Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/04/2017

Việt Nam đã chín muồi cho trang facebook nhà ?

Tổng hợp

Việt Nam và tham vọng 'có Facebook' nội địa (BBC, 20/04/2017)

Một bộ trưởng tại Việt Nam gợi ý nước này về lâu dài cần có các mạng xã hội riêng của mình, 'tương đương với Facebook', theo trang Một Thế Giới hôm 18/04.

face1

Ảnh minh họa

Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 18/04, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng về dài hạn, Việt Nam cần có các mạng xã hội tương đương với mạng của Facebook, Google để cạnh tranh.

Cuộc chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tập trung vào các "mặt trái" của mạng xã hội nói chung.

Một đại biểu Quốc hội, ông Trần Công Thuật cho rằng thời đại mạng xã hội bùng nổ, mặt trái là nhiều thông tin lừa đảo, bôi nhọ lãnh tụ, đồi trụy đang bùng nổ.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận rằng công nghệ thông tin, tin tức "liên tục đặt ra những thách thức khi số lượng người dùng mạng xã hội của Việt Nam thuộc top cao nhất thế giới".

Ông tin rằng "Việt Nam không cần hạn chế mà chủ động dùng mạng xã hội để phục vụ cho người dân và sự phát triển của xã hội".

face2

Weibo của Trung Quốc lên thị trường chứng khoán công nghệ cao NASDAQ ở Hoa Kỳ

Theo Bộ trưởng, những thông tin tiêu cực mà hệ thống chính trị tại Việt Nam coi là "chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước", chủ yếu xuất phát từ các trạng mạng nước ngoài.

Ông cho hay chính quyền Việt Nam đã "phát hiện hơn 2.200 video clip có nội dung xấu, độc, chủ yếu bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước", trên YouTube, trang tải video do tập đoàn Google làm chủ.

"Sau khi 'đấu tranh' với các doanh nghiệp này, Google đã gỡ bỏ gần 2.000 clip xuống", ông Tuấn nói tại Quốc Hội.

Mở hay cấm ?

Theo số liệu năm 2016 của Nielsen, hãng nghiên cứu thị trường và cung cấp thông tin số toàn cầu, người sử dụng Internet ở Việt Nam lên mạng trung bình 25 giờ một tuần.

Đây là con số trung bình cao hơn so với các nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Thái Lan.

Hơn một phần ba dân số Việt Nam dùng mạng xã hội.

Và đến năm 2020, số người dùng mạng xã hội sẽ lên tới 46.7 triệu người. 38,3% người lớn dùng điện thoại thông minh hàng tháng, và đây là lý do cho sự phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội, theo nguồn tin của eMarketer.

Nhưng giới vận động cho tự do mạng nói chính quyền Việt Nam vẫn tìm cách "kiểm duyệt" những trang có nội dung chính trị, thời sự đăng tin tức không kiểm soát được.

Theo tổ chức Freedom House, cả Facebook và Instagram bị chặn một đôi lần ở Việt Nam vào tháng 5/2016 khi có các cuộc biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường do tập đoàn Đài Loan, Formosa gây ra ở vùng biển Miền Trung.

Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định họ bảo đảm quyền tự do thông tin và không có chuyện ngăn chặn các trang mạng.

face3

Hồi 2010, Việt Nam đưa ra trang go.vn nhằm thu hút người dùng mạng xã hội

Tại Châu Á, hiện mới chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thành công trong việc tạo dựng các mạng xã hội riêng của mình và lan tỏa được ra cả giới sử dụng bên ngoài quốc gia của họ.

Sau thành công của Weibo, đến mạng WeChat của tập đoàn Tencent, Trung Quốc nay bành trướng sang khắp Châu Á, Châu Phi và Châu Âu.

Cùng lúc, các mạng xuất phát từ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chiếm vị trí cao trên toàn cầu, kể cả ở những nước Châu Á ngăn chặn họ như Trung Quốc.

Người dùng Facebook tại Trung Quốc có thể vào mạng xã hội này nhờ dùng công nghệ vượt tường lửa.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn không phải là người đầu tiên đề ra ý tưởng có trang mạng xã hội nội địa đủ sức cuốn hút người dùng tiếng Việt.

Hồi 2010, khi ông Lê Doãn Hợp còn làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đưa ra trang go.vn nhằm thu hút người dùng mạng xã hội nhưng đến nay không được như ý.

************************

Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội (RFA, 20/04/2017)

face4

Dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh là chuyện rất bình thường đối với người dân Việt Nam hiện nay. AFP photo

Trong xu thế dân chúng tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều và qua công cụ livestream của Facebook, các cư dân mạng dùng để tiếp cận thông tin thực tế cũng như bày tỏ chính kiến của mình một cách hiệu quả đến cộng đồng. Câu hỏi đặt ra là văn hóa ứng xử trên mạng xã hội có tác động như thế nào đến quá trình dân chủ hóa ở quốc gia này ?

Khoảng vài năm trước đây, dân chúng trong nước còn khá bỡ ngỡ mỗi khi nghe thông tin có người bị tuyên án tù vì tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" hay "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước" chỉ vì những người này bày tỏ chính kiến của họ về hiện tình đất nước trên các trang mạng xã hội. Mặc dù không ít người gánh tội và chịu cảnh tù đày theo các Điều 88, 258, 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Đình Ngọc, Nhạc sĩ Việt Khang…nhưng xu thế mạng xã hội được sử dụng một cách phổ biến và lan rộng khắp Việt Nam trong vòng 5 năm qua được ghi nhận phát triển một cách mạnh mẽ.

Kể từ khi Facebook có ứng dụng livestream, cộng đồng cư dân mạng tại Việt Nam sử dụng như là một công cụ hữu hiệu để chuyển tải thông tin trực tiếp về các sự kiện hay vụ việc xảy ra mà đa số không được các kênh truyền thông chính thống do nhà nước quản lý đăng tải. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người mạnh dạn, công khai bày tỏ chính kiến của mình xoay quanh đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội không chỉ diễn ra ở trong nước mà rộng khắp toàn cầu.

Khoảng cách không gian và thời gian dường như không còn bị rào cản nào do qua việc livestream trên Facebook, người tham gia có thể đăng tải hình ảnh một cách chính danh và trung thực hơn, diễn đạt ý kiến một cách sống động cũng như giao lưu trực tiếp với người xem. Và tương tác này thu hút rất nhiều cư dân mạng quan tâm hơn trong việc xây dựng xã hội được tiến bộ và văn minh. Lên tiếng nhận xét với Đài Á Châu Tự Do liên quan phong trào sử dụng livestream ở Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm Đinh Nhật Uy cho biết :

"Vấn đề livestream đã trở nên coi như là bình dân trong những người sử dụng Facebook rồi. Hầu như ai sử dụng Facebook đều cũng biết đến livestream và livestream luôn thu hút mọi người. Dĩ nhiên là có nhiều thành phần và đối tượng sử dụng chức năng này của Facebook. Nó khác với chúng ta làm một video và có biên tập chặt chẽ. Tùy từng người và trình độ hay chuyên môn khác nhau mà nhiều người có thể diễn đạt một cách trôi chảy, ngôn từ gọn gàng sạch sẽ hoặc những người sử dụng từ ngữ đôi khi mang tính chất ‘chợ búa’ và lời lẽ hay động thái không được trau chuốt cho lắm. Điều này cũng là tất yếu khi đã trở thành vấn đề thông dụng rồi".

Anh Đinh Nhật Uy cùng một số những người dấn thân vì tiến trình dân chủ hóa quốc gia, nhấn mạnh với RFA công cụ livestream trên Facebook đóng vai trò tích cực và rất hiệu quả, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, hiểu biết cũng như nhận thức về các quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến để từ đó nâng cao ý thức hơn trong việc quan tâm đến xã hội và góp phần thay đổi xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận có những người livestream với ý tưởng và lời lẽ được cho là không phù hợp cũng như gây ảnh hưởng không tốt cho phong trào dân chủ tại Việt Nam.

Chúng tôi liên lạc với cô Lisa Pham, một nhân vật thường xuyên livestram với chương trình có tên "Khai Dân Trí" và được rất nhiều cư dân mạng ở Việt Nam theo dõi. Trả lời câu hỏi của Hòa Ái rằng cách thức chia sẻ thông tin của mình bị nhiều người chỉ trích là không phù hợp theo tiêu chí ứng xử văn minh, cô Lisa Pham nói :

"Đa số người dân trong nước là những người bình dân, tôi nói không phải cần trau chuốt, chuẩn bị hoặc phải làm màu mè giống như những đài tuyền hình, đài phát thanh, là các dụng cụ của Đảng (Cộng sản Việt Nam) để cố tình người ta làm màu mè với mục đích tuyên truyền chế độ. Ở đây tôi nói chuyện rất bình dân để tất cả tầng lớp bình dân tại Việt Nam nghe và hiểu được. Chuyện đó tôi nghĩ rằng là điều đương nhiên và đó cũng là sở thích của tôi".

Trao đổi với một vài người thường xem những livestream trực tiếp của cô Lisa Pham và của một vài người khác qua cách trình bày với những ngôn từ bị cho là "chửi bới thô tục", họ cho biết những người này đã nói thay sự bức xúc của họ đối với chính quyền lãnh đạo Việt Nam và đó là lý do tại sao họ thích theo dõi các livestream này. Thế nhưng, số lượng những người xem các dạng livestream như thế được cho là có chiều giảm xuống. Một cư dân mạng ở Đà Nẵng, anh Khúc Thừa Sơn, cho biết ghi nhận và quan điểm cá nhân đối với xu hướng vừa nêu :

"Ở khu vực của em nghe còn rất nhiều. Thế nhưng hiện tại, số lượng theo dõi bảo đảm là giảm bởi vì họ cảm thấy không còn hợp nữa. Những lời thô tục không có lợi cho phong trào Việt Nam. Cho nên ít nghe. Bây giờ người dân tập trung vào những người thật sự có tầm, có lý luận với ngôn từ rất đàng hoàng và lô-gích, chứ không chửi bậy, chửi bạ nữa. Mạng xã hội đã tiến lên một bước rồi.

Mạng xã hội không còn là ảo mà đã đi vào cuộc sống đời thực của người dân, gắn bó với người dân và rất là quan trọng và thiết yêu đối với người dân. Cho nên mỗi hoạt động của mình trên mạng xã hội cần phải kín kẽ và thận trọng vì trang Facebook không phải là trang cá nhân của mình nữa mà trang của cả cộng đồng và mỗi lời nói của mình có tác động rất lớn".

Quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bày tỏ chính kiến là các quyền căn bản được Liên Hiệp Quốc công nhận nên khó có thể mặc định thế nào nên hay không nên. Và như ý kiến của cư dân mạng Khúc Thừa Sơn vừa được trích dẫn, cộng đồng sử dụng mạng xã hội cho rằng có lẽ mỗi người cần tự nhắc nhở tiếng nói cá nhân của mình sẽ tác động không nhỏ trong tiến trình dân chủ của Việt Nam.

RFA, 20/04/2017

*************************

Thông tin mạng tại Việt Nam bị ngăn cấm nghiêm trọng (RFA, 19/04/2017)

face5

Ứng dụng video YouTube trên màn hình iPhone. Ảnh chụp hôm 28/3/017.  AFP photo

Chính quyền Việt Nam ngày càng xiết chặt quản lý và kiểm duyệt truyền thông mạng bằng cách thức yêu cầu Google và Facebook cùng hợp tác chặn thông tin xấu độc, thông qua Thông tư 38 vừa ban hành hồi đầu năm 2017.

Clip bôi nhọ lãnh đạo bị xóa

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 38 quy định về việc quản lý cung cấp thông tin công cộng qua biên giới và kiểm duyệt chặt chẽ hơn nội dung đăng tải trên internet. Với Thông tư số 38 mới ban hành hồi đầu năm 2017, Chính phủ Hà Nội yêu cầu các chủ trang web và mạng xã hội nước ngoài như Facebook hay Google phải hợp tác để chặn thông tin xấu độc.

Tại buổi chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào chiều thứ Ba, ngày 18 tháng 4 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết Luật pháp của Việt Nam có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm và đã xử phạt 10 trường hợp, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng Tư.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, cơ quan chức năng của Việt Nam sử dụng Thông tư 38 như là hành lang pháp lý để xử lý những trường hợp vi phạm trên các trang mạng xã hội như Google, YouTube và Facebook.

Ông Trương Minh Tuấn thông báo Việt Nam yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và cho đến nay có hơn 1000 clip đã bị xóa. Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, Kỹ sư Điện toán và là người quan sát tình hình Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Diêu, từ Úc Châu cho biết ông đón nhận thông tin vừa nêu như thế nào :

"Vấn đề gọi là ‘bôi nhọ’ là một vấn đề khá mơ hồ. Ví dụ như nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra một tiêu chuẩn nào đó gọi là ‘bôi nhọ’, nhưng đối với phương Tây thì đó là chuyện bình thường. Do đó, không thể nào dựa trên tiêu chuẩn của một quốc gia nào đó để bắt buộc một công ty như Google phải đồng ý về cái gọi là ‘bôi nhọ’ được. Huống hồ chi người dùng (có tài khoản với Google), họ hoàn toàn có thể từ chối không đưa các clip đó lên YouTube.

Để xác minh nội dung (liên quan đến ‘bôi nhọ’) rất là khó khăn vì Google không nằm trong vùng quản lý của đất nước Việt Nam. Cho nên về mặt kỹ thuật, nếu nói một người nào đó đã đăng tải 500 clip để bôi nhọ lãnh đạo thì theo tôi thấy là mang tính chụp mũ hoặc mang tính đoán mò nhiều hơn tính thực tiễn có thể có xảy ra được".

Qua tìm hiểu, một số những người làm việc trong lãnh vực truyền thông mạng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam mà RFA tiếp xúc nhận định rằng Google chỉ xóa các clip vi phạm nội quy theo quy định của tập đoàn truyền thông khổng lồ này như không mang tính chất giáo dục, không phù hợp với trẻ em hay tất cả mọi người, không theo nguyên tắc của cộng đồng, chứa đựng nội dung bạo lực hay vi phạm bản quyền. Điều đặc biệt, các chủ tài khoản đăng ký với Google bị xóa clip trên YouTube khi bị báo cáo vi phạm là những ai có tài khoản kinh doanh, chứ không phải tài khoản cá nhân thuần túy.

Chúng tôi liên lạc được với một chủ tài khỏan kinh doanh trên kênh YouTube tại Việt Nam bị báo cáo vi phạm quy định của Google. Người này cho biết nhận được thông báo và ngay lập tức clip bị xóa cũng như tài khoản bị đóng. Người chủ tài khoản này chia sẻ qua email nội dung thông báo mình nhận được từ Google :

"Họ gửi thư điện tử cho tôi và thông báo là ‘Chúng tôi đã nhận được một đơn khiếu nại pháp lý về video của bạn từ chính phủ. Sau khi xem xét, video sau đây đã bị chặn xem trên trang web YouTube ở (các) quốc gia sau : Vietnam. YouTube chặn nội dung trong trường hợp cần thiết để tuân thủ luật địa phương. Hãy xem lại bài viết trong trung tâm trợ giúp của chúng tôi về khiếu nại pháp lý".

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan các clip bị xóa trên YouTube, người chủ tài khoản không muốn nêu tên nói rõ đã đăng tải thông tin về người biểu tình bị đánh đập, dân oan khiếu kiện bị đàn áp và người dân phản đối cưỡng chế đất đai nhà cửa trái luật…Người này cũng xác nhận việc khiếu nại với Google về các clip bị xóa đều không có kết quả nào.

Kiểm duyệt Facebook ?

face6

Google thông báo xóa clip trên Youtube. Google thông báo xóa clip trên Youtube.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, khi trả lời chất vấn của Đại biểu vào chiều ngày 18 tháng 4 rằng giải pháp của Bộ Thông tin-Truyền thông là gì khi xuất hiện các trang mạng giả mạo lãnh đạo và tung tin thất thiệt, cho biết đang làm việc với Giám đốc nội dung của Facebook để yêu cầu gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo đăng tải trên trang mạng xã hội này.

Đài RFA ghi nhận dư luận cho rằng Chính phủ Hà Nội ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nội dung đăng tải của cư dân mạng tại Việt Nam trên Facebook, một trong những trang mạng xã hội được cho là sử dụng nhiều nhất rộng khắp thế giới.

Cư dân mạng Huỳnh Quốc Huy nêu lên suy nghĩ của anh khi sử dụng trang mạng xã hội Facebook :

"Huy sử dụng Facebook cũng lâu rồi. Huy cảm nhận dường như Facebook Châu Á kiểm duyệt nội dung một cách rất gay gắt. Có những video và các bài viết, status của Huy chỉ khoảng vài chục phút sau là tự động xóa mất mà mình chẳng biết lý do vì sao họ xóa. Họ không gửi cho mình thông báo nào hết. Thành ra mình cũng chẳng biết như thế nào luôn. Huy không có phát ngôn liên quan đến kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chủng tộc hay kích động khủng bố… nên Huy cũng không hiểu vì sao Facebook kiểm duyệt đến như vậy. Nói chung mình không được thoải mái khi sử dụng Facebook, nhưng hiện đây là một kênh truyền thông rất hiệu quả nên vẫn phải tiếp tục dùng nó thôi".

Anh Huỳnh Quốc Huy là một trong số các cư dân mạng tại Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại với chính quyền địa phương vì công khai bày tỏ chính kiến của bản thân cũng như chuyển tải các tin tức về đời sống xã hội diễn ra hàng ngày ở trong nước đến với cộng đồng cư dân mạng. Kể từ sau khi tham gia xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi của cựu tù nhân lương tâm, Linh mục Nguyễn Văn Lý hồi tháng 3 năm 2017, anh Huỳnh Quốc Huy thường xuyên livestream trên Facebook và được nhiều người theo dõi. Tuy nhiên, song song với việc làm này, anh Huy đối diện với sự truy đuổi nguy hại đến an toàn của bản thân.

"Từ sau tháng 3 là họ cứ truy đuổi theo Huy hoài. Mình đối diện với những đối tượng mà mình không biết được là ai. Họ không có tống đạt giấy khởi tố hay gì hết mà họ cứ truy đuổi thì làm cho mình bị ảnh hưởng về mặt tinh thần nên cảm giác rất nguy hiểm. Nhưng cho đến bây giờ họ đuổi theo Huy suýt bắt được là có hai lần".

Không chỉ riêng anh Huỳnh Quốc Huy mà đa số các cư dân mạng tại Việt Nam khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng họ không sợ hãi trong việc thực thi quyền tự do thông tin được quy định trong Hiến pháp dù cho Nhà nước Việt Nam ngăn chặn bằng nhiều hình thức, kể cả biện pháp bỏ tù như trường hợp của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 917 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)