Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/05/2020

Nạn gian lận thi cử và gian lận điểm thi lan tràn ở miền núi

RFA tồng hợp

Không cải tổ giáo dục, nạn gian lận thi cử vẫn tiếp tục xảy ra ở Việt Nam (RFA, 21/05/2020)

Các mức án mà Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình tuyên đối với 15 cán bộ từng công tác trong ngành giáo dục và công an ở tỉnh này trong vụ án là từ 21 tháng đến 10 năm tù.

gianlan1

Các học sinh trong kỳ thi tuyển sinh tại Đại học Bách khoa Hà Nội. AFP

Về các mức án này, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Văn hóa học trường Đại học Kiến trúc Đã Nẵng, có nhận định :

"Tôi nghĩ rằng vấn đề không phải là hình phạt như thế nào, mà vấn đề là phải minh bạch và vấn đề là người dân người ta phải có ý kiến, tham gia vào quá trình đó ; người ta phải giám sát, kiểm tra, cũng như là phản ánh lại những điều tòa án thực hiện, các mức án đưa ra trong giáo dục. Tôi nghĩ là nếu làm đúng cái đó, thì các mức án sẽ thực thi hiệu quả và nó có tác dụng răn đe, ngăn ngừa tất cả những ai có ý định vi phạm diễn ra trong khuôn khổ coi thi, chấm thi, cũng như là gian lận trong kỳ thi cử".

Theo thạc sĩ Đinh Gia Hưng, mặc dù trong các Điều luật của Việt Nam đã có những khung quy định, mức phạt đối với các trường hợp vi phạm về gian lận thi cử, nhưng người dân ít biết đến các thông tin cụ thể về điều này :

"Nhưng thường người dân họ ít được thông tin, họ không biết được cái điều như vậy, thành ra khi những vụ việc xảy ra, người ta cũng không biết tòa án xử như thế nào, mức độ ghiêm minh tới đâu và người ta làm có đúng theo quy định pháp luật hay không".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, trình bày các mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được qui định tại Nghị định 138 :

"Mức phạt cho hành vi mang tài liệu, thông tin không được phép vào phòng thi và khu vực chấm thi, sẽ phạt từ 1/2 triệu VNĐ ; hoặc là cái hành vi làm bài thi hộ, trợ giúp thí sinh làm bài sẽ bị phạt từ 2/3 triệu VNĐ ; hành vi thi thay hay đi thi kèm với người khác, thì phạt từ 3/5 triệu VNĐ ; hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi, hoặc sửa điểm bài thi sẽ phạt hành chính từ 5/7 triệu VNĐ ; hành vi đánh tráo bài thi sẽ phạt từ 7/10 triệu VNĐ và 8/10 triệu VNĐ cho hành vi tổ chức thi sai quy định".

gianlan2

Sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội tại lớp học trong mùa Covid-19. AFP

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, hành vi viết thêm, sửa đổi nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi có thể bị phạt hành chính từ 20/25 triệu đồng. Nếu tính chất và mức độ bị xem xét là có ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Liên quan đến vụ án ở tỉnh Hòa Bình, luật sư Hậu đánh giá đây là vụ gian lận thi cử lớn nhất bị phát hiện từ trước đến nay và đã làm niềm tin của người dân về ngành giáo dục bị giảm sút :

"Đây là hành vi sai phạm nghiêm trọng, nó gây ảnh hưởng đến cả bộ máy giáo dục, cũng như ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước để rà soát, kiểm tra kết quả chấm thi. Hành vi sửa điểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 của Bộ luật Hình sự hiện nay. Người phạm tội, theo quy định của điều này, có thể bị phạt tù đến 20 năm và thấp nhất là 12 tháng tùy theo tính chất, mức độ".

Luật sư Hậu cho rằng những mức phạt nêu trên là nghiêm khắc, được xem là một lời cảnh báo đối với những người có hành vi vi phạm trong thi cử chỉ vì nể nang bạn bè, người thân vì theo ông, đó là những lời giải trình không thuyết phục của các bị cáo.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định rằng khi một xã hội đã bị hỏng, mọi cách xây dựng về kỹ thuật để loại trừ gian dối chỉ dừng ở một ngưỡng nào đó và người điều hành phải hình dung, đặt mình vào tình huống xử lý khủng hoảng. Ngoài ra, khi các cấp bị truy cứu trách nhiệm và đưa ra tòa, theo tiến sĩ Hoàng Dũng, chỉ là thuộc cấp thừa hành :

"Thế nhưng mà ta thấy là các cấp đưa ra tòa là cấp thấp, chỉ riêng người nào bị truy tố thôi, chứ chưa nói đến mức án, đã thấy rằng là nhiều người thoát tội. Những người đóng vai trò chủ chốt chưa được đưa ra tòa, thành ra tính nghiêm nó cũng vừa phải".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng những hi vọng có thể thay đổi hoàn toàn nền giáo dục ở Việt Nam trong một sớm, một chiều để trở thành cái gì đó trong sạch là một ảo tưởng :

"Giáo dục không thể là một áp đảo riêng được ; xã hội có cái gì, giáo dục có cái ấy ; nó có thể tầm cấp không lớn, kinh khủng như trong các ngành trực tiếp đến kinh tế, ngành trực tiếp đến quyền lực, nhưng mà nó không phải nói là áp đảo được".

Tiến sĩ Hoàng Dũng cũng cho rằng những công tác được thực hiện trong ngành giáo dục Việt Nam để tránh các hành vi gian lận thi cử cũng đã được tiến hành trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc gian lận vẫn tiếp tục xảy ra :

"Ở Việt Nam, người ra đề thi cũng không biết chắc cái đề của mình có được chọn không, mà họ bị đưa vào nơi cách ly, điện thoại tịch thu, xung quanh là có công an gác. Tôi đã từng đi làm mấy cái đề thi chỉ để tuyển cao học thôi, chứ không phải tuyển đại học, vì đại học căng thẳng hơn rất nhiều, thế mà cũng phải như vậy. Đến khi học trò thi xong thì tôi mới được về. Thế mà người ta vẫn có thể gian lận được".

Thạc sĩ Đinh Gia Hưng nhận định, để Việt Nam có thể thực hiện công việc thi cử tốt hơn thì bản thân việc học phải biểu thị tương ứng - học để làm gì, học phát triển kỹ năng nào, kiến thức nào và việc thi cử cần phải phản ánh những yếu tố, phẩm chất tương xứng :

"Chẳng hạn như là việc học để phát triển tư duy, chứ không phải học theo sự áp đặt, hay bắt học sinh phải nhớ, tái hiện lại ; những cách học như vậy thì ra đề tương ứng, có nghĩa là những đề phải kích thích tư duy mở, các tư duy tổng hợp, sáng tạo của học sinh. Tôi nghĩ là nếu giáo dục Việt Nam theo kiểu giáo dục khai phóng, cởi mở, tạo sự thoải mái cho tư duy học sinh thì khi mà ra đề, chọn đề thì nó có bản chất ấy - bản chất thực thi bản năng của học sinh, chứ không phải là bắt nhớ hết, tái hiện lại những cái cũ".

Theo thạc sĩ Đinh Gia Hưng, cải tổ căn cơ nhất là suy nghĩ trong vấn đề giáo dục phải thay đổi ; các hình thức, nội dung giảng dạy, cũng như các phương pháp, mục tiêu phải vương đến việc tạo ra những công dân trưởng thành, có phẩm chất về tư duy, trí thức. Đồng thời, nền giáo dục Việt Nam cần chú tâm vào việc phát triển sáng tạo cũng như nhân phẩm của học sinh. Từ đó, quy định cho việc ra đề thi, coi thi và thi cử trở thành một hoạt động mang tính giáo dục nhân bản và sâu sắc hơn.

******************

Hòa Bình tuyên án 15 người liên quan gian lận điểm thi tốt nghiệp 2018 (RFA, 21/05/2020)

Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình vào ngày 21/5 đã tuyên án đối với 15 bị cáo liên quan đến vụ gian lận nâng điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình.

gianlan3

Phiên tòa ngày 21/5/2020. Nguồn : Báo Nhân dân

Báo trong nước trích kết quả phiên tòa sau sáu ngày xét xử, bốn ngày nghị án và loan tin cùng ngày.

Tin cho biết, 13 trong 15 bị cáo bị tuyên án về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm : Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, 8 năm tù ; Khương Ngọc Chất, nguyên Trưởng phòng, Bí thư Chi bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình, 6 năm tù ; Nguyễn Khắc Tuấn, nguyên Chuyên viên Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình, 5 năm tù ; Diệp Thị Hồng Liên, nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí Sở Giáo dục và đào tạo, 3 năm tù ; Nguyễn Thị Thu Loan, nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân, Thành phố Hòa Bình, 2 năm tù ; Nguyễn Thị Hồng Chung, nguyên Giáo viên Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Thành phố Hòa Bình, 21 tháng tù ; Đào Ngọc Thuật, nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Mường Bi, huyện Tân Lạc, 30 tháng tù.

Trong đó, có 6 người hưởng án treo gồm Bùi Thanh Trà, nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Lương Sơn, huyện Lương Sơn : 18 tháng tù treo, trả tự do bị cáo tại phiên tòa, thử thách 36 tháng, giao cho địa phương nơi cư trú giám sát, giáo dục ; Nguyễn Đức Hoàng, nguyên thanh tra viên Phòng Thanh tra Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình : 2 năm tù treo, thử thách bốn năm giao cho địa phương nơi cư trú quản lý ; Lê Thị Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình : 30 tháng tù treo, thử thách 5 năm giao cho địa phương nơi cư trú giám sát, giáo dục ; Quách Thanh Phúc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông 19/5 huyện Kim Bôi : 18 tháng tù treo, 3 năm thử thách, giao cho địa phương nơi cư trú giám sát, giáo dục ; Nguyễn Tân Hưng, nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình : 18 tháng tù treo, 3 năm thử thách giao cho địa phương nơi cư trú quản lý ; Phùng Văn Thụ, nguyên Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình : 15 tháng tù án treo, 30 tháng thử thách, giao cho địa phương quản lý.

Riêng Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy bị tuyên án 10 năm tù về hai tội : "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo điều 354 và 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hồ Chúc, nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Thanh Hà, huyện Lạc Thủy bị tuyên án 30 tháng tù về tội "Đưa hối lộ" theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tất cả các phụ huynh của các thí sinh được nâng điểm, đều không thừa nhận việc nhờ nâng điểm mà chỉ khai nhờ xem điểm hộ.

Vẫn tin liên quan gian lận thi cử, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La ngày 21/5 đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo liên quan đến vụ án gian lận điểm trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 sau hơn 6 tháng trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau phần kiểm tra lý lịch, phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng.

Theo cáo trạng, có 12 bị can được đưa ra xét xử. Trong đó, 8 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", 3 người bị đề nghị truy tố thêm về tội "Nhận hối lộ" theo khoản 2 và khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La vào ngày 15/10/2019, đã mở phiên tòa xét xử vụ án này. Tuy nhiên, sau bốn ngày làm việc, Tòa án đã trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra lại để làm rõ động cơ, mục đích của các bị cáo, xem xét khởi tố về hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ...

Phiên tòa lần này dự kiến diễn ra trong 10 ngày, từ 21-31/5.

********************

Sơn La mở lại phiên tòa xét xử gian lận thi cử vào ngày 21/5 (RFA, 20/05/2020)

Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 vào ngày 21/5.

gianlan4

Hôm 16/9, phiên tòa xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La tại Tòa án Nhân dân tỉnh, bị hoãn vì nhiều người được triệu tập vắng mặt. Courtesy nguoiduatin

Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 20/5 và cho biết tòa sẽ triệu tập 3 bị cáo tại ngoại, 9 bị cáo tại trại giam và 87 người liên quan, người làm chứng. Tổng cộng có 15 luật sư sẽ tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Theo cáo trạng, có 12 bị can được đưa ra xét xử. Trong đó, 8 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ". Ngoài ra, các bị can Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn bị đề nghị truy tố thêm về tội "Nhận hối lộ" theo khoản 2 và khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La vào ngày 15/10/2019, đã mở phiên tòa xét xử vụ án này. Tuy nhiên, sau bốn ngày làm việc, Tòa án đã trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra lại để làm rõ động cơ, mục đích của các bị cáo, xem xét khởi tố về hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ...

Qua điều tra, những thỏa thuận tiền tỷ vụ nâng điểm thi ở Sơn La đã được làm rõ. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La xác định, trong 44 thí sinh được nâng điểm tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 ở Sơn La, ngoài những trường hợp đã hối lộ từ 300 đến 400 triệu đồng còn có những cuộc thỏa thuận tiền tỉ để sửa bài thi.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, việc làm rõ tội danh đưa và nhận hối lộ đối với các bị can là phù hợp với những diễn biến, tình tiết mới của vụ án.

Cũng tin liên quan gian lận thi cử, qua 6 ngày xét xử, vẫn chưa tìm ra người nhờ nâng điểm thi dù có đến 160 bài thi được nâng điểm thi ở vụ gian lận thi cử tại tỉnh Hòa Bình.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, bị cáo Nguyễn Quang Vinh và bị cáo Khương Ngọc Chất cùng các đồng phạm nâng điểm cho 160 bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia ở Hòa Bình. Tuy nhiên, việc ông Vinh nhận thông tin thí sinh từ đâu và "nhận nâng điểm hay xem điểm" cho bao nhiêu học sinh thì cả cáo trạng và quá trình xét xử đều không làm rõ.

Tất cả các phụ huynh của các thí sinh được nâng điểm, đều không thừa nhận việc nhờ nâng điểm mà chỉ khai nhờ xem điểm hộ. Các bị cáo Vinh và Chất đều đồng loạt kêu oan, không thừa nhận tội danh.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 638 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)