Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/03/2020

Covid-19 : Việt Nam ra sức ngăn ngừa và phòng chống

Tổng hợp

Virus corona : Việt Nam tiếp tục biện pháp cách ly 4 khu vực (RFI, 23/03/2020)

Số lượng người nhiễm virus corona không ngừng tăng tại Việt Nam những ngày gần đây, với 121 trường hợp, tính đến chiều 23/03/2020. Đa số là người ở nước ngoài nhập cảnh. Tình trạng người nhà tập trung để "tiếp tế" dẫn đến nguy cơ lây chéo. Số ca nhiễm mới dự kiến sẽ còn tăng trong những ngày tới. Hiện có 645 người bị nghi nhiễm virus. Chính phủ Việt Nam tiếp tục tăng cường biện pháp cách ly 4 khu vực. 

chong1

Chiến dịch chống Covid-19 : Phun thuốc khử khuẩn tại nhà một người vừa trở về từ Châu Âu, Hà Nội, ngày 22/03/2020. Reuters- JAMES PEARSON

Báo cáo tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/03, phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam, dự đoán "sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước, nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh". Tình hình đã có nhiều điểm mới, buộc chính phủ tìm kiếm những giải pháp cụ thể phù hợp hơn. Theo phó thủ tướng Vũ Đức Đam, để tránh gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị, ngoài việc tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh, cần phải chú trọng hơn đến biện pháp cách ly, được triển khai thành bốn khu vực tập trung tại doanh trại, cơ sở y tế, đơn vị lưu trú và gia đình.

Trả lời RFI, bác sĩ Trường Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh, giải thích : "Bốn phương án này có từ khá lâu. Trước hết là mình cách ly những người từ vùng dịch về, ngay khi bước xuống sân bay. Nếu lọt lưới sân bay thì sẽ cách ly ở nơi đã đến. Sau đó sẽ cách ly những người đã tiếp xúc với những người đã đến, chia ra làm hai bước khác nhau sau đó.

Thông thường, chúng ta biết nguồn lây nội tại ở Việt Nam là rất thấp, cho nên mình phải tìm nguồn lây từ ở nước ngoài về, mà hiện nay chính là những người đi từ máy bay xuống. Cho nên phải ngăn và cách ly những người đó lại và theo dõi đủ 14 ngày. Nếu một người nào đó, trong 14 ngày này mà xuất hiện triệu chứng và xét nghiệm dương tính thì sẽ tìm thêm những người đi chung máy bay mà đã thoát khỏi lưới ở sân bay, rồi thông báo, tiếp tục tìm những người đó để đi cách ly, rồi thông báo cho những người đã tiếp xúc với những người đó - ở vòng hai. Rồi thông báo cho những người ở vòng hai đó có tiếp xúc với những người ở vòng ba hay không và cứ tiếp tục theo quy trình như vậy để làm sao mà không người nào mang mầm bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam để phát tán và lây lan cho người khác ở Việt Nam.

Thứ hai, nếu một người nào đó lọt vào một khu vực mà mình chưa biết thì mình cũng giới hạn đi lại đối với khu vực đó cho đủ 28 ngày hoặc 14 ngày. Những người trong khu vực đó, nếu có tiếp xúc rất gần với người phát triệu chứng sau khi được phát hiện, thì những người đó cũng phải đi cách ly và làm xét nghiệm.

Chỉ có cách này mới có thể giảm bớt khả năng virus lây lan ra ngoài môi trường, chứ không còn cách nào khác".

Thu Hằng

*****************

Khó khăn trong việc cách ly do Covid-19 ở Việt Nam (RFA, 23/03/2020)

Theo Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, được truyền thông trong nước dẫn lời ngày 23/3, trong số du học sinh Việt Nam của những gia đình có điều kiện từ khu vực Châu Âu trở về, có một số thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Do đó phía cơ quan chức năng phải dùng công an, an ninh cưỡng chế lên xe về các địa điểm cách ly.

chong2

Đoàn xe cổ động phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. AFP

Bộ Tư lệnh thủ đô đề nghị trước mắt không cách ly người Việt Nam tại các khách sạn, trừ người có hộ chiếu công vụ, khách quốc tế và chuyên gia, mà nên cách ly tại các đơn vị quân đội, bệnh viện dã chiến, khu lưu trú, ký túc xá.... Lý do vì không đủ nhân lực hàng ngày đến các khách sạn kiểm tra sức khoẻ, kiểm soát người bị cách ly và đề phòng lây nhiễm chéo.

Đó là những phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt tại cuộc họp trực tuyến phòng chống Covid-19 của Bộ Quốc phòng với các đơn vị trong toàn quân sáng 23/3.

Cũng tại cuộc họp này, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên (Cục trưởng Quân y) cho biết, tại các cơ sở cách ly trong Quân đội vừa qua có hiện tượng gia đình tiếp tế lương thực cho người bên trong. Đồ ăn sau đó được mọi người chia sẻ cho nhau, hoặc tụ tập ăn uống không đúng vị trí quy định. Ngoài tụ tập ăn uống, một số người trong khu cách ly còn tụ tập đánh bài, đánh cờ, tổ chức các hoạt động giải trí, thể dục, thể thao tự phát gây nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao trong cộng đồng cách ly.

*****************

Bộ Y tế cảnh báo không tự dùng thuốc sốt rét để phòng chống Covid-19 (RFA, 23/03/2020)

Một người dân vừa bị nhập viện cấp cứu vì bị ngộ độc thuốc do tự ý uống 10 viên thuốc trị sốt rét Cloroquin Phosphat để phòng dịch Covid-19. Báo trong nước loan tin ngày 23/3.

chong3

Ảnh minh họa : Thuốc chứa chloroquine và hydroxychloroquine. AFP

Tin cho biết, sau khi uống thuốc, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu do có dấu hiệu ngộ độc, mặt đỏ bừng, mắt nhìn mờ, run tay.

Từ đó bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội và được điều trị kịp thời, hiện sức khỏe đã ổn định.

Theo thông tin được truyền thông trong nước loan tải, gần đây giá thuốc điều trị sốt rét chứa chloroquin/hydroxychloroquin tăng cao do người dân tự ý đi mua thuốc khi có thông tin thuốc trên được sử dụng để dự phòng, điều trị Covid-19.

Ngay sau đó, Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế đã gửi công văn hoả tốc đến các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc về việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó giải thích các thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin là thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa hoặc điều trị sốt rét cấp tính, diệt amíp ngoài ruột, điều trị viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, da nhạy cảm với ánh sáng, chưa có chỉ định để điều trị Covid-19 do Bộ Y tế phê duyệt.

Vì vậy, đề nghị người dân không tự ý mua thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng Covid-19 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, thực hiện theo Thông tư 52 của Bộ Y tế, cá nhà thuốc chỉ được bán thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc kê đơn khi người mua có đơn thuốc theo quy định. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Quay lại trang chủ
Read 484 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)