Điện gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo có chi phí sản xuất thấp và đã trở thành một trong những nguồn năng lượng thay thế phát triển với tốc độ nhanh nhất toàn cầu. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là định hướng của Việt Nam. Tuy vậy, khi phát triển năng lượng quốc gia đi kèm định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng thì càng cần thận trọng trong đánh giá lựa chọn đầu tư điện gió để giảm thiểu cái giá phải trả cho tương lai.
Điện gió và năng lượng sạch
Điện gió là điện năng được tạo ra bởi sức gió tác động làm quay tuabin điện gió. Chuyển động quay của tuabin này gắn với chuyển động quay của máy phát điện và tạo ra điện. Độ lớn cánh quạt, kích cỡ của tuabin và vận tốc gió sẽ quyết định tỉ lệ sinh ra điện. Điện năng tạo ra có thể hòa vào điện lưới quốc gia qua hệ thống truyền tải và phân phối điện tới đối tượng tiêu thụ.
Năng lượng tái tạo là lựa chọn bắt buộc của thế giới, khi nguồn nhiên liệu hoá thạch sử dụng để tạo ra năng lượng cạn dần, chi phí khai thác cao, và tạo ra khí nhà kính làm trái đất nóng lên. Các khí này chủ yếu gồm CH4, N20, đặc biệt C02 chiếm 80% tổng lượng phát thải và đây là một trong những mối quan tâm lớn nhất trong các thoả thuận chung về khí hậu toàn cầu, trong đó điển hình là hội nghị Paris - COP21, đòi hỏi các quốc gia chịu trách nhiệm về giảm thải khí nhà kính và hạn chế nhiệt độ trái đất tăng lên không quá 2 độ C trong thế kỷ 21.
Hội nghị Glasgow 2026 sẽ được vương quốc Anh tổ chức vào tháng 10-2021 để tiếp nối các vấn đề về biến đổi khí hậu. Yêu cầu về cam kết và đầu tư của các quốc gia về năng lượng sạch tiếp tục được đặt ra và các nước đang phát triển sẽ nhận được một phần vốn hỗ trợ để triển khai việc này. Trong báo cáo năm 2020 của IEA (International Energy Agency - Cơ quan năng lượng quốc tế) về đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu, các quốc gia đang phát triển cần tăng đầu tư năng lượng sạch hàng năm gấp bảy lần, từ dưới 150 tỷ USD năm 2020 lên hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030 để đưa thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net - zero emissions – Có thể hiểu đây là mức cân bằng lượng khí nhà kính và lượng khí đào thải ra khỏi khí quyền đạt mức bằng 0 bằng cả phương pháp nhân tạo và tự nhiên) vào năm 2050 .
Covid-19 đã ngưng đọng phần nhiều các hoạt động toàn cầu, qua đó cũng giảm khí thải. Lượng CO2 đã giảm 5,8% vào năm 2020, tương đương gần 2 Gt CO2 (2 tỉ tấn C02) - mức giảm lớn nhất từng có và lớn hơn gần 5 lần so với mức giảm năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dù vậy tổng lượng C02 toàn cầu năm 2020 vẫn ở mức 31.5 Gt. Dầu, than đá và khí đốt vẫn chiếm khoảng 80% nhiên liệu tạo ra năng lượng toàn cầu.
Việt Nam cần thận trọng với điện gió. Ảnh : Vận chuyển tuabin gió tại Lâm Đồng.
Khoảng 80% khí C02 thải ra từ hoạt động công nghiệp, vận chuyển và sản xuất điện do các hoạt động này sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong vận hành sản xuất như khí đốt, xăng, dầu. Đó là lí do các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang chuyển đổi mô hình sản xuất điện từ nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thuỷ điện sang điện gió, điện mặt trời và các công nghệ tái tạo hiện đại khác. Đáng chú ý là lượng lớn khí CH4 có phát thải từ thuỷ điện hay không đang là một đề tài nghiên cứu và tranh luận. Thủy điện hiện tạo ra khoảng 1.330 Gigawatt (Gw) và chiếm tỉ trọng lớn nhất trong năng lượng tái tạo với khoảng 60% tổng lượng điện tái tạo thế giới. (Số liệu 2020 từ IEA, Power - Technology, International Hydropower Association).
Đầu những năm 1980, điện gió đã phát triển tại Mỹ. Công suất tại California đã đạt 1.000 MW thời điểm đó. Năm 2020, tổng công suất của tất cả các trang trại điện gió trên toàn thế giới đạt 744 Gw, cả onshore - trên bờ - và offshore - ngoài khơi, đủ để tạo ra 7% nhu cầu điện của thế giới và góp phần giảm 1.1 Gt C02 (Theo Global Wind Energy Council - GWEC). Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C tới 2030, GWEC ước tính cần tổng cộng 2.526 Gw, ước tính mỗi năm cần tăng thêm 180 Gw. Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Đức, Tây Ban Nha là 5 nước sản xuất nhiều điện gió nhất, chiếm khoảng 68% tổng công suất điện gió toàn cầu. Ba nước đầu trong số đó cũng là ba quốc gia tiêu thụ điện nhiều nhất thế giới. Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu về tăng công suất sản xuất thêm 52 Gw năm 2020. Phần lớn việc sản xuất điện gió đều là các dự án trên bờ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu có 30 Gw điện gió ngoài khơi năm 2030. Công suất điện gió offshore khoảng 34,4 Gw toàn cầu, dẫn đầu bởi Vương quốc Anh và Trung Quốc lần lượt là 10,5 và 10 Gw.
Chi phí triển khai các dự án offshore cao hơn hẳn onshore. Chi phí khảo sát, móng, tuabin, vận hành sản xuất và bảo trì trên biển cao hơn đáng kể so với trên bờ. Dù vậy, chi phí sản xuất của onshore và offshore vẫn giảm dần, lần lượt đạt 5.3 cent kWh và 11.5 cent kWh. (Theo International Renewable Energy Agency, IRENA - Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế). Một so sánh: Điện tạo ra từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch có giá từ 5 cent -18 cent kWh.
Mặc dù vậy, công suất của các dự án offshore có thể lớn hơn hẳn onshore nhờ vào tốc độ gió. Theo nguyên lý công suất khả dụng tỷ lệ thuận với lập phương của tốc độ gió, thì nếu tốc độ gió ở ngoài khơi tăng gấp đôi trên đất liền, sẽ sinh ra gấp 8 lần sức quay tuabin gió. Qua đó gia tăng công suất tạo ra điện.
Nghị quyết 55-NQ/TW của Đảng cộng sản về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm nhiệt điện than, hạn chế việc triển khai thêm thuỷ điện và phát triển các nguồn năng lượng sạch khác, trong đó có điện gió. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 Gw so với tổng công suất hiện tại khoảng 60 Gw. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến hết ngày 3/8/2021 đã có 106 nhà máy điện gió gửi hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm và đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký COD của 106 nhà máy điện gió này là 5,655 Gw. Tính tới 22/7/2021 đã có 13 nhà máy điện gió với tổng công suất là 0,611 Gw đã vận hành thương mại. Tại Ninh Thuận, Dự án điện gió kết hợp điện mặt trời do công ty Trung Nam làm chủ đầu tư đang hoạt động với công suất dự kiến 10 tỉ kwh/năm, đang là tổ hợp có công suất cao nhất Việt Nam về hai hình thức sản xuất điện này. Bình Thuận và Ninh Thuận là 2 vùng có tiềm năng về năng lượng gió để phát triển. Bạc Liêu đang là địa phương có trang trại gió biển đầu tiên. Một số địa phương khác có dự án điện gió đang trong giai đoạn được phê duyệt chờ khởi công, hoặc đã khởi công là Vũng Tàu, Sóc Trăng, Quảng Trị, Đà Lạt, Cà Mau, Trà Vinh, Daklak.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII (Bộ công thương) đã đưa mục tiêu phát triển điện gió đạt trên 1,1cGw năm 2025. Tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên bờ của Việt Nam khoảng 42 Gw, ngoài khơi là 160 Gw. Nếu nhìn công suất kỳ vọng, thì điện gió đã đáp ứng tương đối mục tiêu. Nhất là Việt Nam có tài nguyên gió nhiều vùng với vận tốc 6m/s trở lên, rất phù hợp để làm điện gió. Nhưng chúng ta cần nhìn thật kĩ những Dự án có tác động môi trường lớn như điện gió. Lợi ích về năng lượng sạch không thể chối từ nhưng mặt ngược lại thì sao?
1. Những hạn chế chung mà thế giới đã nói về điện gió
- Phụ thuộc sức gió: Khi có bão có thể làm hỏng tuabin.
- Ảnh hưởng xấu tới đời sống của động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
- Tuabin có thể gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng thính giác.
- Xói mòn vùng đất lắp đặt tuabin. Vùng lắp đặt tuabin sẽ không có cây xanh tồn tại.
- Mỹ quan: Những tuabin khồng lồ sẽ ảnh hưởng đến các góc ngắm nhìn ra ngoài tự nhiên.
- An toàn: Những tuabin ngoài khơi có thể gây ra tai nạn cho tàu biển ban đêm.
Việc cấp bách là cần rà soát, và cho dừng ngay những dự án đang xé nát núi đồi để cắm cọc. Ảnh : Quảng Trị đang xẻ đồi để làm điện gió gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
2. Những điều Việt Nam cần đặc biệt thận trọng
- Địa lý Việt dài và hẹp. Mật độ dân số lớn, bao quanh bởi núi và biển, ở giữa là rừng. Việt Nam rất cần tự nhiên và cũng rất phụ thuộc vào tự nhiên. Các dự án điện gió để đạt các công suất đăng ký và theo quy hoạch, cần một diện tích lớn để triển khai, tập trung vào vùng Nam trung bộ (Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), Nam bộ và có thể Tây Nguyên. Mục tiêu và chức năng tự nhiên của Việt Nam là trở thành một nước công nghiệp, dịch vụ, thương nghiệp và hàng hải. Quỹ đất vốn hẹp, nhiều đồi núi, tính cả phần diện tích cho nông, lâm nghiệp, đất ở, nếu triển khai nhiều vùng điện gió sẽ chiếm một phần lớn đất sử dụng và phần đất đó chỉ có thể có các hoạt động như trang trại dưới các vùng lắp đặt. Chúng ta cũng mất luôn lợi thế của một quốc gia duyên hải để thiết lập các khu công nghiệp trải đều khắp lãnh thổ. Công suất sinh ra từ điện gió có thể không bù đắp nổi thiệt hại do mất đất cho điện gió. Làm điện gió ồ ạt có thể là thảm họa cho chúng ta.
- Hơn 3000 km chiều dài biển là tài nguyên giá trị nhất của Việt Nam. Và xây dựng khai thác các thương cảng lớn là tiềm năng thương mại khổng lồ cho đất nước. Vùng biển phía nam có diện tích khoảng 142.000 km2, lí ra phải nằm trong quy hoạch về thương cảng sẽ phải chia sẻ cho điện gió cùng những ảnh hưởng chưa lường trước được trong hoạt động khai thác thuỷ sản và môi trường biển khi cắm các tuabin khổng lồ vào lòng biển. Mất mát biển có khả năng nhiều hơn hẳn những gì thu được từ các tuabin gió!
- Tất cả những gì phát triển ở Việt Nam, kể cả con người, đều phải gắn với "cái đuôi" định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng. May mắn là tới 2020, dù dự kiến có 14 dự án offshore với công suất tới 30 Gw (ngang mục tiêu Mỹ), chính phủ Việt Nam vẫn đang dùng rào chắn về giá (8.5 cent kWh onshore và 9.8 cent kWh offshore) và cơ chế phân bổ công suất sản xuất offshore (2-3 Gw cho tới năm 2030) để chưa có dự án offshore nào khởi công (Mục đích chính trị là một đề tài khác). Tuy nhiên, các dự onshore đang tấp cập "dựng cọc" và triển khai. Thực tế thật đáng báo động: Việt Nam hiện đang không thiếu điện, hơn nữa, hệ thống truyền tải điện truyền thống chưa đồng bộ với hệ thống điện tái tạo. Việc cấp bách là cần rà soát, và cho dừng ngay những dự án đang xé nát núi đồi để cắm cọc. Việc nghiên cứu các công nghệ sản xuất điện khác như điện mặt trời, điện khí, điện từ sinh khối, cải tiến công nghệ sản xuất điện từ nhiên liệu hoá thạch, có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện sạch. Trên hết, cần một sự khảo sát nghiêm túc và chính xác trước khi phê duyệt đầu tư.
Các dự án báo cáo khả thi, dù trung thực về mặt kĩ thuật triển khai, cũng không hoàn toàn phản ánh trung thực về tác động môi trường. Đây là công việc của chính quyền. Các cơ quan quản lý quốc gia phải đánh giá và lựa chọn. Đảng cộng sản luôn "làm khó" việc phê duyệt dự án với đủ các tiêu chí kĩ thuật trên giấy, nhưng hầu như bỏ ngỏ việc thực tế thi công và kiểm soát các yếu tố môi trường khi đã cấp phép khởi công. Đầu tư vào năng lượng là việc tối quan trọng, cần một thể chế chính trị lương thiện, chính quyền cởi mở để đánh giá thật đúng các khía cạnh thiệt hơn dài hạn ở tầm vóc quốc gia chứ không phải nhiệm kỳ của Đảng như bây giờ.
Quốc Bảo
(25/8/2021)
Tòa tuyên hơn 40 năm tù giam đối với 8 thành viên nhóm Hiến Pháp (RFA, 31/07/2020)
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào tối ngày 31/7/2020 đã tuyên phạt 8 người trong nhóm Hiến Pháp tổng cộng 40 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc tội danh "phá rối an ninh" theo khoản 1, Điều 118 Bộ luật Hình sự 2015.
Nhóm 8 người thuộc nhóm Hiến Pháp tại phiên toà xét ở ở TP Hồ Chí Minh hôm 31/7/2020 - Pháp Luật
Cụ thể mức án đối với từng người là: bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - 8 năm tù giam và Hoàng Thị Thu Vang - 7 năm tù giam.
Các ông Đỗ Thế Hóa, Lê Quý Lộc và Ngô Văn Dũng mỗi người bị tuyên 5 năm tù giam.
Ông Trần Thanh Phương có mức án 5 năm 6 tháng tù, ông Hồ Đình Cương là 4 năm 6 tháng tù giam, riêng bà Đoàn Thị Hồng mặc dù có con nhỏ dưới 3 tuổi vẫn bị tuyên 2 năm 6 tháng tù giam.
Mỗi người đều sẽ bị quản chế tại nhà từ 2-3 năm sau khi trả xong án.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho 2 ông Trần Thanh Phương và Hồ Đình Cương, vào tối 31 tháng 7 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
"Nói chung vụ xử thì nó cũng bình thường thôi, chỉ có điều là cái quan điểm của cơ quan bảo vệ pháp luật nó khắt khe quá.
Trong hồ sơ thể hiện những người này thật ra đang chuẩn bị thực hiện quyền biểu tình của mình thôi, nhưng lại khép họ vào cái tội nặng hơn rất là nhiều là 'phá rối an ninh'.
Rằng là cái nhóm này dự định gây khó khăn, cản trở cho các công việc thường nhật của các cơ quan nhà nước, tổ chức v.v. và có thể tiến tới mục tiêu xa hơn là chiếm giữ các cơ quan này rồi tạo những hành vi bạo động bạo loạn gây rối, gây mất an ninh."
Theo vị luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, ông cho rằng những người này chỉ chuẩn bị biểu tình một cách chi tiết hơn những người khác thôi và những roi điện tự chế là do người khác đem tới sát ngày biểu tình và dự định chỉ dùng để tự vệ khi bị côn đồ tấn công.
Phiên xử được tuyên bố là công khai thế nhưng những người thân của các nhà hoạt động này hoàn toàn không được tham dự.
Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng vào chiều 31/7/2020 thuật lại vụ việc như sau :
"Tụi em không có gia đình nào được vào hết đó chỉ có mỗi người một luật sư được vào thôi còn người nhà không được tham dự, vợ con không ai được tham dự hết.
Họ nói là có giấy mời giấy triệu tập thì được vào mà có bao giờ họ gửi cho mình cái giấy nào đâu mà mình có.
Cái thứ hai nữa là họ nói là do COVID mà mình không nghĩ là COVID vì là an ninh với công an quá đông, cũng phải là mấy trăm người thì không lấy lý do là COVID được.
Họ chỉ nói là có giấy triệu tập thì được vào mà mình đâu có giấy đâu, rồi họ lùa hết, giống như là đàn áp, lùa đi hết ai mà không chịu đi, không kịp đi là họ xô đẩy đàn áp khủng khiếp".
Theo TTXVN, trong vụ việc có hai người là bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và bà Hoàng Thị Thu Vang giữ vai trò chủ mưu.
Sáu người khác có tham gia bao gồm bà Đoàn Thị Hồng, các ông Đỗ Thế Hóa, Trần Thanh Phương, Hồ Đình Cương, Lê Quý Lộc
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy kết cho rằng, đây là nhóm những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, thường xuyên tiếp xúc với các thông tin trên có nội dung xấu trên mạng xã hội.
Những người này bị cho là đã chia sẻ các video trên Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia vào các cuộc biểu tình chống luật Đặc khu và An ninh mạng hồi tháng 6-2018.
Cả 8 người đều bị cơ quan an ninh bắt giữ trước và sau ngày 2-9-2018 khi kêu gọi thêm các cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối 2 dự luật này.
*********************
Ngày 29/7/2020, Tòa án Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm bà Đặng Thị Huệ (thường được gọi là Huệ Như), nữ tài xế cũng được một số người ca ngợi là đấu tranh phản đối các BOT 'bẩn', với tội danh 'Gây rối trật tự công cộng'.
Nữ tài xế Huệ Như
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng Sáu, bà Huệ Như đã bị tuyên hình phạt 18 tháng tù giam. Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Huệ Như đã kháng cáo khẳng định mình vô tội.
Bào chữa cho bà Huệ Như có các luật sư : Đặng Đình Mạnh, Hà Huy Sơn, Lê Luân, Phạm Lệ Quyên và Lê Đình Việt. Bào chữa cho ông Bùi Mạnh Tiến có luật sư Lê Đình Việt.
Bà Huệ Như bị công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt giam tối 16/10/2019 cáo buộc "gây rối trật tự công cộng". Tối cùng ngày, công an khám xét nhà bà ở thành phố Thái Bình.
Trước đó, bà từng bị tạm giữ 12 giờ hôm 11/6 và bị thu giữ ô tô riêng.
Bà Huệ Như trong một lần bị công an bắt
Sau vụ việc đó, bà Huệ Như đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải do đồng ý để Công ty CP BOT Vietracimex 8 đặt trạm trên con đường đã hết hạn thu phí từ lâu và thu phí cho tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên.
Bà Huệ cũng đồng thời khởi kiện việc bắt giữ người trái phép, giữ xe và việc bị hành hung dẫn đến xẩy thai.
Truyền thông Việt Nam đưa tin UBND Thành phố Hà Nội và BỘ GTVT cũng nhiều lần kiến nghị để di dời, gộp trạm thu phí này với một trạm thu phí khác, vì những bất cập của BOT này. Tuy nhiên suốt từ năm 2016 tới nay chưa được giải quyết.
Trong một cuộc xô xát với cảnh sát hồi tháng 5/2019, có tin bà Huệ Như, khi đó đang mang bầu 5 tuần đã phải nhập viện cấp cứu sau khi bị an ninh thường phục tại trạm BOT đấm đá vào bụng, theo nguồn tin từ nhà hoạt động Võ Hồng Ly.
Huệ Như tên thật là Đặng Thị Huệ, sinh năm 1981.
Các vụ việc người dân đấu tranh phản đối các BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn đã diễn ra nhiều năm qua. Bà Huệ Như được coi là một trong những người tiên phong, 'truyền cảm hứng' cho phong trào đấu tranh chống BOT 'bẩn'.
Bà Huệ Như là nhân viên hành chính một trường tiểu học ở Thái Bình, đồng thời là mẹ đơn thân có hai con nhỏ. Bà nhiều lần tham gia phản đối các trạm BOT 'bẩn' cùng với tài xế Hà Văn Nam, người bị tuyên 30 tháng tù giam với tội danh "gây rối trật tự công cộng" hồi tháng 6/2019.
Bà Huệ Như từng nhiều lần livestreams về vụ việc sai phạm tại BOT Bắc Thăng Long trên đường Võ Văn Kiệt tại Hà Nội, và từng trả lời phỏng vấn các báo nước ngoài về việc này.
Trong một livestream ngày 7/5/2019, bà Huệ Như tiếp tục kêu gọi mọi người cùng chung tay đấu tranh phản đối BOT 'bẩn', đòi quyền lợi chính đáng cho mình, và khẳng định bà 'không quan tâm đến các mục đích chính trị.
"Tôi đòi hỏi quyền lợi cho tôi, không bị ai lựa chọn, kích động, xúi giục. Ai thấy đúng thì ủng hộ. Đừng gọi tôi là anh hùng. Ai có cách khác thì cứ ra đó tự đòi quyền lợi cho mình", bà Huệ Như nói trong livestream.
*********************
Cắt giảm phân nửa điện than để ưu tiên năng lượng tái tạo : thế bắt buộc ! (RFA, 28/07/2020)
Phát biểu tại một cuộc tham vấn nội bộ hồi đầu tháng này, Viện Năng lượng Việt Nam tiết lộ Kế hoạch Phát triển Năng lượng Lần thứ Tám (PDP8) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021.
Điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Bình Thuận, ảnh minh họa chụp năm 2019.- AFP
PDP8 quy định mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên trong nước và cho biết chính phủ Hà Nội có thể hủy bỏ 7 dự án điện than đã lên kế hoạch và hoãn 6 dự án khác cho đến sau năm 2030 hoặc 2035.
Cụ thể, PDP8 vạch ra một lộ trình phát triển cho từng loại phát điện đến năm 2030, với một tầm nhìn trực tiếp kéo dài đến năm 2045. Với nhu cầu năng lượng của Việt Nam được thiết lập hơn gấp đôi trong thập kỷ tới, kế hoạch này rất quan trọng đối với những nỗ lực của quốc gia trong việc kiềm chế khí thải carbon và sắp xếp con đường phát triển của đất nước với các mục tiêu khí hậu Paris.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương và Thương mại cho biết trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam sẽ không phát triển mạnh về điện than mà chỉ tiến hành phát triển các dự án đã được liệt kê trong PDP7 và PDP7 sửa đổi.
Trao đổi với RFA vào tối 28/7, Giáo sư - Viện sĩ - Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam đưa ra giải thích vì sao chính phủ Hà Nội đề ra kế hoạch năng lượng mới này :
"Một số công trình nguồn điện Việt Nam bị chậm so với kế hoạch. Chương trình điện hạt nhân đang bị đình lại, gây thiếu hụt khá lớn về nguồn điện. Tạm thời các nguồn điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong cân bằng điện năng của Việt Nam. Tuy nhiên nhà máy điện than gây tác động xấu về môi trường. Như vậy không thể bỏ ngay nhiệt điện than nhưng sẽ thực hiện kế hoạch giảm dần vai trò của nhiệt điện than trong cân bằng điện năng của Việt Nam. Thay vào đó sẽ ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo mặt trời và gió ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một kế hoạch hợp lý và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới".
Đồng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam ; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho biết thêm Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 55 vào đầu tháng 2 về chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và giảm dần nhiệt điện than một cách hợp lý.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ nội dung này vì những nguyên nhân sau :
"Nếu nhiệt điện than phát triển quá cao đi ngược chiều xu thế phát triển năng lượng của cả thế giới. Cả thế giới trong giai đoạn vừa qua đều giảm nhiệt điện than và đưa năng lượng mới tái tạo vào vì nhiệt điện than ảnh hưởng lớn nhất đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy hội nghị biến đổi toàn cầu phải giảm tỉ lệ điện than, không thì biến đổi cực đoan khí hậu toàn toàn cầu diễn ra cực kỳ phức tạp. Nên phải thay thế bằng năng lượng không gây ra khí nhà kín nữa là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Việt Nam tuân thủ cái đó nên nhiệt điện than phải giảm".
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng cho rằng nguồn vốn để làm nhiệt điện than hiện nay khó khăn bởi vì phải vay của World Bank và ADB. Trong khi đó 2 ngân hàng này ra rào cản kỹ thuật không cho vay vốn để phát triển nhiệt điện than nữa nên dù chính phủ muốn làm nhiều thì cũng không thể vay được, vì không có tiền làm nên phải giảm bớt.
"Phát triển nhiệt điện than thì số than phải nhập đến năm 2030 sẽ gấp đôi số mình hiện có. Việc nhập này rất phức tạp vì người ta chỉ bán trong 5 năm sau đó phải xem lại. Vì vậy chỉ được cấp trong 5 năm mà cả đời nhà máy 30 năm thì không ai ký được trong 5 năm. Vấn đề nhập than và vận tải cảng biển cũng không thể nhập nổi, phải giảm bớt đi".
Việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong chiến lược mở rộng năng lượng than của Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn nhất cho biến đổi khí hậu, tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua.
Cơ quan Năng lượng và Tái tạo Điện cùng với Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đưa ra Báo cáo triển vọng năng lượng của Việt Nam năm 2019 dự đoán năng lượng gió và mặt trời sẽ đánh bại điện than trong nước bằng giá thành. Cụ thể, vào năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ cho ra 20 GW và hơn 100 GW vào năm 2050.
Giáo sư Trần Đình Long nhận định :
"Mức độ giảm nhiệt điện than theo tiến trình thế nào còn phụ thuộc vào khả năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế. Theo tôi biết những chủ trương hiện nay của nhà nước thì việc phát triển năng lượng tái tạo mở ra những cơ hội khá lớn. Thực tế những năm vừa rồi, ví dụ với chính sách giá điện của nhà nước đã thúc đẩy khá mạnh mẽ việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là của điện mặt trời tại Việt Nam".
Còn theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, từ thực tế việc tạo ra năng lượng tái tạo trong một năm qua cùng với những nội dung kế hoạch được triển khai rõ ràng, việc phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay thế cho điện than là rất khả quan :
"Triển khai nằm trong tầm tay, không có gì khó. Tất cả điện than trong nước vẫn được sử dụng, những nhà máy đang xây dựng dở đến năm 2025 vẫn được tiếp tục xây dựng, không bỏ đi. Chỉ có tương lai bỏ đi chứ từ giờ đến năm 2025 người ta giảm bớt đi. Chỉ một năm vừa qua, chủ trương tư nhân hóa vào làm năng lượng gió, mặt trời phát triển quá nhanh, theo như Thủ tướng nói đề nghị có 8.000 MW của năng lượng mặt trời đem vào nhưng đã đem vào vận hành được 5.000 MW, tức bằng 5 nhà máy nhiệt điện than cỡ lớn".
Vẫn theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, hạn chế lớn nhất trong việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay là vấn đề truyền tải nhưng cũng sẽ sớm được giải quyết :
"Có những nhà máy dù có điện nhưng không thể truyền đi nên nhà nước đã cho tư nhân làm đường dây này, trước đây chưa bao giờ có. Độc quyền nhà nước là không ai được làm nhưng có chủ trương cho phép tư nhân được quyền đầu tư xây dựng đường dây tải điện này dù không được quyền quản lý, vẫn phải bàn giao cho công ty truyền tải và chia lãi".
Ngoài ra, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết trong quá trình làm còn diễn biến khác như chiếm nhiều đất, đi đường dây mới qua vùng này vùng kia… hiện vẫn đang chờ các địa phương nêu ý kiến thế nào, có gặp trục trặc gì nữa không.
Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) và Tập đoàn Môi trường Đổi mới và Phát triển Môi trường (GreenID) có trụ sở tại Việt Nam vào tuần trước đưa ra tuyên bố cho biết trong bối cảnh giá năng lượng sạch giảm mạnh cũng như những khó khăn trong tài chính và các mục tiêu khí hậu ngày càng được nâng cao, 13 dự án điện than sẽ khó được phục hồi một khi đã bị hoãn lại.
Với các ưu đãi chính sách mạnh mẽ, chính phủ Hà Nội đã quản lý để lắp đặt hơn 5 GW năng lượng mặt trời trong vòng chưa đầy ba năm, đồng thời cũng đã phê duyệt gần 12 GW dự án điện gió dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đầu năm 2021.