Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/04/2017

Những người nhập cư bị lãng quên

RFA tiếng Việt

Số lượng người di cư vào các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao. Cuộc sống nơi phố thị của họ không phải như mong ước mà đầy những khó khăn, thiệt thòi so với dân thành thị.

nhapcu1

Một phụ nữ bán hàng rong khu vực Hồ Gươm, Hà Nội hôm 2/8/2015. AFP photo

Rào cản hộ khẩu

Chị Thuần xuất thân từ một tỉnh lẻ ở Đồng Bằng Sông Hồng nhưng đã rời quê lên Hà Nội kiếm sống gần 20 năm nay. Chị cho biết lúc đầu chỉ dự định lên thành phố chịu khó làm lụng kiếm chút tiền về quê mua thêm vài thửa ruộng để trồng trọt sinh sống. Thế nhưng suốt 20 năm ròng, dự định đó của chị vẫn chỉ là giấc mơ. Cũng giống như bao người dân khác từ nông thôn lên thành thị nhập cư, cuộc sống của chị cứ luẩn quẩn mãi trong cái vòng đói nghèo.

Sinh sống và làm việc ở Hà Nội đã hơn hai thập niên nhưng những người như chị vẫn không có hộ khẩu Hà Nội mà chỉ sống tạm bợ với tờ giấy tạm trú bởi vì luật cấp hộ khẩu của Việt Nam quy định rõ mọi công dân chỉ được đăng ký nơi thường trú ở một địa chỉ duy nhất.

Để đăng ký hộ khẩu ở một nơi khác thì phải có đất ở nơi đó, kết hôn với người có sẵn hộ khẩu hoặc có thể thuê nhà nhưng phải có giấy tờ cho thuê chính thức và diện tích không gian sống tối thiểu phải đáp ứng đúng theo yêu cầu của pháp luật. Chính những quy định này đã gây cản trở cho quá trình xin đăng ký hộ khẩu thường trú của những người như chị Thuần.

Vì không có hộ khẩu nên những người nhập cư như chị không có được những quyền cơ bản của công dân chẳng hạn như quyền được pháp luật bảo vệ, được hưởng những dịch vụ bảo hiểm y tế công, thậm chí đến việc đơn giản như đăng ký xe máy cũng phải về tận quê nhà mới làm được… Quan trọng hơn cả họ đều là những người thu nhập thấp nhưng không được hưởng những chế độ cho đối tượng thu nhập thấp như giảm giá điện hay các khoản vay hỗ trợ.

Chính vì vậy dù ở một chốn đô thị hiện đại như Hà Nội, Sài Gòn những người nhập cư thường phải làm những công việc cực nhọc để kiếm sống như bán hàng rong, quét rác, hay phụ hồ. Một nghiên cứu của tổ chức hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng Oxfam cho thấy những người nhập cư nghèo ở Việt Nam phải trả chi phí sinh hoạt cao hơn những người dân thành thị thu nhập cao chỉ vì họ không có trong tay cuốn sổ nhỏ mang tên hộ khẩu. Thậm chí nhiều người cho biết khi bị cắt nước hay cắt điện họ cũng không dám báo với chính quyền vì họ không được đăng ký thường trú ở đó. Chị Lành, một công nhân quét rác cho biết có đợt chỗ chị ở mất nước đến 5 ngày nhưng chị không dám kêu mà chị chạy qua khu xóm xin vài thùng nước.

Chị Hương, một người bán hoa quả dạo cho chúng tôi biết về cuộc sống thường ngày của chị :

Cái ngày mưa thì có vẻ người mua ít hơn. Nhưng đợt này Hà Nội mưa cũng không quá to, năm nay có vẻ hệ thống thoát nước tốt hơn thì phải, mấy năm trước nước ngập nổi lềnh bềnh nhưng năm nay không có. Người ta ở đây mấy mươi năm rồi mọi thứ nó thành cái nếp, mưa thì họ có cách của mưa. Giống như mấy đợt trước thì nó ngập lụt rất nhiều, tất cả mọi người vất vả hơn. Như năm trước em ở trong một căn nhà cũng ngập vào mùa mưa, nước cỡ thế này là ngập lềnh bềnh rồi, nhưng năm nay không ngập.

Chị Hương hiện đang sống tạm bợ trong một căn phòng tuềnh toàng rộng chưa đến 8m2 vốn là một nhà kho cũ. Thương chị và những người không nhà phải ngủ vạ vật ngoài đường nên bà chủ nhà cho đến ở. Hàng đêm, sau một ngày lao động mệt nhọc, chị và những người này chỉ trải tấm bạt trên sàn ngủ tạm, cứ thế sống cho qua ngày. Trải bạt ngủ là vì nếu có an ninh đến kiểm tra thì còn nhanh tay dọn dẹp mà chạy trốn theo con hẻm kín sau nhà. Ông Nguyên, một người bán hàng rong chia sẻ thêm :

VIETNAM-LUNAR-NEW YEAR

Một phụ nữ ngoại thành đem hoa đào lên Hà Nội bán dịp Tết. Ảnh chụp hôm 23/1/2017. AFP photo

Vì cái nghề này ngày nắng ngày mưa cũng không quan trọng. Làm thuê có nhiều việc để làm thuê, như mình đứng ở chợ người, chợ trời. Nhưng lao động ở bên xây dựng thì mùa mưa không có việc phải đi làm công việc khác thôi.

Cứ sáng sớm ông Nguyên lại gồng mình đạp chiếc xe cọc cạch đi qua chợ đầu mối mua trái cây rồi đem về dọc các con phố bán rong cho người qua đường. Ông nói kinh tế bây giờ đang khó khăn nên người ta không mua nhiều như trước nữa. Trước kia có ngày kiếm được cả trăm năm chục ngàn nhưng giờ có khi chỉ kiếm được 3 chục ngàn đủ mua bơ gạo, bó rau và mấy con cá khô ăn cho qua bữa, còn mấy đồng dư thì để dành lúc trái gió trở trời.

Làm không đủ ăn

Không chỉ những người bán hàng rong như ông Nguyên, chị Hương mới phải lao động cực khổ mà vẫn không đủ ăn mà ngay cả những người công nhân làm việc cho các xí nghiệp có hồ sơ, giấy tờ đầy đủ mà cuộc sống vẫn phải đương đầu với muôn vàn khó khăn vì phải mang thân phận dân nhập cư. Chị Dung, một người nhân ở Hà Nội chia sẻ :

Thực ra không bằng cấp như bọn chị nên lương rất thấp. Thứ hai, công việc ca kíp vất vả lắm, làm thì nhiều thời gian, hay tăng ca làm đêm hôm. Nhiều công ty giám đốc thoải mái không sao, nhưng nhiều công ty giám đốc o ép nên cũng vất lắm. Làm công nhân chẳng có chế độ gì đâu. Lương tằng tằng có 4 triệu một tháng lấy đâu ra chế độ. Sống trên đất Hà Nội này, một tháng tiền nhà trọ, điện nước đã mất 2 triệu rồi. Một triệu tiền học, một triệu tiền sữa cho con thế là hết. Bọn chị làm cho tư nhân nên không có chế độ bảo hiểm hay nghỉ phép gì đâu.

Giới hạn nhập cư

Gần đây cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Đà Nẵng đã ban hành luật nhằm thắt chặt hơn việc cấp hộ khẩu cho dân nhập cư để giảm sức ép nhập cư lên các đô thị lớn. Trước đó, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho chúng tôi biết :

"Cần có cơ chế, giống như Hà Nội đang đề nghị có Luật Thủ đô. Thành phố Hồ Chí Minh tuy không có Luật riêng nhưng cũng phải có những cơ chế để giảm sức ép nhập cư. Hiện nay chúng tôi cũng đang giảm sức ép nhập cư bằng biện pháp thay đổi cơ cấu phát triển kinh tế, thay vì sử dụng những lao động giản đơn, thặng dư lao động thì chúng tôi chuyển sang những ngành công nghệ cao, yêu cầu chuyên môn sâu hơn, cao hơn, những loại hình dịch vụ v.v…thì lượng người lao động đơn giản bắt buộc là phải quay về tỉnh".

Chỉ riêng thành phố Hà Nội tính đến giữa năm 2016 đã có đến 720.000 nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú. Đó là còn chưa kể đến một con số lớn những người từ địa phương khác đến nhưng chưa đăng ký tạm trú. Con số người nhập cư lớn như vậy cũng làm dấy lên một câu hỏi rằng ai sẽ là người chịu trách nhiệm bảo vệ và quan tâm hỗ trợ những người dân này ? Những người chủ nhà trọ là đầu mối trung tâm cung cấp nơi ở, nguồn nước, nguồn điện cho họ nhưng bản thân những người chủ này cũng bóc lột dân nhập cư bằng cách thu tiền điện nước cao hơn gấp đôi, gấp ba lần giá gốc.

Lan Hương, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 18/04/2017

Quay lại trang chủ
Read 978 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)