Virus corona : Việt Nam tăng cường kiểm soát "cách ly xã hội" (RFI, 02/04/2020)
Từ hôm 01/04/2020, Việt Nam bắt đầu áp dụng lệnh "cách ly xã hội" toàn quốc nhằm ngăn chận đà lây lan của dịch Covid - 19 và đã tăng cường kiểm soát việc tuân thủ lệnh này, nhất là tại Hà Nội. Cho đến hôm nay, theo thông báo chính thức, Việt Nam có tổng cộng 227 ca lây nhiễm virus corona chủng mới và chưa có ca tử vong nào.
Chốt kiểm soát ở cổng bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nơi được xác định là ổ dịch lớn hiện nay của Việt Nam, ngày 26/03/2020. Reuters - KHAM
Theo tin từ VietnamNet, hôm nay, công an thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông đã lập 30 chốt kiểm tra ở khắp các cửa ngỏ của thủ đô Việt Nam. Tất cả những ai ra vào thành phố trên mọi phương tiện giao thông đều được kiểm tra thân nhiệt, ghi lại thông tin cá nhân, số điện thoại liên lạc, hành trình di chuyển.
Nguy cơ lây lan của dịch Covid-19 tại Hà Nội hiện nay chủ yếu là ở Bệnh viện Bạch Mai. Một trong những ca bệnh mới được công bố hôm nay có liên quan đến bệnh viện này. Tờ VnExpress trích lời chuyên gia y tế Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, báo động là cho đến giờ không thể xác định được đâu là ca nhiễm đầu tiên (bệnh nhân số 0) tại ổ dịch này. Chính vì vậy, nguy cơ lây ra cộng đồng rất cao, vị chuyên gia này khuyến cáo mọi người dân "hãy ở yên tại chỗ", tuyệt đối không đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.
Còn tại Sài Gòn, ổ dịch Covid-19 tại quán bar Buddha, quận 2, vẫn còn gây nhiều quan ngại, cho nên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát thông tin khẩn kêu gọi những người liên quan đến "ổ dịch" này liên hệ ngay với cơ quan y tế.
Còn theo tờ Tuổi Trẻ, từ nay đến hết ngày 03/04, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung đưa người xin ăn, sống lang thang vào các cơ sở xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, trong phiên họp thường kỳ của chính phủ hôm qua, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị một gói hỗ trợ được mô tả là "chưa có tiền lệ", huy động tới 2,6 tỷ đôla, chủ yếu hỗ trợ những người lao động mà thu nhập bị sụt giảm mạnh hoặc mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu, do tác động kinh tế của dịch Covid-19.
Châu Á 24 giờ qua
Dịch virus corona tiếp tục lan rộng tại Châu Á. Trung Quốc, nơi bùng phát ổ dịch đầu tiên, đã có 81.554 người nhiễm bệnh, trong đó có 3.312 ca tử vong. Tuy nhiên, lần đầu tiên Bắc Kinh ghi nhận có hơn 1.300 ca nhiễm Covid-19 nhưng không biểu hiện các triệu chứng như ho và sốt.
Nhật Bản số ca nhiễm bệnh tiếp tục tăng với tổng cộng 2.500 người bị nhiễm và 70 ca tử vong, theo số liệu được Tokyo công bố ngày 02/04/2020. Chính phủ thủ tướng Shinzo Abe cho biết trong thời gian sắp tới sẽ cấp cho mỗi hộ gia đình hai chiếc khẩu trang bằng vải. Thông báo này của thủ tướng Nhật khiến nhiều người dân bất bình, chỉ trích chính phủ lãng phí tiền đóng góp của dân, cũng như là không thực tế. Chính phủ Nhật Bản còn thông báo cấm các du khách đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, nhiều nước Châu Âu và một số quốc gia Đông Nam Á nhập cảnh. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ thứ Sáu 03/04/2020.
Tại Hàn Quốc, tâm dịch lớn thứ hai tại Châu Á, chính quyền Seoul ghi nhận số ca nhiễm mới giảm dần, 89 ca mới trong ngày thứ Tư 01/4. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KCDC), đây là ngày thứ 21 liên tiếp số ca nhiễm mới nằm dưới ngưỡng 100.
Về phía Bắc Triều Tiên, một quan chức Y Tế cao cấp của Bình Nhưỡng tái khẳng định với AFP là nước này không có một ca nhiễm mới nào.
Tại Đông Nam Á, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Singapore cho biết chạm ngưỡng 1.000 người nhiễm bệnh, trong đó có 4 ca tử vong. Chính quyền đảo quốc siết chặt các biện pháp cách ly xã hội. Trong khi đó, ở Philippines, tổng thống Rodrigo Duterte dọa rằng những ai vi phạm lệnh phong tỏa có thể sẽ bị xử bắn.
Thanh Phương
*****************
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng : "cách ly xã hội" không phải "ngăn sông, cấm chợ" (RFA, 02/04/2020)
Trong ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc cách ly toàn xã hội để chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã rào đường, cấm xe, thậm chí đổ đất ra đường ngăn các phương tiện lưu thông.
Tuyến đường liên huyện nối phường Vàng Danh (Thành phố Uông Bí) với xã Bằng Cả (Thành phố Hạ Long) bị đổ đất khiến người dân không thể đi qua. Courtesy of nongnghiep.vn
Ngày 2/4, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã lên tiếng với truyền thông trong nước về việc này và ông cho rằng, một số địa phương đã hiểu và thực hiện sai chỉ đạo của Thủ tướng.
Cụ thể, theo ghi nhận của truyền thông trong nước, trong ngày đầu thực hiện "cách ly toàn xã hội", thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh đã kiểm soát người dân đi lại trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nối Hạ Long và Uông Bí. Tại các tuyến nối xã và phường cũng bị ngăn chặn. Thậm chí chính quyền đã đổ đất thành luỹ ngăn không cho các xe lưu thông qua lại khu vực trên.
Nói về việc này Bộ trưởng Dũng phát biểu "ai cho phép họ được ngăn sông, cấm chợ, ai cho phép hạn chế đi lại". Ông lại phải giải thích thêm trong cuộc gặp với báo chí ngày 2/4 rằng Chính phủ không cấm việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác, tuy nhiên khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà để tránh tụ tập đông người.
Cũng trong sáng 2/4, một đại diện của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng ngay trong hôm nay tỉnh sẽ tháo dỡ các điểm chặn, thu dọn đất đá thay vào đó là lập các chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào để kiểm soát dịch. Đại diện tỉnh Quảng Ninh biện minh thêm rằng việc đổ đất chặn đường là biện pháp phòng dịch cấp bách song cũng được nhiều người dân ủng hộ.
**************
Việt Nam lập chốt kiểm soát dịch Covid-19 các cửa ngõ thành phố lớn (VOA, 02/04/2020)
Hàng chục chốt chặn kiểm tra y tế đã được lập nên tại cửa ngõ ra vào các thành phố lớn ở Việt Nam để kiểm soát việc cách ly toàn xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ mới được ban hành nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.
Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát cách ly xã hội ở các cửa ngõ ra vào Hà Nội. (Ảnh : QUANG THẮNG - chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Sáng 2/4, lực lượng chức năng ở 30 chốt tại cửa ngõ thủ đô Hà Nội đồng loạt kiểm tra y tế tất cả các phương tiện ra vào, gồm đo thân thiệt và ghi lại thông tin cá nhân người tham gia giao thông, theo VietnamNet.
Các chốt kiểm soát trên được công an thành phố phối hợp với thanh tra giao thông và y tế lắp đặt ngay trong đêm 1/4 và rạng sáng 2/4 tại các vị trí xung yếu, cửa ngõ và các nút giao thông trọng điểm, theo ghi nhận của Giáo Dục Thời Đại. Việc kiểm soát này nhằm giám sát việc chấp hành của người dân trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc hạn chế ra đường chung tay phòng dịch Covid-19.
Trong khi đó tại các cửa ngõ ra vào Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng lập 10 chốt kiểm soát để kiểm tra phương tiện, theo Thanh Niên. Các loại hình xe hợp đồng được yêu cầu không ra vào thành phố trong 15 ngày đầu tiên của/4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 31/3 ban hành chỉ thị 16 thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc trong 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4, để kiềm chế sự lây lan của virus corona.
Trước đó hôm 29/3, Bộ Giao thông và vận tải đã gửi công điện hoả tốc tới các địa phương ra lệnh tạm ngừng toàn bộ hoạt động của xe hợp đồng và xe du lịch trên 9 chỗ có điểm đi/đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ 30/3 đến 15/4.
Tháng trước, Đà Nẵng - thành phố có lượng lớn khách du lịch tham quan - đã lập các trạm kiểm tra sức khoẻ khách 24/24h trong ngày tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Theo bản tin của Truyền hình Thông tấn, tại đây lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt và lưu lại hành trình của tất cả du khách khi vào thành phố.
Việt Nam hôm 29/3 đã thông báo tạm ngừng tất cả các chuyến bay từ nước ngoài đến trong 2 tuần nhằm hạn chế người nhập cảnh trong nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19.
Trong một động thái khác của chính phủ Việt Nam nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, Thủ tướng Phúc và nội các của ông đang xem xét đưa ra gói hỗ trợ mà báo điện tử Chính phủ gọi là "chưa có tiền lệ" cho hàng triệu người. Theo dự thảo nghị quyết đang được bàn thảo tại các cuộc họp của Chính phủ trong những ngày qua, những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 gây ra, sẽ được nhận trợ cấp với các mức từ 500.000 đến 1,8 triệu đồng một tháng trong nhiều tháng. Tổng số tiền ước tính ban đầu là gần 30.000 tỷ đồng, theo Thanh Niên.
*******************
Việt Nam ‘song kiếm hợp bích’ chống ‘tin giả’ giữa dịch Covid-19 (VOA, 02/04/2020)
Từ khi xuất hiện xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam từ cuối 1/2020 cho đến nay, chính quyền đã vận dụng Luật An ninh mạng để "đấu tranh", "triệu tập", và phạt tiền hàng trăm người loan tin trên mạng xã hội với lý do bài viết của họ "không đúng sự thật" hay "tin chưa được kiểm chứng".
Nhưng với một nghị định sắp có hiệu lực vào ngày 15/4/2020 sắp tới, Việt Nam sẽ áp dụng mức phạt nặng hơn đối với các hành vi được cho là đăng tin "giả mạo" hay "xuyên tạc" trên không gian mạng chung của cộng đồng.
Trong thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều việc hàng trăm người đưa tin trên mạng xã hội về dịch Covid-19 bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu và phạt tiền như thế.
Hơn 650 người bị xử lý
Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền lên tiếng việc hơn 650 Facebooker tại Việt Nam bị triệu tập và tra khảo về các bài viết của họ về bệnh dịch Covid-19, và hơn 150 người bị phạt tiền tới 15 triệu đồng vì những bài viết bị coi là "không đúng sự thực", trong đó có cả giới văn nghệ sĩ.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Chủ tịch Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, nói với VOA :
"Việc phạt này là một trong những hình thức trừng phạt của chính quyền đối với các Facebooker đưa tin trên mạng xã hội. Việc phạt này cùng với các hình thức khác cho thấy sự lạm dụng quyền lực của công an Việt Nam, vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân".
Ông Daniel Bastard, Giám đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nêu nhận định với VOA hôm 02/04 trong một email :
"Việc quản lý khủng hoảng dịch Covid-19 của Việt Nam cũng giống như cách chính quyền Hà Nội đối phó với các vấn đề khác, vì họ hoàn toàn không quan tâm đến quyền con người nói chung, và về quyền tự do cung cấp tin tức và quyền được thông tin công bằng tại một nơi mà những quyền này bị thiếu sót trầm trọng như thế này".
"Khái niệm về "tin tức sai lệch" hoặc "chưa được xác minh", mà cho rằng "gây ra bất ổn xã hội", quả là quá mơ hồ, và cách diễn đạt này dẫn đến nhiều sự lạm dụng và kiểm duyệt thông tin", ông Bastard nhận định.
Từ khi có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào đầu tháng 2, Bộ Công an đã vận dụng Luật An ninh mạng đầy tranh cãi và thực hiện các biện pháp mà các tổ chức bảo vệ nhân quyền gọi là "hành vi sách nhiễu".
Trong phóng sự có tựa đề "Hàng chục đối tượng đăng tin sai lệch về nCoV bị xử lý cho thấy hiệu quả của Luật An ninh mạng", trên đài truyền hình VTV vào giữa tháng 2, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục Trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, phát biểu :
"Lực lượng công an đã lập danh sách hàng trăm đối tượng, tổ chức triệu tập đấu tranh gần 200 trường hợp và xử lý vi phạm hành chính hàng chục trường hợp".
Truyền thông trong nước dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nói : "Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch".
Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương "đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật" và dọa sẽ xử lý hình sự nếu tái phạm.
Theo quan sát của các tổ chức nhân quyền và truyền thông quốc tế, sau các buổi làm việc với cơ quan chức năng, những người đăng tin không được chính quyền hài lòng, bị buộc phải gỡ bài viết và phải đăng tin xin lỗi trên trang Facebook cá nhân của mình.
Hôm 02/04/2020, trong bài viết "Việt Nam cấm đăng tin giả trên mạng về Covid-19 và bất kỳ vấn đề khác" trên trang The Register, tác giả Robbie Harb nhận định :
"Việt Nam sẽ phạt người đăng tin sai lệch trên mạng xã hội trong nỗ lực trấn áp việc loan tin sai lệch nói chung và cả thông tin không đúng sự thật về Covid-19".
Trang này dẫn một ví dụ mới nhất về trường hợp một tài xế xe ôm 20 tuổi bị phạt 10 triệu đồng vì viết bài trên Facebook nói rằng thành phố Hồ Chí Minh sắp bị "phong tỏa 14 ngày" kể từ ngày 28/03.
Trang này cũng nói rằng vào tuần trước Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu các thành phố lớn sẵn sàng chuẩn bị cho một tình huống như vậy, nhưng vẫn chưa thiết lập lệnh phong tỏa.
Ông Vũ Quốc Ngữ nêu nhận định :
"Các Facebooker đưa tin trên mạng xã hội được coi là tin tức chưa được kiểm chứng, bị sai sót chính một phần là do chính quyền Việt Nam thiếu minh bạch về Covid-19, có sự che giấu thông tin".
Theo báo Tuổi trẻ, hôm 30/03, một người phụ nữ ở huyện Anh Sơn, Nghệ An đăng tải thông tin "chợ đóng hết rồi" để... bán cá trên mạng xã hội nhưng đã bị công an huyện triệu tập và xử lý vì chính quyền cho rằng thông tin của người bán cá này đã "khiến nhiều người hoang mang".
Trang này cho biết trong thời gia qua các lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đã xử phạt 51 trường hợp, trong đó có 42 người đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội về Covid-19 … với tổng mức xử phạt hơn 500 triệu đồng.
Ngày 19/3, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã ra quyết định xử phạt một chủ tài khoản Facebook 12,5 triệu đồng khi đăng tin chữa khỏi Covid-19 bằng tỏi "mà không được kiểm chứng từ cơ quan Y tế".
"Công an Việt Nam ngày càng lộng quyền, đàn áp tiếng nói tự do trên mạng xã hội về nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt về đại dịch Covid-19", trang Vietnam Human Rights Defenders viết.
"Đây là cách làm tiền trắng trợn của Công an Việt Nam đồng thời đe doạ những người khác trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội", trang này nhận định.
Phạt nặng từ ngày 15/04
Ngày 3/2/202, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4, được giới chức và truyền thông Việt Nam đánh giá là "có quy định rõ hơn, mạnh mẽ hơn và phạt nặng hơn" so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây.
Nghị định này khi được kết hợp với Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ 13 tháng qua được kỳ vọng sẽ "song kiếm hợp bích" chống những hành vi xấu xí, có hại trên không gian mạng chung của cộng đồng, theo trang Người Lao động.
Điều 101 của Nghị định áp dụng mức phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi "Lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân..".
Ngoài ra sẽ phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi "Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác".
Không chỉ phải đối mặt với các mức phạt vi phạm hành chính theo các nghị định, người lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận ở mức độ nặng có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự với mức án từ 6 tháng tới 7 năm tù.
Sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh Mạng vào tháng 6/2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ sự thất vọng : "Chúng tôi thất vọng về việc thông qua Luật An ninh mạng mới của Việt Nam, trong đó càng thu hẹp tự do biểu đạt trên không gian mạng".
****************
Việt Nam cảnh báo mất dấu các ca lây nhiễm (RFA, 02/04/2020)
Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3 chống dịch Covid-19 với nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao. Cơ sở làm bằng chứng cho điều này là vào thời gian qua đã có rất nhiều trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Hình minh hoạ. Nhân viên bệnh viện Bạch Mai đợi xét nghiệm Covid-19 tại một trung tâm xét nghiệm ở Hà Nội hôm 31/3/2020 - Reuters
Đó là cảnh báo của Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đưa ra trong ngày 2/4 tại Hà Nội.
Theo vị Phó Giáo sư Tiến sĩ này thì trong thời gian vừa qua, Việt Nam chủ yếu ngăn chặn các ca nhiễm Covid-19 từ nước ngoài về. Đầu tiên từ Trung Quốc, sau đến các nước gồm Hàn Quốc, Iran, Ý, rồi toàn Châu Âu và cuối cùng từ mọi quốc gia khác.
Theo ông Trần Đắc Phu, trước đây những ca lây ra cộng đồng còn xác định được ca nhiễm đầu tiên gọi là F0, như trường hợp bệnh nhân số 17 ở Trúc Bạch- Hà Nội ; hay bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận. Tuy vậy, đến ổ dịch tại Bar Buddha ở Sài Gòn hoặc Bệnh Viện Bạch Mai ở Hà Nội, không thể xác định được đâu là ca nhiễm đầu tiên F0.
Vị Phó Giáo sư Tiến sĩ này còn nhận định còn có nhiều chỗ khác ở Việt Nam cũng có thể xảy ra tương tự.
Trên cơ sở đó, ông Trần Đắc Phu nhắc lại kêu gọi từng được nhiều lãnh đạo Việt Nam đưa ra gần đây là mọi người dân hãy ở yên tại chỗ. Lý do theo ông Phu vì những ổ dịch không tìm được bệnh nhân số 0, nguy cơ lây ra cộng đồng rất cao.
Bộ Y Tế Việt Nam trong ngày 2/4 cho biết đã có 75 trường hợp nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã được chữa khỏi. Ba trong 4 bệnh nhân nặng có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với virus gây bệnh Covid-19. Tính đến chiều ngày 2 tháng tư, cả nước ghi nhận tổng cộng có 222 ca nhiễm SARS-CoV-2.