Cơ quan chức năng tiếp tục khống chế mọi thông tin và hoạt động liên quan cái chết cụ Lê Đình Kình (RFA, 17/04/2020)
Vài ngày trước ngày giỗ 100 ngày mất của cụ Lê Đình Kình, chính quyền địa phương đã điều động công an cơ động đến khu vực nhà bà Dư Thị Thành, vơ cụ Kình, để canh giữ.
Tranh phát họa cụ Lê Đình Kình. Gofundme Đồng Tâm
Bà Thành cho RFA biết hôm ngày 17 tháng 4 :
"Từ ngày 15 tháng 4 đến giờ, công an người ta đến canh nhà tôi suốt cho đến ngày hôm nay là ngày giỗ 100 ngày của ông, thì người ta đến làm việc với dân là sau này có ai hỏi gì và không được nói gì. Người canh thì họ cứ ngồi ngoài đấy thôi ; có người đến thì họ gọi lên văn phòng. Còn những người (canh) thì họ cứ ngồi đấy thôi".
Hiện tại, liên quan đến vụ án Đồng Tâm, có tổng cộng 28 người đang bị giam giữ, trong số đó, bà Thành lo lắng nhất là anh Lê Đình Chức vì tình trạng sức khỏe rất nghiêm trọng sau khi bị đánh vỡ đầu vào ngày 9 tháng 1 :
"Chúng tôi có làm đơn để xin cho cháu Chức đưa đi ra để chữa bệnh nhưng người ta vẫn chưa đáp ứng ; Chức bị đánh vỡ đầu (trong vụ 9/1) bây giờ liệt hết nửa người rồi. Bây giờ làm đơn xin cho ra nhưng người ta không chấp thuận".
Bà Thành cho biết thêm, thông tin về tình trạng của tất cả 28 người đang bị giam giữ hiện gia đình vẫn không được cho biết :
"Mình không được biết, không được cho vào và làm gì hết. Họ như biệt tăm, không biết".
Bà Dư Thị Thành trong đám tang cụ Lê Đình Kình. FB
Cùng ngày, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho hay đã hơn một tháng qua, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra hướng giải quyết sau khi đơn tố giác của gia đình cụ Kình và cụ Thành được gửi đến Viện Kiểm soát Tối cao, yêu cầu điều tra hành vi của hàng trăm cảnh sát cơ động tấn công và giết cụ Kình tại phòng ngủ. Ngoài ra, thông tin về 28 người bị bắt giam vẫn không được làm rõ :
"Qua thông tin của gia đình cụ Dư Thị Thành cho biết thì các luật sư của anh Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy và Lê Đình Doanh cũng có tham dự cung với các anh một lần. Trong khoảng 1 tháng nay do dịch bệnh Covid-19, nên bên cảnh sát điều tra họ cũng không tiến hành hỏi cung nên các luật sư vẫn chưa đến lần thứ hai".
Về vấn đề này, luật sư Ngô Anh Tuấn, luật sư đại diện và bào chữa cho ông Lê Đình Quang, một trong những người dân Đồng Tâm bị công an bắt giữ, cho biết hiện tại những người bị bắt đang tại trại giam số 2 tại Thanh Trì, Hà Nội. Theo luật sư Tuấn, tính đến nay ông cùng các luật sư bào chữa khác đã đến lấy cung một lần, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát hơn một tháng nay, cơ quan chức năng không có tiến hành lấy cung :
"Việc này trúng vào đợt dịch, nên chúng tôi cũng chưa gắt gao về việc ý kiến, nhưng sắp tới chúng tôi sẽ có ý kiến về vấn đề này, có nghĩa là yêu cầu họ phải trả lời cụ thể, chứ không phải nói sơ là ông chết vì lý do này, bắn vì phản động…, nếu chết người thì phải có lý do và có thông tin rõ ràng, nên chúng tôi sẽ yêu cầu làm rõ điều này. Hiện tại, chưa có bất cứ thông tin nào từ phía cơ quan công an, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội thi vẫn chưa. Viện Kiểm soát Cấp cao cũng đã truyền đơn xuống thành phố rồi, hiện tại họ vẫn chưa trả lời".
Theo ông Tuấn, trong lần đi lấy cung đầu tiên ông không được cho biết là có tình trạng bức cung, tra tấn xảy ra trong trại giam :
"Trước đây, việc có bức cung hay không thì thực tế trong thời gian này thì không ai nói ; không ai biết những vết thương mà họ bị đánh. Nếu có chụp lại thì có thể xảy ra trước giai đoạn bị tạm giam, cho nên trong thời gian trong trại tạm giam, thì mặc dù không độc lập với các ngành khác, nhưng họ quản lý tương đối tốt".
Tuy nhiên, anh Trịnh Bá Phương cho biết những khi tìm hiểu qua cụ Dư Thị Thành và những nhân chứng khác, tình trạng tra tấn các tù nhân bị giam là có xảy ra :
"Theo tôi được biết, ngay sao vù đàn áp hôm 9 tháng 1, sau khi cảnh sát cơ động giết cụ Kình và bắt hơn 20 người đó thì rất nhiều người đã bị đánh đập rất tàn bạo. Cụ Dư Thị Thành trước khi về cũng chứng kiến con trai cụ là Lê Đình Công đã bị đánh rất dã man. Ông Bùi Đức Hiếu cũng bị đánh rất tàn bào, phải truyền nước. Rất nhiều dấu hiệu của sự tra tấn và bức cung. Rất nhiều nhân chứng và cụ Dư Thị Thành đã cho biết như vậy".
Bà Thành cho biết đến thời điểm này, thư tố giác cho vụ cụ Kình bị giết trong phòng ngủ vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào hồi đáp. Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, thời hạn cho các cơ quan chức năng đưa ra kết luận cho đơn tố giác tội phạm là từ 2-4 tháng :
"Trong thời hạn đơn tố giác tội phạm, họ phải phân loại trong vòng 2 tháng họ phải trả lời. Nếu họ nói họ không có cơ sở thì họ cũng phải trả lời bằng văn bản trong vòng 2 tháng được đưa ra. Sua 2 tháng đó còn gia hạn thêm 2 tháng nữa là 4 tháng thì họ phải ra kết luận. Tối đa là 4 tháng họ phải ra kết luận thông báo về việc xử lý đơn, thư của mình. Nếu không có trả lời trong vòng 2 tháng thì các luật sư đại diện các nạn nhân sẽ có đơn thư ý kiến khiếu nại đối với các cơ quan có liên quan".
Hiện tại, bà Dư Thị Thành vẫn tiếp tục làm đám giỗ 100 ngày cho cụ Kình, nhưng chỉ bao gồm các thành viên trong gia đình do vẫn đang bị chính quyền canh giữ chặt chẽ.
Anh Trịnh Bá Phương cho biết chính quyền vẫn tiếp tục cử lực lượng công an đến canh nhà anh và nhiều nhà hoạt động khác quan tâm đến vụ án Đồng Tâm :
"Tôi nghĩ là có thể cũng trong dịp 100 ngày cụ Kình mất, công an đến để quấy nhiễu và khống chế gia đình để ngăn chặn mọi người có thể làm theo phong tục truyền thống, 100 ngày có thắp hương lên cụ Kình. Chắc là phía công an họ cũng sợ nên họ mới tổ chức canh giữ nhiều người đến vậy".
Anh Lã Việt Dũng cũng cho biết, trong thời gian này những nhà hoạt động như anh chỉ có thể lên tiếng, chứ chưa thể đi đến được Đồng Tâm để chia sẻ cùng gia đình :
"Bởi vì hiện tại đến bây giờ và chắc chắn là ngày mai nữa về việc công an họ đến canh từng nhà những người hoạt động về vụ Đồng Tâm. Họ canh suốt, nên chắc chắn họ sẽ không thể nào có thể động viên trực tiếp một sự chia sẻ, hay cúng viến và tham dự đám giỗ được".
Cũng theo anh Dũng, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra, nên việc đến thăm cũng là điều khó khăn cho nhiều người. Ngoài ra, anh Dũng cho rằng chính quyền có thể căn cứ vào việc ngăn chặn dịch bệnh và giãn cách xã hội để có lý do bắt người một cách trái phép.
**********************
Xiết chặt thông tin,Covid-19 : Giới nhân quyền lo ngại nghị định mới của Việt Nam về tin giả (RFI, 16/04/2020)
Hôm 15/04/2020, một nghị định mới bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam để xử phạt những người tung tin giả trong bối cảnh trên mạng có rất nhiều tin đồn, thông tin sai lạc về dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và đã lây nhiễm 268 người ở Việt Nam tính đến hôm nay.
Ảnh minh họa. Người dân ghi hình một sự kiện tại Hà Nội hôm 26/02/2019. © Reuters/Kim Kyung-Hoon
Nghị định mới quy định mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với những tổ chức nào có hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống". Đối với cá nhân vi phạm, mức xử phạt bằng phân nửa số tiền nói trên.
Từ nhiều ngày qua, các chính quyền địa phương đã phạt tiền hàng trăm người tung lên mạng các "fake news" (tin giả) về virus corona chủng mới. Nghị định mới thay thế cho nghị định 2003, nêu cụ thể hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật".
Thật ra nghị định mới không phải là được ban hành nhằm đối phó với các tin giả trên mạng về dịch Covid-19, cho nên theo hãng tin Reuters, văn bản này gây lo ngại cho các tổ chức nhân quyền, vốn đã chỉ trích mạnh mẽ luật an ninh có hiệu lực từ năm ngoái ở Việt Nam.
Nghị định mới cũng quy định xử phạt những người nào chia sẻ trên mạng những bài viết bị cấm phổ biến ở Việt Nam, tiết lộ bí mật Nhà nước hoặc đăng các bản đồ không ghi rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Reuters trích lời bà Tanya O’Carroll, giám đốc Amnesty Tech của tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng nghị định này "cung cấp một vũ khí mới cho chính quyền Việt Nam trong việc trấn áp trên mạng"... Theo bà, nghi định có những điều khoản vi phạm hiển nhiên các nghĩa vụ của Việt Nam đối với quốc tế về nhân quyền.
Về việc đối phó với dịch Covid-19, theo báo chí trong nước, hôm qua, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội đến 22/04, thậm chí có thể đến 30/04, tại một số địa phương "có nguy cơ cao", trong đó có Hà Nội và Sài Gòn.
Thanh Phương
*****************
Việt Nam ra hình phạt cho việc phát tán ‘tin giả’ và ‘bí mật nhà nước’ (VOA, 16/04/2020)
Một nghị định mới nhằm xử phạt việc phát tán "tin giả" hoặc tin đồn "gây hoang mang dư luận" trên mạng xã hội vừa có hiệu lực ở Việt Nam hôm 15/4 giữa lúc những bình luận về đại dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh trên mạng ở quốc gia Đông Nam Á này.
Người dân đeo khẩu trang đi qua một áp phích cảnh cáo về việc phát tán "tin giả" trên mạng về virus corona ở Hà Nội hôm 14/4. Một nghị định mới vừa được đưa ra để xử phạt những người vi phạm điều này.
Kể từ khi dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra bùng phát ở Việt Nam hồi cuối tháng 1, chính quyền đã xử phạt hàng trăm người vì đưa thông tin mà họ cho là "tin giả" – một thuật ngữ trở nên nổi tiếng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng để chỉ trích các tin tức mà ông nói là bịa đặt trên truyền thông Mỹ – về loại virus đang làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng trên toàn thế giới. Tuy nhiên nghị định mới này, được soạn thảo vào tháng 2 vừa qua, thay thế một nghị định ban hành năm 2013, trong đó không có quy định về xử phạt "tin giả".
Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực, có hiệu lực từ ngày 15/4, đã cụ thể hoá và "ưu tiên" một mục để quy định các hành vi vi phạm thông tin trên mạng, theo truyền thông trong nước, theo Thanh Niên.
Theo Điều 101 của nghị định mới, hành vi cung cấp thông tin "sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" sẽ bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng. Mức phạt tương tự sẽ được áp dụng cho hành vi cung cấp và chia sẻ thông tin "bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…"
Việc tiết lộ thông tin mà chính quyền cho là "bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự" có thể bị phạt đến 30 triệu đồng, theo nghị định được Thanh Niên trích dẫn.
Các mức phạt này còn áp dụng cho những ai dùng mạng xã hội để "cung cấp, chia sẽ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia" hay "chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm", theo trích dẫn của Tuổi Trẻ.
Nghị định này không chỉ nhắm tới việc đối phó với những thông tin và bình luận trên mạng xã hội về đại dịch Covid-19 ở Việt Nam nên nó đang gây ra những quan ngại cho các nhóm đấu tranh cho nhân quyền mà trước đây thường lên tiếng chỉ trích luật an ninh mạng của Việt Nam, được áp dụng từ đầu năm ngoái.
"Nghị định này lại cho các giới chức Việt Nam thêm một vũ khí để đàn áp trên mạng", Giám đốc về Công nghệ của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) Tanya O’Carroll, nói với Reuters. "Nó bao gồm nhiều điều khoản vi phạm trắng trợn nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam".
Mark Little, CEO và nhà sáng lập công ty công nghệ Kinzen và phóng viên của TRE News ở Ireland, cho rằng những bộ luật như vậy không bảo vệ xã hội khỏi những thông tin sai sự thật. Ông viết trên trang Twitter cá nhân rằng đây là một sự tấn công vào "những tin giả" mà chúng ta gọi là một nền báo chí tự do.
Ngoài việc ngăn chặn thông tin "sai sự thật" về virus corona, chính quyền Việt Nam vào tháng trước đã phát động một chiến dịch tuyên truyền bằng hình ảnh trên các áp phích với khẩu hiệu "Tin giả gánh hậu quả thật".
Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền gần đây đã lên tiếng việc hơn 650 Facebooker tại Việt Nam bị triệu tập và tra khảo về các bài viết của họ về bệnh dịch Covid-19, và hơn 150 người bị phạt tiền tới 15 triệu đồng vì những bài viết bị coi là "không đúng sự thực", trong đó có cả giới văn nghệ sĩ.
*********************
Dịp 100 ngày Cụ Lê Đình Kình bị giết, an ninh lại canh nhà những người công khai phản biện ! (RFA, 16/04/2020)
Minh họa : Cảnh sát cơ động tại vùng Đồng Tâm.FB
Anh Lã Việt Dũng vào ngày 16/4 xác nhận với RFA tình trạng nhà anh đang bị an ninh canh chừng :
"Về lý do bị canh nhà là vì một, hai hôm nữa sẽ là ngày giỗ của cụ Lê Đình Kình và họ đã canh nhà phần lớn các anh em (nhà hoạt động) ở Hà Nội, trong đó có cả nhà mình. Lúc dịch bệnh thế này họ vẫn bắt 3-4 người ngồi trước ngõ.
Nói chung, mình nghĩ (việc ngăn, chặn) là quy trình từ trên xuống dưới của họ rồi, đặc biệt là ở Hà Nội và Sài Gòn. Khi mà có sự kiện nào đó mà họ cho rằng là nhạy cảm, chứ không cần phải là sự kiện có khả năng chống phá nhà nước gì cả, thì họ sẽ xua quân đi canh những người mà họ không lường trước được rằng những nhà hoạt động này sẽ làm gì, nên họ sẽ đi canh thôi".
Theo những người quan tâm thì dịp 100 ngày cụ Lê Đình Kình mất được nhận định là ‘nhạy cảm’, vì chính một số người vừa qua vào dịp 49 ngày mất của Cụ Lê Đình Kình phải khó khăn lắm mới đến thắp hương được cho người đã mất.
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng. AFP
Anh Trịnh Bá Phương, vào ngày 16 tháng 4, nhắc lại việc chính quyền địa phương tổ chức và điều động công an đến canh nhà những người có tiếng nói đấu tranh như anh là nhằm mục đích ngăn chặn, răn đe vì phía chính quyền sợ sự thật có thể qui tụ được số đông người.
Anh Phương cho biết, sau vụ việc gia đình bị cưỡng chế đất ở Dương Nội vào năm 2014, công an đã thường xuyên đến canh nhà anh :
"Trong vài năm qua, thường xuyên công an đến canh nhà tôi. Có những lúc họ đem một vài người đến canh ; lúc tôi có việc phải đi ra ngoài bằng xe máy thì họ chặn đầu xe tôi và bắt tôi về đồn công an. Những lần tôi đi taxi, họ cũng chặn đầu xe taxi, đi vào ngồi bên trong và và ép (tài xế) taxi chở thẳng về đồn công an".
Anh Dũng cho hay, việc bị canh, chặn cho anh cảm giác rất khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của anh :
"Thứ nhất là cảm giác bị canh rất khó chịu. Khi ngồi trong nhà cứ có cảm giác là đi đâu cũng sẽ bị cản trở. Thậm chí là khi mình đi chơi thể thao cùng bạn bè xung quanh. Mình vào sân tennis chẳng hạn, thì họ ngồi canh ở ngoài. Bạn bè mình thì không hiểu tại sao mình bị canh suốt, thì nhiều khi nó cũng gây cảm giác rất khó chịu với mình".
Đồng tình, anh Trịnh Bá Phương cũng cho biết việc bị canh nhà, theo dõi ngày đêm tại nhà anh đã ảnh hưởng đến anh và gia đình rất nhiều :
"Việc mà họ canh giữ như thế khiến cho những người dân làng, hàng xóm xung quanh tôi hoang mang. Tôi thấy nhiều người nói với tôi rằng là họ bị phiền, chẳng hạn như đêm hôm mà công an tập trung rất đông, hàng xóm họ không ngủ được. Qua việc công an anh giữ tôi như thế thì trong mắt của một số người dân, họ lại nghĩ tôi là đối tượng phản động và từ đó họ có cái nhìn suy nghĩ khác về tôi. Vợ tôi cũng đang mang bầu và con nhỏ cũng phản ứng rằng họ bị ảnh hưởng tâm lý".
Theo quan sát của anh Trịnh Bá Phương, trong vài năm gần đây, quy mô cho việc canh, chặn của công an địa phương đã trở nên lớn hơn ; không chỉ canh, chặn một hộ gia đình hay một người, chính quyền còn điều động canh, chặn số đông lên đến hàng trăm người với mục đích ngăn không cho dân biểu tình :
"Thứ nhất, họ ngăn chặn được rất nhiều cuộc biểu tình mà dự kiến sẽ nổ ra, hoặc những lời kiêu gọi chuẩn bị biểu tình vào ngày, giờ nào đó hầu hết đều bị họ phá tan thành công bằng việc canh, chặn, bởi vì tất cả những nhân tố mà có thể đứng đầu huy động số đông có thể cùng người dân tổ chức các cuộc biểu tình đều bị ngăn, chặn tại nhà rồi. Chính vì vậy mà hầu hết các cuộc biểu tình dự kiến liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền đều đã bị dập tắt".
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương. FB
Anh Phương cho rằng, do số người lên tiếng phản biện chính quyền ngày càng đông, nên việc bắt giam hết là điều không thể. Vì vậy, bộ máy công an nghĩ đến việc canh, chặn tại nhà là hình thức quản thúc, cầm tù người dân. Tuy nhiên, anh Phương cho rằng việc canh, chặn nhà dân của chính quyền vẫn không thể ngăn được cuộc đấu tranh của người dân :
"Hình thức canh, chặn tại nhà, hay những hình thức mà các chế độ độc tài sử dụng như giam tù, thì cũng không thể ngăn cản được cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền cũng như quyền lợi chính đáng của người dân trng tương lai. Đây chỉ là hình thức đối phó và cố kéo dài thêm chế độ cai trị của nhà nước Công sản Việt Nam".
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, bất cứ chính quyền nào cũng có bộ phận nghiên cứu, phân tích và đưa ra lý lẽ lập luận cho những chính sách để kiểm soát tình hình địa phương :
"Trong số hàng trăm người, hàng ngàn người như thế, chính quyền sẽ lọc ra vài chục người, những người mà họ nghĩ sẽ nguy hiểm cho vị thế của họ và họ canh và đàn áp. Tôi nghĩ rằng nếu họ nghĩ lại cẩn thận thì họ không nên làm những chuyện (ngăn, chặn) lố bịch như vậy".
Anh Trịnh Bá Phương cho rằng một chế độ hà khắc, bạo lực và tàn bạo sẽ không tồn tại lâu dài :
"Chế độ có sự hà khắc, bạo lực hoặc có bộ máy công an tàn bạo, khát máu không thể duy trì được chế độ và lịch sử đã chứng mình được điều đó. Một chế độ có thể bảo đảm quyền dân chủ, nhân quyền mới có được sự ủng hộ của người dân và chế độ đó mới có thể tồn tại mãi mãi được".
Có người thường xuyên bị canh chặn như bà Đặng Bích Phương cho biết bản thân bà lúc đầu thấy khó chịu, nhưng dần rồi quen và bà trực tiếp nói chuyện với những người được cử đến làm nhiệm vụ.
Một số trong họ thú nhận chẳng thích thú gì, nhưng vì ‘miếng cơm,manh áo’ nên phải chấp nhận làm công việc canh chặn, rình rập quanh nhà người khác như thế !
********************
Lý do trì hoãn sửa đổi luật đất đai thiếu thuyết phục ! (RFA, 16/04/2020)
Lùi thời gian nghiên cứu sửa đổi luật
Tại cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, diễn ra vào ngày 16/4, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay Chính phủ đưa ra đề nghị chưa nghiên cứu Luật Đất đai sửa đổi trong năm 2020. Lý do vì nội dung của dự luật này còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn.
Hình minh họa. Cảnh sát cơ động trong vụ Đồng Tâm hôm 9/1/2020 và cụ Lê Đình Kình (hình phải) bị lực lượng chức năng bắn chết. RFA Edited
Thêm vào đó, ông Bộ trưởng Lê Thành Long còn cho biết sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai. Do đó, Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên-Môi trường tiếp tục phân tích, đánh giá Luật Đất đai để định hướng, sửa đổi, bổ sung toàn diện cho luật này sau Đại hội Đảng XIII.
Bộ Tài nguyên-Môi trường được Chính phủ yêu cầu trong năm 2020 tập trung sửa 7 nội dung lớn của Luật Đất đai bao gồm chính sách thuế đất đai ; chính sách thu hồi đất ; chính sách đất trồng lúa và an ninh lương thực ; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ; quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp ; chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo ; đất có yếu tố nước ngoài.
Báo giới quốc nội, trong cùng ngày 16/4 cho biết đề nghị chưa nghiên cứu Luật Đất đai sửa đổi trong năm 2020 của Chính phủ được Ủy ban Kinh tế tán thành. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế ủng hộ Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội sau khi có Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII.
Vào tối ngày 16/4, cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông lên tiếng với RFA rằng theo quan điểm của ông thì đề nghị này của Chính phủ là phù hợp. Ông Lê Văn Cuông lý giải :
"Nhu cầu cuộc sống thì đòi hỏi phải khẩn trương ban hành để ổn định xã hội và để giải quyết bức xúc của người dân. Thế nhưng, sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng để trình Quốc hội có khi chưa đáp ứng kịp thời. Nếu như đưa ra Quốc hội để bàn luận hoặc thông qua mà chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thì bị trở lại luật ban hành cần phải chỉnh sửa nữa, làm cho tuổi thọ của luật không được tốt. Cho nên các cơ quan chức năng căn cứ vào sự chuẩn bị thì cũng có thể báo cáo với Quốc hội để lùi lại. Mặc dù đấy là nguyện vọng chính đáng của người dân, nhưng mà các cơ quan chức năng chuẩn bị chưa chu đáo thì vấn đề này cần phải có sự thông cảm và tiếp tục xúc tiến để nhanh chóng được Quốc hội thông qua".
Phản đối đề nghị của Chính phủ
Đài RFA ghi nhận, tại cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng có ý kiến của Đại biểu Quốc hội không tán đồng đề nghị lùi thời gian nghiên cứu Luật Đất đai sửa đổi. Điển hình, báo giới dẫn lời của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh, tỉnh Hòa Bình, đề nghị Chính phủ cần quyết tâm nghiên cứu nội dung trong năm 2020 với nhấn mạnh đây là luật cơ bản để sử dụng nguồn lực và nếu không sửa thì e rằng khó thực hiện những luật khác liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đối tác công tư (PPP) do vướng mắc Luật Đất đai.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vào tối ngày 16/4 khẳng định với RFA rằng :
"Tôi nghĩ rằng Luật Đất đai phải sửa một cách căn bản. Đây là một đòi hỏi rất bức xúc của người dân Việt Nam suốt nhiều chục năm qua. Nếu người ta lờ đi hoặc rút đi vì bất kể một lý do gì thì đấy là điều rất đáng lo ngại".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhắc lại Luật Đất đai hiện hành gây ra rất nhiều hệ lụy về kinh tế-xã hội trong hàng chục năm qua ở khắp nơi tại Việt Nam và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn qua các vụ tranh chấp đất đai gây chấn động dư luận trong và ngoài nước như ở Văn Giang, Dương Nội, Đắk Nông, Lộc Hưng, Thủ Thiêm…và mới nhất là vụ Đồng Tâm xảy ra hồi tháng 1 năm 2020, dẫn đến sự phẫn nộ tột cùng trong công luận cho rằng Chính quyền Việt Nam đã gây ra tội ác với dân chúng tại Đồng Tâm.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A quả quyết rằng Nhà nước Việt Nam càng kéo dài thời gian sửa đổi Luật Đất đai bao nhiêu thì càng cho thấy bản chất thật sự của Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo bấy nhiêu trong vấn đề đất đai.
"Mua đất của nhân dân là phải mua theo giá của thị trường. Không để cho chuyện doanh nghiệp dùng bàn tay của chính quyền thu hồi đất một cách rẻ mạt của người dân, rồi để cho các đại gia làm giàu. Trớ trêu là chính Đảng cộng sản Việt Nam là một tổ chức luôn to mồm nói rằng phấn đấu cho sự công bằng xã hội, nhưng thực sự là họ tiếp tay cho sự tích tụ tư bản một cách man rợ, lấy của những người nghèo để cho những người giàu".
Ba nông dân (từ trái qua) Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường tại phiên tòa sơ thẩm ở Đắk Nông ngày 03/01/2018. Tòa án tuyên lần lượt các bản án tử hình, 20 năm tù giam và 12 năm tù giam đối với ba nông dân này. Courtesy : zing.vn
Chúng tôi đề cập với Tiến sĩ Nguyễn Quang A về một trong những nguyên nhân mà Chính phủ Việt Nam đề nghị rút khỏi Chương trình năm 2020 dự Luật Đất đai sửa đổi là do lo ngại có khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động khiếu kiện gia tăng, gây ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội vì trùng với thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp. Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định thêm liên quan viện dẫn này của Chính phủ Việt Nam :
"Tất cả những gì mà họ không muốn làm thì họ đổ cho rằng thế lực thù địch lợi dụng gây bất ổn. Họ là thế lực thù địch lớn nhất của chính họ".
Đài RFA cũng liên lạc với một số người dân ở Thủ Thiêm và được họ chia sẻ rằng Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm kéo dài 2 thập niên qua mà các dân oan ở đây vẫn oằn mình tuân thủ pháp luật trong việc đi khiếu nại, khiếu kiện từ địa phương đến Trung ương thì không có lý cớ nào mà "chụp mũ" dân chúng Thủ Thiêm nói riêng, hay dân oan khắp Việt Nam bị lợi dụng hay bị kích động khiếu kiện. Ông Cao Thăng Ca, một nạn nhân trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhấn mạnh :
"Đó là lý do nực cười. Nói như vậy để lợi dụng chụp mũ, trù dập những người tố cáo, phản ảnh sai phạm của cán bộ".
Ông Cao Thăng Ca còn bày tỏ thêm rằng đối với người dân Thủ Thiêm, nếu như Luật Đất đai không bị lùi thời gian nghiên cứu sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi vẫn tồn tại quy định "sở hữu toàn dân" thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.
"Nếu họ thực hiện đúng Luật Đất đai từ trước đến giờ mà họ đã ban hành và có hiệu lực thì người dân cũng đã mừng rồi. Tuy nhiên, Luật Đất đai Nhà nước ban hành đã tụt hậu và không đáp ứng lại sự mong muốn của người dân mà người ta vẫn không thực hiện được. Còn bây giờ sửa luật mới thì vẫn không thực hiện thành ra chúng tôi chả hy vọng gì nhiều. Tại vì Luật Đất đai quy định là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Nếu Luật Đất đai tiếp tục còn quy định đó thì người dân vẫn không có quyền hạn gì trong sở hữu đất đai hết".
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thuộc nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý cho người dân vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế đất đai nhà cửa hồi đầu tháng 1 năm 2019, từng đưa ra nhận định với RFA rằng Luật Đất đai vẫn còn tồn tại quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý thì đất nước Việt Nam tiếp tục sẽ là "một cường quốc dân oan".
Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định với RFA rằng Việt Nam không bỏ quy định sở hữu đất đai toàn dân trong Luật Đất đai thì không thể ổn định xã hội và phát triển kinh tế bền vững được.