Công bố của Ngân hàng thế giới sáng thứ Năm 13 tháng 4 cho biết GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong các năm 2017-2019 nhờ vào sức cầu và những hoạt động xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đến thăm nhà máy Knauf Gips KG tại Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 2016. AFP photo
Theo Ngân hàng thế giới thì năm nay tăng trưởng của Việt Nam sẽ là 6,3% và tăng lên 6,4% trong hai năm tiếp theo. Dự báo về lạm pháp trong giai đoạn này chỉ tăng ở mức 4% mỗi năm.
Tuy nhiên các chuyên gia Ngân hàng thế giới cũng đề cập những rủi ro của Việt Nam vẫn có thể xảy ra trong khoảng thời gian này, do chậm trễ trong việc triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Về ảnh hưởng ngoại vi, rủi ro có thể đến từ sự biến động của kinh tế thế giới tác động đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam qua các kênh thương mại và đầu tư.
Cũng trong ngày 13 tháng tư, bức tranh về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam không mấy tốt đẹp được trưng dẫn tại buổi Công bố chỉ số phát triển doanh nghiệp của Cục Thống kê.
Trong buổi công bố, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê bày tỏ lo lắng về năng suất của doanh nghiệp trong nước thấp hơn cả các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Vấn đề được ông Thúy nêu rõ là tình trạng doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh về quy mô và vốn nhưng thực tế lại thấp về hiệu quả. Theo ông, hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn cả nước láng giềng là Thái Lan và Indonesia.
Dẫn chứng rõ thêm, ông Thúy cho biết tổng số doanh nghiệp cả nước tính đến cuối năm 2016 tăng 8% so với năm 2015, bao gồm 3 thành phần là tư nhân, nước ngoài và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về hiệu quả kinh tế, ông Thúy cho biết trong giai đoạn 15 năm, từ 2000 – 2015, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng thấp hơn so với mức tăng của vốn và doanh thu. Cụ thể là bình quân mỗi năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp chỉ tăng 19%, trong đó, 10 năm đầu là 24,1%. Năm năm sau chỉ tăng 7,5%.
Điều này dẫn đến chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước cũng sụt giảm.
Lý do được Ông Phạm Đình Thúy dẫn giải là do quy mô doanh nghiệp Việt nam nhỏ và lạc hậu về kỹ thuật. thêm vào đó giai đoan 2010 – 2015 là giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới.
Đề cập đến quí 1 của năm nay, ông Thúy cho biết tình hình vẫn không tốt đẹp hơn, khi số doanh nghiệp mới tăng kỷ lục (111.000 doanh nghiệp) nhưng số hoạt động có doanh thu chỉ chiếm 41%.
*****************
Hai bị cáo công an kêu oan trước tòa (RFA, 13/04/2017)
Hai bị cáo Phạm Xuân Bình (trái) và Huỳnh Ngọc Tòng trước tòa. Courtesy of nguoilaodong
Nguyên Thiếu tá Công an Huỳnh Ngọc Tòng và nguyên cán bộ điều tra Phạm Xuân Bình, từng làm việc trong Đội điều tra thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, kêu oan vì bị buộc tội "Dùng nhục hình" gây ra cái chết cho một nghi phạm hồi trung tuần tháng 11 năm 2012.
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh vào hôm 13 tháng 4 trả hồ sơ vì cho rằng tòa sơ thẩm kết tội hai bị cáo Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình là thiếu căn cứ và yêu cầu điều tra lại.
Theo cáo trạng, hai cựu viên chức vừa nêu vào tối ngày 16 tháng 11 năm 2012 lần lượt làm việc với nghi phạm Nguyễn Tuấn Thanh, 30 tuổi, để điều tra và lấy lời khai liên quan nhóm chuyên trộm cắp xe máy.
Tuy nhiên đến trưa hôm sau, nghi phạm Nguyễn Tuấn Thanh được phát hiện đầu gục xuống bàn, miệng trào nước dãi, trên người có nhiều vết bầm đen và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Tại phiên tòa diễn ra vào hôm thứ Năm, bị cáo Huỳnh Ngọc Tòng kêu oan vì cho rằng chỉ làm việc với nghi phạm ở giai đoạn sau nên không biết gì về cái chết của nạn nhân. Còn bị cáo Phạm Xuân Bình lên tiếng đã bị ép cung nhận tội "Dùng nhục hình" trong khi không tiếp xúc trực tiếp lên cơ thể của nạn nhân mà chỉ lấy lời khai và lập biên bản.
Đại diện Công an thành phố Cao Lãnh tham gia phiên tòa khẳng định hai bị cáo đã làm đúng quy định và cái chết của nạn nhân là do tai nạn nghề nghiệp.
Tình trạng người dân chết trong đồn công an tại Việt Nam vẫn thường xuyên xảy ra. Và một trong những vụ án điển hình là trường hợp nạn nhân Ngô Thanh Kiều, ở Phú Yên bị 5 công an dùng nhục hình khiến nạn nhân tử vong chết.