Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/06/2020

Làm ăn với Trung Quốc : biết lọt vào bẫy nợ nhưng vẫn không chừa

RFA tồng hợp

Chủ tịch Bắc Giang xin phê duyệt dự án tỷ đô (RFA, 03/06/2020)

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, trong tháng 2 và tháng 3 ký liên tiếp 2 văn bản đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt Dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang.

lam1

Phối cảnh dự án Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang. http://nhietdienankhanhbacgiang.com.vn/

Lý do kiến nghị vì chỉ khi Bộ Công Thương chấp thuận, chủ đầu tư mới đáp ứng yêu cầu cho vay 753 triệu USD của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC).

Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi ngày 3/6, tỉnh Bắc Giang ban hành 2 văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị chấp thuận sản lượng điện hợp đồng của Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang (AKBG). Nội dung văn bản tháng 3 có đề cập quy mô dự án lên đến trên 1 tỷ USD nhưng không có bảo lãnh của Chính phủ. Vì vậy, ngân hàng cho vay đề nghị làm việc với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để chấp thuận hợp đồng mua bán điện bằng 90% sản lượng điện bình quân trong thời gian 10 năm.

Về đề xuất của AKBG và Chủ tịch Bắc Giang, EVN nêu lên quan điểm rằng đề nghị này không trái quy định Thông tư 24/2019/TT-BCT. Tuy nhiên, việc thỏa thuận sản lượng hợp đồng có thể tạo tiền lệ cho các nhà đầu tư khác khi có yêu cầu vay vốn lớn ; điều này sẽ gây khó khăn cho công tác vận hành hệ thống và thị trường điện các năm tới.

Sau khi nhận được văn bản của Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN căn cứ vào Thông tư 24/2019/TT-BCT và trên cơ sở kế hoạch dự kiến huy động AKBG để xem xét, đàm phán và thỏa thuận sản lượng hợp đồng cụ thể bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.

********************

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông : Tổng thầu Trung Quốc đòi thêm 50 triệu đôla Mỹ (BBC, 02/06/2020)

Sau gần 10 năm kể từ ngày khởi công, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể chính thức vận hành trong khi tiền đầu tư tiếp tục tăng.

lam2

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành

Tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đề nghị cần 50 triệu đô la Mỹ để vận hành hệ thống và yêu cầu thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao, báo Thanh Niên hôm 1/6 dẫn báo cáo của chính phủ Việt Nam cho biết.

Hiện Ban quản lý dự án đường sắt đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải để tìm hướng giải quyết.

Chưa đủ điều kiện nghiệm thu

Báo cáo của chính phủ cũng cho biết dự án tại Hà Nội đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên 3/5 hạng mục xây dựng cơ bản chưa đủ điều kiện nghiệm thu, nên toàn bộ hệ thống chưa được bàn giao đưa vào khai thác.

Cụ thể, dự án còn tồn tại một số vướng mắc về thiết bị công nghệ, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống…

Báo cáo của chính phủ nêu rõ do tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành các hạng mục trên nên dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới.

Một khó khăn nữa là do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chỉ mới có 4 chuyên gia cấp cao của tổng thầu dự án có mặt tại Việt Nam.

Hiện Ban quản lý dự án đang đề nghị đưa thêm 150 nhân sự của tổng thầu từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường bộ do đường hàng không giữa hai nước tạm ngưng.

Những nhân sự này khi sang Việt Nam sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày trước khi thực hiện công việc.

Bên cạnh đó, nhân sự tư vấn của Pháp cũng chưa xác định được thời điểm sang Việt Nam để đánh giá an toàn hệ thống do ảnh hưởng của dịch Covid-19, báo Tuổi trẻ hôm 1/6 cho hay.

Đội vốn, lùi thời gian

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2011 với vốn đầu tư ban đầu là 8.770 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu đôla Mỹ theo tỉ giá lúc bấy giờ). Trong số đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 169 triệu đôla Mỹ) ; vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu đôla và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng.

lam3

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (bìa phải) làm việc với nhà thầu đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Tuyến có chiều dài 13,1km, đi hoàn toàn trên cao, với 12 nhà ga và theo kế hoạch ban đầu sẽ đưa vào khai thác trong năm 2015, báo Dân trí ngày 10/10/2011 cho biết.

Việc chọn tổng thầu Trung Quốc cùng với quá trình thực hiện không đảm bảo tiến độ, liên tục đội vốn đã gây ra nhiều tranh cãi tại Việt Nam.

Tính đến tháng 7/2019, dự án này đã 8 lần vỡ tiến độ, theo báo Vietnamnet. Vào ngày 1/10/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong cuộc họp về các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đã chỉ đạo "khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay trong năm nay". Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, vẫn chưa có một thời hạn chính xác cho ngày chính thức vận hành.

Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án hiện đã lên 18.002 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu đôla), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu đôla) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD). Số tiền giải ngân đạt 81,9%.

Bình luận về vấn đề này trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Hoàng Hải Vân viết :

"Chấp nhận chỉ định nhà thầu Trung Quốc, nhà tư vấn giám sát Trung Quốc, vật tư thiết bị mua của Trung Quốc theo giá của Trung Quốc, khiến cho giá công trình cao vọt so với đấu thầu quốc tế, vay thương mại hay ODA cũng chẳng khác gì tín dụng đen".

"Nhà thầu đội vốn bao nhiêu vay thêm bấy nhiêu và bỏ tiền đối ứng ra bấy nhiêu, nhà thầu bàn giao công trình vào lúc nào không theo ý của chủ đầu tư mà theo ý của nhà thầu. Kiểm toán từng chỉ ra hàng loạt những sai phạm, nhưng chẳng ai bị làm sao. Công trình dở dang vẫn nằm trơ giữa thủ đô Hà Nội, đưa cái cổ người dân vào thòng lọng bẫy nợ tín dụng đen của Trung Quốc, thách thức lương tri, thách thức tổ tiên nòi giống, trải qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng và chừng ấy nhiệm kỳ Quốc hội nhưng chẳng một ai chịu trách nhiệm", ông nêu vấn đề.

Bên cạnh tiến độ và vốn, nhiều người cũng nghi ngờ công nghệ được áp dụng tại dự án này là "lạc hậu".

*******************

Cát Linh-Hà Đông : phía Trung Quốc cần gấp 50 triệu USD, không hứa thời hạn hoàn thành (RFA, 01/06/2020)

Tổng thầu Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội dù không hứa ngày chạy tàu, nhưng lại đề nghị giao thêm số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác hoàn thiện.

lam4

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông - AFP

Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước loan hôm 1/6, theo báo cáo chính phủ gửi Quốc hội về một số dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, trong đó có dự án Đường sắt.

Cụ thể báo cáo nêu rõ, trong khi hồ sơ hoàn công và nghiệm thu chưa đủ điều kiện, cơ sở pháp lý ; chưa đưa ra được cam kết thời gian hoàn thành bàn giao, thì Tổng thầu Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống, đồng thời phải thanh toán toàn bộ cho Trung Quốc trước khi bàn giao

Cũng theo báo cáo, dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dù cơ bản đã hoàn thành, nhưng còn một số các vướng mắc như thiết bị công nghệ khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành và quyết toán....

Về việc Tổng thầu Trung Quốc cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. Bộ Giao thông- Vận tải nêu rõ quan điểm, việc thanh toán phải tuân thủ theo quy định Hợp đồng EPC. Do đó, hai bên đồng ý sẽ xem xét các điều khoản hợp đồng trong vòng 15 ngày.

Trong báo cáo, Ban Quản lý Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc để ‘sớm’ đưa dự án vào vận hành khai thác.

Tuy nhiên, Ban Quản lý Dự án trong báo cáo không cho biết ‘sớm’ là bao giờ và không có mốc thời gian cụ thể, dù đến nay dự án đã giải ngân hơn 14,7 nghìn tỷ đồng trong tổng số trên 15 nghìn tỷ đồng, đạt 81,9%.

Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dài khoảng 13km, ban đầu dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.

Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được Bộ Giao thông- Vận tải phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng.

Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng (tương đương trên 669 triệu USD).

*******************

Người dân chặn cổng Nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất phản đối ô nhiễm (RFA, 01/06/2020)

Người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sáng ngày 30/5 đã kéo đến chặn cổng Nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất sau nhiều ngày liên tiếp phải chịu đựng mùi hôi, khét từ khí thải Nhà máy.

lam5

Người dân tập trung trước cổng Nhà máy thép Hòa Phát-Dung Quất Nguồn : Báo Mới

Báo trong nước loan tin ngày 1/6, trích phát biểu của người dân nơi đây cho biết thêm từ ngày 22-30/5, mùi hôi, khét từ khí thải nhà máy vẫn tiếp tục xuất hiện nên phải cùng nhau phản đối.

Ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, có mặt tại hiện trường xác nhận rằng mùi hôi, khét rất nặng, rất khó chịu, ảnh hưởng đến các địa bàn dân cư trên toàn xã. Ngoài ra còn có khói từ nhà máy bay ra mù mịt đến khu dân cư, hình ảnh khá phức tạp và nhạy cảm.

Phía UBND xã Bình Thuận cũng xuống làm việc với công ty Hòa Phát nhưng tình trạng vẫn không được khắc phục.

Trưa ngày 30/5, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, ông Lý Thọ đã xuống trực tiếp khu vực Nhà máy để gặp gỡ, trao đổi nhân dân. Đồng thời giao trách nhiệm cho lãnh đạo Công ty thép Hòa Phát - Dung Quất phải cho kiểm tra hiện trường. Nếu có vấn đề gì trong quá trình vận hành khu vực Nhà máy thì có ý kiến với nhân dân về hướng khắc phục.

Bên cạnh đó, UBND xã Bình Thuận cũng đề nghị lãnh đạo Công ty thép Hòa Phát - Dung Quất cùng các ngành chức năng sớm có biện pháp giải quyết, tôn trọng cuộc sống, sức khỏe nhân dân, đảm bảo cho tình hình an ninh của địa phương được ổn định…

Phía người dân cho hay họ đã phải chịu đựng trong suốt thời gian dài vì mùi hôi, khét ảnh hưởng sinh hoạt.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 663 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)