Đất đai Đồng Tâm ‘rối như canh hẹ’ từ lâu (BBC, 19/04/2017)
Báo chí trong nước từ lâu đã nói về bức xúc đất đai của người dân Đồng Tâm do sự nhập nhằng đất quốc phòng và đất nông nghiệp và sai phạm kéo dài của lãnh đạo cấp địa phương.
Người dân xã Đồng Tâm chặn lối vào làng
Truyền thông từ cách đây khoảng ba năm đã nói về điều họ gọi là sự mập mờ trong quá trình "dồn điền đổi thửa" theo đó hàng loạt cán bộ xã Đồng Tâm sở hữu hàng ngàn mét vuông đất.
Đây là một trong những lý do gây bức xúc cho người dân xã Đồng Tâm về vấn đề tranh chấp đất đai.
Báo Hà Nội Mới từ năm 2014 dẫn lời giới chức huyện Mỹ Đức xác minh quỹ đất công dự trữ thuộc quản lý của UBND huyện Mỹ Đức để lại từ năm 1993 là 27.7%, tương đương 103 ha trong khi Luật Đất đai năm 2013 của chính phủ nói đất công dự trữ không được vượt quá 5%.
Báo này khi đó nói quỹ đất công thực sự đã lên đến 40%, tương đương 194 ha.
Nhiều đất đai dọc tỉnh lộ 429 thuộc Đồng Tâm đã bị khoanh lô
Trong khi đó VTC cùng giai đoạn này đưa tin cả xã Đồng Tâm có gần 10.000 dân nhưng số khẩu được chia ruộng đất canh tác là hơn 7.000 khẩu.
Nhưng trong năm 2005-2006 khi xã Đồng Tâm tổ chức đăng ký triển khai chủ trương dồn điền đổi thừa, thì chỉ có 12 hộ đăng ký xin chuyển đổi ruộng đất quỹ đất công nhưng có đến 11 hộ là cán bộ hoặc người thân của cán bộ xã.
VTC khi đó nói nhiều người dân đã chịu không nhận đất vì không đồng tình với cách phân chia đất đai.
Trong khi đó, VietnamNet và Tiền Phong cùng giai đoạn năm 2014 ghi nhận hàng loạt cán bộ xã sở hữu hàng ngàn mét đất với trường hợp Bí thư Đảng uỷ Xã Nguyễn Ngọc Sơn có tới hơn 2000 m2.
Bài 'Dồn điền đổi thửa, quan xã ẵm toàn 'đất vàng' của VietnamNet dẫn lời Cụ Lê Đình Kình nói "chủ sở hữu của những ô hàng ngàn mét vuông, thửa đất vàng này là các cán bộ cốt cán của xã".
VTC đã làm một phóng sự điều tra về thực trạng quỹ đất khổng lồ tại xã Đồng Tâm năm 2014
Điều này cũng được Phó Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội ghi nhận vào ngày 24/4/2014 sau khi nhận nhiều đơn tố cáo của người dân.
Trong một video clip được đưa lên mạng mới đây, cụ Lê Đình Kình, đại diện dân xã Đồng Tâm, đã giải thích tranh chấp đất cho lãnh đạo địa phương và đại diện của Viettel, và Cụ Kình nói ông chính là người viết tờ đơn cho phép "một người tên Chanh" mượn đất.
Bài viết 'Phù phép' đất công thành đất tư của báo Hà Nội Mới đăng năm 2014 cho biết 40 năm trước Hợp Tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm cho một bộ đội tên Nguyễn Văn Chanh mượn một mảnh đất có diện tích 360 m2 để làm nhà ở tạm và nếu không ở nữa thì phải trả lại đất cho Hợp tác xã này".
Tuy nhiên khi ông Chanh chuyển về Thái Bình vào năm 1990 thì không hiểu vì sao khi đó UBND xã Đồng Tâm không lấy lại đất mà lại cho phép ông Chanh bán số đất mượn, theo ông Kình.
Báo Hà Nội Mới cũng ghi nhận khi đó UBND còn cho phép một người tên là Viễn sử dụng 12.000 m2 ngay mặt tiền tỉnh lộ 429 và năm 2008 người này bán hàng ngàn mét vuông cho nhiều cá nhân khác và ông Viễn liên tục chuyển nhượng cho các cá nhân khác hàng nghìn mét vuông đất và thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Ông Hoàng Mạnh Sơn chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức ra thông báo số 65/TB-UBND ngày 23/5/2014 khi đó nói "diện tích đất do gia đình ông Trần Ngọc Viễn sử dụng là đất quốc phòng".
Các vụ việc bùng phát lên trong tháng Tư năm nay lại thu hút báo chí và dư luận vào vấn đề đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
******************
Cưỡng chế đất Mỹ Đức : Hà Nội đồng ý đối thoại với dân (RFI, 19/04/2017)
Hôm 19/04/2017 tình hình tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vẫn tiếp tục căng thẳng. Hiện nay còn 20 người vẫn bị giữ lại, sau khi người dân đã thả 18 cảnh sát cơ động và cán bộ. Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được giao nhiệm vụ đối thoại với dân, trong khi Thành ủy công nhận hơn phân nửa nội dung tố cáo của dân Mỹ Đức là có cơ sở.
Các cảnh sát cơ động bị dân Mỹ Đức, Đồng Tâm bắt làm con tin tại nhà văn hóa thôn. Facebook
Báo chí trong nước dẫn lời phó bí thư thành ủy Đào Đức Toàn cho biết, sẵn sàng đối thoại với người dân Mỹ Đức. Thành ủy đã phân công cho chủ tịch Nguyễn Đức Chung chủ động đối thoại giải quyết, tuy nhiên hiện nay việc tiếp xúc chỉ mới qua điện thoại. Ông Toàn nói rằng các kiến nghị của người dân về đất đai sẽ được xem xét thỏa đáng nhằm ổn định tình hình.
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày hôm qua 18/4 ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội nói rằng trong số 48 nội dung khiếu tố liên quan đến đất đai ở xã Đồng Tâm, có 25 nội dung là có cơ sở. Đây là kết luận của ủy ban thành phố từ ngày 31/10/2016.
Cũng trong hôm qua, chính quyền mới loan báo trước đây đã khai trừ 8 đảng viên, kỷ luật 7 cán bộ xã, khởi tố 3 cán bộ và bắt tạm giam 2 bị can liên quan đến vụ Mỹ Đức.
Hôm nay đại biểu Quốc Hội Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận định yêu cầu được đối thoại với chủ tịch Hà Nội của người dân Mỹ Đức là chính đáng. Ông thắc mắc vì sao lại để cho sự việc kéo dài nhiều năm như vậy.
Hiện nay vẫn còn 20 người gồm lãnh đạo, công an và cán bộ huyện bị giữ tại nhà văn hóa thôn ; mọi ngả đường dẫn vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm bị chặn không cho người lạ ra vào. Cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, nguyên bí thư xã là đại diện người dân, bị bắt và gây thương tích, vừa được phẫu thuật xong và đang được công an giám sát tại bệnh viện.
Hôm qua dư luận tỏ ra giận dữ trước phát biểu của thiếu tướng Bạch Thành Định, phó giám đốc công an Hà Nội, cho rằng sự kiện ở Mỹ Đức là "vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh". Người ta cho rằng sở dĩ chính quyền không tổ chức đột kích để giải thoát con tin, là do các cảnh sát cơ động bị bắt được giam giữ rải rác trong làng một cách bí mật, người ngoài không biết được địa điểm. Hôm nay phía chính quyền đã tỏ ra hòa hoãn hơn.
Tin giờ chót vào khoảng 21 giờ 30 Việt Nam trên mạng xã hội cho hay : "Có 300 xã hội đen vác dao kiếm kéo vào làng, bà con ra nghênh chiến" nên tạm thời số này đã rút đi. Không khí được mô tả là "sôi sục như thời chiến, tiếng kẻng gõ liên tục khắp làng". Dân làng được thông báo sẽ cắt điện tại nhà văn hóa nơi giữ con tin. Trong khi trước đó người dân rất phấn khởi khi nghe tin sẽ đối thoại, ảnh của chủ tịch thành phố được photocopy cho mọi người để chuẩn bị đón tiếp vì đa số không biết mặt ông Nguyễn Đức Chung.
Theo tờ Người Cao Tuổi trước đây, khu vực Miếu Môn gấn xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, có một sân bay dã chiến thời chiến tranh. Sau chiến tranh biên giới Việt-Trung, năm 1980 chính phủ Việt Nam cho thu hồi 208 hecta đất vì mục đích an ninh quốc phòng, trong đó có 47,36 hecta là đất nông nghiệp của xã.
Do không thực hiện được dự án, Lữ đoàn 28 Phòng không - Không quân đã bàn giao lại số đất nông nghiệp cho ủy ban xã Đồng Tâm, và năm 2015 bộ Quốc Phòng cho thu hồi trên 50 hecta đất quốc phòng giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, trong đó có 46 hecta thuộc xã Đồng Tâm.
Người dân khiếu nại chính quyền xã cấp đất nông nghiệp cho một số cá nhân tư lợi, trong khi xã cho rằng đây là đất quốc phòng. Ngày 30/03/2017 Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng", Cục Điều tra Hình sự bộ Quốc phòng khởi tố vụ án "chống người thi hành công vụ".
Thụy My
*********************
Đồng Tâm : Đất quốc phòng hay đất nông nghiệp ? (BBC, 18/04/2017)
Chủ đề tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã nhiều lần được truyền thông trong nước đề cập đến.
Cụ Lê Đình Kình giải thích trong một video về tình hình đất đai ở xã Đồng Tâm
Các tường thuật, cả dạng báo viết lẫn báo hình, đã được đưa từ nhiều năm trước.
Mới đây nhất, sau diễn biến 'chính quyền bắn dân dân bắt cảnh sát' hôm 15/4, sau hai ngày đầu không đăng tin, từ 17/4 nhiều báo có bài nói về tình trạng "vi phạm trên đất quốc phòng", sau khi Thành ủy Hà Nội chính thức ra thông tin vào chiều 16/4.
Tuy nhiên, dân địa phương cáo buộc chính quyền cấp xã và cấp huyện muốn lấy đất nông nghiệp để trao cho công ty Viettel làm dự án.
BBC điểm lại một số thông tin đăng trên báo ở Việt Nam về vụ việc.
Nhập nhằng giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp
Hồi đầu năm 2016, báo Người Cao Tuổi có bài 'Chuyện lạ : Xẻ 'đất công' để bán ?' dẫn nguồn đơn thư khiếu nại của dân địa phương theo đó nói hồi đầu thập niên 1980 Chính phủ có quyết định thu hồi 47,36ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, cùng đất của một số xã khác lân cận để chuyển sang phục vụ mục đích an ninh quốc phòng.
Diện tích đất trên được giao cho Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không, Không quan quản lý, với mục đích xây dựng sân bay Miếu Môn.
Do dự án không khả thi nên tới 2007, Lữ đoàn 28 đã bàn giao lại diện tích từng là đất nông nghiệp này lại cho UNBD Đồng Tâm, với việc xác định lại mốc giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp được tiến hành vào ngày 30/7 năm đó, báo Người Cao Tuổi viết.
Vụ việc lại được truyền thông trong nước đồng loạt nhắc lại sau khi Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ra tiếp thông tin vào sáng 18/4/2017.
Báo Thanh Niên cùng ngày 18/4 nói rằng vào tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng đã giao cho Quân chủng Phòng không Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân cho Lữ đoàn 28 với "các mốc giới không thay đổi".
Tuy nhiên, các báo không nhắc tới việc bàn giao xác định mốc giới giữa địa phương và đơn vị Lữ đoàn 28 hồi 2007.
Đoạn video clip được cho là ghi lại buổi gặp đầu tiên giữa đại diện Viettel với đại diện dân xã Đồng Tâm về chuyện bàn giao đất dự án, hồi đầu năm 2017
Về phần mình, người dân địa phương từ nhiều năm nay nói rằng dựa vào giới mốc đã được xác định hồi tháng 7/2007 thì phần đất mà giới chức nói là dân vi phạm trên thực tế không thuộc đất quốc phòng mà nằm trong phần đất nông nghiệp của xã.
Báo Người Cao Tuổi trong bài đăng hồi 2016 mặc dù ghi nhận rằng theo một văn bản của Lữ đoàn 28 cũng như tuyên bố của cán bộ xã Đồng Tâm thì diện tích đất mà người dân khiếu nại 'là đất của quốc phòng', nhưng nói việc 'xác minh' của phóng viên cho thấy những lô đất này 'có dấu hiệu nằm ngoài mốc giới đất quốc phòng'.
Trong một video clip đăng trên mạng xã hội, một cụ ông cao tuổi, được cho là cụ Lê Đình Kình đại diện dân xã Đồng Tâm, giải thích rằng diện tích đất dân đang khiếu nại trước đây 'từng nằm trong dự án [an ninh quốc phòng]... nhưng chưa bị thu hồi' và đã được trao lại cho xã vào năm 2007.
Cụ ông cũng giải thích chỗ đất này hoàn toàn nằm ngoài khu vực 47,36ha đất mà xã Đồng Tâm đã giao cho nhà nước hồi 37 năm trước.
BBC được gia đình cụ ông Kình, người hiện đang nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Đức sau vụ bị bắt đi hôm 15/4/2017 xác nhận rằng đoạn video đó được ghi cách đây khoảng hơn một tháng, khi đại diện Viettel lần đầu tiên tới tiếp xúc với người dân địa phương, với đại diện là cụ Kình, để trao đổi về vấn đề đất đai được giao cho Viettel.
Cụ Kình nói trong video clip là vào cuối 2016, chính quyền huyện Mỹ Đức đã đưa khoảng gần 600 công an, an ninh, cảnh sát cùng xe vòi rồng, xe thùng bắt người xuống cưỡng chế đất đang có khiếu kiện này, khiến người dân phản đối mạnh mẽ và từ đó dẫn đến hàng loạt vụ tranh chấp căng thẳng diễn ra vào đầu năm 2017.
Hôm 15/4/2017, chính quyền địa phương mời đại diện người dân trong xã 'ra khu vực đất đang tranh chấp để cùng đo đạc, xác định mốc, ranh giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm".
Sau đó, đã xảy ra chuyện giới chức bắt chín người dân xã, và đổi lại, phía dân Đồng Tâm bắt hơn 30 công an, an ninh.
Tất cả người dân Đồng Tâm bị bắt hôm 15/4 đều đã được thả, trừ cụ ông Kình hiện đang phải nằm viện vì 'phải phẫu thuật xương đùi', một người cháu ngoại của cụ ông Kình nói với BBC hôm 18/4.