Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/06/2020

Chỉ số Hòa bình toàn cầu 2020, bóng ma thế lực thù địch

RFA tồng hợp

Chỉ số Hòa bình toàn cầu 2020 : Việt Nam tụt hạng, xếp thứ 64/163 (RFA, 16/06/2020)

Bảng xếp hạng do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) vừa mới công bố. Hồi năm ngoái Việt Nam đứng thứ 57/163 quốc gia. Đứng đầu bảng xếp hạng trên toàn thế giới của IEP vẫn là Iceland, nước này đã liên tục đứng đầu kể từ năm 2008 đến nay.

global1

Việt Nam tụt 7 hạng, xếp thứ 64 trên tổng số 163 quốc gia trong "Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2020". Courtesy IEP

Theo IEP, Chỉ số Hòa Bình Toàn cầu đánh giá các nước theo 3 lĩnh vực : mức độ an ninh và an toàn xã hội, xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra, cấp độ quân sự hóa... dựa trên 23 chỉ số định tính và định lượng. Lượng vũ khí nhập khẩu, tỷ lệ giam giữ tội phạm bạo lực, bất ổn chính trị, xung đột nội bộ, số người tị nạn hoặc người di tản trong nước và tỷ lệ cảnh sát... là các chỉ số chính ảnh hưởng đến thứ hạng các quốc gia.

Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam xếp hạng 12 trên 19 quốc gia, trên Campuchia (78), Trung Quốc (104), Thái Lan (114) nhưng đứng sau Malaysia (thứ 20), Đài Loan (37), Mông Cổ (39), Indonesia (49), Lào (50)... New Zealand đứng đầu khu vực về an toàn(2), cuối bảng là Triều Tiên xếp thứ 151.

Xét về xung đột trong nước và quốc tế, Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới và đứng thứ 51 về mức độ an ninh và an toàn xã hội.

Về chi tiêu quân sự, theo IEP, Việt Nam đã chi 5,5 tỉ USD trong năm 2019, tương đương với 57 USD trên đầu người. Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu về chi tiêu quân sự trong khu vực với 250 tỉ USD tương đương 176.7 USD trên đầu người.

Trong năm nay IEP đã đưa mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đến sự an toàn của các quốc gia. Trong đó an ninh lương thực cũng được xem xét, IEP cho rằng việc một số nước xuất khẩu lương thực, trong đó có Việt Nam, hạn chế xuất khẩu để đảm bảo lương thực trong nước, đã tạo ra sự thiếu hụt ở các quốc gia phụ thuộc.

******************

Thêm 2 Facebookers bị bắt giữ với cáo buộc lạm dụng quyền tự do dân chủ (RFA, 17/06/2020)

Hai Facebokers có tên Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thường bị công an Quận 8 và phường Bình Tân ở thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ với cáo buộc tình nghi liên quan đến chính trị. Gia đình Facebooker Huỳnh Anh Khoa xác định tin này với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại vào tối ngày 17/6.

global4

Hình minh họa. Facebooker Huỳnh Anh Khoa và con gái Hình FB

Chị Phạm Thị Bảo Ngọc vợ Facbooker Huỳnh Anh Khoa cho biết : "Vào khoảng 3 giờ rưỡi chiều ngày thứ Bảy, 13/6, em thấy một số người đó dẫn anh Khoa về nhà và yêu cầu em đứng để nghe họ đọc lệnh khám xét nhà. Rồi họ khống chế em để vào nhà. Khoảng 5 đến 6 người theo em vào lục xét nhà. Sau khi khám xét nhà xong họ không tìm thấy gì hết. Họ nói với vợ chồng em rằng khám xét nhà không thu giữ được gì, mời vợ chồng em ký vào giấy tờ gồm 3 tờ nhưng không gửi lại cho em một tờ nào hết và cho biết chồng em bị giữ ở cơ quan công an Quận 8".

Chị Ngọc cho biết cơ quan công an quận 8 và phường Bình Tân đã từ chối không đưa lệnh tạm giam và tạm giữ Huỳnh Anh Khoa cho gia đình.

Theo Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, một người thường đưa các tin về kinh tế và chính trị ở Việt Nam, hai người bị bắt vừa nêu nằm trong một nhóm trên Facebook chuyên tổ chức các cuộc thảo luận về tình hình xã hội, kinh tế của Việt Nam có tên Bàn luận Kinh tế - Chính trị. Nhóm này có 46 ngàn người theo. Sau vụ bắt giữ xảy ra, nhóm này ngay lập tức bị đóng.

Cũng theo blogger Lê Nguyễn Hương Trà thì cả hai bị cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ theo điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

******************

"Không nên mượn bóng ma ‘thế lực thù địch’ để công kích người góp ý" (RFA, 16/06/2020)

Tranh luận của Đại biểu quốc hội gây chú ý dư luận

Nghị trường Quốc hội vào ngày 13/6 được cho là nóng lên khi nhiều Đại biểu quốc hội bày tỏ không đồng ý với Đại biểu quốc hội Phạm Hồng Phong, hiện là Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh qua phát biểu liên quan vụ án tử tù Hồ Duy Hải đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

global2

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa (người đứng giữa hình). Courtesy : quochoi.vn

Trước vấn đề được Đại biểu quốc hội nêu lên về sự hoài nghị của công luận đối với phán quyết của tòa án trong vụ Hồ Duy Hải, ông Phạm Hồng Phong tuyên bố rằng :

"Không nên chỉ qua một vài trang giấy hoặc bình luận của báo để nhận định quyết định của tòa là không đúng. Hiện nay có nhiều thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước đòi tam quyền phân lập nên cần hết sức cảnh giác".

Truyền thông trong nước tường thuật các Đại biểu quốc hội đã tranh luận lại ý kiến này của Đại biểu quốc hội Phạm Hồng Phong. Chẳng hạn như Đại biểu quốc hội Hoàng Đức Thắng, tỉnh Quảng Trị cho rằng phát biểu của Đại biểu quốc hội Phạm Hồng Phong "vô hình trung dẫn dắt suy nghĩ là Đại biểu quốc hội nói theo báo chí, dư luận phản động, dễ dẫn tới tổn thương tư cách đại biểu". Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, thuộc cử tri đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng phản bác lại qua trưng dẫn câu nói của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "không phải cứ thấy đỏ mà tưởng là chín".

Tại phiên họp Quốc hội vào chiều ngày 15/6, ý kiến của Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận khi tuyên bố rằng "trong hội trường Diên Hồng, thế lực thù địch chỉ tồn tại trong suy nghĩ người quy chụp". Vị Đại biểu quốc hội đến từ Thành phố Hồ Chí Minh còn khẳng định "tất nhiên phải tìm cho ra, cho đúng thế lực thù địch để nghiêm trị, song không nên mượn bóng ma của chúng để công kính những người góp ý". Ông Trương Trọng nghĩa nhấn mạnh :

"Mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch".

Cựu Đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông, vào tối ngày 16/6 chia sẻ với RFA về quan điểm của ông trước những tranh luận của các Đại biểu quốc hội như vừa nêu :

"Nói chung, các Đại biểu quốc hội đều có trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân cả. Đại biểu quốc hội cũng được Đảng cử dân bầu và cũng được rèn luyện trong cuộc sống nhưng rồi có những điều trong phát ngôn chưa được thận trọng, giữ gìn cho nên có thể xúc phạm đến người khác và cảm nhận của người khác, gây nên sự khó chịu và có những ý kiến trái chiều. Theo tôi thì đây là điều không được hay lắm".

Tuy nhiên, cựu Đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông nhận định rằng hoạt động của Quốc hội ngày càng được hiệu quả hơn qua những cuộc tranh luận thẳng thắn của các Đại biểu quốc hội :

"Tôi thấy chính hoạt động có hiệu quả của Quốc hội, nhất là qua truyền hình trực tiếp và qua các thông tin đại chúng thì có thể thấy Đại biểu quốc hội thể hiện trách nhiệm của mình đối với cử tri là nói lên được tiếng nói thay cho họ ở diễn đàn Quốc hội, là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Điều đó càng làm cho người dân quan tâm và gắn bó với Đại biểu để càng phản ảnh được nhiều thông tin với Đại biểu Quốc hội. Tôi thấy xã hội Việt Nam càng ngày càng được dân chủ, cởi mở và lòng tin của người dân ngày càng được nâng lên đối với Đảng và Nhà nước. Đó là thực tế chứng minh, chứ không phải tô vẽ. Nhất là qua chống dịch Covid-19 vừa rồi thì thấy từ trên xuống dưới có một tiếng nói chung và thống nhất trong hành động chung nên đạt được kết quả rất tốt".

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, trong phiên họp Quốc hội hôm 15/6 cũng nhìn nhận khi chủ trương, đường lối của Đảng lãnh đạo phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, như qua cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 thì không có một thế lực thù địch nào có thể phá hoại.

global3

Mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan phản đối kết quả phiên giám đốc thẩm tuyên tử hình con trai bà ngày 8/5/2020. Courtesy : Facebook Trương Châu Hữu Danh

Đảng cộng sản Việt Nam luôn cảnh giác với thế lực thù địch

Đài RFA ghi nhận các cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam như Tạp chí Cộng sản và Công an Nhân dân Online trong tháng 3 và tháng 5 đăng tải những bài viết cảnh giác, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của thế lực thù địch trước thềm Đại hội Đảng XIII.

Chúng tôi liên lạc với nhà báo Nguyễn Vũ Bình để tìm hiểu cụm từ "thế lực thù địch" với hàm ý chống đối chính quyền bằng ngôn từ phản biện ra đời từ khi nào. Cựu nhân viên của Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nguyễn Vũ Bình nói với RFA :

"Tôi không biết nó có từ bao giờ, nhưng tôi nhớ từ hồi tôi vào làm cho Tạp chí Cộng sản hồi năm 1992 là đã có cái từ đó rồi để nói đến những người lên tiếng cho tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do dân chủ… Nếu tôi nhớ không nhầm thì nó xuất hiện từ năm 2989-1990, thời kỳ Liên Xô-Đông Âu sụp đổ. Người ta gọi là nêu cao cảnh giác, tức là việc đấy vẫn thường trực nhưng mà tùy từng thời điểm nói nhiều hay nói ít. Đại ý như vậy".

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình là một cựu tù nhân lương tâm. Ông đã phải bị nhận lãnh bản án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế vì các bài viết kêu gọi dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Bày tỏ đồng quan điểm với cựu Đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông về xã hội Việt Nam được có dân chủ hơn, nhưng nhà báo Nguyễn Vũ Bình nhận xét sự quan tâm và nhận thức của người dân ngày càng nâng lên và lan rộng là do truyền thông mạng. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình lý giải thêm :

"Gần đây một trong những vấn đề tác động là truyền thông lề dân và của mạng xã hội tác động đến hệ thống rất lớn và đi vào những sự việc, tình huống cụ thể như vụ án Hồ Duy Hải hay như vụ Đồng Tâm. Tức là chủ yếu người ta đưa ra sự thật, phân tích những lý lẽ đúng sai cho nên làm cho nền tảng của nhà nước và của chế độ cũng như những hành xử của chính quyền bị lung lay. Vì thế, họ càng đẩy mạnh cảnh giác như thế".

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình và một số nhà hoạt động dân chủ trong nước xác quyết rằng Chính phủ Hà Nội đang đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền về thế lực thù địch, cũng như gia tăng đàn áp và bắt giam những tiếng nói bất đồng chính kiến và cổ súy cho tự do, dân chủ ở Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), tính đến tháng 10 năm 2019, Việt Nam giam giữ hơn 230 tù nhân lương tâm.

Hai bạn trẻ Đỗ Nam Trung và Phạm Minh Vũ, bị tuyên án tù vì đã tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thăm dò dầu khí trái phép ở vùng biển Việt Nam hồi đầu tháng 5/2014. Hai thanh niên này từng khẳng khái tuyên bố sau khi mãn án tù rằng họ vẫn tiếp tục cất lên tiếng nói của một người dân trước những vấn đề của đất nước và xã hội Việt Nam, bởi vì đó là quyền được ghi trong Hiến pháp và là trách nhiệm của công dân nước Việt.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 576 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)