bị lực lượng Công an bắt giữ - Courtesy of Laodong

Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 19 /3. Theo đó vào sáng 19/3 Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Công an huyện Mang Yang và Bộ Công an đã bắt giữ ba người có tên Jư, Lúp và Kưnh cùng trú tại xã H’ra, thu giữ nhiều tài liệu bị cho là chống phá, tuyên truyền trái pháp luật.

Công an Gia Lai cho biết cả 3 người này theo đạo Hà Mòn và bị bắt khi đang lẩn trốn trong hang sâu thuộc vùng rừng giáp ranh giữa hai xã H’ra và Pơ Lang huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Tin cho rằng, cả 3 sống trong rừng sâu dựng lều săn bắn để sinh sống đồng thời mang theo phương tiện liên lạc để hoạt động lôi kéo, xúi giục người khác tham gia đạo Hà Mòn trong suốt 8 năm nay.

Theo cơ quan điều tra thì từ năm 2012, nhiều người theo tà đạo Hà Mòn tuyên truyền những luận điệu sai lệch trong đời sống như theo đạo này đau không cần uống thuốc, vay tiền không phải trả…Công an Gia Lai đã vào cuộc xử lý những người theo đạo này nhưng 3 người nói trên đã lẩn trốn đến nay mới bị bắt.

Theo thông tin từ Website của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam thì "Hà Mòn" ra đời cũng giống như các hiện tượng tôn giáo mới, tôn giáo lạ ở Việt Nam, ra đời trong bối cảnh đời sống kinh tế, xã hội, tôn giáo khu vực Tây Nguyên có nhiều thay đổi : Hoạt động tôn giáo cởi mở, đời sống người dân còn nghèo và cũng bị xáo trộn, ảnh hưởng bởi một số công trình đang đầu tư xây dựng, phân hóa giầu nghèo ngày càng cao. Khu vực Tây Nguyên là nơi tập trung nhiều tín ngưỡng dân gian ; hoạt động của các phần tử cực đoan, Fulro... là cơ sở quan trọng của sự ra đời và phát triển "hiện tượng Hà Mòn".

Theo chính quyền Việt Nam, "Hà Mòn" ra đời từ đạo Công giáo nhưng lại biến tướng thành một thứ tôn giáo mang màu sắc dị đoan, mê tín thể hiện : người sáng lập, điều hành và đối tượng theo chủ yếu là tín đồ đạo Công giáo ; nội dung tuyên truyền được lấy từ Kinh thánh, giáo lý, giáo luật và những tín điều Công giáo nhưng biên soạn lại với những điều mê tín, lừa mị.

Hoạt động của đạo Hà Mòn bị cho vi phạm pháp luật về tôn giáo, là một tổ chức không được Nhà nước công nhận.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) trong những năm qua đã có một số báo cáo lên án tình trạng đàn áp tự do tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt đối với người Thượng ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành và đạo Công giáo Hà Mòn. HRW cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt những người Thượng theo các tôn giáo này phải bỏ đạo, tổ chức các buổi đấu tố bắt những người theo đạo Hà Mòn phải công khai nhận sai và bỏ tà đạo

Published in Việt Nam