Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/04/2017

Ngoại giao Việt Nam : trước khi sang Mỹ, phải ghé Bắc Kinh

RFA tiếng Việt

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Mỹ (RFA, 18/04/2017)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 19 đến 23 tháng 4 tới theo lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.

ngoaigiao1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. AFP photo

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tới Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra lời mời với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vào ngày 17 tháng 2 vừa qua nhân cuộc tiếp xúc giữa hai người đồng nhiệm bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 tại Bonn, Đức.

Chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ về nhiều mặt.

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử vào tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm ngắn với Tổng thống Donald Trump. Vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Donald Trump cũng gửi một bức thư tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang tỏ ý muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Phía Việt Nam cũng đang xúc tiến chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Việt Nam cũng mong muốn Tổng thống Donald Trump sẽ tới Đà Nẵng dự hội nghị APEC vào tháng 11 tới đây.

Vào sáng ngày 18 tháng 4, Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh nhân dịp diễn ra cuộc họp lần thứ 10 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam Trung Quốc.

Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại cuộc gặp này, đại diện phía Việt Nam bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy các cơ chế đàm phán về biên giới lãnh thổ đạt tiến triển thực chất, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đề nghị hai bên trao đổi để ký nghị định thư về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước.

Cuộc họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương lần thứ 10 Việt Nam Trung Quốc có nội dung chính là triển khai những thỏa thuận mà hai nước đạt được sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng hồi đầu năm nay, thảo luận về kế hoạch hợp tác trong năm 2017.

Trong chuyến thăm vào giữa tháng 1, lãnh đạo hai nước đã khẳng định cam kết cùng kiểm soát tốt bất đồng trên Biển Đông, giữ gìn hòa bình, ổn định, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp ở khu vực. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trên biển sau khi hoàn thành khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

************************

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Trung Quốc (RFA, 17/04/2017)

Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh và ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm nay, 17 tháng Tư , gặp nhau tại Bắc Kinh và trao đổi về vấn đề Biển Đông.

ngoaigiao2

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (giữa, trái) và Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh ngày 17 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Vấn đề được đưa ra tại cuộc họp lần thứ 10 của Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt Nam - Trung Quốc.

Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin nói hai bên đồng ý đẩy mạnh cơ chế đàm phán để có thể đạt kết quả tốt, kiểm soát được mọi bất đồng và tránh làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông cũng như mở rộng tranh chấp.

Ngoài vấn đề Biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa, hai phía còn thảo luận về hợp tác kinh tế song phương, qua đó ông Dương Khiết Trì đề cập đến các biện pháp cân bằng thương mại đôi bên, tạo điều kiện thành lập văn phòng thương mai Việt Nam tại Trung Quốc, thúc đẩy dự án đường sắt đô thị Cái Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ.

Buổi chiều cùng ngày, ông Phạm Bình Minh còn gặp gỡ ủy viên thường vụ bộ chính trị Trung Quốc là ông Du Chính Thanh trước khi kết thúc chuyến thăm vào ngày mai.

Quay lại trang chủ
Read 801 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)