Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/04/2017

Vụ Đồng Tâm gây tranh cãi từ trong ra ngoài chính quyền

Tổng hợp

Cán bộ xã có phải là đại diện cho nông dân hay không ? (RFA,20/04/2017)

Công luận tại Việt Nam suốt những ngày qua chờ đợi cuộc đối thoại giữa chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đại diện phía chính quyền với người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm hiện đang phong tỏa làng và giữ 21 cán bộ, nhân viên cảnh sát trong vụ đất đai tại địa phương.

dat1

Một con đường bị dân chặn bởi đất đá ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 20 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Tuy nhiên cuộc làm việc về phía chính quyền thành phố do ông Chung đứng đầu và phía xã Đồng Tâm là một số cán bộ xã chứ không hề có người dân nào.

Cuộc làm việc được truyền thông trong nước cho biết kết thức vào lúc 7g25 phút tối ngày 20 tháng tư. Hai quyết định được nhiều người chú ý là cơ quan chức năng sẽ thanh tra vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm trong vòng 45 ngày. Và ông Nguyễn Đức Chung sẽ tiến hành một cuộc nói chuyện với đại diện người dân Đồng Tâm.

Như vậy có thể nói cuộc đối thoại được chờ đợi suốt những ngày qua bất thành vì không có dân tham dự, mà chỉ là những cán bộ xã Đồng Tâm. Ông Nguyễn Đức Chung chỉ về trụ sở huyện Mỹ Đức chứ không về xã Đồng Tâm. Từ huyện về xã đoạn đường không đầy 20 cây số.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, người từng làm vụ trưởng vụ nghiên cứu ban dân vận trung ương của đảng cộng sản cho rằng những cán bộ xã này không phải là đại diện cho nông dân trong hệ thống hiện nay của Việt Nam :

"Họ không tin chính quyền hiện nay, nói nhiều nhưng làm nhảm nhí nhiều chuyện quá thì dân họ đâu có tin. Hiện nay thì làm gì có chuyện dân bầu, mà chỉ là đảng cử thế thôi. Tất cả hệ thống hiện nay là do đảng sắp xếp thôi, chứ làm gì có dân vào đấy".

Cơ quan của ông Nguyễn Khắc Mai từng làm việc là nơi chăm lo cho những mối quan hệ giữa đảng cộng sản cầm quyền và dân chúng.

Sau khi cuộc khủng hoảng Đồng Tâm bùng nổ với một số lượng lớn chưa từng có các cán bộ nhà nước và nhân viên an ninh bị bắt làm con tin, nông dân Đồng Tâm đã nhắn gửi các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội đến gặp họ để tìm hiểu những lý lẽ của họ về vụ tranh chấp đất đai.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng quốc hội Việt Nam có ý kiến về việc dân yêu cầu lãnh đạo thành phố Hà Nội về xã nhưng chủ tịch chỉ về đến ủy ban nhân dân huyện và gửi giấy cho đại diện dân lên gặp :

"Người dân người ta mời đi lên tiếp xúc mà không đi thì tôi nghĩ đó là một điều đáng tiếc. Phải nên nói sự thật, rồi sau đó mới biết giải quyết thế nào. Còn chuyện mà lãnh đạo cấp trên tiếp xúc với những người cầm quyền cấp dưới thì đó cũng là tiếp xúc để nghe phản ảnh báo cáo tình hình. Những người đó là về mặt pháp lý thì cũng có thể coi là đại diện, đại biểu hội đồng nhân dân gì đấy do dân bầu ra. Nhưng thực sự tiếp xúc thẳng với những người dân đưa kiến nghị thì tốt hơn".

Tại Việt Nam cũng có diễn ra định kỳ các cuộc bầu cử các cơ quan dân cử, từ cấp cao nhất là quốc hội, cho đến các cấp thấp hơn là các hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã.

Tất cả các cuộc bầu cử này có hệ thống sàng lọc các ứng cử viên theo nguyên tắc xét duyệt của mặt trận tổ quốc, một cơ quan của đảng cộng sản, đảng duy nhất cầm quyền tại Việt Nam. Tuyệt đại đa số các ứng cử viên đều là đảng viên đảng cộng sản.

Sự thất bại của liên minh công nông

dat2

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu trong cuộc gặp lãnh đạo xã Đồng Tâm hôm 20/4/2017. Photo courtesy of tuoitre.vn

Với sự phát triển của xã hội dân sự cũng như kinh tế Việt Nam, những cuộc bầu cử này trở nên khá sôi động hơn khi ngày càng có những người không phải đảng viên ra tranh cử, nhưng đại đa số những người này đều bị loại bỏ bằng lý do này hay lý do khác. Thông tin về những cuộc tranh cử này chỉ được truyền thông tự do của mạng xã hội đưa tin, còn báo chính thống do đảng cộng sản kiểm soát hạn chế đến mức tối đa việc đưa tin này.

Theo thông tin từ báo chí Việt Nam thì khi tổ chức cuộc đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, ông Nguyễn Đức Chung đã gửi thư mời đến với các cán bộ xã và với dân nói chung. Báo Tuổi Trẻ trích lời bà Nguyễn Thị Lan, bí thư đảng cộng sản tại xã Đồng Tâm nói rằng cuộc đối thoại mà chỉ có cán bộ xã mà không có dân thì sẽ không có hiệu quả.

Như vậy về mặt chính thức như ông Trần Quốc Thuận đề cập thì những cán bộ xã này là đại diện của dân chúng, nhưng trên thực tế như ông Nguyễn Khắc Mai nhận định, thì những người này không đại diện cho dân. Phát biểu của bà bí thư xã Đồng Tâm Nguyễn Thị Lan cũng góp phần cho thấy rằng những người cán bộ xã không hoàn toàn có thể đại diện quyền lợi của người dân.

Trong lý thuyết cộng sản được đảng cầm quyền nêu cao tại Việt Nam thì nông dân là một thành phần nòng cốt của xã hội. Ông Nguyễn Khắc Mai bình luận :

"Ông coi nông dân trong hiến pháp, trong điều lệ đảng nhà ông là liên minh, chiến lược, công nông, nhưng thực ra họ đẩy nông dân đến thế khốn cùng, mà buộc nông dân phải xù lông xù cánh ra chống đối bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi cho rằng không có sự ngu xuẩn nào hơn như thế. Đối xử với một lực lượng liên minh theo một cách vô đạo, vô lương tâm, vô văn hóa như thế thì còn gì là trời đất, còn gì là đạo nghĩa, còn gì là lẽ công bằng".

Thực tế phát triển kinh tế Việt Nam với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, và sự xuất hiện của một tầng lớp tư sản giàu có, tầng lớp nông dân thực sự không có quyền lực chính trị và kinh tế, được minh chứng qua hàng ngàn vụ tranh chấp đất đai, và bị đàn áp.

Kết thúc cuộc nói chuyện với chúng tôi, ông Trần Quốc Thuận bày tỏ sự mong đợi của ông là lần này nhà cầm quyền sẽ vì lợi ích của người nông dân mà hành động :

"Cũng mong cuộc đối thoại tìm ra sự thật để đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân. Đây là cuộc khiếu kiện kéo dài nhiều năm mà giải quyết chưa dứt điểm. Mà nên đặt lợi ích của nhân dân lên trên, quyền lợi của nhân dân lên trên. Thì cuộc giải quyết này mới mong có kết quả tốt đẹp".

Trong bản tin của báo chí Việt nam loan đi sau khi công bố quyết định thanh tra vụ tranh chấp Đồng Tâm, ông chủ tịch ủy ban nhân dân Hà Nội có nói với các cán bộ xã rằng nên thuyết phục nông dân ở xã tin vào việc kiểm tra sắp tới, vì sẽ có các đại biểu quốc hội tham gia kiểm soát. Quốc hội Việt Nam về nguyên tắc cũng là cơ quan đại diện cho mọi tầng lớp dân chúng, kể cả nông dân.

Kính Hòa, phóng viên RFA

***********************

Vụ Đồng Tâm có thêm diễn biến phức tạp ? (BBC, 20/04/2017)

Nhân chứng nói với BBC đã có vụ "tấn công" vào Thôn Hoành xã Đồng Tâm trong lúc có thêm phóng viên đưa tin về căng thẳng.

dat3

Báo chí Việt Nam mô tả tình trạng trong xã Đồng Tâm là 'căng thẳng'

Một người muốn ẩn danh nói với BBC rằng vào khoảng 10 giờ tối giờ Việt Nam hôm 19/04 có một số người tấn công vào làng nhưng dân làng đã đẩy ra.

"Vì trời tối nên không thể xác định có bao nhiêu người tấn công nhưng họ vào bằng một ngả và đã ra bằng ngả đó", người này nói.

Nhân chứng này cũng mô tả vào sáng ngày 19/04 dân làng phát hiện trong chăn của một trong những người bị giữ "có một khẩu súng" mà họ nghi là được đưa từ bên ngoài vào.

Một số nhà hoạt hoạt động cũng mô tả về diễn biến này nhưng BBC không có điều kiện để kiểm chứng độc lập.

'Nội bất xuất ngoại bất nhập' ?

Trước đó, trong ngày 19/4, báo Tuổi Trẻ đăng bài "Vào tâm bão Đồng Tâm" viết rằng khi tới nơi, các phóng viên được "Những người [dân địa phương] cho biết suốt 5 ngày nay họ bỏ công, bỏ việc lên đền thắp hương để cầu cho mọi chuyện sớm kết thúc, cầu cho cuộc sống sớm ổn định trở lại, người dân được bình an".

Bầu không khí trong xã được các phóng viên Tuổi Trẻ mô tả là người dân "cảnh giác, áp dụng các biện pháp kiểm soát không cho người lạ mặt ra vào".

Facebooker Bạch Hoàn trong bài viết đăng trên Facebook vào cuối giờ chiều 19/4 viết rằng chị đã một mình tới Đồng Tâm nhằm "muốn biết sự thật trong một rừng thông tin trái chiều, nhiễu loạn".

Người dùng Facebook này nói chị đã mang theo nhiều điện thoại thuộc các mạng dịch vụ khác nhau là Vinaphone, Mobifone và Viettel nhằm tìm hiểu việc "có hay không việc phá sóng điện thoại".

Kết quả được ghi nhận là "mạng Vinaphone hoàn toàn không có 3G. Mạng Viettel có ký hiệu 3G trên màn hình nhưng tuyệt đối không thể kết nối internet. Mobifone thì trong tình trạng chập chờn. Khi vào trong thôn Hoành, Mobifone lại không thể sử dụng được. Lúc này, Vinaphone chập chờn, tôi truy cập internet được vài phút rồi tậm tịt".

Ngoài việc mất sóng internet và sóng điện thoại chập chờn, thì : "Có một điều chắc chắn là người dân Đồng Tâm đã mất niềm tin. Khi hỏi vì sao đầu làng mọi người lại căng thẳng như thế ? Một cụ già trong đoàn nói, thông tin ở đây như thế này và về báo chí, dư luận lại nói như thế này thì nhiều tiền lắm ! ?. Vừa nói, bàn tay cụ ngửa ra rồi lật sấp lại...", Facebooker Bạch Hoàn viết.

Hiện chưa rõ các xử lý cuộc khủng hoảng từ các cấp lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam ra sao cho vụ Đồng Tâm.

Mới đây nhất, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội viết trên Facebook cá nhân kêu gọi đối thoại với người dân để tìm lối thoát cho căng thẳng ở Đồng Tâm.

Được biết, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức khẳng định là ông sẵn sàng đối thoại với những người dân xã Đồng Tâm nếu cần thiết.

Tin tức cũng nói ông Nguyễn Văn Chiến, luật sư, đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri Mỹ Đức, đã về làm việc với dân trong hôm 19/4.

Căng thẳng này xảy ra trong bối cảnh sắp có một kỳ họp quan trọng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam là Hội nghị Trung ương 5, khóa 12, dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm nay.

******************

Chủ tịch Hà Nội công bố thanh tra đất đai huyện Mỹ Đức (BBC, 20/04/2017)

Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tuyên bố thành phố tiến hành "thanh tra toàn diện" việc quản lý, sử dụng đất đai tại huyện Mỹ Đức, nơi đang có căng thẳng.

dat4

Hình chụp ở xã Đồng Tâm ngày 18/4

Từ chiều ngày 20/4, ông Chung cùng đoàn của thành phố có mặt ở huyện Mỹ Đức. Họ mời người dân xã Đồng Tâm đến gặp, nhưng kết quả đoàn chỉ làm việc với đại diện lãnh đạo xã Đồng Tâm.

Ông Chung phát biểu : "Liên quan tất cả kiến nghị, mong muốn về việc quy hoạch đất nằm trong khu vực sân bay Miếu Môn, thành phố quyết định thanh tra toàn diện quá trình quản lý sử dụng, quá trình xử lý liên quan đất đai thời gian qua tại khu vực này".

"Sau 45 ngày, theo quy định, thanh tra sẽ kết luận các nội dung".

Ông đề nghị người dân xã Đồng Tâm "giải tỏa các chướng ngại vật" và thả nốt số con tin đang bị giữ.

"Công an bảo vệ dân, chứ không đàn áp dân", ông Chung nói chiều tối ngày 20/4.

Lúc 18g45, VnExpress đưa tin ông Nguyễn Đức Chung bước vào hội trường của Huyện ủy Mỹ Đức.

Báo Tuổi Trẻ thì nói "tuy nhiên, chỉ có lãnh đạo xã Đồng Tâm dự cuộc đối thoại không có người dân nào ra dự. Đoàn công tác vẫn quyết định tổ chức cuộc đối thoại".

Một người dân tại xã cho BBC biết, chính quyền muốn mỗi thôn cử 10 người đại diện lên huyện làm việc, nhưng người dân "vẫn do dự và hoang mang".

Một người dân khác lại cho BBC biết : "Người dân bị lừa nhiều quá rồi ! Đố ai dám ra khỏi xã. Lỡ ra khỏi xã rồi bị bắt thì sao !"

"Ông Chung phải xuống tận xã để xem tình hình thực tế của người dân chứ, xem người dân vất vả khổ sở như thế nào".

"Làm gì cũng phải làm từ dân lên. Lấy dân làm gốc".

Người này cũng cho biết : "Người dân thực sự rất là mệt mỏi rồi chỉ mong chính quyền xuống làm việc, giải quyết rõ ràng cho người dân".

Người này nói ông sống ngay gần nơi giam giữ hơn 20 cán bộ. Ông nói người dân hiện rất mệt mỏi, vì sáu ngày qua, họ đã lo cơm nước, giặt giũ, cho các cán bộ này tắm rửa".Nếu đó là đất quốc phòng, thì chính quyền chỉ cần đưa văn bản, sơ đồ chứng minh, người dân sẽ thả người ngay", ông nói với BBC.

Truyền thông tại Việt Nam nói vào chiều 20/4, ông Chung cùng đoàn của thành phố Hà Nội có mặt tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức.

Tính đến 17h25, theo báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đoàn của thành phố "vẫn đang ngồi chờ người dân thôn Hoành".

Nguyên do là vì đoàn của thành phố có mặt ở trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, nhưng người dân "chưa đồng ý lên huyện làm việc".

Thành phần đi cùng ông Nguyễn Đức Chung (dự kiến)

Ông Đỗ Văn Đương - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội

Ông Đào Đức Toàn - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an

Cùng lãnh đạo huyện Mỹ Đức, Đại biểu HĐND, ĐBQH Thành phố Hà Nội

Và đoàn thư ký cuộc họp (Nguồn VOV).

Đến 17g40, trang Zing dẫn lời cụ Nguyễn Văn Nhạc (80 tuổi) ở xã Đồng Tâm, cho biết người dân nơi đây đã quyết định không gặp Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại UBND huyện Mỹ Đức. Thay vào đó, họ "tập trung tại Nhà văn hóa thôn Hoành để mong Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về đối thoại".

Vào lúc 18h, báo Tuổi Trẻ tường thuật bà Nguyễn Thị Lan - bí thư xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức cho biết nhiều "người dân thông tin mặc dù có giấy mời nhưng người dân không muốn lên huyện mà chỉ mong lãnh đạo thành phố về tận Đồng Tâm".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/4 nói sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), "phải được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật".

Đây là lần đầu tiên ông Chung về Mỹ Đức, sáu ngày kể từ khi vụ đụng độ giữa người dân xã Đồng Tâm và công an xảy ra hôm 15/4.

Người dân hiện còn giữ khoảng 20 cán bộ sau khi thả một số người trong hai ngày 17, 18/4.

*************************

Đoàn Văn Vươn 'sẵn sàng hòa giải vụ Đồng Tâm' (BBC, 20/04/2017)

Người được biết đến qua vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng năm 2012 trả lời BBC về quan điểm của ông về vụ Đồng Tâm và nói "sẵn sàng làm trung gian".

dat5

Ông Đoàn Văn Vươn hiện là chủ trang trại vịt biển ở Tiên Lãng

Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị tuyên án 5 năm tù với tội danh Giết người năm 2013, nhưng được đặc xá sau khi thụ án hơn 3 năm 7 tháng năm 2015.

Ông Vươn nói với BBC rằng ông "sẵn sàng đứng ra làm trung gian giữa người dân xã Đồng Tâm với chính quyền nhằm giúp xử lý căng thẳng hiện nay".

"Từ vụ việc của mình, tôi thấu hiểu những gì mà người dân Đồng Tâm trải qua, từ chuyện bị chính quyền đơn phương áp đặt, cảm thấy bị xúc phạm và dồn đến đường cùng nên đành phải phản kháng".

"Vụ của tôi hơn 5 năm trước chỉ là hộ cá nhân với 40,3 ha đất nuôi trồng thủy sản trong lúc vụ Đồng Tâm liên quan đến nhiều hộ dân và kéo dài cả chục năm nên có tính chất phức tạp hơn".

"Vụ Đồng Tâm diễn ra trong bối cảnh mạng xã hội phổ biến với người dân Việt Nam nên thông tin về vụ việc đến được với nhiều người dân hơn".

"Tuy vậy, tôi thấy rằng trong vụ này, nếu chỉ nghe một phía thì không ổn, chính quyền cần tổ chức đoàn thanh tra liên ngành đến Đồng Tâm làm rõ đúng sai thế nào".

"Một khi đã xác minh được sự việc và lắng nghe ý kiến của đại diện người dân ở đó thì phải xử lý sao cho thấu tình đạt lý".

Ông Vươn, người bây giờ là chủ trang trại vịt biển, cho biết thêm : "Tôi nghĩ rằng chính quyền họ cũng rút kinh nghiệm ứng phó sau những vụ thu hồi đất đai ở các địa phương".

"Mọi câu chuyện cứ xảy ra liên miên thế này đều bắt nguồn từ chính sách và luật đất đai chưa phù hợp, khiến người dân cảm thấy mảnh đất mưu sinh của họ bị tước đoạt".

dat6

Đến hôm 20/4, tin cho hay còn khoảng 20 người của chính quyền vẫn đang 'bị giữ' tại Đồng Tâm

"Tôi tin là những người ở cương vị lãnh đạo như Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng mong tìm được cách xử lý ổn thỏa cho những vụ khiếu kiện đất đai".

"Sự vụ đã đến nước này thì họ không thể không lắng nghe".

"Dù tình hình hiện tại đang rất căng thẳng, thật sự thì tôi không tin là chính quyền sẽ chọn cách không chính danh để đàn áp người dân trong vụ này".

"Tôi mong rằng để giảm thiểu những vụ nóng như Đồng Tâm trong tương lai, chính phủ cần sớm sửa đổi luật đất đai, bỏ chế định sở hữu toàn dân đối với đất đai".

"Tôi muốn gửi thông điệp đến người dân Đồng Tâm là hãy bình tĩnh, lắng nghe các bên và không vội, vì những đòi hỏi của họ đã kéo dài hàng chục năm nay rồi".

Ông cũng bình luận rằng việc người dân Đồng Tâm đang cầm giữ 20 người của chính quyền là "không bình thường".

"Hiện tại thì vụ việc Đồng Tâm rồi có ổn thỏa hay không là do chính phủ quyết thôi", ông Vươn nói với BBC.

dat7

Đất đai luôn là vấn đề lớn cho hệ thống chính trị Việt Nam vì chế độ sở hữu 'toàn dân'

Ông Đoàn Văn Vươn và em trai Đoàn Văn Quý bị tuyên phạt y án 5 năm tù trong phiên phúc thẩm ngày 31/7/2013 vụ án Đoàn Văn Vươn và đồng phạm về tội "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" xảy ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

Vụ án này thu hút dư luận Việt Nam thời điểm ấy vì được xem là đỉnh điểm về xung đột về đất đai và những bất cập trong việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương.

Sau xung đột này, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang bị đình chỉ chức vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng bị cách chức do để xảy ra vụ án hủy hoại tài sản tại khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn.

Tuy nhiên ông Đỗ Hữu Ca, cựu Đại tá, Giám đốc Công an Hải Phòng, người chỉ huy vụ cưỡng chế đất mà ông gọi là "một trận đánh đẹp", lại được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định phong hàm thiếu tướng.

Quay lại trang chủ
Read 1414 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)