Hà Nội kiểm điểm Chủ tịch huyện Ba Vì liên quan sai phạm đất đain (RFA, 22/05/2020)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì Bạch Công Tiến vừa bị kiểm điểm do thiếu sót trong giải quyết đơn phản ánh của công dân, buông lỏng quản lý đất đai.
Trụ sở UBND huyện Ba Vì. Nguồn : thanhtra.com.vn
Báo trong nước trích kết luận số 25 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội được công bố ngày 22/5 loan tin trong cùng ngày.
Tin cho biết, ông Bạch Công Tiến đã không giải quyết dứt điểm những đơn phản ánh của người dân về việc Ủy ban Nhân dân xã Cổ Đô đã không làm thủ tục cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất đối với diện tích hơn 67 héc ta đất nông nghiệp đã giao cho các hộ gia đình, buông lỏng quản lý đất đai.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã kết luận những sai phạm vừa nêu và đề nghị kiểm điểm ông Bạch Công Tiến.
Trước đó, vào/5/2019, ông Tiến cũng đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng cũng xảy ra tại thôn Cổ Đô.
Cụ thể chưa thanh lý xong 5/38 hợp đồng do ban thôn Cổ Đô và Hợp tác xã nông nghiệp Cổ Đô ký hợp đồng cho 38 hộ gia đình sử dụng đất không đúng thẩm quyền.
Cũng trong ngày 22/5, báo trong nước loan tin cho biết ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nam Lý, Quảng Bình bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì có nhiều sai phạm, khuyết điểm trong quá trình công tác.
Ông Nguyễn Văn Tuế đã thiếu kiểm tra khi quản lý các công trình xây dựng cơ bản do UBND phường Nam Lý làm chủ đầu tư, để các đơn vị tư vấn thiết kế lập dự toán sai định mức với số tiền 178,3 triệu đồng, nghiệm thu khối lượng không đúng thực tế với thi công số tiền gần 76 triệu đồng. Quá trình thẩm tra không phát hiện để cắt giảm, xử lý.
Ngoài ra, khi quản lý đất chưa sử dụng từ năm 2011 đến nay, ông Nguyễn Văn Tuế đã thiếu chỉ đạo rà soát, báo cáo, quản lý hồ sơ địa chính thiếu chặt chẽ ; ký và đề nghị cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Dương Văn Tuyên và bà Hồ Thị Ánh Hòa có 20,8 m2 chồng lấn lên cống thoát nước của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nam Lý còn thiếu kiểm tra để 10 hộ dân địa phương lấn chiếm hơn 1.777 m2 diện tích đất công ; không xử lý dứt điểm 9 trường hợp lấn chiếm hơn 1.000 m2 đất do UBND phường quản lý.
******************
Phó Chủ tịch huyện ở Phú Yên bị cách chức vì sai phạm đất đai (RFA, 22/05/2020)
Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Yên vừa ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, vì đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để cấp dưới tham mưu và ký nhiều quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên lập biên bản bắt tạm giam, khám xét nơi ở và làm việc của ông Nguyễn Văn Tiên hôm 19/2/2020. Courtesy of cand.com.vn/
Truyền thông trong nước loan tin hôm 22/5 cho biết trước đó vào cuối tháng 3, ông Thảo đã bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng gồm : Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy cơ quan chính quyền huyện Đông Hòa.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên hôm 19/2 đã khởi tố và bắt giam ông Nguyễn Văn Tiên, cựu Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (Tài nguyên và môi trường) và bà Nguyễn Thị Huỳnh Dung, chuyên viên Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đông Hòa. Ông Lê Bá Hùng, cán bộ phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đông Hòa, bị khởi tố.
Báo trong nước cho biết vào tháng 8/2018, lợi dụng được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Đông Hòa, ông Lê Bá Hùng đã thông đồng với ông Nguyễn Văn Tiên thay đổi danh sách 754 hộ gia đình, cá nhân đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất bằng 248 trường hợp chưa thẩm định.
Với danh sách bị thay đổi nói trên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Dung đã lấy làm căn cứ tham mưu với UBND huyện Đông Hòa ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất mà nhiều trường hợp trái với quy định sử dụng đất. Ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, là người trực tiếp ký phê duyệt các văn bản chuyển mục đích này.
Trong khuôn khổ kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV diễn ra hôm 22/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai trong Chương trình năm 2020.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cho rằng vấn đề quản lý đất đai thời gian vừa qua có quá nhiều vướng mắc, nhiều yếu kém, trong đó có vấn đề pháp luật về đất đai mà cụ thể là Luật Đất đai còn quy định chung, chưa rõ ràng, một số vấn đề phát sinh mới về quản lý đất đai chưa được điều chỉnh kịp thời.
Đại biểu Quốc hội này nêu thống kê của ngành thanh tra cho hay có gần 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai.
***************
Y án sơ thẩm cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (RFA, 22/05/2020)
Tòa phúc thẩm giữ nguyên án đối với những người kháng cáo bản án sơ thẩm trong vụ ‘đất vàng’ 15 Thi Sách, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường) - Photo : plo.vn
Bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường) bị giữ nguyên mức án 6 năm 6 tháng tù tại phiên phúc thẩm hôm 21/5/2020.
Theo truyền thông trong nước, tại phiên sơ thẩm vào tháng 12/2019, bị cáo Đào Anh Kiệt bị tuyên mức án 6 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự 2015.
Tòa cũng giữ nguyên hình phạt 3-5 năm tù đối với Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất đai), Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh Văn phòng UBND Thành phố HCM) và Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị UBND Thành phố Hồ Chí Minh).
Riêng bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) không kháng cáo, đang thi hành bản án 7 năm tù.
Đây là vụ án được mở rộng điều tra từ vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm thâu tóm ‘đất vàng’ tại số 15 Thi Sách, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Hội đồng xét xử, khu nhà đất rộng 5.000 m2 tại số 15 Thi Sách, quận 1, là tài sản Nhà nước nên việc sắp xếp phải tuân theo Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà-đất thuộc sở hữu Nhà nước, thường được gọi là Ban Chỉ đạo 09. Tuy nhiên, ông Đào Anh Kiệt và đồng phạm qua nhiều bước sai phạm đã giao 5.000 m2 đất này cho Phan Văn Anh Vũ gây thất thoát số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.
Bản án phúc thẩm được Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra chiều 22/5/2020 có hiệu lực ngay với lý do cấp sơ thẩm đã xem xét hết tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo, xử dưới khung hình phạt, nên không thể giảm án.
***************
Đề nghị xử lý trách nhiệm quản lý đất đai của Chủ tịch Đà Nẵng (RFA, 21/05/2020)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng bị đề nghị xử lý trách nhiệm liên quan đến việc quản lý đất đai giai đoạn 2011 - 2017.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Courtesy danang.gov.vn
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói từ báo cáo gửi Quốc hội của Kiểm toán Nhà nước hôm 21/5.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và một số cơ quan khác có liên quan đến các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2017.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị xem xét trách nhiệm đối với UBND Đà Nẵng trong việc giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho hai doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển tài sản nhà nước thành tài sản thuộc sở hữu của công ty cổ phần, sau đó tiếp tục chuyển nhượng lại cho tư nhân để thu lợi.
Ngoài ra còn có các sai phạm như, cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất không đúng quy định, không tổ chức đấu thầu dự án, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 8 thửa đất cho Công ty CP Lương thực Đà Nẵng, sau đó chuyển nhượng 7 thửa đất này cho cá nhân...
Cũng tin liên quan sai phạm đất đai, hôm 21/5 Công an tỉnh Lâm Đồng vừa bắt đầu điều tra nguyên Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc Nguyễn Quốc Bắc, có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn, giao trái quy định 71 lô đất, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Theo Công an Lâm Đồng, ông Bắc có nhiều sai phạm trong việc giao đất tái định cư và đất ở không thông qua đấu giá, ở một loạt dự án như hồ Đồng Nai, hồ Nam Phương II, tuyến tránh Quốc lộ 20, khu công nghiệp Lộc Sơn...
Liên quan đến những sai phạm này, ông Hoàng Văn Thân, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đầu tư Xây dựng - Phát triển Quỹ đất, cũng bị điều tra để làm rõ dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
***************
Ông Nguyễn Văn Hiến bị tuyên 4 năm tù vụ án Đinh Ngọc Hệ (RFA, 21/05/2020)
Cựu thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị tuyên 4 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ diễn ra hôm 21/5/2020.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Văn Hiền tham gia cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Đông Nam Á tại Malaysia ngày 4/11/2015. AFP
Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm bị truy tố về tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Hội đồng xét xử xác định bị cáo Nguyễn Văn Hiến có hành vi phạm tội nghiêm trọng, xâm phạm đến tính đúng đắn trong quản lý đất quốc phòng, ngoài ra còn gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ cấp cao trong Hải quân nên phải xử lý nghiêm.
Theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Hiến, khi đó là Tư lệnh quân chủng Hải Quân, có vai trò cao nhất trong quản lý đất đai nhưng không làm hết chức trách nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, các cán bộ dưới quyền..., thiếu kiểm tra tính hợp pháp, không chỉ đạo kiểm tra năng lực các đối tác nên đã ký tờ trình đưa ba khu đất vào làm kinh tế trái quy định. Ba khu đất số 2, số 7-9 và số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh có giá trị quyền sử dụng hơn 939 tỷ đồng.
Khi được tòa cho nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Hiến gửi lời xin lỗi tới đảng, nhân dân, đồng đội đang phục vụ trong quân đội, đặc biệt là các chiến sĩ hải quân qua các thời kỳ cũng như gia đình, người thân của ông.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị tuyên 20 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", (tổng hợp bản án trước là 30 năm tù).
*****************
Quân chủng Hải quân đề nghị giảm nhẹ án cho Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (RFA, 21/05/2020)
Quân chủng Hải quân đề nghị giảm nhẹ đặc biệt cho Đô đốc Nguyễn Văn Hiến tại phiên xét xử vụ án liên quan 3 khu đất vàng ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 21/5. Lý do cho đề nghị vì ông này được nói có nhiều công lao đóng góp trong bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng quân chủng Hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến. baodauthau.vn
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết quân chủng Hải quân cũng đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với các bị cáo là cán bộ của quân chủng.
Trong phần tranh luận tại tòa vào sáng 21/5, Viện Kiểm sát quân sự quân chủng Hải quân giữ nguyên quan điểm rằng ông Hiến vào thời điểm phạm tội giữ chức Tư lệnh quân chủng Hải quân đã thiếu kiểm tra, tin tưởng cấp dưới nên ký phê duyệt các văn bản đưa 3 lô đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế trái quy định.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị xác định đã không chỉ đạo cấp dưới thẩm tra năng lực của Công ty Yên Khánh do ông Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo phía sau. Ông Hiến đã không kiểm tra việc thực hiện các quy định trong liên doanh làm kinh tế, dẫn đến việc quân chủng Hải quân mất quyền quản lý sử dụng các lô đất, gây thất thoát 930 tỷ cho Nhà nước.
Báo trong nước cho biết tại phiên tòa sáng ngày 21/5, ông Hiến cũng đã nói lời xin lỗi Đảng, nhân dân và các đồng đội đang phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị nói đã nhận lỗi nhưng cho biết không cố ý, không có động cơ cá nhân nên xin Hội đồng xét xử đưa mức án hợp lý.
Hôm 20/5, Viện Kiểm sát quân sự quân chủng Hải quân đã đề nghị mức án 3-4 năm tù cho Cựu thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Văn Hiến về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út ‘trọc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) bị đề nghị 20 năm tù giam về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp án tù đề nghị dành cho Út ‘trọc’ là 30 năm.
********************
Nhiều cán bộ bị kỷ luật liên quan gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng (RFA, 22/05/2020)
Nhiều cán bộ vừa bị kỷ luật vì vi phạm liên quan việc thực hiện gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cho người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Người dân nhận gạo hỗ trợ ở nhà thờ Thánh Joseph trong dịch Covid-19 ở Hà Nội - Reuters
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói dẫn báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (Lao động, thương binh và xã hội) gởi Thủ tướng Chính phủ hôm 22/5, và cho biết trong quá trình thực hiện, tỉnh Thanh Hóa và Ninh Thuận có một số sai phạm.
Đáng chú ý, ở tỉnh Thanh Hóa còn có lãnh đạo xã đưa người nhà vào danh sách hộ nghèo. Ngoài ra, một số thôn của các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận.
Tại Ninh Thuận, các cán bộ đã chi thiếu tiền hỗ trợ cho sáu người nghèo ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước.
Bộ Lao động, thương binh và xã hội trong báo cáo cho biết đã yêu cầu địa phương chấn chỉnh sai sót, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan. Mức xử phạt như thế nào chưa thấy được thông báo cụ thể.
Cảnh báo về tình trạng sai phạm khi phân phối khoản tiền hỗ trợ vì dịch Covid-19 được chính các lãnh đạo cấp cao nêu ra khi gói hỗ trợ được chính phủ Hà Nội phê duyệt. Tại cuộc họp vào ngày 27/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội phát biểu "Gói hỗ trợ này rất quan trọng, chúng tôi mong muốn các cán bộ khi thực hiện đừng để như chuyện dê, gà đi lạc đường, đừng để ai vi phạm bị xử lý…"
Theo báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tổng số tiền đã chi chi hỗ trợ cho các đối tượng tính tới ngày 20/5 là 17.500 tỉ đồng.
****************
17.500 tỷ đồng từ gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đã được chuyển đến các hộ dân (RFA, 21/05/2020)
Tính đến ngày 20/5, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 17.500 tỷ đồng.
Người dân nhận tiền hỗ trợ - Courtesy of vnplus
Các địa phương cũng đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người dân hưởng trợ cấp.
Đó là thông tin do Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và được truyền thông trong nước đăng tải vào ngày 21/5.
Theo báo cáo, đến ngày 20 tháng năm, 34 tỉnh, thành phố đã chuyển kinh phí hỗ trợ trực tiếp đến tay 6,7 triệu người thuộc đối tượng chính sách là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo.
Về nhóm đối tượng là người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh cá thể, hiện nay chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt danh sách và chi trả cho 1.202 người lao động, và hộ kinh doanh với số tiền 1.417 tỷ đồng. Trong khi đó, theo số liệu của 47 tỉnh, thành thì số lao động, hộ kinh doanh này lên đến gần 4 triệu.
Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai cũng đã chi hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động cho 50.335 người với tổng kinh phí chi trả hơn 45.200 tỷ đồng.
6 tỉnh thành gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng mở rộng thêm 17.800 đối tượng được nhận hỗ trợ, với kinh phí ước khoảng 19,1 tỷ đồng.
Theo đó, những người được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập, gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng ; hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa ; giáo viên, nhân viên trường mầm non, phổ thông ngoài công lập... sẽ được đưa vào diện nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ở một diễn biến khác, trong ngày 21/5 Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cam kết hỗ trợ 3,9 triệu USD cho các hoạt động phòng chống Covid-19 tại Việt Nam.
Theo thông cáo của CDC Mỹ, từ tháng 1/2020, CDC Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị và ứng phó với đại dịch Covid-19.