Tòa tuyên hơn 40 năm tù giam đối với 8 thành viên nhóm Hiến Pháp (RFA, 31/07/2020)
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào tối ngày 31/7/2020 đã tuyên phạt 8 người trong nhóm Hiến Pháp tổng cộng 40 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc tội danh "phá rối an ninh" theo khoản 1, Điều 118 Bộ luật Hình sự 2015.
Nhóm 8 người thuộc nhóm Hiến Pháp tại phiên toà xét ở ở TP Hồ Chí Minh hôm 31/7/2020 - Pháp Luật
Cụ thể mức án đối với từng người là: bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - 8 năm tù giam và Hoàng Thị Thu Vang - 7 năm tù giam.
Các ông Đỗ Thế Hóa, Lê Quý Lộc và Ngô Văn Dũng mỗi người bị tuyên 5 năm tù giam.
Ông Trần Thanh Phương có mức án 5 năm 6 tháng tù, ông Hồ Đình Cương là 4 năm 6 tháng tù giam, riêng bà Đoàn Thị Hồng mặc dù có con nhỏ dưới 3 tuổi vẫn bị tuyên 2 năm 6 tháng tù giam.
Mỗi người đều sẽ bị quản chế tại nhà từ 2-3 năm sau khi trả xong án.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho 2 ông Trần Thanh Phương và Hồ Đình Cương, vào tối 31 tháng 7 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
"Nói chung vụ xử thì nó cũng bình thường thôi, chỉ có điều là cái quan điểm của cơ quan bảo vệ pháp luật nó khắt khe quá.
Trong hồ sơ thể hiện những người này thật ra đang chuẩn bị thực hiện quyền biểu tình của mình thôi, nhưng lại khép họ vào cái tội nặng hơn rất là nhiều là 'phá rối an ninh'.
Rằng là cái nhóm này dự định gây khó khăn, cản trở cho các công việc thường nhật của các cơ quan nhà nước, tổ chức v.v. và có thể tiến tới mục tiêu xa hơn là chiếm giữ các cơ quan này rồi tạo những hành vi bạo động bạo loạn gây rối, gây mất an ninh."
Theo vị luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, ông cho rằng những người này chỉ chuẩn bị biểu tình một cách chi tiết hơn những người khác thôi và những roi điện tự chế là do người khác đem tới sát ngày biểu tình và dự định chỉ dùng để tự vệ khi bị côn đồ tấn công.
Phiên xử được tuyên bố là công khai thế nhưng những người thân của các nhà hoạt động này hoàn toàn không được tham dự.
Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng vào chiều 31/7/2020 thuật lại vụ việc như sau :
"Tụi em không có gia đình nào được vào hết đó chỉ có mỗi người một luật sư được vào thôi còn người nhà không được tham dự, vợ con không ai được tham dự hết.
Họ nói là có giấy mời giấy triệu tập thì được vào mà có bao giờ họ gửi cho mình cái giấy nào đâu mà mình có.
Cái thứ hai nữa là họ nói là do COVID mà mình không nghĩ là COVID vì là an ninh với công an quá đông, cũng phải là mấy trăm người thì không lấy lý do là COVID được.
Họ chỉ nói là có giấy triệu tập thì được vào mà mình đâu có giấy đâu, rồi họ lùa hết, giống như là đàn áp, lùa đi hết ai mà không chịu đi, không kịp đi là họ xô đẩy đàn áp khủng khiếp".
Theo TTXVN, trong vụ việc có hai người là bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và bà Hoàng Thị Thu Vang giữ vai trò chủ mưu.
Sáu người khác có tham gia bao gồm bà Đoàn Thị Hồng, các ông Đỗ Thế Hóa, Trần Thanh Phương, Hồ Đình Cương, Lê Quý Lộc
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy kết cho rằng, đây là nhóm những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, thường xuyên tiếp xúc với các thông tin trên có nội dung xấu trên mạng xã hội.
Những người này bị cho là đã chia sẻ các video trên Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia vào các cuộc biểu tình chống luật Đặc khu và An ninh mạng hồi tháng 6-2018.
Cả 8 người đều bị cơ quan an ninh bắt giữ trước và sau ngày 2-9-2018 khi kêu gọi thêm các cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối 2 dự luật này.
*********************
Y án 18 tháng tù cho nữ tài xế chống BOT 'bẩn' Huệ Như (BBC, 29/07/2020)
Ngày 29/7/2020, Tòa án Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm bà Đặng Thị Huệ (thường được gọi là Huệ Như), nữ tài xế cũng được một số người ca ngợi là đấu tranh phản đối các BOT 'bẩn', với tội danh 'Gây rối trật tự công cộng'.
Nữ tài xế Huệ Như
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng Sáu, bà Huệ Như đã bị tuyên hình phạt 18 tháng tù giam. Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Huệ Như đã kháng cáo khẳng định mình vô tội.
Bào chữa cho bà Huệ Như có các luật sư : Đặng Đình Mạnh, Hà Huy Sơn, Lê Luân, Phạm Lệ Quyên và Lê Đình Việt. Bào chữa cho ông Bùi Mạnh Tiến có luật sư Lê Đình Việt.
Bà Huệ Như bị công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt giam tối 16/10/2019 cáo buộc "gây rối trật tự công cộng". Tối cùng ngày, công an khám xét nhà bà ở thành phố Thái Bình.
Trước đó, bà từng bị tạm giữ 12 giờ hôm 11/6 và bị thu giữ ô tô riêng.
Bà Huệ Như trong một lần bị công an bắt
Sau vụ việc đó, bà Huệ Như đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải do đồng ý để Công ty CP BOT Vietracimex 8 đặt trạm trên con đường đã hết hạn thu phí từ lâu và thu phí cho tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên.
Bà Huệ cũng đồng thời khởi kiện việc bắt giữ người trái phép, giữ xe và việc bị hành hung dẫn đến xẩy thai.
Truyền thông Việt Nam đưa tin UBND Thành phố Hà Nội và BỘ GTVT cũng nhiều lần kiến nghị để di dời, gộp trạm thu phí này với một trạm thu phí khác, vì những bất cập của BOT này. Tuy nhiên suốt từ năm 2016 tới nay chưa được giải quyết.
Trong một cuộc xô xát với cảnh sát hồi tháng 5/2019, có tin bà Huệ Như, khi đó đang mang bầu 5 tuần đã phải nhập viện cấp cứu sau khi bị an ninh thường phục tại trạm BOT đấm đá vào bụng, theo nguồn tin từ nhà hoạt động Võ Hồng Ly.
Huệ Như là ai ?
Huệ Như tên thật là Đặng Thị Huệ, sinh năm 1981.
Các vụ việc người dân đấu tranh phản đối các BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn đã diễn ra nhiều năm qua. Bà Huệ Như được coi là một trong những người tiên phong, 'truyền cảm hứng' cho phong trào đấu tranh chống BOT 'bẩn'.
Bà Huệ Như là nhân viên hành chính một trường tiểu học ở Thái Bình, đồng thời là mẹ đơn thân có hai con nhỏ. Bà nhiều lần tham gia phản đối các trạm BOT 'bẩn' cùng với tài xế Hà Văn Nam, người bị tuyên 30 tháng tù giam với tội danh "gây rối trật tự công cộng" hồi tháng 6/2019.
Bà Huệ Như từng nhiều lần livestreams về vụ việc sai phạm tại BOT Bắc Thăng Long trên đường Võ Văn Kiệt tại Hà Nội, và từng trả lời phỏng vấn các báo nước ngoài về việc này.
Trong một livestream ngày 7/5/2019, bà Huệ Như tiếp tục kêu gọi mọi người cùng chung tay đấu tranh phản đối BOT 'bẩn', đòi quyền lợi chính đáng cho mình, và khẳng định bà 'không quan tâm đến các mục đích chính trị.
"Tôi đòi hỏi quyền lợi cho tôi, không bị ai lựa chọn, kích động, xúi giục. Ai thấy đúng thì ủng hộ. Đừng gọi tôi là anh hùng. Ai có cách khác thì cứ ra đó tự đòi quyền lợi cho mình", bà Huệ Như nói trong livestream.
*********************
Cắt giảm phân nửa điện than để ưu tiên năng lượng tái tạo : thế bắt buộc ! (RFA, 28/07/2020)
Phát biểu tại một cuộc tham vấn nội bộ hồi đầu tháng này, Viện Năng lượng Việt Nam tiết lộ Kế hoạch Phát triển Năng lượng Lần thứ Tám (PDP8) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021.
Điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Bình Thuận, ảnh minh họa chụp năm 2019.- AFP
PDP8 quy định mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên trong nước và cho biết chính phủ Hà Nội có thể hủy bỏ 7 dự án điện than đã lên kế hoạch và hoãn 6 dự án khác cho đến sau năm 2030 hoặc 2035.
Cụ thể, PDP8 vạch ra một lộ trình phát triển cho từng loại phát điện đến năm 2030, với một tầm nhìn trực tiếp kéo dài đến năm 2045. Với nhu cầu năng lượng của Việt Nam được thiết lập hơn gấp đôi trong thập kỷ tới, kế hoạch này rất quan trọng đối với những nỗ lực của quốc gia trong việc kiềm chế khí thải carbon và sắp xếp con đường phát triển của đất nước với các mục tiêu khí hậu Paris.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương và Thương mại cho biết trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam sẽ không phát triển mạnh về điện than mà chỉ tiến hành phát triển các dự án đã được liệt kê trong PDP7 và PDP7 sửa đổi.
Trao đổi với RFA vào tối 28/7, Giáo sư - Viện sĩ - Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam đưa ra giải thích vì sao chính phủ Hà Nội đề ra kế hoạch năng lượng mới này :
"Một số công trình nguồn điện Việt Nam bị chậm so với kế hoạch. Chương trình điện hạt nhân đang bị đình lại, gây thiếu hụt khá lớn về nguồn điện. Tạm thời các nguồn điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong cân bằng điện năng của Việt Nam. Tuy nhiên nhà máy điện than gây tác động xấu về môi trường. Như vậy không thể bỏ ngay nhiệt điện than nhưng sẽ thực hiện kế hoạch giảm dần vai trò của nhiệt điện than trong cân bằng điện năng của Việt Nam. Thay vào đó sẽ ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo mặt trời và gió ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một kế hoạch hợp lý và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới".
Đồng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam ; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho biết thêm Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 55 vào đầu tháng 2 về chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và giảm dần nhiệt điện than một cách hợp lý.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ nội dung này vì những nguyên nhân sau :
"Nếu nhiệt điện than phát triển quá cao đi ngược chiều xu thế phát triển năng lượng của cả thế giới. Cả thế giới trong giai đoạn vừa qua đều giảm nhiệt điện than và đưa năng lượng mới tái tạo vào vì nhiệt điện than ảnh hưởng lớn nhất đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy hội nghị biến đổi toàn cầu phải giảm tỉ lệ điện than, không thì biến đổi cực đoan khí hậu toàn toàn cầu diễn ra cực kỳ phức tạp. Nên phải thay thế bằng năng lượng không gây ra khí nhà kín nữa là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Việt Nam tuân thủ cái đó nên nhiệt điện than phải giảm".
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng cho rằng nguồn vốn để làm nhiệt điện than hiện nay khó khăn bởi vì phải vay của World Bank và ADB. Trong khi đó 2 ngân hàng này ra rào cản kỹ thuật không cho vay vốn để phát triển nhiệt điện than nữa nên dù chính phủ muốn làm nhiều thì cũng không thể vay được, vì không có tiền làm nên phải giảm bớt.
"Phát triển nhiệt điện than thì số than phải nhập đến năm 2030 sẽ gấp đôi số mình hiện có. Việc nhập này rất phức tạp vì người ta chỉ bán trong 5 năm sau đó phải xem lại. Vì vậy chỉ được cấp trong 5 năm mà cả đời nhà máy 30 năm thì không ai ký được trong 5 năm. Vấn đề nhập than và vận tải cảng biển cũng không thể nhập nổi, phải giảm bớt đi".
Việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong chiến lược mở rộng năng lượng than của Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn nhất cho biến đổi khí hậu, tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua.
Cơ quan Năng lượng và Tái tạo Điện cùng với Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đưa ra Báo cáo triển vọng năng lượng của Việt Nam năm 2019 dự đoán năng lượng gió và mặt trời sẽ đánh bại điện than trong nước bằng giá thành. Cụ thể, vào năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ cho ra 20 GW và hơn 100 GW vào năm 2050.
Giáo sư Trần Đình Long nhận định :
"Mức độ giảm nhiệt điện than theo tiến trình thế nào còn phụ thuộc vào khả năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế. Theo tôi biết những chủ trương hiện nay của nhà nước thì việc phát triển năng lượng tái tạo mở ra những cơ hội khá lớn. Thực tế những năm vừa rồi, ví dụ với chính sách giá điện của nhà nước đã thúc đẩy khá mạnh mẽ việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là của điện mặt trời tại Việt Nam".
Còn theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, từ thực tế việc tạo ra năng lượng tái tạo trong một năm qua cùng với những nội dung kế hoạch được triển khai rõ ràng, việc phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay thế cho điện than là rất khả quan :
"Triển khai nằm trong tầm tay, không có gì khó. Tất cả điện than trong nước vẫn được sử dụng, những nhà máy đang xây dựng dở đến năm 2025 vẫn được tiếp tục xây dựng, không bỏ đi. Chỉ có tương lai bỏ đi chứ từ giờ đến năm 2025 người ta giảm bớt đi. Chỉ một năm vừa qua, chủ trương tư nhân hóa vào làm năng lượng gió, mặt trời phát triển quá nhanh, theo như Thủ tướng nói đề nghị có 8.000 MW của năng lượng mặt trời đem vào nhưng đã đem vào vận hành được 5.000 MW, tức bằng 5 nhà máy nhiệt điện than cỡ lớn".
Vẫn theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, hạn chế lớn nhất trong việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay là vấn đề truyền tải nhưng cũng sẽ sớm được giải quyết :
"Có những nhà máy dù có điện nhưng không thể truyền đi nên nhà nước đã cho tư nhân làm đường dây này, trước đây chưa bao giờ có. Độc quyền nhà nước là không ai được làm nhưng có chủ trương cho phép tư nhân được quyền đầu tư xây dựng đường dây tải điện này dù không được quyền quản lý, vẫn phải bàn giao cho công ty truyền tải và chia lãi".
Ngoài ra, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết trong quá trình làm còn diễn biến khác như chiếm nhiều đất, đi đường dây mới qua vùng này vùng kia… hiện vẫn đang chờ các địa phương nêu ý kiến thế nào, có gặp trục trặc gì nữa không.
Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) và Tập đoàn Môi trường Đổi mới và Phát triển Môi trường (GreenID) có trụ sở tại Việt Nam vào tuần trước đưa ra tuyên bố cho biết trong bối cảnh giá năng lượng sạch giảm mạnh cũng như những khó khăn trong tài chính và các mục tiêu khí hậu ngày càng được nâng cao, 13 dự án điện than sẽ khó được phục hồi một khi đã bị hoãn lại.
Với các ưu đãi chính sách mạnh mẽ, chính phủ Hà Nội đã quản lý để lắp đặt hơn 5 GW năng lượng mặt trời trong vòng chưa đầy ba năm, đồng thời cũng đã phê duyệt gần 12 GW dự án điện gió dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đầu năm 2021.