Bộ Kế hoạch và đầu tư ‘sẽ’ tìm đối sách cho việc ‘nước ngoài’ thâu tóm đất Việt Nam (VOA, 26/05/2020)
Trả lời báo chí trong nước về tình trạng người Trung Quốc lợi dụng kẽ hở pháp lý để thâu tóm đất đai ở Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói hôm 25/5 rằng bộ của ông sẽ tìm cách khắc phục vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Như tin đã đưa, trong một báo cáo mới đây gửi tới Quốc hội để trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho hay người Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 162.000 hectare đất của Việt Nam, trong đó có những nơi trọng yếu thuộc vùng "biên giới" hoặc "ven biển". Con số này lớn bằng diện tích của một tỉnh như Hải Dương, hay Nam Định, hoặc Hậu Giang.
Theo Bộ Quốc phòng, các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc, hoặc "có yếu tố sở hữu Trung Quốc", đã "núp bóng" một số công dân hay doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu hoặc thuê đất với diện tích lớn như kể trên.
Tính đến tháng 11/2019, có 149 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc liên doanh với Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở khu vực biên giới hoặc ven biển thuộc 22 tỉnh của Việt Nam. Tình trạng người Trung Quốc "tập trung sở hữu đất đai" nổi bật lên ở các tỉnh, thành là Đà Nẵng, Quảng Ninh và Hải Phòng, Bộ Quốc phòng nói.
Về tình trạng được gọi chung là "nhà đầu tư nước ngoài ‘núp bóng’ để thâu tóm đất đai", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu hôm 25/5 bên lề Quốc hội rằng vấn đề này "chưa được luật hóa" trong Dự thảo Luật Đầu tư được trình Quốc hội kỳ này, vì luật "phải đảm bảo sự công bằng giữa các đối tác đầu tư", theo tin trên Lao Động và Thanh Tra.
Hai tờ báo trích lời Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh rằng "luật không phân biệt đối xử người này với người kia, nước này với nước kia".
Tuy nhiên, vẫn Lao Động và Thanh Tra dẫn lời ông Dũng cho biết bộ của ông "sẽ nghiên cứu tình huống này, trình cấp có thẩm quyền ban hành chỉ thị riêng về vấn đề người nước ngoài ‘núp bóng’ đầu tư để thâu tóm đất đai".
"Nhà nước sẽ dùng các công cụ khác nhau để quản lý chặt chẽ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, nhưng không đưa ra các chi tiết, theo các bản tin trong nước.
Cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, giáo sư Đặng Hùng Võ nói với VOA rằng Việt Nam muốn có chính sách cởi mở hơn đối với đầu tư nước ngoài, song mối lo về người Trung Quốc lại gây khó cho Việt Nam :
"Việt Nam rất muốn mở rộng các điều kiện đầu tư nước ngoài, nhưng một mặt khác lại vẫn cứ e ngại nếu ‘nước ngoài’ đó là Trung Quốc thì lại là câu chuyện có gì đấy không ổn".
Cựu quan chức am hiểu về quản lý đất đai cảnh báo rằng các nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, của chính quyền nói chung nhằm ngăn chặn người Trung Quốc thâu tóm đất đai Việt Nam có thể sẽ rất nan giải. Ông Đặng Hùng Võ nói với VOA :
"Tôi cũng đã nghĩ rất nhiều và tôi cho rằng khó xử lý. Bởi vì nếu người ta đội lốt của một người Việt Nam, thì thực sự cách giải quyết tốt nhất là đừng có người Việt Nam nào làm chuyện ý [tiếp tay cho Trung Quốc]. Tìm giải pháp kỹ thuật nào đấy, thì tôi nghĩ cũng rất khó. Thế thì chỉ có mỗi một cái tôi nghĩ đến cùng là người Việt Nam đừng ai làm chuyện này".
Cũng liên quan đến vấn đề này, tin của Lao Động và Thanh Tra cho biết Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh hôm 25/5 rằng Luật Đất đai của Việt Nam "chặt chẽ" và không cho phép cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài.
Dường như có hàm ý rằng bộ của ông vô can, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư chịu sự chi phối của các luật đầu tư và nhà ở.
*********************
Việt Nam thu lại 7.600 tỉ đồng tiền tham nhũng và nhắm đến xét xử 5 vụ lớn (VOA, 26/05/2020)
Các cơ quan thi hành án dân sự thu hồi gần 7.600 tỷ đồng trong hơn 4 tháng qua từ các vụ án tham nhũng ở Việt Nam, Báo Điện tử Chính phủ cho hay trong bài tường thuật về cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra hôm 26/5.
Ban Chỉ đạo chống tham nhũng của Việt Nam họp hôm 26/5
Theo trang tin chính thức của chính phủ, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, đã chủ trì cuộc họp, trong đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đặt mục tiêu là trong năm 2020 các cơ quan liên quan "tập trung điều tra, xử lý nghiêm" những người dính líu đến 5 đại án, mà đứng đầu là vụ "buôn lậu, rửa tiền" của công ty Nhật Cường có liên quan đến một sở của Hà Nội.
Điểm lại tình hình từ giữa tháng 1 đến nay, Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết tổng cộng 51 bị cáo đã được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, vẫn theo tường thuật của Báo Điện tử Chính phủ.
Trong số các vụ đã được xét xử, Thường trực Ban Chỉ đạo nêu bật 5 vụ "nghiêm trọng" mà dư luận xã hội "đặc biệt quan tâm", gồm xét xử sơ thẩm vụ một công ty của quân chủng Hải quân làm thất thoát đất quốc phòng ở Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ; xét xử sơ thẩm vụ "nhận hối lộ" xảy ra tại một chi nhánh của công ty Lũng Lô thuộc Bộ Quốc phòng ; xét xử phúc thẩm vụ Mobifone thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông mua AVG gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước ; xét xử phúc thẩm vụ thiệt hại nghiêm trọng tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ; và xét xử phúc thẩm vụ thất thoát, lãng phí đất công ở Đà Nẵng.
Ngoài số tiền gần 7.600 tỷ đồng mà các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi, Thường trực Ban Chỉ đạo nói trong bản tin của Báo Điện tử Chính phủ rằng cơ quan điều tra cũng "tạm giữ, kê biên, phong tỏa" các tài sản có trị giá hơn 773 tỷ đồng, 2,23 triệu đô la Mỹ, 34 bất động sản, 5 ô tô và nhiều tài sản khác.
Trong những tháng còn lại của năm 2020, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng "phấn đấu" xét xử sơ thẩm 21 vụ án và xét xử phúc thẩm 7 vụ án.
Đứng đầu trong số các vụ dự kiến đưa ra xét xử là vụ "buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định về kế toán và đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại công ty Nhật Cường, dính líu tới cả một số quan chức của Hà Nội.
VOA được biết liên quan đến vụ này, nhà chức trách đã khởi tố 12 bị can, trong đó có ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội ; và bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và đầu tư.
Bốn đại án còn lại được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhắm đến trong năm nay là vụ thiệt hại "nghiêm trọng" liên quan đến Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi ; vụ thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) ; vụ vi phạm đất đai xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ; và vụ thiệt hại, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng xảy ra tại một dự án cải tạo, mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra hôm 26/5, do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đưa ra nhận định rằng những kết quả đạt được trong thời gian qua "tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng" của đảng và nhà nước, được nhân dân "đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao", theo tin của Báo Điện tử Chính phủ.
*********************
Nghi án Tenma ‘hối lộ’ : Tướng Tô Lâm ‘phối hợp điều tra với Nhật Bản’ (BBC, 26/05/2020)
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam nói phía Việt Nam đang phối hợp với phía Nhật để điều tra nghi vấn hối lộ/nhận hối lộ xảy ra giữa một công ty Nhật và cán bộ, công chức thuế, hải quan Bắc Ninh với số tiền khoảng 25 triệu Yên (5,4 tỷ VND).
Doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và Tenma nói riêng từ trước tới nay luôn chấp hành tốt pháp luật về thuế, hải quan - Ảnh minh họa
"Chắc chắn phải có [điều tra], vì thông tin này xuất phát từ Nhật. Nhật là nơi xuất phát nguồn gốc thông tin của vụ việc, mình phải có phối hợp quốc tế để điều tra tội phạm", Đại tướng Tô Lâm nói với các phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 26/5.
"Vụ việc hiện đang được các cơ quan thanh tra thuế, tài chính kiểm tra, rà soát lại xem mức độ như thế nào để tiến hành các biện pháp khác".
Lãnh đạo Tenma Việt Nam khai báo với công tố Nhật rằng đã đề xuất và được sự chấp thuận từ chủ tịch công ty để đi hối lộ cơ quan hải quan Bắc Ninh để được miễn giảm khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với vật liệu thô nhập khẩu cũng như giảm phí cho những khoản thu không được hưởng ưu đãi thuế, báo Asahi ngày 12/05 đưa tin.
Hối lộ chính quyền nước ngoài là hành vi bị cấm trong đạo luật Phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật.
Truyền thông trong nước cho hay Phòng Cảnh sát Kinh tế - PC03, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã có công văn yêu cầu cục Hải quan và cục Thuế tỉnh này cung cấp hồ sơ phục vụ công tác điều tra.
Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu lập ngay đoàn thanh tra giới chức thuế và hải quan để xác minh thông tin và nói nếu có hối lộ thì đây là hành vi ăn vặt, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới Việt Nam do liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh.
Báo Tiền Phong dẫn lời Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh nói "Làm gì có chuyện Hải quan đi lấy mấy tỉ đồng để bỏ qua cho việc truy thu thuế gần 400 tỷ đồng", ông Trần Thành Tô nói. "Doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và Tenma nói riêng từ trước tới nay luôn chấp hành tốt pháp luật về thuế, hải quan".
Trong khi đó, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cho biết, phía Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm việc với nhân viên Kế toán của Tenma Việt Nam và người này "khẳng định không có việc đó".
"Hiện nay Tổng Giám đốc của Công ty Tenma chưa sang Việt Nam làm việc nên chưa thể xác định rõ thông tin này. Các cơ quan chức năng Bắc Ninh chưa nhận được bất cứ thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng Nhật ngoài báo chí.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã làm việc với Công an tỉnh Bắc Ninh và Cục Hải quan Bắc Ninh, cũng đã báo cáo toàn bộ nội dung sự việc với Bộ Tài chính", ông Tòng nói thêm.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương được báo Dân Việt dẫn lời cho rằng dù chưa xác minh được toàn bộ sự việc, nhưng đây cũng là một thông tin để Việt Nam cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh, đón làn sóng đầu tư FDI sắp tới.
"Chúng ta nên tỏ thái độ khách quan, tôn trọng sự việc, và thúc đẩy sự hợp tác làm rõ sự việc này trên khía cạnh hợp tác, xây dựng. Trên cơ sở có kết quả thì sẽ rút ra kết luận, cũng như có cái nhìn tổng quan hơn để phòng, chống những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai", ông Doanh nói.